Hẳn các bạn vẫn còn nhớ, Nghĩa đón Tết năm ngoái buồn như thế nào, đó là cái Tết trong tiếng dị nghị của bà con xóm giềng. Tết năm nay khác nhưng còn buồn hơn bởi không khí tang tóc bao trùm trong căn nhà. Người dân trong làng, trong xóm vẫn nườm nượp đến hỏi thăm gia đình, giúp được cái gì thì giúp nhưng chẳng ai nở lấy một nụ cười. Bà con thường an ủi cô Tươi rằng chồng cô mất cũng là một sự giải thoát khỏi khổ ải trần gian. Hơn một năm qua ông sống mà gần như đã chết, nằm yên bất động và vô cảm.
Đối với gia đình cô Tươi nói riêng, ông Bừng say sỉn hơn 2 chục năm qua rồi liệt giường hơn 1 năm, ông không có đóng góp vào kinh tế gia đình, nhưng có thế nào đi chăng nữa, ở quê, người đàn ông vẫn trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa về mặt tinh thần cho những người còn lại. Hơn thế nữa, kể cả ông Bừng có nằm một chỗ thì cô Tươi vẫn gọi là còn chồng, hai đứa con Nghĩa – Nhài vẫn gọi là có cha. Nhưng nay đã khác rồi.
Thôi, chuyện ông Bừng khép lại tại đây, cuộc đời ông nếu riêng rẽ cũng có thể viết nên thành một câu truyện nào đó đáng để suy ngẫm phải không? Tôi và các bạn, những người được nghe kể lại về ông đều có cách nhìn nhận của riêng mình. Tùy theo góc nhìn mà đánh giá ông là người như thế nào. Có người sẽ nói ông là kẻ bạc nhược, yếu đuối khi chỉ biết mượn rượu để giải quyết vấn đề của mình, ông là kẻ mà thời hiện đại thường gán cho cái danh xưng: “đầu đội sừng chân đạp vỏ”. Nhưng, nếu nhìn ở một góc độ khác, cũng có người sẽ nói ông là một người đàn ông vị tha, một người cha tốt trong một khía cạnh nào đó, biết dằn cái tôi của mình và hy sinh cho người khác, nếu không, cái gia đình 4 người trong xóm Bãi đã tan nát ngay từ khi nó vừa mới bắt đầu rồi.
—-
Đêm đã về khuya, Nghĩa lang thang ra mép sông Hồng, nơi có túp lều của chú Lãm, cũng là một phần tuổi thơ của mình với biết bao kỷ niệm vui buồn. Dù có đi xa đến mấy, con sông quê hương vẫn không bao giờ ngừng chảy trong lòng cậu. Mỗi lần gặp khó khăn, gặp trở ngại, gặp những nỗi vất vả truân truyên của cuộc đời, cậu đều nghĩ về dòng sông quê mình. Mỗi lần như thế, dòng sông như truyền cho cậu sức mạnh vô hình, làm mát trong tâm hồn mà vượt qua tất cả.
Chưa đến nơi, tiếng gió sông quen thuộc đã vi vυ't rít lên trong kẽ tóc hòa lẫn với tiếng đàn nhị buồn thê lương phát ra từ căn lều nhỏ. Nghĩa lẳng lặng ngồi xuống bậc thềm của túp lều rồi nhìn ra sông. Mới chỉ là đêm mùng 2 Tết, mọi người chắc vẫn còn nghỉ nên dòng sông vắng lặng hẳn đi, chỉ thỉnh thoảng lắm mới có một con thuyền nào đó thả trôi tự do theo dòng nước, chỉ có mái chèo là định hướng nó đi đúng theo những luồng nước mà thôi.
Đã ai từng ngắm sông lúc đêm chưa nhỉ, nó yên tĩnh và mênh mông lắm. Tiếng gió và tiếng đàn nhị hòa làm một như bản hòa tấu về quê hương đất nước. Một nhà thơ nào đó đã từng nói: “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, đúng, Nghĩa đang buồn vì mới mất cha, vì những dự định hoài bão của mình chưa thực hiện được thì người cha đã ra đi, ấy thế nên, cũng tiếng gió này, tiếng đàn này hôm nay sao nghe nó buồn đến vậy, bản nhạc này như kéo dài thêm cho bản nhạc hiếu mấy hôm vừa rồi.
