Cho dù có 1 ngàn binh lính đến tiếp viện cho bắc thành và tây thành nhưng quân Tào càng lúc càng bị nhiều xe phá đâm vào tường thành. Phòng ngự đầu thành cuối cùng cũng bị phá, vẫn còn góc đông bắc, quân Giang Đông bị quân Tào đánh tan. Mấy trăm quân Tào chen chúc xông lên đầu thành, bọn họ nhanh chóng chiếm đầu thành mở ra một thông đạo.
Hoàng Cái dẫn theo hơn 1 ngàn binh lính chống đỡ quân Tào một cách khổ sở. Lúc này có một tên lính chạy đến thấp giọng bẩm báo:
- Hoàng tướng quân, góc đông bắc thất thủ rồi.
Hoàng Cái quay đầu nhìn lại chỉ thấy quân địch ở góc đông bắc không ngừng xông lên thành, có chưa đến 100 tên lính liều mạnh chống cự. Trong lòng Hoàng Cái nóng như lửa đốt, ông quát tên cấp dưới bên cạnh:
- Ngươi nhanh chóng dẫn theo ba trăm huynh đệ đến phòng ngự góc đông bắc!
Vừa dứt lời thì trong thành có tiếng kêu la thảm thiết, có lính vội chạy vào khóc lóc hô lên:
- Hoàng tướng quân, mấy ngàn quân Tào từ bến sông Tiêu Dao đang gϊếŧ vào thành!
Hoàng Cái chỉ cảm thấy đấu ong ong, rồi trở nên trống rỗng. Lúc này có hơn 10 gã thân binh đang nhìn ông chờ quyết sách. Hoàng Cái chậm rãi thở dài, vẻ mặt đầy chua xót, mặc dù liều chết chống cự nhưng Hợp Phì cũng bị thất thủ rồi.
Kế hoạch lúc đầu của Tôn Quyền là đợi cho thủy quân Kinh Châu đến rồi hai binh cùng hợp một chỗ. Do thủy quân Kinh Châu đi đường thủy, y dẫn theo 100 ngàn quân đi đường bộ, thủy bộ đồng tiến cứu Hợp Phì. Nhưng một phong thư cầu viện của Hoàng Cái lại tới, Tôn Quyền cũng biết tình thế Hợp Phì nguy cấp không thể chậm trễ nữa.
Y không đợi được thủy quân Kinh Châu đến nữa mà ngày đêm hành quân đến Hợp Phì. Đối với Tôn Quyền mà nói, Hợp Phì có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng trong bản đồ phía bắc Trung Nguyên. Chỉ cần thủ vững Hợp Phì, một khi Tào Tháo bị Lưu Cảnh đánh ở tuyến tây, bất cứ lúc nào y cũng có thể xuất phát về Trung Nguyên.
Ngược lại, nếu mất Hơp Phì, chỉ e trong vòng 10 năm Giang Đông cũng không thể dùng binh lên bắc. Có thể nói, cuộc chiến Hợp Phì có liên quan đến cuộc chiến trong tương lai của Giang Đông. Là một nơi an toàn hay là bắc đồ Trung Nguyên để từ đó thống lĩnh thiên hạ.
Chính vì sự quan trọng của Hợp Phì nên Tôn Quyền mới đích thân dẫn theo 100 ngàn đại quân lên bắc cứu viện cho Hợp Phì.
Một trăm ngàn đại quân dọc theo bờ đông Bỉ Thủy hăng hái hành quân lên bắc. Lúc này bọn họ còn cách Hợp Phì có 20 dặm chỉ cần đi một canh giờ nữa là đến. Trong lòng Tôn Quyền nóng như lửa đốt, mấy canh giờ trước y đã nhận được tin cầu viện của Hoàng Cái nói, quân Tào đã bắt đầu tấn công vào thành Hợp Phì trên quy mô lớn nhưng bây giờ lại không có tin tức gì, khiến Tôn Quyền đứng ngồi không yên.
Một trăm ngàn đại quân kéo dài hơn 10 dặm, chạy gấp trên đường bên bờ sông lớn, lúc này đã là canh tư, hai bên đường vẫn tối om, không một ngọn đèn, yên tĩnh lạ thường. Chỉ có tiếng hành quân dồn dập của đại quân lên bắc.
Bỗng nhiên có thị vệ chỉ về phía trước hô to:
- Tướng quân mau nhìn về phía trước, hình như có đội quân.
