Mùa Nước Nổi

Chương 99: Chiếc cúc áo mầu xanh nõn chuối (2)

Không thấy chồng có phản ứng gì, Tươi lại như một người điên, cô chạy ra ngoài buồng, vượt qua mặt hai mẹ con Cẩm Tú rồi chạy ra sân, phi ra cổng. Đứng ở ngoài sân nhìn theo bóng cô Tươi tất tưởi vừa chạy vừa hô:

– Bớ làng nước ơi! Thằng Nghĩa nhà tôi được minh oan rồi. Bớ làng nước ơi, thằng Nghĩa nhà tôi không phải là thằng ăn trộm. Bớ làng nước ơi, đến nhà tôi mà nghe người ta nói đây này. Bớ làng nước ơi.

Cô Tươi chạy đến từng nhà, từng nhà, cô chạy ra cả ngoài ruộng để kêu hết những người dân xóm Bãi cho thỏa nỗi lòng chất chứa bao tháng nay. Ai đã từng sống ở quê mới hiểu, cái tiếng xấu nó vang xa lắm, nó có sức mạnh kinh khủng biết nhường nào, nó có thể làm một người đang yên đang lành bị mang tiếng xấu sẵn sàng uống thuốc sâu, treo cổ, nhảy sông, nhảy giếng mà tự tử.

Rồi người dân xóm Bãi, cả người trong làng nghe tiếng cũng ùn ùn kéo đến nhà Tươi, báo hại mẹ con Cẩm Tú giải thích minh oan cho Nghĩa đến xùi bọt mép. Chỉ tội anh lái taxi phải chờ đến tận chiều muộn mới đón được mẹ con Cẩm Tú về lại Hà Nội.

Về đến Hà Nội cũng hơn 7 giờ tối. Mẹ con Cẩm Tú về thẳng xóm trọ cũ của Nghĩa luôn. Ở tại đó, thông qua chị Mận làm trung gian, mẹ con Cẩm Tú cũng giải thích căn kẽ tường tận câu chuyện hiểu lầm vừa qua cho mọi người nghe. Không cái gì lật nhanh bằng chính suy nghĩ của con người. Vừa mới đây thôi, những người trong xóm trọ, những người quê của Nghĩa còn dùng toàn bộ vốn ngôn ngữ của mình mà nói Nghĩa thế này, Nghĩa thế kia. Ấy vậy mà khi vừa mới được minh oan, chính mồm họ thốt ra: “Đấy, tôi đã bảo mà, thằng Nghĩa nó ngoan, chắc là bị hiểu lầm gì đó thôi” – “Lần sau thì đừng có vội phán xét người khác nhé” – “Tội nghiệp thằng bé”.

Vậy đấy các bạn ạ, sau cơn mưa trời lại sáng, sự thật đã được phơi bày cho toàn bộ bàn dân thiên hạ được biết, Nghĩa đã được minh oan, trong con mắt của mọi người, Nghĩa đã trở lại lợi hại hơn xưa. Vẫn là một chàng trai thật thà, chăm chỉ, cần cù, thông minh. Giờ lại còn thêm tiếng là trọng nghĩa, trọng tình, thương người, vị tha, nhân hậu nữa chứ.

Chỉ có duy nhất một người là vẫn chưa biết chuyện này, oái oăm thay, đó lại chính là Nghĩa, nhân vật trung tâm của câu chuyện. Trời xui đất khiến thế nào, hay là ma trêu quỷ ghẹo mà cái điện thoại của Nghĩa không biết là tại sao lại bị hỏng từ ngày hôm qua, cậu đang đi sửa ở cửa hàng phải cuối tuần mới lấy được. Rồi thì nhận được luôn việc làm đến tận ngày thứ 6 nên không phải ra đón việc ở chợ lao động. Báo hại Thủy Tiên gọi liên tục đến mấy trăm cuộc đều không thể liên lạc được.

