Binh Lâm Thiên Hạ

Chương 708: Đạt được thỏa hiệp

Tin tức Triệu Vân dẫn quân công phá Thái Nguyên tương tự cũng được truyền đến đại doanh quân Hán, cả đại doanh tưng bừng nhộn nhịp, các tướng sĩ đều mừng rỡ như phát điên, Lưu Cảnh liền hạ lệnh khao tam quân, gϊếŧ lợn thịt dê, còn thưởng cho mỗi người một bình rượu, các tướng sĩ ăn no uống say, sĩ khí dâng cao, các đại tướng đều xin đi gϊếŧ giặc, muốn tấn công Tào doanh, lập thêm công mới, Lưu Cảnh chỉ cười mà không hứa.

Trưa nay, Lưu Cảnh đang thảo luận kế sách ứng phó với Quân Tào trong đại trướng, Tư Mã Ý cười nói:

- Đoán chừng Tào Tháo cũng được biết việc của Tịnh Châu, chắc hẳn lão hiểu dụng ý thật sự của chúng ta, để xem lão có biết điều nhượng bộ hay không để xoay chuyển tình hình nguy khốn hiện nay, ta phỏng chừng rất nhanh nữa Tào Thào sẽ phái người đến cầu hòa.

Lưu Cảnh cũng thở dài:

- Ý định ban đầu của ta chỉ là muốn dùng Tịnh Châu để đổi lấy Quan Lũng, chứ không muốn lấy Tịnh Châu, không ngờ quan phủ các quận Tịnh Châu đều tỏ thái độ ủng hộ quân Hán của ta, điều này làm ta có chút khó xử, nếu ta từ bỏ Tịnh Châu, chẳng phải sẽ khiến bọn họ thất vọng, cũng sẽ liên lụy đến bọn họ.

Tư Mã Ý khuyên nhủ Lưu Cảnh:

- Vấn đề của Tào Tháo chính là địa bàn chiếm cứ quá nhiều nhưng lại không có sự kiểm soát thực lực tương ứng, mới dẫn đến tình cảnh khắp nơi đều bị động như hôm nay, đây là vết xe đổ, Châu Mục phải rút kinh nghiệm, không được tham lam quá nhiều, không sát thực tế, còn về các quan viên kia, phần lớn có rất nhiều quan hệ với thế gia địa phương, bọn họ chưa chắc đã ủng hộ Châu Mục, chẳng qua là bất mãn với Tào Tháo mà thôi, ta nghĩ có Châu Mục ở bên như hổ rình mồi, Tào Tháo cũng không dám rửa sạch quan trường Tịnh Châu một cách quá đáng, nhiều nhất là mất bò mới lo làm chuồng, lung lạc thế gia Tịnh Châu, ổn định quan trường, Châu Mục không cần áy náy gì với bọn họ.

Lưu Cảnh cũng biết hiện hắn vẫn chưa thâu tóm được thực lực của Hà Đông, nóng vội trái lại sẽ làm hắn bị động, phải làm đến nơi đến chốn, dần dần từng bước, biết tiến thoái mới là vương đạo, Lưu Cảnh cười nói:

- Mặc dù như thế, nhưng khiến bọn họ thất vọng cũng làm ta áy náy trong lòng, đây là lẽ thường tình.

Tư Mã Ý suy nghĩ một lát lại nói:

- Nếu Châu Mục cảm thấy băn khoăn, có thể bảo Triệu tướng quân nói chuyện với bọn họ, xin bọn họ hiểu cho, đây không phải là muốn vứt bỏ bọn họ, như vậy bọn họ cũng sẽ tâm phục khẩu phục.

- Nói rất đúng, đây là biện pháp hay.

Hai người đang nói thì một tên thị vệ đứng ở cửa đại trướng bẩm báo:

- Khởi bẩm Châu Mục, Tào Tháo phái sứ giả đến, hình như là Trình Dục.

Lưu Cảnh và Tư Mã Ý liếc nhau một cái, Lưu Cảnh không nhịn được bật cười:

- Không ngờ lại phái quân sư tới đàm phán, xem ra Tào Tháo đúng là rất cấp bách rồi.

Tư Mã Ý vội nói:

- Để vi thần đi nói chuyện với y!

Lưu Cảnh gật đầu cười nói:

- Nhưng về lễ nghi vẫn cần, Trình Dục là người ta kính trọng, ta muốn đích thân tới tiếp đón y.

Trình Dục chỉ dẫn theo một tên tùy tùng đi qua cầu nổi đến, y đứng chắp tay, nhìn thế giới tuyết trắng xóa ở nơi xa, tuyết dày chừng một thước, thời tiết như vậy thì hai quân đánh nhau như thế nào chứ? Lưu Cảnh rõ ràng không có ý tấn công Trung Nguyên, chỉ là tạo áp lực thôi.

