Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 51: Đầu Cơ Và Cho Vay: Cuộc Chơi Của Người Do Thái - Morgan: Bậc Thầy Đầu Cơ, Dùng Liên Minh Thoát Khỏi Hiểm Nguy

Ngay từ thời còn trẻ, chàng thanh niên Morgan đã đi khắp miền Bắc nước Mỹ và châu Âu, sau đó dừng chân học tập tại Trường đại học Georgia-Augusta của Đức.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông vào làm việc ở công ty thương mại Duncan. Với một tố chất đặc biệt và kinh nghiệm sống phong phú, ông đã đảm đương công việc của mình một cách tương đối xuất sắc. Tinh thần gan dạ, mưu trí, mạo hiểm hơn người của ông thường khiến cho ban lãnh đạo công ty Duncan kinh ngạc.

Một lần, ông đang trên đường công tác từ Paris đến New York, một người lạ mặt gõ cửa bước vào và hỏi rằng:

“Nghe nói ngài là người chuyên phụ trách công việc buôn bán thương phẩm, đúng không?”

“Có liên quan gì đến ngài không?”

Morgan cảm nhận được tâm trạng lo lắng của người mới bước vào.

“Ồ! Thưa ông, tôi có việc muốn nhờ ông. Tôi có một chuyến tàu cà phê cần xử lý ngay lập tức. Số cà phê đó vốn thuộc sở hữu của công ty X, hiện nay đã bị phá sản. Do không có cách gì bồi thường phí vận chuyển, nên họ đã quyết định lấy chuyến tàu cà phê này làm vật thế chấp cho phía chúng tôi. Nhưng tôi lại không có nghiệp vụ về lĩnh vực này. Ngài có thể mua lại số cà phê này giúp chúng tôi không? Giá rất rẻ, chỉ bằng một nửa giá bán trên thị trường”.

“Rất gấp sao?”, Morgan nhìn thẳng người đàn ông xa lạ.

“Đúng là rất gấp. Nếu không số cà phê này sẽ không bán rẻ đến mức như vậy”.

Vừa nói, người đàn ông đưa một bịch cà phê mẫu cho Morgan xem.

“Tôi đồng ý mua”. Morgan liếc qua bịch cà phê rồi lập tức trả lời.

“Thưa ngài Morgan, ngài khinh suất quá, ai có thể đảm bảo toàn bộ chuyến tàu cà phê đều có chất lượng giống như bịch hàng mẫu này kia chứ?”

Một người bạn ngồi bên cạnh lên tiếng cảnh giác ông.

Lời nhắc nhở ấy rõ ràng là rất hữu lý. Vào thời bấy giờ, kinh tế thị trường đang trong tình trạng hỗn loạn, chuyện lừa lọc, gài bẫy lẫn nhau nhan nhản. Chỉ nói riêng chuyện mua bán cà phê, công ty Duncan đã phải chịu mấy đòn khốn đốn.

“Tôi sẽ không bị lừa đâu! Không mau quyết định, số cà phê này sẽ lọt vào tay người khác”.

Nhưng vì không được công ty tán thành, nên ông viết thư xin cha mình hỗ trợ tài chính để trả tiền cho lô hàng cà phê được mua dưới danh nghĩa công ty Duncan. Đồng thời, dưới sự giới thiệu của người đã đến thỉnh cầu ông mua lại chuyến tàu cà phê hôm nọ, ông lại tiếp tục mua thêm rất nhiều chuyến tàu cà phê giá rẻ khác nữa.

Kết quả không nằm ngoài dự đoán của ông, không lâu sau khi mua được số hàng cà phê giá rẻ ấy, cà phê Brazil quả nhiên gặp phải một trận sương giá, sản lượng giảm mạnh, giá cà phê nhanh chóng tăng lên gấp hai, ba lần.

Năm 1862, cuộc chiến tranh Nam Bắc Mỹ bùng phát dữ dội. Tổng thống Lincoln ban bố “mệnh lệnh thứ nhất”, tiến hành tổng động viên, đồng thời ra lệnh cho lực lượng Hải quân và Lục quân thực hiện chiến lược tiến công toàn diện.

Morgan cùng với con trai của một nhà môi giới đầu tư phố Wall là Shacham đã thương lượng với nhau một kế hoạch đầu cơ.

Trước tiên, họ mua vào một số vàng trị giá gần 5 triệu đô la. Sau đó, họ chuyển một nửa sang Luân Đôn, một nửa giữ lại, rồi cố ý tiết lộ việc chuyển vàng sang Luân Đôn cho các giới hữu quan biết. Theo tính toán của họ, chỉ cần dân chúng biết được tin tức thất bại mới nhất của quân đội phương Bắc, giá vàng sẽ lập tức tăng vọt. Khi đó, họ sẽ bán một nửa số vàng còn lại ra ngoài thị trường.

Quả nhiên, khi tin tức “bí mật” của Morgan và Shacham bị tiết lộ ra ngoài, thị trường phố Wall rơi vào tình trạng khủng hoảng, giá vàng lập tức tăng cao, giá vàng Luân Đôn cũng theo đó mà nhích lên không ngừng. Đương nhiên, lúc đó Morgan và Shacham chỉ ngồi yên mà kiếm được món tiền kếch xù.

