Sơn Nam Hải Bắc

Chương 1

Hè tháng bảy nóng nực, thời tiết khô rang.

Buổi chiều ngày hôm ấy, bầu trời vừa mới xanh thăm thẳm, mây tụ thành từng đám, mỗi lúc một nhiều thêm, tầng tầng lớp lớp dày đặc hạ thấp dần, bầu trời bỗng chốc tối sầm lại.

Đột nhiên, tiếng sấm đì đùng nổi lên, ầm ầm vang vọng cả một triền đồi núi vắng vẻ.

Mưa to như trút đổ xuống.

Kham San đang đứng nói chuyện với mấy người trên bờ ruộng vội vã đưa hai tay lên che đầu, nhanh chóng chào tạm biệt rồi chạy chối chết về phía dãy nhà thấp của Ủy ban thôn ngay dưới chân núi.

Được nửa đường, cô ta thấy trên con đường nhỏ phía trước có một người mặc áo khoác trắng che chiếc ô màu tím chạy về phía mình hô to: "Chị San, ở đây".

Kham San nhận ra là ai, cụt hứng chạy hai bước một đến đón, lách người vào trong chiếc ô.

"Ôi giời, nói mưa là mưa ngay được, may mà em mang theo dù đấy nhé".

Phủi mấy giọt mưa trên vai, Kham San nhìn về phía người vừa tới: "Em khám xong hết rồi đấy à?".

Trần Dật vừa một tay che chắn hòm thuốc trước ngực cho khỏi bị mưa ướt, vừa cúi đầu nhìn con đường ruộng nhỏ trơn trượt dưới chân, đáp: "Dạ chưa, em vừa mới khám xong cho thôn Đường Gia, thấy thời tiết bất thường nên về trước, thôn Thạch Tháp vẫn chưa đi".

Bởi vì vóc dáng của Trần Dật cao hơn Kham San một cái đầu, nên cô cố gắng nghiêng chiếc dù sang hướng cô ta, nước mưa phần lớn bị ngăn lại bên ngoài, còn đầu vai của cô, nhanh chóng ướt thẫm một mảng.

Mái tóc đen dài buộc đuôi ngựa tùy tiện sau gáy, mấy lọn tóc ướt nước lòa xòa rơi xuống trán, dính bết trên mặt trông có vẻ nhếch nhác.

Kham San liếc nhìn cô một cái: "Chị đã nói rồi, thôn Thạch Tháp xa lắm, núi lại ở bên kia sông. May mà em về sớm, không mưa lớn như vậy, khó mà xuống núi được".

Trần Dật gật đầu, hai người dán tay vào nhau núp dưới ô, rón rén đi về phía ủy ban thôn.

Bốn bề bao vây bởi núi đồi và nương rẫy nhấp nhô, trên núi có những rặng tùng Vân Nam và khuynh diệp, thỉnh thoảng bắt gặp một hai căn nhà gạch tường trắng ngói xanh nằm giữa bạt ngàn ngăn ngắt.

Hạt mưa dày đặc rơi xuống mái nhà, ruộng lúa, bọt nước văng tứ tung.

Trần Dật cúi đầu nhìn đường dưới chân, thi thoảng ngước lên ngắm cảnh đồi núi tĩnh mịch trong màn mưa trắng xóa.

Toàn bộ thế giới, chỉ còn lại tiếng mưa rơi.

+++

Làng Nhã Lý, một ngôi làng nhỏ tồi tàn nằm rìa Vân Nam và giáp ranh Tứ Xuyên, gồm dân tạp cư của nhiều sắc tộc khác nhau gộp lại - Hán, Tạng, Di, Hồi (*), diện tích gần 70km vuông, nhưng chỉ được chia ra thành 7 thôn hành chính, dân số chưa đến 15 nghìn người.

(*) Hồi - tức là người Trung Quốc theo đạo Hồi, đa phần sống ở phía Tân Cương.

Phía đông địa thế hơi bằng phẳng, chủ yếu là đồi núi thấp, phần lớn dân cư sinh sống ở đây. Phía đông đa số là rừng rậm, một vài nơi địa hình hiểm yếu, thậm chí ít có người lui tới.

