Binh Lâm Thiên Hạ

Chương 28: Mới tới Võ Xương

Quận Giang Hạ là một quận quan trọng nằm ở phía đông Kinh châu, có Trường Giang rộng lớn chảy xuyên, mạng lưới sông ngòi ngang dọc, vận tải đường thuỷ hết sức tiện lợi, phía quận Giang Hạ là quận Trường Sa, bắc có quận An Lục, đông giáp quận Kỳ Xuân, từ Hạ Khẩu kéo dài tới Hán Thủy và trực tiếp tới Tương Dương, có vị trí chiến lược cực kỳ trọng yếu.

Quận Giang Hạ cũng là tiền đồn trong chiến đấu với quân Giang Đông, từ khi Tôn Kiên vượt sông công kích Lưu Biểu, quân Kinh châu và quân Giang Đông lập tức lao vào tranh đoạt chiến quanh Giang Hạ, cuối cùng Tôn Kiên bất hạnh tử trận nơi này.

Kể từ khi Tôn Sách phát động cuộc chiến tấn công Giang Hạ vào năm Kiến An thứ 4, quận Giang Hạ luôn ở trong trạng thái chiến tranh.

Trương Võ, Trần Tôn vốn là hào tặc của Kinh châu, khi bị quân đội của Lưu Biểu tấn công thua trận liền đầu hàng Lưu Biểu, Lưu Biểu bổ nhiệm hai người bọn họ làm Quân hầu, trú binh ở trung bộ huyện Dương Tân, lâu dần cũng không chú ý gì tới họ nữa.

Hiện giờ Tôn Quyền đã kế vị được một năm ở Giang Đông, cần kiến công lập nghiệp tạo uy vọng, ánh mắt Tôn Quyền liền hướng về Giang Hạ, nhưng do địa vị không vững chắc, hắn lo lắng một khi binh bại ở Giang Hạ sẽ nguy hiểm tới địa vị của hắn.

Trong lúc đang lo lắng thì đại tướng Lỗ Túc đưa ra một phương án, đó là khơi mào nội loạn ở Giang Hạ, chờ thời cơ, Trương Võ và Trần Tôn là đao phủ được Giang Đông châm ngòi.

Trương Võ và Trần Tôn đã chiếm lĩnh huyện Dương Tân, cướp bóc, tập trung binh lực tới hơn tám ngàn người, mà ba chục ngàn thủy quân Giang Đông được Lỗ Túc chỉ huy đóng quân ở hồ Bành Trạch, thèm thuồng nhòm ngó Giang Hạ, khiến thế cục Giang Hạ trở nên hết sức phức tạp.

Huyện Võ Xương là quận trì của quận Giang Hạ, trú binh hơn hai vạn người, đại tướng Hoàng Tổ trú đóng ở nơi này.

Ngoài ra, huyện Võ Xương còn là trung tâm thương mại của quận Giang Hạ, trên sông lớn, thương thuyền nối liền không dứt, chở đầy các loại vật liệu tới Võ Xương giao dịch, hầu như không bị ảnh hưởng bởi loạn Trương Võ, Trần Tôn.

Huyện Võ Xương tiếp giáp Trường Giang, cách Trường giang chỉ chừng một dặm, có một nhánh Tào hà (sông chuyên để vận chuyển lương thực) qua Trường Giang, thuyền thương nối đuôi nhau vào huyện thành, trao đổi mua bán ở đây.

Giữa trưa hôm nay, ba chiếc thương thuyền trọng tải chừng năm trăm thạch chậm rãi từ Trường giang rẽ vào Tào Hà, từ mực nước ở mép thuyền có thể nhận ra thương thuyền chở đầy hàng hóa.

Trên mũi thuyền giữa có một cô gái chừng mười một, mười hai tuổi, mặc dù còn thơ ngây nhưng đã có vóc dáng khá cao, để lộ ra dung mạo của một tiểu mỹ nhân.

Mặt nàng trái xoan, cằm hơi nhọn, trắng nõn nà, trong suốt như ngọc thạch, lông mày rất dài, rất đen, nhưng điểm xinh đẹp nhất lại là ánh mắt hơi ưu tư động lòng người kia.

Nàng đội một cái nón trúc được thiết kế cực đẹp, trên người có khoác một cái áo bào màu đỏ, bên trong mặc một chiếc áo da điêu màu đen, thắt lưng có đeo một chiếc y đái màu bạc, chân đi một đôi giầy da tinh xảo.

Người thiếu nữ này mang tới cho người xem một cảm giác đẹp rạng ngời, hông của nàng có đeo một thanh bội kiếm dài ba tấc, sau lưng có cung tên, khiến cho sự xinh đẹp mang theo một tia sát khí, làm cho người khác không dám đối mặt với nàng.