Tôn Quyền ghìm chặt chiến mã, dường như y đã nhìn thấy mấy dặm về phía trước có một đội quân đang gấp rút chạy về phía này. Tiếng vó ngựa xôn xao, lúc này Thái Sử Từ dẫn theo 3 ngàn nỏ binh tinh nhuệ của quân Giang Đông bố trí trận hình phòng ngự trên đường, 3 ngàn quân nỏ đang giương nỏ lạnh lùng nhắm về phía bắc.
Có một đội kỵ binh vội chạy lên trước tìm hiểu tình hình. Một lát sau, có lính về bẩm báo:
- Khởi bẩm chủ công, là Hoàng tướng quân và Lã tướng quân.
Tôn Quyền trầm xuống, y lập tức biết rằng Hợp Phì đã xảy ra chuyện. Một lúc lâu sau y mới ra lệnh nói:
- Dẫn Hoàng tướng quân đến gặp ta.
Rất nhanh, một đội kỵ binh dẫn Hoàng Cái tiến lên, cả người Hoàng Cái toàn là máu, trên người trúng mấy mũi đao, nhìn ông có vẻ kiệt sức, ông đi lên ôm quyền thi lễ nói:
- Ty chức có tội, không thể bảo vệ Hợp Phì, hổ thẹn với chủ công!
Quả nhiên là Hợp Phì đã thất thủ, trong lòng Tôn Quyền vô cùng chán nản. Một lúc lâu sau y mới thở dài nói với xung quanh:
- Dẫn Hoàng lão tướng quân đi trị thương!
Hoàng Cái vô cùng áy náy trong lòng, ông muốn nói gì đó nhưng rồi lại không thể mở miệng đành đi theo binh lính. Tôn Quyền bảo người tìm Lã Mông đến hỏi ông ta:
- Còn bao nhiêu quân đội?
- Khởi bẩm chủ công, còn lại hơn 2 ngàn người!
Tôn Quyền đau đớn vô cùng, 2 vạn người trấn thủ Hợp Phì mà chỉ còn lại hơn 2 ngàn người. Tổn thất quá thê thảm và nghiêm trọng nhưng số tổn thất vẫn đang tiếp tục tăng lên. Quan trọng Hợp Phì là nơi trọng yếu đã bị mất khiến y khó lòng mà chấp nhận được. Y trầm tư một lúc lâu sau mới không cam lòng hỏi:
- Quân Tào còn bao nhiêu?
- Khởi bẩm chủ công, quân Tào lúc đầu có hơn 5 vạn 3 ngàn người, nhưng qua đại chiến, bọn chúng cũng bị tổn thất 7-8 ngàn người, có lẽ bây giờ chỉ còn hơn 4 vạn người.
Lúc này, Lỗ Túc chậm rãi thúc ngựa lên phía trước nói:
- Tường thành Hợp Phì cao rộng, chúng ta cũng không mang vũ khí phá thành cỡ lớn, chỉ e khó mà phá thành, chi bằng rút về Giang Đông trước sau đó tình tiếp.
Tôn Quyền lắc đầu nói:
- Ta hao binh tổn tướng mất gần 2 vạn người, cứ như vậy mà về ta thực sự không cam lòng.
Lục Tốn ở bên cạnh hiểu được tâm tư của Tôn Quyền liền chắp tay nói:
- Khởi bẩm chủ công, vi thần cho rằng chúng ta vẫn có hy vọng cướp lại Hợp Phì.
- Ngươi nói tiếp đi!
Tôn Quyền lập tức trở nên linh hoạt.
Lục Tốn cười nói tiếp:
- Như Lỗ đô đốc nói, thành Hợp Phì tường thành cao rộng khó mà tấn công, nhưng Hợp Phì lại có một nhược diểm, chúng ta có thế nắm lấy nhược điểm này. Lã tướng quân chắc là biết nhược điểm này ở chỗ nào?
Nói đến đây, Lục Tốn liếc nhìn Lã Mông cười cười. Từ cuộc chiến Sài Tang năm đó, Lục Tốn dẫn binh chạy trốn trước khiến Lã Mông bị bắt. Quan hệ của Lã Mông và Lục Tốn vẫn không được tốt nhưng hai người không biểu lộ ra ngoài, chỉ âm thầm làm khó đối phương.
Tôn Quyền lại hỏi Lã Mông:
- Nhược điểm ở chỗ nào?
Trong lòng Lã Mông rất khó chịu, ý của Lục Tốn chính là ám chỉ họ phòng ngự không nghiêm cho nên mới bị quân Tào đột nhập vào bến sông Tiêu Dao, chỉ có điều không thể không trả lời Ngô hầu. Lã Mông chỉ khom người nói:
- Khởi bẩm chủ công, nhược điểm của Hợp Phì chính là bến sông Tiêu Dao, là một hồ nước không có tường thành, có thể trực tiếp qua hồ vào thành.
