Mùa Nước Nổi

Chương 155

Đông qua hè lại tới, thời gian cứ vậy mà thấm thoát thoắt thoi đưa, cuộc sống là vậy, theo guồng quay của nó không đợi, không chờ một ai. Giờ Nghĩa đã 22 tuổi, đã lập nghiệp ở Hà Nội tròn 4 năm rồi. Kiến thức học được ở vườn ươm cũng hòm hòm, cậu chưa thực sự tự tin lắm khi bắt đầu việc khởi nghiệp theo kế hoạch mà mình đã đặt ra từ ngày đầu bước chân ra đi khỏi quê hương vì vốn tích lũy được chưa phải là nhiều, chỉ có kiến thức là tạm ổn mà thôi. Nhưng việc cần làm vẫn phải làm, bởi nếu cứ dằng dai nữa thì cái khó cũng không vì thế mà mất đi. Thế nên Nghĩa tính chuyện về quê lập nghiệp.

Tuyết “tiểu thư” vừa mới tốt nghiệp đại học xong. Đáng nhẽ như người ta, sau quãng thời gian dùi mài kinh sử, Tuyết phải mừng mới phải, nhưng từ ngày biết mình sắp nhận bằng tốt nghiệp, Tuyết cứ buồn buồn, một nỗi buồn không thể nói thành lời. Các lớp học ngoại khóa về kinh tế và quản trị doanh nghiệp mà cô và Nghĩa theo học mấy năm cũng đến hồi kết thúc. Cái buổi cuối cùng hôm đó, Nghĩa vẫn còn nhớ như in trong đầu, cho dù có bao nhiêu năm qua đi chăng nữa. Bạn Tuyết bình thường vẫn líu lo vui vẻ nói hết chuyện này đến chuyện khác. Ấy vậy mà cái buổi cuối cùng lại ngậm hột thị nặn mãi chẳng thở ra một từ nào. Nghĩa có phán đoán hay là bạn đến tháng, không muốn nói chuyện. Nhưng nghĩ kĩ lại thì chắc là chẳng liên quan, miệng dưới ngậm máu chứ miệng trên có bận cái gì đâu. Nhất định bạn phải có chuyện gì đó khó nói. Với Nghĩa, Tuyết đã và sẽ luôn luôn là một người bạn đặc biệt, người bạn bên cậu suốt mấy năm qua.

Nghĩa chờ Tuyết dắt xe ra khỏi cổng trung tâm ngoại khóa, thấy Tuyết định phóng xe đi mất thì Nghĩa gọi giật lại:

– Tuyết! Đứng lại tớ bảo cái này.

Tuyết phanh kít xe lại nhìn sang Nghĩa, đôi mắt muốn cũng không thể che được vẻ buồn phiền:

– Có chuyện gì không Nghĩa?

– Cậu có chuyện gì phải không? Hay là cậu giận tớ?

Giờ cũng đã muộn, hơn 10 giờ đêm, người cũng thưa thớt, Tuyết lắc đầu tránh ánh mắt nhìn lại của Nghĩa:

– Không! Tớ với cậu có gì đâu mà giận dỗi được cơ chứ.

Câu nói ẩn chứa tâm can của Tuyết về cái chuyện tình đơn phương của riêng cô, “có gì đâu”, ba cái từ ấy như ba cái dăm ghim vào trong tim Tuyết suốt bao nhiêu ngày tháng, thử hỏi cô có đau không? có buồn không? Nếu như là những ngày trước, cái dằm ấy nó ở mãi trong tim thì chỉ gây ra cái đau âm ỉ, nhưng giờ đây, cái ngày mà cô sợ nhất, ngày mình tốt nghiệp đại học, rồi mình phải đi tìm việc làm, có thể ở Hà Nội, cũng có thể ở một tỉnh xa lắc xa lơ nào đó chưa biết được, rồi Nghĩa về quê. Biết bao giờ hai đứa mới gặp lại nhau. Nghĩ đến hoàn cảnh đó thôi thì như rút cái dằm ra khỏi tim, nó đau đớn một cách ghê khủng khϊếp, làm tim cô nhỏ máu.

Thoáng thở dài trong tâm khi biết mình không làm điều gì để cô bạn giận, nhưng chắc chắn là Tuyết có chuyện gì đó còn giấu kín trong lòng, nhân hôm nay cũng là buổi học cuối cùng của khóa học, lại còn có một lý do vô cùng chính đáng khác là để chúc mừng Tuyết đã tốt nghiệp đại học. Nghĩa mở lời:

– Bọn mình đi uống rượu đi.

