Nghĩa bơi được một đoạn cũng bắt đầu cảm thấy hơi mệt, cậu nghỉ tay sải một chút để lấy sức bơi tiếp, mục tiêu chính là nóc nhà của mình, có ra được đấy rồi tính chuyện gì mới tính. Bỗng Nghĩa thấy chiếc thuyền gỗ độc mộc của chú Lãm áp sát dần mình, chú mình trần dùng hết sức lực chèo thuyền đến chỗ Nghĩa, chưa tới nơi đã thấy chú quát lên:
– Đừng bơi nữa, chờ đấy chú đón.
Lóp ngóp bò lên chiếc thuyền độc mộc, Nghĩa vừa thở vừa nói:
– Chú cho cháu ra nhà, bò ………………. Cháu phải cứu bò.
Hướng mũi thuyền về phía nhà của Nghĩa, chú Lãm biết có cản cũng chẳng được, nó sẵn sàng bơi ra cơ mà:
– Bò nhà cháu chú kịp đưa vào trong làng gửi tạm rồi. Không phải lo.
Ngửa mặt lên trời như trút được gánh nặng ngàn cân, Nghĩa cảm ơn:
– Cảm ơn chú, bò mà bị làm sao nhà cháu chết mất. Chú đưa cháu ra nhà, cháu xem có gì vớt được thì vớt.
Sải mạnh tay chèo, chiếc thuyền nhỏ luồn lách né tránh những vật cản đi về phía nhà Nghĩa:
– Bố cháu có làm sao không?
– Cháu cũng không biết nữa, thấy mẹ cháu bảo là qua cơn nguy kịch rồi. Mẹ cháu bảo cháu về bán bò mang tiền lên viện, dọn đồ lên gác xép. Vậy mà cháu chưa kịp làm thì đã thế này rồi.
Tiếng chú Lãm thở dài, chú cũng không hỏi thêm gì.
Chiếc thuyền nhỏ ghé mũi vào đúng phần nổi lên duy nhất của căn nhà cấp 4, là nóc. Nghĩa đảo mắt một lượt xung quanh nhìn mọi thứ, chỉ có vài thứ nổi lên mặt nước như mấy cái can nhựa, chai nước. Còn lại đều ở phía bên dưới.
Nhặt được thứ gì thì nhặt, tất cả những thứ nổi ấy Nghĩa để lên thuyền, cũng chẳng có gì nhiều. Cậu thở dài:
– Chú Lãm ơi, làm thế nào bây giờ?
Chú Lãm là người đã trải qua vài trận lụt như thế này rồi, bằng kinh nghiệm chú nói:
– Đành chịu chứ sao bây giờ, chỉ độ 3 ngày nữa là nữa sẽ rút đi một nửa, lúc đó vớt sau cũng được cháu ạ.
– Thế thì thóc, gạo, khoai, ngô mọc mầm hết rồi. Không được, cháu phải vớt được thứ gì thì được.
Vừa nói vừa làm, Nghĩa hì hục mò tay xuống mái nhà lột ra 2 tấm proxi măng để lấy chỗ lặn xuống nhà. Chú Lãm biết tính Nghĩa, ít nói trầm tính những rất cương quyết, nếu không làm thì thôi mà đã làm là sẽ nỗ lực hết mình. Thế nên chẳng còn cách nào khác là đành giúp thằng cháu.
Sau một hồi thì một lỗ lớn chừng 2 mét vuông cũng lộ ra. Nghĩa canh chừng phỏng đoán nơi để gạo, nơi để khoai, nơi để ngô rồi lấy một hơi thật sâu rồi nhảy ùm xuống. Khoảng cách từ mái đến sàn nhà chỉ khoảng gần 3 mét, cũng không phải là quá sâu đối với khả năng của người dân làng ven sông này, nước trong nhà vì có 4 bức tường che chắn nên cũng rất tĩnh, không khó để lặn. Chỉ là sức nhịn thở được lâu hay chóng thôi.