– Đêm rồi còn ra đây làm gì? Sao không ở nhà mà nghỉ đi, mấy hôm rồi cháu có ngủ tẹo nào đâu.
Nghĩa ngoảnh lên đầu lên phía bên trên nhìn chú Lãm, cũng không định đứng dậy mà vẫn ngồi yên ở đấy nhìn về phía sông:
– Chú kéo bài gì mà cháu chưa nghe bao giờ?
Vừa bước xuống cầu thang, chú Lãm vừa thở dài vừa nói:
– Chú cũng chẳng nhớ mình vừa kéo bài gì nữa.
Đến khi chú Lãm ngồi cạnh Nghĩa ở bậc thang đầu tiên, hai chân chạm xuống đất thì cũng là lúc cả hai người đàn ông đều không nói thêm một câu gì nữa cả. Nếu ngày xưa, Nghĩa chưa biết chú Lãm và mẹ là một đôi thanh mai trúc mã, chưa biết chị Nhài chính là con đẻ của Nghĩa thì lại đi một nhẽ khác, rất vô tư. Nhưng nay đã khác.
Qua lời kể lại của cô Tươi, chú Lãm cũng biết là Nghĩa đã biết hết sự thật câu chuyện, thế nên chú cũng chẳng vô tư được như trước nữa. Nếu cũng hoàn cảnh này trước đây, hai chú cháu đã thao thao bất tuyệt nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời rồi. Có lẽ cả hai đang chờ đối phương mở lời trước.
Mãi một lúc lâu sau, Nghĩa mới hít một hơi thật sâu để mở lời trước cho câu chuyện mà cậu định làm rõ với chú Lãm:
– Chị Nhài ……………..
Chỉ mới vừa nói ra được 2 tiếng đó thì chú Lãm đã vỗ vai Nghĩa ngắt lời:
– Nghĩa! Đừng nói nữa.
Từ lúc biết chuyện đến nay, trong lòng Nghĩa vẫn phân vân không biết xử trí chuyện này ra làm sao. Có nên để chị Nhài nhận lại bố đẻ của mình không? Cậu biết, chị Nhài giận chú Lãm lắm, giận người cha bao nhiêu năm cận kề mà không nhận con. Chị chưa gọi chú là bố bao giờ. Nếu như bố Nghĩa còn sống cơ, thì chuyện này có lẽ nên để thư thư vì nếu làm vậy sẽ là cú sốc đối với bố. Nhưng nay bố đã mất rồi, chị Nhài cũng có quyền nhận lại người cha đẻ này. Đó là suy nghĩ từ phía Nghĩa.
Nhưng đối với chú Lãm, với cô Tươi thì có suy nghĩ khác, bởi dù sao họ cũng lớn tuổi rồi, hiểu được cái được, cái mất, cái giá phải trả nếu sự việc này được phơi bầy ra trước bàn dân thiên hạ.
– Tại sao vậy chú?
Chú Lãm thở dài, có lẽ buổi đêm nên Nghĩa cũng không thể biết được ánh mắt chú đỏ hoe khi phải làm điều mà mình không muốn. Có người đàn ông không gia đình, không con cái nào lại không muốn nhận lại đứa con gái ruột của mình cơ chứ. Chú phải làm vậy bởi chú nghĩ cho cô Tươi, giữ cho cái vùng quê này được yên ổn không phải bàn ra tán vào những chuyện không phải với lẽ thường:
– Chuyện trước nay như thế nào, cứ giữ như thế đi. Có những thứ không nên nói ra vẫn hơn. Người trong cuộc biết với nhau là được rồi. Cháu hiểu không?
Nghĩa lờ mờ hiểu ra vấn đề:
– Nhưng còn chị Nhài, chị ấy ………..
Chú Lãm lại vỗ vai Nghĩa không cho nói tiếp:
– Chú biết. Rồi đến một lúc nào đó. Nhài sẽ hiểu.