Tuyết buồn nhưng đôi mắt mở to nhìn Nghĩa trừng trừng như không tin vào những điều mà mình vừa nghe thấy, cơ bản là chưa bao giờ được nghe, hai đứa đến ngồi ăn một cốc chè ở vỉa hè thôi cũng chưa bao giờ nữa là:

– Uống rượu? Tớ có nghe nhầm không đấy?

Một khi chàng trai của chúng ta đã khó trả lời thì thường hay đưa tay lên gãi gáy, lần này Nghĩa gãi sột soạt như kiểu ngứa lắm:

– Hì hì hi!!!! Thật. Tớ mời, để kỷ niệm kết thúc khóa học, cũng là để chúc mừng cậu tốt nghiệp đại học. Mình đi thôi.

Thấy Tuyết chỉ mỉm cười mà không có ý phản đối, Nghĩa phóng con wave tầu đi trước, Tuyết dấn ga con Cup 82 đèn vuông theo sau.

Lòng vòng một đoạn ngắn, Nghĩa đậu lại một quán ốc luộc trong khu Đại học bách khoa, quán này đối tượng khách là sinh viên nên cũng bình dân, bên trong không rộng lắm nhưng vào buổi đêm như thế này, người ta bầy thêm mấy cái bàn nhựa, ghế nhựa ra vỉa hè, tận dụng làm chỗ ngồi cho khách ăn đêm.

Chọn một cái bàn đặt cạnh dưới một gốc cây bàng to, Nghĩa và Tuyết mỗi đứa một bên. Nghĩa gọi 1 bát ốc luộc, 1 đĩa hỗn hợp gồm xoài xanh, cóc, dưa chuột và 1 chai lavie rượu trắng. Nhìn thấy đĩa hoa quả, Tuyết tủm tỉm nhớ lại cái ngày cách đây cũng gần 4 năm, ngày đó cô mới chỉ là tân sinh viên trường kinh tế, mới đi học mấy tháng. Nhìn về phía bên trái qua bên kia con đường, Tuyết chỉ:

– Nghĩa còn nhớ chỗ kia không?

Theo cánh tay trần tròn lẳn có phủ một lớp lông mỏng dính mềm mại mầu nhàn nhạt của Tuyết, Nghĩa chỉ thấy những cột đèn nằm xen kẽ với các hàng cây trồng trên vỉa hè, ở chỗ đó hàng quán cũng đóng cả, chỉ có vài người lưa thưa qua lại, không có gì đặc biệt. Lắc đầu cậu nói:

– Tớ không nhớ, khu này tớ cũng hay qua đây làm. Hì hì hì, nhiều quá chẳng nhớ nổi.

Ngậm nụ cười mỉm lại, Tuyết châng hẫng vì tưởng Nghĩa cố tình đưa cô đến quán này để nhắc về một kỉ niệm xưa cũ, nhưng cô đã lầm, Nghĩa vô tư đến thành vô tâm. Một cái buồn man mát, man mát như cơn gió nhẹ giữa mùa hè. Nhắc lại cho Nghĩa nhớ, cũng là để chính mình được hoài niệm. Với cô, được trải nghiệm trong tình yêu đơn phương, được đau và xót trong nó đôi khi cũng mang lại cho cô những hạnh phúc nhất định:

– Là nơi tớ và cậu gặp nhau đầu tiên đấy. Nhớ không?

Trong đầu Nghĩa lẩm bẩm nhớ lại ngày đầu tiên mình gặp Tuyết là khi nào nhỉ, “ngày đầu tiên”, “khu bách khoa”, chợt cậu reo lên:

– “À, tớ nhớ rồi”, và cậu ngượng ngùng đến thẹn thùng, “Hì hì hì, hôm đó tớ móc cống ở chỗ đấy, rồi tớ …. Tớ …. Làm bẩn quần của cậu. Hì hì hì”.

Cũng may tên này vô tâm, vô tư chứ chưa phải là kẻ mất trí nhớ, Tuyết mỉm cười thật khẽ, đôi môi mọng đỏ hơi vểnh lên:

– Lần đầu tiên người ta biết cái mùi cống nó như thế nào. Giờ cứ nhắm mắt lại là ngửi thấy cái mùi đó. Khϊếp, kinh đến tận giờ.