Lúc này, Tôn Quyền bỗng hiểu ý của Lục Tốn, y lập tức hỏi:
- Ý của Lục tướng quân là, có thể đợi cho thủy quân Kinh Châu đến, lợi dụng thủy quân Kinh Châu đến để đột phá bến sông Tiêu Dao?
Lục Tốn gật đầu:
- Ý của vi thần chính là như vậy!
Lỗ Túc ở bên cạnh vội la lên:
- Xin Ngô hầu hãy bình tĩnh, chúng ta đang tiếp viện cho Hoàng tướng quân chứ không phải phá thành. Chúng ta chuẩn bị không đầy đủ nếu thay đổi quyết định gấp gáp như vậy chỉ e bất lợi cho cục diện. Ngô hầu nên rút quân trước chuẩn bị chu đáo rồi hãy tấn công Hợp Phì.
Tôn Quyền đã có mưu mô với Hợp Phì từ lâu, làm sao có thể dễ dàng từ bỏ chứ? Y không nghe theo lời khuyên của Lỗ Túc mà hạ lệnh:
- Truyền lệnh của ta, đại quân tiếp tục lên bắc, đóng quân ở bên Tiêu Dao phía đông Hợp Phì!
Một trăm ngàn đại quân lại xuất phát, lũ lượt hướng về phía thành Hợp Phì. Một canh giờ sau họ đã đến bờ bến Tiêu Dao, phía đông thành Hợp Phì bắt đầu dựng trại trên một mảnh đất trống.
Trong doanh trại của quân Giang Đông hoàn toàn yên tĩnh, qua 1 ngày 1 đêm hành quân tức tốc, lính đã kiệt sức đang nghỉ ngơi trong đại trướng, còn quân Tào cũng vừa mới cướp được Hợp Phì cần phải ổn định lại, tạm thời không tấn công quân Giang Đông. Cả hai bên tạm thời ngừng chiến.
Trong doanh trại quân Giang Đông, Lục Tốn vội vàng đi đến trước đại trướng của Tôn Quyền nói với thị vệ:
- Xin hỏi Ngô hầu đã ngủ chưa?
Lúc này, có tiếng của Ngô Quyền trong đại trướng vọng ra:
- Mời Bá Ngôn vào!
Lục Tốn gật đầu với thị vệ rồi nhanh chóng bước vào. Trong đại trướng, Tôn Quyền đang đứng khoanh tay xem xét địa hình trên sa bàn. Đây cũng là công cụ tác chiến tiên tiến mà Giang Đông học tập Kinh Châu. Sau đại chiến Xích Bích, Tôn Quyền liền sai người làm sa bàn Giang Đông. Mấy trăm thợ thủ công mất 1 năm cuối cùng cũng làm thành công sa bàn toàn cảnh Giang Đông, bao gồm cả Kinh Châu và mấy nơi của Giang Bắc. Phía bắc xa xôi chính là Thọ Xuân, sa bàn dài khoảng 3 trượng, do 8 mảnh sa bàn nhỏ ghép lại, rất dễ để mang theo lúc hành quân.
Lục Tốn tiến lên thi lễ nói:
- Tham kiến Ngô hầu!
- Bá Ngôn có chuyện gì sao?
Tôn Quyền hỏi.
Lục Tốn gật gật đầu nói:
- Vi thần tuần tra doanh trại, phát hiện các tướng sĩ vì Hợp Phì thất thủ mà sĩ khí mê muội, nếu chúng ta muốn đánh thắng trận chiến này thì nhất định phải nâng cao sĩ khí, lòng quân.
- Ta cũng biết sĩ khí không phấn chấn, Bá Ngôn có cách gì hay không?
Tôn Quyền nhìn chằm chằm mà hỏi.
- Khởi bẩm Ngô hầu, cách để nâng cao sĩ khí rất đơn giản, chính là phải đánh thắng trước, như vậy sĩ khí sẽ lên cao. Vi thần có 1 kế, có thể đánh bại quân Tào.
- Kế gì, mau nói tiếp!