Cái biểu hiện thân phận, địa vị của nàng không phải là quần áo trên người, mà là một chiếc Hạnh Hoàng Kỳ màu đen hình tam giác, trên lá cờ có thêu một con cá chép màu vàng, đây là ký hiệu của Đào thị thương hành (hãng buôn Đào thị) ở Sài Tang.

Đào thị là vọng tộc ở Sài Tang, do buôn bán mà thành cự phú, thường hay giúp đỡ người nghèo nên có được uy vọng to lớn trong dân chúng, sức ảnh hưởng của gia tộc này không chỉ ở Sài Tang, mà ở cả Trường Giang. Chỉ cần ở khu vực Trường Giang nhắc tới cái tên Đào thị thương hành, không ai là không biết, không ai không hiểu.

Hãng buôn này có hơn tám trăm chiếc thuyền lớn, thuyền nhỏ có tới hơn ba ngàn chiếc, thuyền phu mấy ngàn người, lũng đoạn việc mua bán lương thực và muối ăn ở Trường giang. Gia chủ hiện giờ là Đào Thắng, lấy vợ họ Hoàng, chính là em gái của Hoàng Tổ, có quan hệ rất mật thiết với quan phủ Giang Hạ.

Chẳng qua gia tộc họ Đào không dựa vào thế lực địa phương mà biệt lập độc hành, cộng thêm sức ảnh hưởng lớn của Đào thị thương hành mà Đào Thắng trở thành khách quý của cả Tôn Quyền và Lưu Biểu.

Vào Tào Hà phải qua kiểm tra, bên trong Tào Hà đã có hơn một ngàn chiếc thuyền đang đợi, họ đang xếp hàng đợi kiểm tra vào thành.

Nhìn thấy thuyền có cắm cờ cá chép, thuyền bè hai bên rối rít tránh sang một bên, khiến cho ba chiếc thuyền đi lại rất tiện lợi, không cần xếp hàng mà trực tiếp đi tới chỗ trạm gác cuối sông.

Thủy thủy đoàn của các thương thuyền xung quanh rối rít thấp giọng nghị luận về cô gái đứng ở mũi thuyền:

"Mọi người nhìn xem, kia có phải là con gái của lão Đào không?"

"Rất có thể, ông nhìn nón trúc trên đầu cô ta mà xem, hình như có khảm bảo thạch, đang chiếu lấp lánh, lại còn bội kiếm và cung tên nữa chứ!"

Cô gái hồn nhiên không để ý tới tiếng nghị luận xung quanh, nàng đang tập trung tinh thần nhìn về phía đội quân thuyền đang tiến tới, thanh thế của đội quân thuyền này rất lớn, ước chừng mấy trăm chiếc chiến thuyền.

Lúc này, ở khoang sau lưng nàng có một nam tử trung niên chừng 40 tuổi bước ra, người này mặc cẩm bào màu trắng, mặt mũi gầy gò, ánh mắt trong suốt, râu đen ba chòm dài tới ngực. Hắn nhìn Thủy môn (cửa sông để vào thành) cách đó không xa, thấy sắp vào thành nên nhìn thiếu nữ cười nói:

"A Nhân, sắp vào thành rồi, vào khoang đi!"

Cô gái gật đầu một cái, nở nụ cười ngọt ngào, ngón tay của nàng chỉ về phía đội quân thuyền hỏi:

"Cậu, kia là đội thuyền gì vậy?"

Nam tử trung niên lúc này mới nhận ra trên sông có đội quân thuyền, hắn trầm ngâm một lúc, sắc mặt trở nên nghiêm túc, nói nhỏ:

"Đây chẳng nhẽ là thủy quân của Hoàng Tổ?"

"Không! Đó nhất định là viện quân của Tương Dương."

Một thiếu niên chừng 16, 17 tuổi từ trong khoang thuyền đi ra, người này thân cao tám thước, mắt hổ mày rậm, vóc người khỏe mạnh và khôi ngô, thắt lưng đeo một thanh bội đao sắc bén, cả người tràn đầy lực lượng.

Hắn nhìn đội thuyền cười lạnh nói:

"Một ngày nào đó, cháu nhất định sẽ tự tay thu lấy đội thuyền này để tăng cường quân uy."

Nam tử trung niên bất đắc dĩ cười khổ một tiếng:

"Chuyện ta hối hận nhất bây giờ là mang huynh muội cháu tới đây, nhất là cô nhóc này, vạn nhất xảy ra chuyện thì ta biết ăn nói thế nào với mẹ cháu?"