Trong mười mấy năm qua, nghèo đói, lạc hậu và giao thông không thuận lợi đã làm thị trấn nhỏ này bị bỏ mặc trong xã hội phồn hoa có tốc độ phát triển chóng mặt, cũng biến nó thành "viên ngọc sáng bị vứt bỏ", trở thành một thứ đồ khác.

Hàng cấm - Heroin.

Khí hậu nơi này thuận lợi cho cây thuốc phiện sinh sôi nảy nở, một nơi lạc hậu mang tới lợi nhuận khổng lồ, nhưng cũng bởi vì nó, thôn Nhã Lý bị giam cầm trong vũng bùn thuốc phiện một thời gian dài.

Người ở đây, trồng thuốc phiện để hít, vì hít mà trồng thuốc phiện. Hít thuốc bán thuốc, lấy tiền bán để hít tiếp, một vòng tuần hoàn ác tính.

May mắn là, thời gian trôi qua, chính phủ mất rất nhiều công sức để cấm ma tuý, cấm trồng các loại cây thuốc phiện phi pháp trong phạm vi cả nước, bao gồm thôn Nhã Lý và rất nhiều nơi không thoát khỏi mối liên quan với thuốc phiện, thời đại dựa vào trồng thuốc phiện để làm giàu đã một đi không trở lại.

Băng rôn màu đỏ treo ở đầu đường cuối ngõ từ "giữ gìn sinh mệnh, tránh xa thuốc phiện", "Thuốc phiện một ngày không dùng, hàng cấm một ngày không có" trở thành "Nắm bắt cơ hội của lịch sử, vạch kế hoạch phát triển khoa học", "Nghiêm túc đẩy mạnh học tập giáo dục "hai học một làm"*, phấn đấu vì sự nghiệp nhân dân Trung Hoa chấn hưng lại Trung Quốc."

*Hai học một làm: Hai học: học điều lệ quy định của đảng cộng sản; học tập quán triệt tinh thần lời nói quan trọng của tổng bí thư Tập Cận Bình. Một làm: Làm Đảng viên gương mẫu.

Thuốc phiện để lại hậu quả, ngoại trừ giao thông bị trì trệ, trình độ giáo dục lạc hậu, còn có một đám con nghiện.

Không ai có thể đảm bảo rằng, thị trấn lạc hậu và kém phát triển này đã loại bỏ hoàn toàn thuốc phiện.

Nhưng ít ra, ngày càng có thêm nhiều chính sách được áp dụng để cứu vãn con người và vùng đất nơi đây.

Hiện đã là năm thứ ba Trần Dật đến làm việc cho trung tâm sức khỏe cộng đồng thôn Nhã Lý.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cô bị điều đến đây và

trở thành bác sĩ cơ sở.

Hai năm trước, sau khi cấp trên của trung tâm sức khỏe cộng đồng thôn Nhã Lý thiết lập thêm "cơ sở điều trị Methadone", Trần Dật đã chủ động xin thuyên chuyển đến phòng khám trị liệu, trở thành một trong những bác sĩ cơ sở chữa cai nghiện.

Do trung tâm sức khỏe cộng đồng không đủ nhân lực, cộng thêm cả Trần Dật cũng chỉ có tám bác sĩ, bảy y tá nên ngoại trừ liên tục thay đổi công việc trong phòng khám trị liệu, cô còn phải gánh vác cả việc nghiên cứu điều tra khám chữa bệnh cho những người già bản địa.

Hôm nay, cô kết hợp cùng y tá Kham San đến ba ngôi làng thuộc thẩm quyền phụ trách, tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng tháng cho những bệnh nhân lão niên mắc bệnh mãn tính.

Thiết bị kiểm tra sức khỏe cùng đồ nghề chữa bệnh được đặt tại văn phòng của ủy ban thôn Mộc Tử. Thông báo đã được phát cho các bí thư hoặc trưởng thôn từ sớm. Hai cô phải ở đó cả buổi để hoàn thành việc kiểm tra sức khỏe cho người già trong các thôn Mộc Tử, Đường Gia và Thạch Tháp.