Lần thứ nhất Nghĩa ngoi lên trên tay cầm một cái thùng gạo bằng nhựa:
– Chú vứt lên thuyền cho cháu, trời cũng hửng nắng rồi, phơi lại biết đâu vẫn còn ăn được, mới ngập có mấy tiếng thôi.
Thế rồi cứ thế, cả chú Lãm cũng lặn theo, nói chung là vơ phải cái gì thì mang lên cái đó, từng bắp ngô, từng củ khoai, từng cái nồi, cái chảo, từng cát bát chiếc đũa, từng cái chăn cái gối. Những đồ rời, đồ nhỏ đều được hai chú cháu hì hục vớt lên. Cũng phải đến gần trưa mọi thứ mới xong, thuyền cũng chuyển vào bờ được 2 chuyến rồi, chuyến này là chuyến thứ 3.
Trời trưa nắng lên tương phản với thảm nước bên dưới, nằm ngửa mặt lên trời nghỉ lấy sức một chút, nửa gói xôi sáng ăn chung với mẹ sáng nay đã hết veo từ lúc nào.
– Hết rồi vào bờ thôi Nghĩa.
Nghĩa lồm cồm bò dậy định lên thuyền vào đê nhưng trong lòng cậu vẫn còn khắc khoải một điều gì đó mà chưa thể rõ được, hình như là mình vẫn còn để quên một thứ gì đó rất quan trọng thì phải. Đứng trên mũi thuyền cậu vẫn không ngừng suy nghĩ. Thấy vậy chú Lãm hỏi:
– Còn gì nữa à?
Vò vò đầu nghĩ ngợi rất sâu:
– Cháu cứ cảm thấy mình vẫn còn bỏ sót thứ gì quan trọng. ……………… À đúng rồi, chết rồi chú Lãm. Còn cái giấy báo thi của cháu.
Và “ùm” một cái, Nghĩa nhẩy bổ xuống dòng nước rồi lặn một hơi xuống bên dưới, cậu vào nhà không phải bằng lối mái giống như vừa rồi mà vào bằng lối cửa chính. Nước đυ.c ngầu nên không thể nhìn thấy gì, cậu chạm tay vào cái gì thì phán đoán ra vị trí mình đang bơi mà thôi. Vượt qua cửa chính, Nghĩa bơi về phía bên trái, đó là hướng cái bàn học và giường ngủ của mình. Vừa rồi chăn màn và sách vở đã mang hết lên rồi, nhưng còn tờ giấy báo thi đựng trong cái phong thư mà cậu mới nhận được do trường đại học Nông nghiệp gửi về thông báo số báo danh, ngày thi, địa điểm thi.
Cũng may là Nghĩa nhớ ra chứ chỉ để trong nước đến chiều thôi đảm bảo giấy sẽ tan trong nước. Sắp hết hơi vì quãng đường lặn khá xa, lại đã đuối sức do vật lộn từ sáng đến giờ thì cũng là lúc Nghĩa mò tay vào được cái ngăn bàn, quờ quờ tay thật nhanh để tìm cái phong bì. Trời cũng thương cho Nghĩa ngay lập tức tìm thấy, khi chiếc phong bì đã ở trong tay, Nghĩa chạm chân xuống mặt đất lấy đà rồi bật mạnh lên phía trên, không thể ra bằng đường cũ được vì như thế sẽ rất nguy hiểm bởi đường xa, Nghĩa chọn con đường ngắn hơn là mái nhà.
Đứng trên nóc đón thằng cháu, thấy nó lặn lâu quá chú Lãm định phi xuống thì thấy đầu Nghĩa nổi lên, chú đưa tay kéo mạnh một phát để người Nghĩa ở hẳn trên nóc nhà:
– Tìm thấy không?