Cô gái thản nhiên cười nói:

"Cậu, chẳng phải anh cháu đã bảo đảm là, chỉ cần Lô mã chứ tuyệt không gây họa, Tứ ca, đúng không?"

Thiếu niên gật đầu:

"Cháu chỉ bày tỏ chí hướng thôi, sẽ không rước họa vào thân, cũng không ảnh hưởng tới đại sự của cậu."

Dừng một chút, thiếu niên lại lo âu hỏi:

"Cậu, viện quân Kinh châu đã đến, đương nhiên là sẽ đi đánh Trương Võ, Trần Tôn, trong khi đó Lô mã lại đang ở trong tay Trương Võ, vì sao chúng ta không trực tiếp tới huyện Dương Tân?"

Nam tử trung niên lắc đầu:

"Với thân phận hai người làm sao có thể gặp được Trương Võ, đợi lát nữa chúng ta gặp Tô công, bảo ông ấy phái người tới tìm Trương Võ đòi chiến mã, hai đứa cứ yên tâm đi!"

Lúc này, có một quản sự ở thương thuyền đi đầu hô to:

"Vào Tào Hà!"

Đến trạm gác trên Tào Hà, nam tử trung niên vội vàng nhìn huynh muội nói:

"Vào khoang đi! Vào Tào Hà sẽ có Đào quản sự ra giao thiệp, chúng ta không cần gây chú ý với người khác."

Hai huynh muội gật đầu, đi theo nam tử trung niên vào khoang thuyền, cô gái đi ở sau cùng, nàng dừng bước, quay đầu nhìn về phía đội quân thuyền trên mặt sông.

Đội quân thuyền lướt qua thương thuyền của họ, trên một con thuyền lớn, nàng dường như nhìn thấy một tướng quân thiếu niên cầm thương đang nhìn chăm chú vào bọn họ...

Lưu Bị suất lĩnh hai chục ngàn quân Kinh châu đi thuyền từ Tương Dương tới huyện Võ Xương, nhiệm vụ đầu tiên của họ là phải bảo vệ an toàn cho huyện Võ Xương, sau đó sẽ tiến vào trong huyện Dương Tân, tiêu diệt Trương Võ, Trần Tôn.

Trên thuyền lớn, Lưu Cảnh lặng lẽ nhìn đội thương thuyền dày đặc cách đó không xa. Lúc này, hắn đã mặc khôi giáp, đầu đội Ưng Lăng khôi, người khoác Ngư Lân giáp, tay cầm một cái ngân thương dài chừng hai trượng, tạm thời đảm nhiệm chức vụ Truân trưởng.

Lưu Cảnh rất thất vọng với lần xuất chinh này, vốn hắn định lợi dụng cơ hội này để lãnh giáo thuật cưỡi ngựa bắn cung của Triệu Vân, nhưng Lưu Bị lại quyết định đi thuyền, khiến kỳ vọng của hắn biến mất.

Cưỡi ngựa bắn cung là kiến thức cơ bản của người làm tướng, nhưng hắn lại không biết gì, đây là tâm sự lớn nhất của hắn.

Lúc này, Triệu Vân đi tới bên cạnh Lưu Cảnh, hắn biết Lưu Cảnh thất vọng nên khẽ mỉm cười nói:

"Luyện tập cưỡi ngựa bắn cung không có bí quyết gì, mấu chốt là luyện tập công phu hạ bàn, đông luyện tam cửu, hạ luyện tam phục. Năm mười bảy tuổi ta mới bắt đầu luyện tập cưỡi ngựa bắn cung, thời điểm khổ nhất là một tháng không xuống ngựa, ngoài ra còn phải khổ luyện quanh năm suốt tháng."

Lưu Cảnh yên lặng gật đầu:

"Đệ biết."

Triệu Vân nhìn hắn một cái, lại thành khẩn nói:

"Chuyện quan trọng bây giờ là thương pháp, ta dạy đệ mười ba thức thương pháp, đệ phải nhớ thật kỹ, sau đó tùy ý vận dụng trong thực chiến, sáng tạo ra điều của riêng mình. Muốn làm được điều này phải xem thiên phú, sư phụ ta truyền bộ thương pháp này cho hơn trăm tên học trò, nhưng chỉ có một mình ta luyện thành, đệ hiểu ý ta không?"

Lưu Cảnh hiểu ý của Triệu Vân, sư phụ chỉ là người dẫn nhập môn, quan trọng vẫn phải dựa vào mình tu luyện, Triệu Vân dạy thương pháp cho hắn, nhưng có được thành tựu thế nào phải xem ngộ tính của hắn rồi mới biết được.