Lúc Tốn cười cười:
- Vừa rồi, vi thần đi thăm Hoàng lão tướng quân bị thương, ông ấy có nói cho vi thần biết. Kho lương thực của Hợp Phì chỉ còn hơn 3 vạn thạch, phần lớn lương thực đều được giữ ở Thọ Xuân. Nếu quân Tào định đánh lâu dài với chúng ta thì chắc chắn phải vận chuyển lương thực từ Thọ Xuân đến. Chắc sẽ rất nhanh được vận chuyển bằng đường thủy đến Hợp Phì. Vi thần nguyện mang một đội quân đi phục kích thuyền lương thực, cướp lấy Thọ Xuân.
Tôn Quyền cảm giác Lục Tốn vẫn chưa nói hết, lại hỏi:
- Bá Ngôn nói chưa hết?
- Vâng, Vi thần còn muốn nói, chỉ cần quân Giang Đông lên bắc đánh Thọ Xuân, tất nhiên quân Tào sẽ cho binh bảo vệ Thọ Xuân. Chúng ta sẽ tiêu diệt luôn đội viện quân này. Cho dù quân Kinh Châu không đến nhiều nhất một tháng quân Tào cũng sẽ duy trì không nổi mà rút quân.
Tôn Quyền nhìn chăm chú vào sa bàn lúc lâu. Thọ Xuân ở phía bắc Hợp Phì, lấy sự liên kết giữa Hợp Phì với Phì Thủy quả thực chỉ cần cắt đứt Phì Thủy thì lương thực từ Thọ Xuân sẽ không thể vận chuyển về Hợp Phì được. Đề nghị của Lục Tốn đúng là thượng sách. Tôn Quyền lại trầm tư một lát rồi hỏi:
- Nếu Bá Ngôn dẫn quân đi thì cần bao nhiêu quân?
- Vi thần cần 3 vạn người, 1 vạn người làm sáng, 2 vạn người làm tối. Binh lực của quân Tào không nhiều lắm, nhiều nhất cũng chỉ cần phái mười ngàn người lên bắc. Như vậy vi thần có thể nắm chắc tiêu diệt được hoàn toàn mười ngàn quân Tào này.
Tôn Quyền gật gật đầu:
- Ta giao cho ngươi 3 vạn người, Chu Thái tướng quân làm phó tướng, hy vọng các ngươi đừng làm ta thất vọng.
Lúc Lục Tốn hiến kế cắt đứt đường vận chuyển lương thực địch cho Tôn Quyền thì trên đầu thành Trương Liêu và Lý Điển cũng đang nhìn đại doanh của Giang Đông phía xa.
Lý Điển chỉ vào đại doanh của Giang Đông cười nói:
- Không ngờ Tôn Quyền lại đóng quân ở bến sông Tiêu Dao, có thể thấy bọn họ muốn qua bến Tiêu Dao vào phá thành, nhưng bọn họ không có chiến thuyền.
Trương Liêu lo lắng nói:
- Chắc là bọn họ trông chờ vào chiến thuyền viện quân Kinh Châu. Một khi thủy quân Kinh Châu đuổi tới, cũng phải có ít nhất là 300-400 chiến thuyền. Bọn họ lại chiếm ưu thế về binh lực, rất có thể chúng ta sẽ thủ không vững Hợp Phì nhưng vấn đề bây giờ, biết rõ kế hoạch của quân Giang Đông chúng ta lại không có cách nào.
- Phải có đối sách chứ!
Lý Điển quay lại nhìn chằm chằm vào Trương Liêu.
Trương Liêu gật đầu nói:
- Quả thực là có 1 đối sách, chính là quyết chiến với quân Giang Đông, lúc thủy quân Kinh Châu còn chưa đến hãy đánh bại quân Giang Đông.
- Nhưng nếu quân Giang Đông không muốn tác chiến với chúng ta thì sao? hoặc là họ cắt đứt đường vận chuyển lương thực của ta?
Lý Điển không nói thêm gì nữa, vấn đề này họ đã nghiên cứu từ lâu. Lương thực trong thành chỉ còn 3 vạn, dân thường cũng đều không đủ lương thực, mà ở Thọ Xuân lại có hơn 10 vạn thạch lương thực. Trương Liêu đã phái người đi Thọ Xuân giục chuyển lương thực, bây giờ e rằng quân Giang Đông đã biết điều này mà phái quân đi cắt đứt đường vận chuyển lương thực của họ rồi.
Trương Liêu thản nhiên nói:
- Chắc chắn là quân Giang Đông sẽ phát hiện ra chúng ta không đủ lương thực, cũng chắc chắn sẽ có người đề nghị cắt đứt đường lương thực của ta. Thậm chí, còn dụ chúng ta lên bắc, khiến cho thành trống, nhưng nếu chúng ta dự liệu trước thì có thể tương kế tựu kế.