Tham vọng kiếm tiền đã khiến họ dám liều lĩnh xem thường mọi thứ, kể cả quốc gia, pháp luật, lợi ích dân tộc. Chính phủ Mỹ hạ lệnh tiến hành điều tra nguyên nhân cuộc khủng hoảng kinh tế lần đó. Bản kết quả điều tra đã viết như sau:

“Nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế lần này là do tác động của một cuộc đầu cơ. Người đứng sau lưng thao túng toàn bộ chuyện này là một thanh niên có tên là Morgan.”

Bấy giờ, Morgan lại đang tính đến cuộc đầu cơ thứ hai.

Năm 1871, chiến tranh Pháp Phổ kết thúc với thất bại thuộc về nước Pháp. Chính phủ Pháp rơi vào tình cảnh hỗn loạn. Một mặt phải bồi thường cho Đức 3 tỉ franc chiến phí, một mặt phải lo khôi phục nền kinh tế đã bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Tất cả những công việc này đều cần một số tiền rất lớn. Chính phủ Pháp phải phát hành một đợt trái phiếu trị giá 250 triệu franc.

Sau khi tiến hành đàm phán với mật sứ Pháp, Morgan quyết định đảm nhận trọng trách thúc đẩy tiêu thụ số trái phiếu khổng lồ ấy. Nhưng làm cách nào để ông có thể hoàn thành được nhiệm vụ đầy gian nan này?

Có một biện pháp là liên minh các ngân hàng ở phố Wall thành một tổ chức nhận mua trái phiếu quốc gia có quy mô lớn, nguồn vốn hùng hậu. Bằng cách đó, ông có thể phân tán mối nguy hiểm lên nhiều tổ chức tiền tệ khác nhau, mà trước đây, trách nhiệm ấy thường chỉ đổ dồn lên một cơ cấu tiền tệ duy nhất. Và như vậy, bất chấp những nguy hiểm có thể gặp phải, số trái phiếu khổng lồ kể trên vẫn có thể được tiêu thu hết.

Morgan trình bày suy nghĩ của mình với Shacham. Shacham kinh ngạc thốt lên:

“Lạy Chúa tôi! Không phải là anh đang muốn khiêu chiến với truyền thống và quy tắc chơi của thị trường phố Wall đấy chứ?”

Shacham không hề nói sai, suy nghĩ của Morgan đã thực sự đυ.ng chạm đến truyền thống của thị trường phố Wall, và cũng đi ngược lại truyền thống của các sở giao dịch, ngân hàng đầu tư ở trung tâm tiền tệ Luân Đôn và các trung tâm tiền tệ lớn khác trên thế giới.

Morgan nhận thức được rằng: Nguy cơ bùng phát làn sóng phản đối là không thể tránh khỏi, nhưng sự việc không đến nỗi tệ hại như Shacham đã tưởng tượng, và cơ hội nhất định sẽ đến.

Đúng như dự liệu của Morgan, tin tức vừa được truyền đi, tựa như một quả đạn pháo khổng lồ được thả xuống mặt hồ phẳng lặng, gây nên một cơn sóng lớn lan tỏa khắp cả mặt hồ.

Cùng với sự tranh luận ngày thêm sôi nổi, thị trường đầu tư phố Wall cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng. Tất cả đều cảm thấy mơ hồ về tương lai của thị trường phố Wall, không ai dám khinh suất manh động.

Giữa lúc đó thì các nhà đầu tư bắt đầu tìm cách thoái thác:

“Hiện nay, điều mà thị trường phố Wall cần có là sự bình ổn, bất luận phải dùng cách gì”.

Bấy giờ, họ lại ký thác hi vọng trấn an dư luận cho Morgan.

Tư duy chiến lược, năng lực quan sát và óc quyết đoán của Morgan đều vượt trội hơn người. Trong một tình thế vô cùng nguy cấp như thế, ông vẫn giữ thái độ điềm nhiên, cuối cùng giành được chiến thắng. Tất cả những điều ấy đã chứng minh, chiến thắng của ông là chiến thắng của một kẻ mạnh, chứ không chỉ là chiến thắng của một người khéo lợi dụng dư luận.

Morgan được xem là nhân vật vĩ đại của thị trường tiền tệ thế giới, người đã sáng lập nên một kỷ nguyên mới cho thị trường phố Wall. Suốt cuộc đời ông là một quá trình theo đuổi đồng tiền. Số tiền mà ông kiếm được không dưới con số 10 tỉ đô la. Nhưng sau khi ông chết, di sản chỉ còn lại 17 triệu đô la.

Ông dựa vào đầu cơ để khởi nghiệp, nhưng lại chán ghét những trò lừa gạt trong đầu cơ, vì vậy mà ông đã quyết tâm thay đổi những điều tệ hại của thị trường phố Wall, sáng tạo nên một thể chế quản lý kinh doanh phù hợp với tinh thần thời đại. Để kiếm tiền, ông có thể sử dụng thủ đoạn, nhưng lại đặc biệt coi trọng và thích đề bạt những con người có lòng trung thành.

Morgan qua đời khi ông chuẩn bị đón mừng sinh nhật lần thứ 76, những chiến lược kinh doanh thành công của ông vẫn còn ảnh hưởng đến thị trường phố Wall cho đến tận hôm nay.