Trong khi Nghĩa rót rượu ra 2 cái cốc thì Tuyết dùng tay nhón một miếng cóc đưa lên miệng, cô nhìn chằm chằm vào miếng cóc mà chưa đút nó vào trong miệng, cô nói một mình:

– Lại còn cóc nữa chứ, mấy hôm sau, cậu còn mang một túi cóc lên cho cả phòng. Hôm đó, lúc cậu về, bọn chúng tranh nhau dữ lắm cậu không biết đâu. Tớ cướp mãi mới được có mấy miếng rồi mang lên giường trùm trăn ăn, chỉ dám cắn từng miếng nhỏ một vì sợ hết. Nghĩ lại thật vui.

Chắc các bạn vẫn còn nhớ, hồi đó, Nghĩa vẫn coi Trang như bạn gái của mình, túi cóc mà cậu mua lên phòng ký túc xá hôm đó là để làm quen với tất cả mọi người. Nghĩa không hỏi Tuyết xem tình hình Trang dạo này như thế nào, nếu theo lẽ thường thì Trang cũng vừa mới tốt nghiệp xong. Từ ngày biết Trang và Toàn là một cặp và khi mình đã có bạn gái là Thủy Tiên, Nghĩa không chủ động hỏi thông tin của Trang bao giờ, thỉnh thoảng về quê mới nghe nói hoặc gặp thoáng qua, biết Trang vẫn khỏe là Nghĩa yên tâm thôi.

– Nào, tớ chúc mừng cậu tốt nghiệp đại học, cũng chúc mừng luôn tớ và cậu tốt nghiệp khóa học ngoại khóa.

Cầm ly rượu từ tay Nghĩa, Tuyết không dám thở mạnh vì mùi rượu phà vào mũi cô làm nó phồng đỏ lên, Tuyết chưa uống rượu bao giờ. Hai đứa chạm mạnh một phát làm vài giọt rượu lóng lánh rơi ra bên ngoài xuống đúng cái bát ốc vặn nóng hổi ở bên dưới:

– Cạch! Uống!.

Nói mạnh mồm vậy thôi, Tuyết chỉ dám nhấp một tí cho đầu lưỡi mình chạm rượu, còn Nghĩa thì cũng có một ngụm nhỏ xíu trôi vào trong cuống họng. Cả hai đứa lấy ăn và nói chuyện là chính, rượu chỉ là cho có.

Lấy cái kim băng đựng trong bát nước trắng, Tuyết khéo léo khều một con ốc ra rồi nhúng nó vào bát nước chấm rồi cúi miệng xuống đón lấy miếng ốc để nước chấm không bị rơi ra. Lưỡi cô thò ra ngoài một đoạn nhỏ xíu vừa đủ chỗ cho con ốc nằm gọn lọn trên đó rồi mới thu về mang theo con ốc. Ngậm miệng vào nhai thật khẽ, thật chậm để cảm nhận vị ngon của ốc, vị chua cay mặn ngọt của nước chấm.

Nuốt xong con ốc, Tuyết nói tiếp:

– Cậu dự định khi nào về quê?

Nghĩa cũng ăn ốc nhưng không kiểu nữ tính giống như Tuyết, ốc là món ăn đối với người quê như cậu chả xa lạ gì. Chẳng qua là cũng lâu rồi không được ăn, với lại món ăn này rẻ nên mới chọn nơi này thôi:

– Tớ chưa ấn định được thời gian cụ thể, nhưng chắc là trong năm nay thôi. Việc học ở vườn ươm cũng hòm hòm rồi, tớ đã nói chuyện với bác chủ và bác ấy cũng đồng ý cho tớ hoàn thành việc học.

Chuyện này đương nhiên Tuyết biết cả, chỉ là vẫn giấu chuyện cô chính là con gái rượu của bác chủ vườn ươm chưa cho Nghĩa biết. Cô gật đầu hỏi tiếp:

– Thế cái VietGap mà cậu bảo thì thế nào? Nghe nói là sắp được áp dụng rồi phải không?

– Ừ, bác Tập bảo chỉ năm sau là được áp dụng trên cả nước. Tớ đã nắm đầy đủ kiến thức về VietGap rồi. Khi nào được áp dụng là mình chính thức triển khai thôi. Nhờ có VietGap tớ mới tự tin về quê đấy, chứ nếu không thì cũng không biết thế nào.