Lúc này cửa đại doanh mở ra, tiếng trống nhạc vang lên, Trình Dục hơi ngẩn người, quay đầu nhìn, chỉ thấy từng đội binh lính lễ nghi xếp thành hai hàng, mấy chục tướng lĩnh vây quanh Lưu Cảnh đi ra từ trong doanh trại, Trình Dục vội tiến lên thi lễ:

- Châu Mục đích thân ra đón, Trình Dục thật không xứng!

Lưu Cảnh chắp tay đáp lễ với hắn rồi nói:

- Trọng Đức tiên sinh là danh sĩ thiên hạ, nổi tiếng xa gần, Lưu Cảnh cũng kính trọng và ngượng mộ đã lâu, hôm nay tiên sinh đích thân đến đây, Lưu Cảnh sao dám vô lễ, mời tiên sinh theo ta vào doanh trướng.

Mặc dù Lưu Cảnh rất khách khí, nhưng ý tứ lại rõ ràng, hắn đích thân ra đón không phải vì Trình Dục là quân sư của Tào Tháo, mà vì kính trọng danh tiếng của Trình Dục, điều này làm cho Trình Dục rất cảm động, cũng có chút đắc ý, y vuốt râu cười nói:

- Châu Mục khách khí như thế, Trình Dục cung kính không bằng tuân mệnh.

Trình Dục đi theo Lưu Cảnh vào đại doanh quân Hán, chỉ thấy doanh trướng trong đại doanh ngay ngắn, mặt đất sạch sẽ, các binh lính đi lại có trật tự, hai ba người cũng xếp thành hàng, tuyệt đối không có lính hành quân đơn độc, từ những chi tiết này có thể nhìn ra quân Hán huấn luyện rất nghiêm chỉnh, không hổ là kình địch của Quân Tào.

Trình Dục âm thầm gật đầu, cùng Lưu Cảnh đi vào đại trướng trung quân, hai người ngồi xuống, Tư Mã Ý và Cam Ninh ngồi hai bên, không đợi Trình Dục cất lời, Lưu Cảnh liền dẫn đắt chủ đề trước, cười nói:

- Nghe tin sau trận chiến Xích Bích, tiên sinh không mưu quân sự nữa mà luôn phò tá việc chính vụ, ta cũng thấy đáng tiếc, mưu lược quân sự mới là sở trường của tiên sinh.

Trình Dục không rõ ý của câu này liền cười gượng gạo:

- Thừa tướng tuổi đã cao, chính vụ hàng ngày đều giao cho Phi công tử, mấy năm nay ta luôn phò tá Phi công tử.

- Ra là thế!

Lưu Cảnh lại hỏi:

- Tiên sinh thấy Phi công tử và Thực công tử, ai thích hợp làm Thế tử hơn?

Trình Dục ngẩn người, lập tức hiểu ra, Lưu Cảnh muốn nói đến vấn đề nối nghiệp của Tào Tháo, có lẽ muốn mượn lời của mình để truyền đạt đến Tào Tháo cái gì đó, y thản nhiên cười, không lộ thanh sắc:

- Đây là chuyện nhà của Thừa tướng, kẻ bề tôi không tiện hỏi nhiều.

- Cũng không đúng, Thế tử của Thừa tướng liên quan đến hưng vong của nước Ngụy, sao lại là việc nhà? Hơn nữa, tiên sinh chẳng phải đã sắp xếp cho Phi công tử chinh phạt Liêu Đông sao? Sao nói là không hỏi đến?

Nói đến đây, Lưu Cảnh thản nhiên nhìn Trình Dục, Trình Dục thầm kêu lợi hại trong lòng, không ngờ chuyện này lại bị Lưu Cảnh nhìn thấu, khó tránh Tào Tháo chỗ nào cũng bị động, Trình Dục vừa không thừa nhận, cũng không phủ nhận, mỉm cười hỏi:

- Ta nghe Thừa tướng nói, lần trước khi gặp mặt Châu Mục khuyên Thừa tướng lập Thực công tử làm Thế tử, lý do là sao?