Gió sông Hồng vẫn thổi, nhiều con sóng nhỏ gom lại thành một con sóng lớn đập vào bờ làm bọt nước trắng xóa bay hẳn lên cao. Sông muôn đời vẫn vậy.
—-
Nhài nằm cạnh mẹ ở trong buồng. Phong tục ở quê là mỗi khi có người chết thì người ta sẽ đốt hết tất cả quần áo và vật dụng của người đó, kể cả chiếc giường nằm. Nhưng đó là đối với nhà có điều kiện thôi. Cô Tươi cũng đem đốt hết vài vật dùng giản đơn của ông Bừng, chỉ duy có chiếc giường là giữ lại, vì nó vẫn còn khá tốt. Hai mẹ con nằm trên đúng chiếc giường đó.
Mấy ngày hôm nay, lo việc tang nên cũng chưa có điều kiện mà nói được chuyện gì với con gái, đứa con mà vì cô đã vấp phải biết bao nhiêu tủi nhục đắng cay. Đặt tay lên trán nhìn vào bóng đêm, cô Tươi biết con gái mình vẫn chưa ngủ, tiếng thở của nó vẫn ngắt quãng.
– Mẹ xin lỗi!
Không nghe tiếng con gái trả lời làm cô Tươi đã buồn càng buồn hơn. Cô tự cho mình đã đẩy con gái đến hoàn cảnh này, cô áy náy, ân hận và day dứt lắm. Cô nói thêm như để giảm bớt nỗi oán hận bản thân mình:
– Vì mẹ mà ………..
Nói đến đây, cô Tươi thấy bả vai mình nặng trĩu, thì ra Nhài đã gối đầu lên vai cô rồi dấm dứt khóc thút thít:
– Mẹ đừng nói thế. Con có giận gì mẹ đâu. Con chỉ …………. thương mẹ thôi.
Cô Tươi khóc theo con, cô như đã trút được gánh nặng ngàn cân trong lòng mình bấy nhiêu năm nay. Bao nhiêu đêm cô không ngủ vì thương con, nhớ con, vì lo lắng cho con. Giờ nó đã về đây rồi. Ôm ghì con vào trong lòng mình, cô Tươi òa khóc:
– Hu hu hu!!!!! Con gái của mẹ.
Người ta nói, mẹ và con gái là “đầu chấy áo rận” quả không sai, cùng là thân phận phụ nữ, lại gần gụi nhau từ nhỏ nên có muốn giận nhau cũng chẳng bao giờ được lâu. Nhài đã lớn, cô có đủ sự hiểu biết để phân biệt được đúng sai, để phân tích được sự việc do đâu mà ra. Cô hiểu được tại sao mẹ phải làm như thế với mình.
Hai mẹ con ôm nhau một lúc lâu cho thỏa nỗi lòng. Rồi mãi mới rời tay nhau ra, cô Tươi hỏi con gái về một chuyện khác:
– Hôm đám ma bố, mẹ thấy có cái anh đeo kính và đứa bé gái. Là bạn con à?
Nhài giẫy nẩy:
– Không, là chủ nhà trọ của em Nghĩa đấy.
– Thế sao mẹ thấy đứa bé nó quấn con thế? Với lại nhìn cái anh chàng đeo kính quan tâm con. Có phải là ………..
Nhài phải ngắt lời mẹ bằng cách nhéo nhéo vào bắp tay mẹ:
– Không phải, làm gì có chuyện đó.
Mười người nhìn vào thì cả mười đều biết là anh chàng đeo kính có tình cảm gì đó với Nhài. Là mẹ, cô Tươi đương nhiên phát hiện ra điều đó không có khó khăn gì:
– Mẹ thấy anh chàng đó hiền lành, lại có lòng tốt về tận đây phụ giúp gia đình lúc gặp chuyện thế này. Nếu chỉ là chủ nhà trọ đơn thuần thì người ta về làm gì. Mẹ có hỏi thằng Nghĩa nên biết được hoàn cảnh của anh ta gà trống nuôi con. Mẹ bảo này, con cũng lớn rồi, nếu có tình cảm với người ta thì cũng nên mở lòng mình ra để tìm hiểu cho có ngọn có ngành. Biết chưa.