Lưu Cảnh cười:

"Đệ cảm thấy bộ thương pháp này nhất định phải vận dụng với công pháp Lạc Phượng thì mới có thể phát ra uy lực thật sự."

Lưu Cảnh bây giờ mới biết sư phụ của Triệu Vân là Ngọc chân nhân ở Thường Sơn, xuất gia làm đạo sĩ ở Lạc Phượng sơn thuộc quận Thường Sơn, công pháp Lạc Phượng là do một mình ổng sáng chế, đến nay chỉ truyền cho bốn người, Lưu Cảnh hắn là người thứ năm. Chỉ qua điều này thôi cũng thấy tình cảm Triệu Vân dành cho hắn sâu nặng thế nào.

Triệu Vân nở nụ cười:

"Nói rất hay, nói tiếp đi."

Lưu Cảnh suy nghĩ một chút rồi tiếp tục nói:

"Ví như chiêu thức kéo gạt của tướng quân khi đánh Vu Cấm lúc trước, thương pháp lúc đó chính là kết hợp chiêu của hồi mã thương và chùy pháp, nếu chỉ dùng thương pháp thôi thì không có tác dụng gì, phải tập trung lực lượng đánh ra một chiêu, nửa đường lại thêm lực, đề cao tốc độ mới khiến Vu Cấm bị thua thiệt. Bây giờ đệ đã hiểu nhưng lại không biết cách dùng, đúng là khiến lòng chán nản."

Triệu Vân thầm khen Lưu Cảnh thông minh, nói hoàn toàn chính xác, ngộ lực của cậu nhóc này quả nhiên không bình thường. Hắn vỗ vai Lưu Cảnh một cái cười nói:

"Học võ quan trọng nhất chính là lĩnh ngộ, đệ nếu đã lĩnh ngộ được vậy thì cần phải có thời gian, thiên phú chỉ chiếm một phần, chín phần còn lại là khổ luyện, phải tích lũy nhiều năm mới có thể thành công. Đệ hãy dùng thời gian để chứng minh năng lực của mình đi!"

Triệu Vân dừng một chút lại nói:

"Thương pháp ta dạy đệ chẳng qua chỉ là những chiêu thức đơn giản, để cho đệ hơi thể ngộ trước, chứ không phải là toàn bộ chiêu thức. Mấy trăm chiêu thức còn lại từ từ ta sẽ dạy đệ."

Lưu Cảnh gật đầu:

"Đa tạ huynh trưởng!"

Hai người lại nói chuyện với nhau mấy câu, lúc này, Lưu Cảnh bỗng nhiên nhìn thấy ba chiếc thuyền của Đào thị thương hành, hắn chỉ cờ xí trên thuyền tò mò hỏi:

"Huynh trưởng đã từng gặp lá cờ tam giác kia chưa? Là ký hiệu của ai vậy?"

Triệu Vân nhìn một lúc rồi lắc đầu:

"Ta cũng chưa thấy bao giờ."

Lúc này, đại tướng Vương Uy từ từ tiến lên cười nói:

"Đó là lá cờ cá chép vàng của Đào thị thương hành ở Sài Tang, đệ nhất đại thương nhân ở Giang Nam. Lão gia chủ Đào Tuấn từng được triều đình phong làm Đình Hầu, có cống hiến rất lớn đối với quân phí của Kinh châu, ngay cả chủ công của chúng ta cũng phải cho Đào gia mấy phần thể diện, năm ngoái Tôn Quyền kế vị còn đặc biệt mời Đào Thắng tới làm khách quý."

Lưu Cảnh gật đầu, xem ra người tên là Đào Thắng kia rất thông minh, trợ giúp tiền lương cho Lưu Biểu để giữ địa vị của mình ở Kinh châu, sau đó lại mang tới lợi ích thiết thực cho Giang Đông, được Tôn Quyền mời làm khách quý, thương trường, quan trường đều được lợi, có cơ hội hắn phải đi thăm người này một chút.

Trong lòng hắn bỗng nhiên nghĩ tới Đào Uyên Minh đời sau (1) chính là người Sài Tang, chẳng lẽ ông ta chính là hậu nhân của Đào gia?

(1) Đào Tiềm (365 - 427), hiệu Uyên Minh, tự Nguyên Lượng, biệt hiệu là Ngũ liễu tiên sinh, người đất Tầm Dương, nay thuộc huyện Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, là một trong những nhà thơ lớn của Trung Quốc.

Xa xa đột nhiên truyền tới một tiếng hô to:

"Cập bờ!"

Mọi người nhìn về hướng tây, chỉ thấy đội thuyền bắt đầu chậm rãi đi vào bến tàu, đi thuyền ba ngày cuối cùng cũng tới huyện Võ Xương.