Không đủ sức mà trả lời chú Lãm, Nghĩa chỉ gật đầu rồi vẩy vẩy cái phong bì. Cậu mở phong bì ra, ơn giời là tờ giấy báo thi mặc dù nhỏ tong tong nước nhưng không bị rách đi tẹo nào, nhưng hình như bị nhòe đi một ít thì phải.
– Tốt rồi, thôi vào đê đi, ngâm nước lâu quá rồi.
Đứng ở trên đê, bên cạnh là các đồ vật vừa vớt được ở nhà, Nghĩa nhìn lại một lần nữa cái chóp nhà của mình, bụng sôi ùng ục vì đói, người mệt như sắp lả đi. Vì bên cạnh có chú Lãm, có cả Trang nữa nên cậu không dám hét thành tiếng, người mà cậu đang nghĩ tới, đang trách cứ và hờn giận không biết giờ này đang ở phương trời nào, đang làm gì, có biết là gia đình đang gặp hoàn cảnh vô cùng khó khăn không. Âm thanh ấy vang lên văng vẳng trong đầu Nghĩa:
– Chị ơi! Giờ này chị đang ở đâu?
————-
Đồ đạc sau khi tập hợp trên đê thì được mang về nhà chú Lãm ở trong làng, như đã nói ở chương đầu, chú Lãm có nhà ở trong đê nhưng dựng lều ngoài bãi chỗ mép sông để hành nghề đánh cá.
Ngay buổi chiều hôm đó, Nghĩa vào làng gọi bà Hiên bán 1 con bò đực, lấy tiền xong Nghĩa đạp xe lên viện đưa cho mẹ. Tình hình bố cũng rất nghiêm trọng, không mất mạng nhưng có lẽ bố sẽ phải nằm liệt giường một thời gian. Mẹ nói, bố bị đột quỵ, liệt nửa người. Chắc chỉ 1 tuần nữa là bệnh viện sẽ cho bố về điều trị tại nhà. Trước khi Nghĩa từ bệnh viện về, mẹ cũng cho 500 nghìn để Nghĩa đi thi đại học. Mẹ nói mẹ rất thương Nghĩa nhưng không thể đưa Nghĩa đi thi được vì còn phải chăm bố ở viện, không có mẹ không được.
Còn 4 hôm nữa là thi đại học rồi, phải lên trước 1 hôm để nhận phòng thi, vị chi là còn 3 hôm. Nghĩa cũng chẳng còn tâm trạng mà ôn thi, kiến thức cũng cơ bản nằm trong đầu rồi. Điều cậu quan tâm lớn nhất lúc này chính là 3 sào ngô của mẹ, vị trí thì biết nhưng không nhìn thấy cả ngọn cây ngô, nước vẫn còn rất cao ngậm bủm hết rồi.
Sáng ngày hôm sau, Nghĩa mượn thuyền của chú Lãm chèo ra ruộng ngô. Khi xác định đó là ruộng ngô nhà mình, Nghĩa cắm sào cố định con thuyền. Cậu quyết định bẻ ngô. Bởi nếu chỉ để ngô ngập nước thêm một hai ngày nữa là ủng, thối ngay. Ruộng ngô này là bao nhiêu công sức của mẹ, khi cậu ở viện mẹ cũng dặn phải bẻ giúp mẹ để bán. Nay hoàn cảnh gia đình khó khăn thế này, được đồng nào hay đồng ấy.
– “Ùm”, Nghĩa nhẩy xuống nước rồi lặn xuống.
Khoảng nửa phút sau cậu ngoi lên, trên tay là 2 bắp ngô, đó là số lượng bắp của 1 cây. Cũng có cây chỉ ra 1 bắp thôi. Cứ làm liên tục như vậy, cứ lặn xuống, bẻ ngô, ngoi lên, vứt vào thuyền, đầy thuyền thì đẩy vào đề trải ra cho khô, lại đi vào, mệt quá thì nghỉ.