- Thật ra Tào Phi là hạng người gì, Trình tiên sinh còn rõ hơn ta, gã sẽ không chỉ cam tâm làm một Ngụy công nho nhỏ, từ lợi ích của ta mà nói, ta chỉ mong sao gã phế truất Đương kim thiên tử, lập Ngụy thay Hán, sau đó ta sẽ có thể danh chính ngôn thuận kế thừa Hán thống, chỉ có điều như vậy thì Tào thị cách ngày diệt môn không xa nữa rồi, ta kính phục Tào Thừa tướng thống nhất phương bắc, có công với xã tắc, vì thế ta mới khuyên lão, đừng đi tiếp lên phía trước nữa, còn đi nữa tức là vực sâu vạn trượng, Trình tiên sinh là tâm phúc của Thừa tướng, cũng là tri âm của lão, nên khuyên Thừa tướng yêu quý thanh danh sau khi chết của mình, như vậy mới xứng với ơn tri ngộ của Thừa tướng, tiên sinh nghĩ sao?

Những lời này được Lưu Cảnh nói với vẻ rất thành khẩn, khiến Trình Dục cũng có chút hổ thẹn, quả thật y không lo nghĩ đến danh tiếng sau khi chết thay cho Tào Tháo, còn cực lực ủng hộ Tào Phi, cũng là vì lợi ích của mình, về điểm này y không bằng Tuân Du, Tuân Du trước sau không chịu tham gia vào cuộc tranh giành giữa Tào Phi và Tào Thực.

Trình Dục thở dài đáp:

- Lời vàng ngọc của Châu Mục, ta sẽ chuyển đến Thừa tướng, lần này ta tới đại doanh quân Hán là muốn bàn chuyện bãi binh giữa hai nhà, không biết

Không chờ Trình Dục nói hết, Lưu Cảnh đã cắt lời, khoát tay cười nói:

- Chính sự thì buổi chiều hãy bàn, giờ đã gần trưa rồi, ta phải tiếp đãi tiên sinh trước đã.

Ăn cơm trưa xong, Trình Dục nghỉ ngơi một lát, lúc này mới có người đến mời Trình Dục đi bàn chính sự, Trình Dục bước vào đại trướng nhưng lại không thấy Lưu Cảnh, chỉ có một mình Tư Mã Ý ở đây, lúc này y mới hiểu ra, Lưu Cảnh không đàm phán với y mà là Tư Mã Ý, Trình Dục liền gượng cười, mình đúng là hồ đồ rồi, Lưu Cảnh ngang hàng với Thừa tướng, sao lại đàm phán với mình chứ?

Trình Dục nghĩ thông điều này nên cũng buông xuôi, ít ra thì Lưu Cảnh cũng chịu đàm phán với y, đây là một khởi đầu tốt đẹp, y vội tiến lên chắp tay cười nói:

- Để Tư Mã quân sư phải chờ lâu.

Lúc hoàng hôn buông xuống, Trình Dục trở về tới Tào doanh, Tào Tháo lập tức sai thị vệ đi mời y đến đại trướng của mình, hai người ngồi xuống, Tào Tháo sốt ruột liền hỏi:

- Thế nào rồi?

- Tóm lại không để cho Thừa tướng phải thất vọng, ít nhất chúng ta đoán không sai, Lưu Cảnh chuẩn bị kết thúc chiến dịch này bằng cách đàm phán, chỉ là về chi tiết vẫn cần hai bên cân nhắc tiếp, đặc biệt một số điều kiện của hắn, ty chức lo Thừa tướng khó có thể chấp nhận.

- Nói thử xem, hắn có điều kiện gì?

Tào Tháo bình tĩnh hỏi.

- Một là về Tịnh Châu, Lưu Cảnh không muốn rút quân, kế đến Quân Tào rút quân từ Quan Lũng, lấy Đồng Quan làm ranh giới.

Sắc mặt của Tào Tháo rõ ràng tối sầm lại, điều kiện đầu tiên lão đã không thể chấp nhận, Lưu Cảnh muốn chiếm giữ Tịnh Châu, sao có thể? Lát sau, lão lạnh lùng hỏi:

- Còn gì nữa không?

- Còn nữa, đó là điều kiện về chính trị và kinh tế, có ba điều, một là xin Thiên tử phong hắn làm Hán vương; Hai là Thừa tướng phải bảo đảm Phục Hoàng hậu tuyệt đối an toàn, không được phế truất Phục hậu; Ba là hoàn toàn mở cửa buôn bán, mở rộng Trừng Thủy, khơi thông đường sông giữa Nhữ Thủy và Dục Thủy.