Và có cả cô nàng Tuyết nữa chứ, ban ngày gọi cho Nghĩa không được đành để buổi tối cuốc bộ sang nhà Nghĩa hỏi thăm dăm ba câu rồi mới chịu về nhà ngủ.

———–

Buổi học thứ 2 của lớp học bên sông.

Không gian vẫn như lần trước, dăm cái bóng điện chạy bằng ac quy thắp sáng cái lớp học xóa mù của người dân xóm Làng Chài. Ở dưới “lớp học”, 37 em học sinh cả lớn lẫn bé ngồi ngay ngắn trên những chiếc ghế con ngước lên phía trên. Ở trên “bục giảng”, “thầy giáo” Nguyễn Trọng Nghĩa trong bộ quần áo lao động, buổi chiều cậu làm chuyến xuống xi măng đến tối mịt mới xong, không kịp về nhà thay quần áo nên về thẳng lớp học luôn, cái áo bộ đội với hàng khuy mầu xanh nõn chuối nổi bật với một chiếc cúc lạc loài mầu đen, trên vai vẫn còn đen xì vết xi măng. Chiếc quần thô dài vừa đến bàn chân xỏ đôi dép tổ ong. Nghĩa cầm cái đũa chỉ vào từng chữ cái trên bảng đen sơn vội, cậu đang ôn lại việc nhận mặt chữ cái cho các em.

Ở xa xa, một người thiếu phụ lớn tuổi phải ôm chặt một người phụ nữ trẻ để cô ấy khỏi vùng chạy ra lớp học, ông lão đánh cá có dặn rồi, phải chờ cho lớp học tan đã rồi muốn làm gì thì làm.

Trở lại với lớp học, Nghĩa hỏi các em:

– Các em thuộc hết chữ cái chưa?

Ở dưới, cả lớp đồng thanh:

– Rồi ạ.

Nghĩa mỉm cười hài lòng. Không ngờ bảng chữ cái các em đã thuộc gần hết rồi, tất nhiên còn những em nhỏ thó 6 tuổi chưa thuộc lắm đâu, nhưng dạy ở cái lớp nhiều lứa tuổi như thế này thì phải phiên phiến linh động kiểu đó thôi:

– Giờ anh dạy các em tập viết những nét đầu tiên nhé.

– “Vâng ạ”, cả lớp lại đáp đồng thanh.

– Các em lấy bảng và phấn ra.

Cái bảng và hộp phấn mới mà Nghĩa tặng các em ở buổi học hôm trước giờ mới được sử dụng, vẫn còn thơm nguyên mùi sơn. Các em kê bảng lên đùi mình, lăm lăm cầm phấn, mắt nhìn lên thầy.

– Đầu tiên chúng ta tập viết nét. Có nét sổ thẳng, nét ngang, nét xiên, nét móc, nét cong, nét khuyết, nét thắt, nét xoắn. Giờ chúng ta bắt đầu từ nét sổ thẳng nhé. Các em chú ý nhìn anh này, bắt đầu từ đây, chúng ta rê phấn xuống dưới, đến đúng ô thì dừng lại. Rê nhẹ tay thôi không gãy phấn.

Ở bên dưới, các em kéo nét chữ đầu tiên trong cuộc đời vào chiếc bảng đen, có lẽ cuộc đời mới sẽ bắt đầu bằng nét chữ này, tưởng đơn giản hóa là lại có ý nghĩa hết sức lớn lao.

– Rồi, các em giơ bảng lên cho anh xem nào.

Nghĩa nhìn từng nét của các em, nét nào thẳng rồi thì thôi, còn nét nào chưa được Nghĩa tỉ mỉ chỉnh lại, đồng thời cũng dạy các em các cầm phấn, cách kê bảng. Chẳng có ai bảo Nghĩa không có nghiệp vụ sư phạm cả.

Quá nửa thời gian của buổi học là dành cho việc tập viết nét chữ lên bảng đen. Nghĩa chuyển sang phần khác để buổi học được sinh động, tránh việc nhàm chán.

