Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 53: Hammer Và Rockefeller: Tin Tưởng Phán Đoán Của Mình

Hammer và Rockefeller là những đại biểu kiệt xuất cho tinh thần kinh doanh mạo hiểm của người Do Thái.

Lần mạo hiểm lớn nhất của Hammer là tại Liby. Vào thời kỳ Liby còn bị quân đội Italy chiếm lĩnh, với hi vọng có thể tìm được mỏ dầu, Mussolini đã chi ra không dưới 10 triệu đô la cho công việc thăm dò dầu mỏ ở Liby, nhưng kết quả chỉ là con số không. Công ty dầu mỏ Esso sau khi bỏ ra mấy triệu đô la mà vẫn chưa thu được kết quả gì khả quan, đang chuẩn bị kế hoạch rút lui, nhưng may mắn lại phát hiện được dầu ở miệng giếng cuối cùng. Công ty dầu mỏ Shell cũng tiêu tốn khoảng 5 triệu đô la, nhưng các miệng giếng được khai thác lại không có giá trị thương mại. Trước khi đến với Liby, công ty dầu mỏ Occidental đang chuẩn bị tiến hành vòng đàm phán thứ hai với chính phủ nước này về việc chuyển nhượng đất khai thác, phần lớn khu vực được cho thuê là những vùng đất mà một số công ty trước đây đã bỏ qua.

Hammer tuy rất có lòng tin, và dù ông đã có mối quan hệ rất tốt với quốc vương Liby nhưng tương lai vẫn là điều không thể nắm chắc. Bởi vì, ông không chỉ không đủ kinh nghiệm về phương diện này, hơn nữa, khi phải cạnh tranh với những đối thủ nặng ký trong giới dầu mỏ thế giới, thực lực chênh lệch quá lớn, đúng như mọi người vẫn thường đánh giá là “châu chấu đá xe”. Nhưng điều đó không hoàn toàn mang tính quyết định.

Hammer đã tiến hành đấu thầu vùng đất phía tây. Phương thức đấu thầu của ông rất đặc biệt. Hồ sơ đấu thầu được dùng theo hình thức giấy chứng nhận da dê. Sau khi cuộn tròn, lại dùng ba dải lụa đỏ, xanh, đen – tượng trưng cho quốc kỳ Liby để cột lại. Trong giấy đấu thầu, ông đã viết thêm một điều: “Chúng tôi tình nguyện trích ra 5% lợi tức chưa trừ thuế, phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp của Liby”. Ngoài ra, ông còn hứa sẽ tìm kiếm nguồn nước cho quốc gia “ít nước nhiều dầu” này. Kết quả sau cùng, Hammer thắng thầu được hai khu vực, khiến các đối thủ nặng ký khác phải kinh ngạc. Cả hai khu vực đó đều là những nơi đã bị các công ty trước đây bỏ lại sau khi tốn không biết bao nhiêu tiền bạc mà chẳng thu hoạch được gì. Sau khi cho khai thác trên hai miếng đất đó mà không có được giọt dầu nào, các cổ đông trong công ty bắt đầu mất lòng tin vào Hammer.

Nhưng Hammer vẫn tin tưởng vào trực giác của mình. Sau mấy tuần nảy sinh những mâu thuẫn giữa nhà sáng lập với các cổ đông, miệng giếng có dầu đầu tiên đã được tìm thấy. Tiếp theo đó, lại có thêm 8 miệng giếng được phát hiện có dầu, hơn nữa còn là nguồn dầu cao cấp hơn hẳn các giếng dầu thông thường khác. Điều quan trọng nữa là, vị trí của các giếng dầu lại nằm ở phía tây của kênh đào Suez, rất thuận tiện cho việc vận chuyển. Cùng thời gian này, ở miếng đất còn lại, đội ngũ thăm dò cũng đã tìm được một miệng giếng phun dầu tự động với sản lượng 7 triệu 30 ngàn thùng mỗi ngày. Đó là giếng dầu lớn nhất của Liby. Tiếp đó, Hammer lại đầu tư 150 triệu đô la, tu sửa và xây dựng một đường ống dẫn dầu có khả năng vận chuyển 1,3 triệu thùng mỗi ngày.

Bằng cách đó, Công ty dầu mỏ Occidental đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các công ty dầu mỏ thế giới.

Thành công trong một loạt hành động mạo hiểm của Hammer, chính là nhờ vào trí tuệ và lòng dũng cảm của ông. Hammer là một nhân vật tiêu biểu cho tính mạo hiểm của người Do Thái. Bên cạnh ông, còn có một doanh nhân Do Thái lừng lẫy khác, mà khí phách, lòng dũng cảm và trí tuệ cũng khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc thán phục, đó chính là Rockefeller.

Vào thập niên 80 của thế kỷ 19, liên quan đến vấn đề có nên mua lại các mỏ dầu của Lima hay không, Rockefeller và các đồng sự của mình đã có những mâu thuẫn hết sức nghiêm trọng. Mỏ dầu Lima mới được phát hiện vào thời điểm đó, nằm ở ranh giới giữa tây bắc Ohio với phía đông của Indiana. Nguồn dầu ở đây chứa hàm lượng lưu huỳnh rất lớn, khi tiến hành phản ứng hóa học thì phát ra một mùi lạ giống như mùi trứng thối, mọi người gọi nó là “dầu chua”. Không một công ty dầu mỏ khí đốt nào muốn mua loại dầu có chất lượng thấp như vậy, ngoại trừ Rockefeller.

Khi Rockefeller đề xuất ý kiến mua lại mỏ dầu Lima, các thành viên trong ban điều hành công ty hầu như đều lên tiếng phản đối, kể cả một số trợ thủ đắc lực được ông tín nhiệm nhất. Vì chất lượng của mỏ dầu này quá thấp, giá cả cũng thấp đến cực điểm; tuy sản lượng dầu rất lớn, nhưng chưa có ai đề xuất được một phương pháp chiết xuất hữu hiệu. Tuy nhiên, Rockefeller vẫn tin tưởng sẽ tìm được biện pháp tối ưu để chiết xuất lưu huỳnh ra khỏi dầu. Thấy tình thế có phần bế tắc, Rockefeller bắt đầu tung đòn “uy hϊếp”, tuyên bố tự mình mạo hiểm “đầu tư loại dầu này”, hơn nữa sẽ không tiếc hi sinh bất cứ thứ gì.

Trước thái độ cương quyết của Rockefeller, ban điều hành của công ty đã phải nhượng bộ, cho phép công ty bỏ ra 8 triệu đô la mua lại mỏ dầu Lima. Đó là mỏ dầu dầu tiên được công ty mua về. Sau đó, Rockefeller đã mời một nhà hóa học người Do Thái đến nghiên cứu vấn đề khử lưu huỳnh ở mỏ dầu này. Sau hai năm tiến hành thực nghiệm, vẫn chưa thể tìm được một biện pháp khả thi. Trong thời gian đó, rất nhiều ủy viên bắt đầu tỏ ra hoài nghi với kế hoạch mua lại mỏ dầu của Rockefeller, nhưng cuối cùng việc nghiên cứu cũng đã thành công.

Kỳ tích vĩ đại đó đã chứng minh Rockefeller thực sự có một cái nhìn cực kỳ sáng suốt, đồng thời còn thể hiện được tinh thần mạo hiểm hơn người của ông.