Nhân khẩu ở ba thôn này không nhiều nhưng do địa thế phân tán. Nhất là thôn Thạch Tháp, nằm trên một ngọn núi, trước mặt là sông Đạt Ngõa, qua sông Đạt Ngõa phải đi cầu treo, đi bộ một đoạn đường núi mới có thể vào thôn.

Thôn Thạch Tháp chỉ có mười hộ gia đình, phần lớn là con cái của lao động ngoại tỉnh, trong nhà chỉ có mẹ góa con côi hoặc người già. Nhưng phần lớn các gia đình đều sinh sống ở các ngọn đồi khác nhau.

Công việc kiểm tra buổi sáng đã hoàn tất. Giờ cơm trưa, lúc đối chiếu lại danh sách người bệnh, Trần Dật phát hiện thôn Đường Gia và thôn Thạch Tháp có tám cụ không đến đúng hẹn. Hỏi qua người phụ trách các thôn mới biết, hầu hết mấy cụ này đi đứng bất tiện, hoặc nhà ở nơi khá xa. Suy nghĩ một lát, cô quyết định sẽ tự mình đến thăm.

Kham San cúi đầu gẩy cải thìa trong bát, khuyên mấy câu nhưng Trần Dật tỏ thái độ rõ ràng, vẫn muốn đi.

Kham San biết thuyết phục không được, lẩm nhẩm trong đầu: "Cứ tự mình thích khổ, đúng là đồ bướng bỉnh".

Vừa buông bát cơm xuống, Trần Dật liền mặc áo khoác trắng, xách hòm thuốc lên đường, để mặc Kham San sốt ruột ngồi đợi một mình trong ủy ban thôn.

Bí thư chi bộ thôn Đường Gia cảm kích dẫn cô vào trong thôn, qua qua lại lại, đến từng hộ gia đình, các cụ già nếp nhăn đầy mặt nước mắt vui mừng nói lời cảm ơn.

Hóa ra, cô đã đến rất kịp thời. Có hai cụ bị cao huyết áp, uống nhầm liều thuốc. Các cụ không biết chữ, trí nhớ lại không tốt. Cô kiên nhẫn dặn dò, lấy bút dấu ra, đánh dấu lên lọ thuốc của các cụ. Uống một viên là một vòng tròn, uống hai viên là hai vòng tròn.

Ông cụ chất phác tình cảm, cuối cùng nghẹn ngào khóc rưng rưng.

+++

Trở lại ủy ban thôn, thư ký Triệu chịu trách nhiệm tiếp đón thấy hai người nhếch nhác quay về, vội vã lấy ghế tìm khăn mặt.

Trần Dật lau tóc, trao đổi với thư ký Triệu. Nếu mưa vẫn không ngớt, cô sẽ để hôm khác đến đo huyết áp, hướng dẫn cách dùng thuốc cho mấy cụ bên thôn Thạch Tháp.

Người đàn ông trung niên trình độ văn hóa không cao, cũng không biết nói lời hoa mĩ, chỉ biết gật đầu xác nhận, xong nhắc đi nhắc lại: Thật sự là đã làm phiền bác sĩ Trần rồi, làm phiền bác sĩ Trần rồi.

Từ đây về thị trấn mất gần nửa tiếng đường xe. Nghĩ đến đường xá không dễ đi, thư ký Triệu lại sốt sắng tìm xe đưa hai cô về. Trong phòng chỉ còn lại hai người bọn họ.

Nói là văn phòng nhưng thực ra chỉ là căn nhà cũ một gian của thư ký Triệu. Đặc điểm chính của ngôi nhà là lớp ngói xanh trước mặt, tường trát bùn, dưới nền đất là lớp xi măng không bằng phẳng.

Trong góc nhà đặt một chiếc bàn văn phòng bằng gỗ cũ kỹ, trên bàn chất đống máy đo huyết áp và ống nghe.