– Giờ chúng ta bắt đầu học ghép vần. Các em đồng ý không?

– “Có ạ”, đồng thanh như đúng rồi.

Nghĩa xóa bảng viết nét đi, cậu đứng nghiêm trang:

– Trong mỗi một chữ tiếng Việt thì có âm vần. Các em đọc theo anh nhé.

Nghĩa viết xong chữ nào thì đánh vần luôn cho các em đọc theo:

– O cờ óc nặng ọc – các em cứ thế đọc theo: “O cờ óc nặng ọc”

– A huyền à

– Ô ngờ ông

– A i ai

– U nặng ụ

– O ngờ ong huyền òng

– A cờ ác sắc ác

– A hỏi ả

…………….

Cứ thế từng vần từng vần được các em méo hết cả miệng đọc theo. Lớp học diễn ra hết sức trật tự nhưng lại rất sôi nổi, đúng nghĩa một lớp học giống như bao nhiêu lớp học khác. Học trò ham học, thầy giáo nhiệt tình lại có một chút kỹ năng.

Sương rơi nặng hạt làm mái tóc của thầy và trò ươn ướt cũng là lúc báo hiệu thời gian của buổi học đã kết thúc. Đã mười giờ đêm rồi, cũng nên cho các em về nghỉ, để sớm mai các em lại cùng cha mẹ lênh đên trên thuyền đánh con cá, bắt con tôm kiếm miếng ăn hàng ngày.

– Buổi học hôm nay đến đây là kết thúc. Các em nhớ về ôn lại những gì đã học ở buổi hôm nay. Thứ 3 tuần sau anh và các em lại học tiếp.

Cả lớp đứng dậy, cậu Kiên lớn nhất lớp được phong làm lớp trưởng hô to:

– Các bạn đứng nghiêm! Chúng em chào thầy ạ.

Cả lớp lại đồng thanh theo tiếng bắt nhịp của Kiên: “Chúng em chào thầy ạ”.

Nghĩa cười cười: “Đừng gọi là thầy, gọi anh thôi. Hì hì hì hì”.

Mỗi em tự cầm ghế của mình đi về thuyền, Nghĩa nhìn mà chợt thấy vui lây, các em rời lớp học trong tiếng cười thỏa mãn, ấy là hạnh phúc rồi.

Chỉ còn mình Nghĩa đứng trước chiếc bảng to, giống như buổi trước, sau khi kết thúc giờ học thì ông Từ sẽ ra đây kéo dây điện và cất cái bảng to vào, nhưng quái lạ, giờ không thấy ông.

Bỗng từ trong bóng tối, hình dáng hai người phụ nữ hết sức quen thuộc đối với Nghĩa bước vào vùng ánh sáng của những ngọn đèn nhỏ. Họ đi từng bước một, từng bước một nặng trĩu tâm tư, cả hai đôi mắt ấy cứ nhìn chằm chằm vào cái dáng ngây người vì bất ngờ của Nghĩa. Họ cứ tiến từng bước một, mỗi lúc một gần hơn, cả hai đều không nói gì. Chỉ có Nghĩa ú ớ:

– Ơ …… ơ ……… cô Cẩm Tú ………… Thủy Tiên. Sao hai người lại ở đây?

Thủy Tiên vượt lên trước mẹ một bước, khi chỉ cách Nghĩa có một cái với tay, Thủy Tiên xòe bàn tay mình ra, ở trên đó có cái cúc áo mầu xanh nõn chuối, đồng dạng, đồng mầu với hàng cúc trên chiếc áo lao động mà Nghĩa đang mặc trên người. Mặt Thủy Tiên nhem nhuốc vì nước mắt, mái tóc dài chấm tai khẽ đung đưa vì gió, Thủy Tiên vừa khóc vừa nói:

– Em mang ….. chiếc cúc áo ……… đến trả cho ……. anh đây!