Tào Tháo chắp tay đi qua đi lại trong đại trướng, lúc này lão đã hoàn toàn bình tĩnh, trong ba điều kiện cuối của Lưu Cảnh thì hai điều đầu tiên về căn bản không thành vấn đề, điều một thì lần trước lão cho con trai Tào Thực đi sứ Thành Đô đã bày tỏ thái độ rồi, muốn sách phong Lưu Cảnh làm Vương, chỉ là bản thân Lưu Cảnh không đồng ý; Còn điều thứ hai, bảo đảm an toàn của Phục Hoàng hậu, lão cũng đã đồng ý với Lưu Cảnh lần trước khi rút quân khỏi Kinh Châu, cũng chỉ là lời cũ nhắc lại, mấu chốt là điều thứ ba, mở cửa buôn bác, khai thác đường thủy, điều này mới là quan trọng nhất, hai điều trước chẳng qua là để che dấu điều thứ ba.

Tào Tháo rất rõ tình hình sau khi mở cửa buôn bán, cũng hiểu rõ hậu quả khi tiền của Kinh Châu lưu thông ở phương bắc, trước đây Giang Đông chẳng phải cũng bị Kinh Châu bóc lột như vậy, lấy đi rất nhiều vật tư, đặc biệt là quặng sắt, sắt luyện hảo hạng đều đổ vào Kinh Châu, nếu như mình mở cửa giao dịch, có lẽ cũng sẽ bị bóc lột y như vậy.

Tào Tháo chần chừ không nói, lúc này, Trình Dục lại khuyên nhủ:

- Thật ra Thừa tướng cũng không cần quá lo lắng việc buôn bán, phương bắc không phải là Giang Đông, không dễ bị bóc lột như thế, hơn nữa mở cửa mậu dịch là việc của hai bên, vật tư phương nam tương tự cũng sẽ đổ về phương bắc, huống hồ Lưu Cảnh đã chiếm lĩnh được vùng Quan Lũng, đã không còn là Chư hầu phương nam nữa, hắn cũng phải suy xét cho phương bắc, vì thế vi thần nghĩ Lưu Cảnh đưa ra điều kiện thứ ba thực sự không phải là bóc lột phương bắc.

- Vậy ý của hắn là gì?

Tào Tháo quay đầu lại hỏi.

- Ty chức cũng đã thảo luận qua chuyện này với Tư Mã Ý, ý của Tư Mã Ý nói là Lưu Cảnh muốn thông qua mậu dịch để tăng cường giao lưu nam bắc, mở rộng qua lại với phương bắc, đặt nền tảng cho việc hòa hợp thống nhất thật sự của Thiên hạ sau này.

- Thì ra là thế!

Lúc này Tào Tháo mới chợt hiểu, tên Lưu Cảnh này quả nhiên là tài trí mưu lược kiệt xuất, hiểu được điểm này, sự lo lắng của Tào Tháo cũng biến mất, lão cũng ủng hộ nam bắc giao lưu hòa hợp, điều này phù hợp với tư tưởng thiên hạ của lão, về phương diện thống nhất nam bắc, Tào Tháo luôn là người khởi xướng tích cực, bất luận tương lai ai nắm giữ thiên hạ nhưng quan niệm chính trị của Tào Tháo lại không hề thay đổi.

Tào Tháo lại suy ngẫm một lát mới nói:

- Ba điều kiện cuối ta có thể đồng ý với hắn, nhưng hắn phải rút quân khỏi Tịnh Châu, điểm này không được hàm hồ, hai bên lấy sông Hoàng Hà và Đồng Quan làm ranh giới, vũ khí mang về kho, cho dân chúng nghỉ ngơi lấy lại sức.

- Vi thần hiểu, ngày mai vi thần lại đi đàm phán với Lưu Cảnh.

Qua ba vòng đàm phán, Lưu Cảnh và Tào Tháo cuối cũng đã đạt được thỏa hiệp, Tào Tháo công nhận việc Lưu Cảnh chiếm giữ Quan Lũng, quân Hán thì rút khỏi Tịnh Châu, hai bên lấy Hoàng Hà và Đồng Quan làm ranh giới, mặt khác, Tào Tháo biểu tấu lên Thiên tử phong cho Lưu Cảnh làm Hán Vương, bảo đảm an toàn của Phụ Hoàng hậu, đồng thời hai nhà Tào – Lưu mở cửa buôn bán, còn về việc khơi thông đường sông giữa Nhữ Thủy và Dục Thủy thì hai bên sẽ hiệp thương cụ thể.

Ngày thứ ba sau khi hai bên đi đến nhất trí, Lưu Cảnh và Tào Tháo lần lượt ký tên và hiệp nghị hòa giải, tạm thời chấm dứt cuộc chiến giữa hai bên kéo dài gần mười năm, các bên tự rút lui, bắt đầu nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe, nhưng cùng với sự mở rộng về phía tây của thế lực Giang Đông, quan hệ giữa Kinh Châu và Giang Đông bắt đầu xuất hiện sự rạn nứt.