Một chiếc đèn sợi đốt không lớn lắm treo dưới xà nhà, dưới đế hiện một mảng đen xì. Ánh đèn lờ mờ không mang đến cho căn phòng cũ kỹ này bao nhiêu ánh sáng nhưng lại khiến người ta cảm thấy yên tâm lạ kỳ.

Giống như chỉ cần phủ bóng xuống thì mặc cho bên ngoài mưa to gió lớn, trong lòng vẫn có thể bình thản vô lo.

Phơi chiếc áo khoác trắng ẩm ướt lên thành ghế, Trần Dật đưa mắt nhìn giờ, lôi chiếc khăn tay mang theo ra, bắt đầu lau sạch vết bùn đất dính đầy trên quần jeans và giày thể thao.

Kham San ngồi bên nghịch điện thoai, thi thoảng lẩm bẩm vì đường truyền quá kém, đăng nhập trò chơi mãi không được.

Một lát sau, cô ta bỗng ngẩng đầu lên, phát hiện Trần Dật đang ngẩn người nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ.

Theo bản năng, cô ta định lên tiếng phá vỡ bầu không khí không mấy tự nhiên này, nhưng vừa nhìn thấy vẻ mặt không mặn không nhạt của Trần Dật, cô ta lại không thể thốt ra nổi một chữ.

+++

Lúc Trần Dật vừa được phân đến thôn Nhã Lý, Kham San và mấy đồng nghiệp thân thiết khác thầm có cái nhìn không tốt về cô.

Cái nhìn không tốt đó không phải phủ định trình độ khám chữa bệnh của cô, mà họ cảm thấy, một cô gái trẻ trung xinh xắn sao có thể cam tâm tình nguyện ở lại một nơi heo hút rách nát, một năm bằng tám năm như vậy.

Nhà nước ra sức ủng hộ việc bồi dưỡng các chuyên viên y tế, giúp đỡ người dân vùng khó khăn. Vì nhân tài ở các cơ sở y tế khan hiếm nên kế hoạch bồi dưỡng cũng liên tục được tiến hành.

Trong đó quan trọng nhất, chính là chương trình định hướng bồi dưỡng miễn phí nhân tài ngành y.

Bình thường, chương trình này lấy điểm thi đầu vào khá thấp. Trong suốt quá trình học, toàn bộ chi phí ăn ở đều được nhà nước lo. Vả lại hàng tháng, mỗi sinh viên còn được nhận một khoản trợ cấp nhất định.

Điều kiện duy nhất là, sau khi tốt nghiệp sẽ phải tuân theo sự sắp xếp của nhà nước, đến chữa bệnh ở những nơi xa xôi hẻo lánh, từ ba năm đến mười năm hoặc lâu hơn thế nữa.

Trên có chính sách, dưới có đối sách.

Một bộ phận sinh viên được đào tạo miễn phí sau khi có bằng tốt nghiệp trong tay, sống chết không chịu đến cơ sở để công tác, tình nguyện tiêu tốn một số tiền bồi thường lớn để tháo gỡ hợp đồng.

Thôn Nhã Lý từng có nhiều sinh viên được đào tạo miễn phí như vậy. Họ công tác chưa được bao lâu đã dùng tiền "chuộc thân" sau đó rời đi, đến làm việc trong những bệnh viện lớn ở các thành phố khác rồi nhanh chóng thành công.

Vì thế, không chỉ có Kham San mà phần lớn các đồng nghiệp trong trung tâm sức khỏe cộng đồng đều vô thức cảm thấy, cho dù Trần Dật với tư cách là bác sĩ duy nhất được cấp bằng chính quy, nhận được ưu đãi hơn so với những người khác nhưng chỉ e cô khó có thể duy trì tuổi trẻ ở lại đây mà tâm can không rục rịch.

Trên thực tế, Trần Dật không chỉ yên ổn làm việc ở đây nhiều năm, mà cô còn chủ động xung phong tiếp xúc với người nghiện ở cơ sở điều trị Methadone, nơi mà không một ai muốn đến.

Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm thay đổi cái nhìn của mọi người đối với Trần Dật, cô trong mắt bọn họ vẫn không để lại chút ít ấn tượng lâu dài nào.

Ngoài công việc ra, mấy năm qua, không ít người đã giới thiệu đối tượng độc thân cho Trần Dật nhưng cô đều từ chối tất cả, mặc cho đối phương có điều kiện ra sao.

Kham San lớn hơn cô một tuổi, con trai đã sắp đi học mẫu giáo. Vậy mà Trần Dật 26 tuổi, vẫn bình chân như vại.

Theo như lời mấy y tá trẻ thì loại người này, ỷ vào bằng cấp khá hơn người khác một chút, tự cho là thanh cao, nghĩ mình vĩ đại.

Nhưng tất cả đều hết sức mâu thuẫn.

Bởi vì Kham San không chỉ một lần bắt gặp vẻ nhiệt tình và cố chấp đến ngạc nhiên của Trần Dật, giống như ngày hôm nay.

Làm cộng sự gần ba năm, đến giờ phút này, khi nhìn vào sườn mặt thanh tú điềm tĩnh ngược sáng của cô, Kham San bỗng có cảm giác, Trần Dật nhìn qua thì có vẻ hòa đồng, nhưng thực ra cô chưa bao giờ dung hòa vào thế giới của người khác.

Cô có vẻ ngoài thơ ơ, trầm mặc ít nói, lạnh nhạt với xung quanh. Bạn nói gì, làm gì, đánh giá cô ấy như thế nào, cô ấy đều không mấy quan tâm.

Trong lòng cô luôn có một nguyên tắc, không ai có thể lay chuyển.

Trần Dật đang ngẩn người ngắm nhìn, hoàn toàn không để tâm tới những suy nghĩ hỗn độn của đồng nghiệp.

Kham San khẽ lắc đầu, cúi đầu tiếp tục vọc điện thoại.

Một lát sau, thư ký Triệu châm một bình trà bưng vào, rót cho Trần Dật và Kham San mỗi người một chén.

Ông nói đã tìm được một chiếc xe tải, vừa hay buổi chiều phải chở thuốc lá sấy vào thành phố, tiện thể sẽ đưa hai cô đi.

Trần Dật nói lời cảm ơn, cầm chiếc chén sứ tráng men cũ kỹ trong tay, lẳng lặng cảm nhận hơi nóng mà nó mang lại.

Sau khi không còn thuốc phiện, vì hoàn cảnh địa lý khá đặc biệt, dân địa phương phát hiện gieo trồng thuốc lá cũng là một sự lựa chọn tốt. Tuy lời lãi không nhiều, nhưng cũng coi như là cánh cửa để sinh nhai.

Cuối tháng bảy, vụ mùa đầu tiên vừa mới thu hoạch thì bất ngờ gặp phải cơn mưa to. Không biết ít nhiều có ảnh hưởng gì sản lượng gieo trồng thuốc lá năm nay không.

Ngoài phòng, tiếng mưa rơi không mảy may thuyên giảm, thậm chí còn có xu hướng to hơn. Bên cạnh, Kham San và thư ký Triệu không biết nói chuyện gì, thi thoảng lại thầm thì cười lớn.

Giọt mưa to như hạt đậu rơi xuống tán cây ngoài cửa, phát ra những tiếng "tong tong", đối lập hoàn toàn với vẻ yên tĩnh bình thản trong căn phòng.

Trần Dật bưng chén trà đứng dậy, đi ra cửa.

Trong chiếc chén tráng men màu trắng, lá trà màu xanh nhạt hết chìm lại nổi, chầm chậm nở ra, hương trà nhàn nhạt tản

mát.

Nhấp một ngụm nước trà, Trần Dật ngẩng đầu, nhìn màn mưa róc rách chảy trên mái hiên.

Cô nhớ tới quê nhà xa xăm.

Cũng là một mảnh đồi núi không cao không thấp cùng những rặng thông Vân Nam xanh ngăn ngắt.

Nơi đó, có phải cũng đang mưa như thế này không?