Vậy mà 3 sào ngô Nghĩa cũng phải bẻ mất 2 ngày mới xong được, đấy là ngày hôm sau còn có chú Lãm lặn giúp nữa. Bình thường nếu bẻ lúc cạn thì chỉ độ nửa buổi sáng là xong đâu vào đấy.
Khi những bắp ngô cuối cùng được chuyển lên mặt đê, nước từ quần áo vẫn nhỏ tong tong xuống nền đất đã bắt đầu săn săn lại vì mấy hôm nay trời nắng to sau một đợt mưa lớn thì Nghĩa thấy Trang đến, sau lưng còn khoác một cái balo, đi bên cạnh là cô Thắm mẹ của Trang:
– Nghĩa à, tớ bắt xe lên Hà Nội thi đại học đây, mẹ tớ đưa tớ đi. Lên trước 1 ngày để tìm nhà trọ.
Hai đứa nhìn nhau một hồi như thầm động viên nhau, Trang biết Nghĩa mấy hôm nay vất vả lắm nhưng cô chẳng giúp được gì nhiều, chỉ tranh thủ lúc nào đấy chạy ra bưng cái này, cất cái kia hộ được một tẹo thôi. Cũng không dám nói nhiều vì bên cạnh Trang lúc này là mẹ, hai đứa chưa công khai cho người lớn biết chuyện yêu đương:
– Ừ, Trang cố gắng thi tốt nhé. Ngày mai tớ mới đi cơ.
– Thế ai đưa cậu đi?
– Tớ đi một mình, mẹ tớ phải ở viện chăm bố rồi. Tớ đi một mình cũng được, không sao đâu, Trang cứ yên tâm.
Trang thở dài một cái thườn thượt, cô thương bạn lắm, sắp đến kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời học hành rồi mà vẫn phải ngụp lặn bẻ ngô thế này, nhưng Trang cũng rất tin tưởng vào Nghĩa, với lực học của Nghĩa thì Trang tin rằng sẽ đỗ bất kỳ trường đại học nào của Việt Nam chứ đừng nói là đại học Nông nghiệp, không phải là trường có đầu vào cao:
– Ừ cậu cố gắng lên, phải đỗ đại học đấy. Thôi tớ phải đi đây, xe đến chợ rồi kìa.
Kèm với đó là cái nháy mắt giấu giếm phụ huynh, Trang vẫn có lời hẹn nếu Nghĩa đỗ thì Trang sẽ để Nghĩa “đi xa” hơn những cái hôn.
Chiếc xe Hải Âu mang Trang đi lên Hà Nội, đây là lần đầu tiên trong đời Trang đi lên Hà Nội. Cô gái bé nhỏ xinh đẹp ngoan ngoãn quê mùa này không biết được rằng chốn phồn hoa đô hội ấy, chốn giao thương hội tụ ấy sẽ làm cô thay đổi đi rất nhiều, liệu rằng Trang có đánh mất mình không? Liệu rằng Trang có giữ được mình để trở thành người của Nghĩa như lời cô đã hẹn hay không? Câu trả lời này đành phải chờ đến hồi sau mới có.
Khói xe từ ống xả đen kịt cả một vùng trời, vậy là Trang đã đi trước 1 bước rồi.
———–
1 tháng rưỡi sau.
Nghe thấy tiếng chó sủa, cô Tươi cầm đèn từ trong nhà bước ra, lần này không phải tiếng chó sủa báo hiệu người chồng của mình mò mẫm về nhà sau đã say sưa, bởi lẽ ông Bừng chồng cô đang nằm trong giường, ông xuất viện cách đây hơn 1 tháng với kết quả chỉ thua cái chết, ông bị liệt nửa người, bán thân bất toại, mọi chuyện ăn uống, vệ sinh cá nhân đều một tay cô Tươi lo hết. Cô Tươi đang chờ Nghĩa về:
– Về rồi hả con?