Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 41: Tính Toán Tinh Tường, Cân Lượng Phân Minh

Trên thương trường, thương nhân Do Thái tuyệt đối không chấp nhận thái độ nước đôi, ba phải hay hấp tấp vội vàng. Đặc biệt là khi bàn bạc đến các vấn đề có liên quan đến tiền bạc, họ luôn hết sức cẩn thận, tính toán cực kỳ chính xác từng đồng trong lợi nhuận thu được.

Có một câu chuyện như sau:

Một khách du lịch bị hư xe tại một ngôi làng hẻo lánh. Ông ta không thể sửa chiếc xe của mình. Một nông dân đề nghị ông đến gặp người thợ gò trong làng xem thử. Thợ gò trong làng vốn là một người Do Thái. Ông ta mở nắp đậy của động cơ, thò đầu vào bên trong quan sát, cầm lấy búa gõ một cái nhẹ vào động cơ – xe nổ máy!

“Tổng cộng 20 đô la”, người thợ gò lên tiếng một cách thản nhiên.

“Đắt thế!”, chủ xe kinh ngạc.

“Gõ một cái, giá một đô la, biết gõ ở chỗ nào, giá 19 đô la, tổng cộng 20 đô la”.

Người Do Thái luôn rõ ràng như vậy. Chỉ cần nghĩ có thể kiếm tiền, họ sẽ không hề đỏ mặt, rung tim để thu về cho bằng được. Trong một thời gian dài va chạm giữa thương trường, họ đã rèn luyện được một năng lực tính toán cực nhanh.

Nhờ vào khả năng tính toán nhanh, người Do Thái thường đưa ra những phán đoán hết sức thần tốc, giúp họ luôn nắm được thế chủ động trong các cuộc đàm phán mậu dịch, từng bước dồn ép đối phương cho đến khi giành được chiến thắng hoàn toàn.

Đối với người Do Thái, tính toán chính xác là để so sánh cân lượng phân minh. Ngược lại, đa số người phương Đông lại cảm thấy hổ thẹn với việc tính toán chi li. Trong mắt của người Do Thái, lợi nhuận cần thu vào, họ tuyệt đối không buông khỏi tầm tay. Họ không chỉ tính toán hết sức chuẩn xác, mà còn có thể đưa ra kết quả vô cùng nhanh chóng. Đó chính là biểu hiện cho trí thông minh của người Do Thái, và cũng là một trong những bí quyết giúp người Do Thái trở thành những thương nhân hàng đầu thế giới.

Người Do Thái kính trọng, suy tôn sự thông minh sáng suốt một cách đường đường chính chính, giống như thái độ của họ đối với tiền bạc vậy. Câu chuyện cười dưới đây sẽ thể hiện một cách sinh động thái độ này của người Do Thái.

Sau khi Mỹ và Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ có người lái, Đức, Pháp và Israel cùng liên kết với nhau để bàn kế hoạch đưa người lên mặt trăng. Tên lửa đẩy và tàu vũ trụ đều được chế tạo xong, bước tiếp theo sẽ là tuyển chọn phi hành đoàn.

Chuyên gia tuyển chọn hỏi một ứng viên người Đức, trong điều kiện đãi ngộ như thế nào thì mới chịu tham gia vào phi hành đoàn.

“Cho tôi 3 ngàn đô la, tôi sẽ làm”, anh chàng người Đức lên tiếng. “1 ngàn đô la giữ lại cho mình, 1 ngàn đô la cho vợ, 1 ngàn đô la còn lại để dành làm vốn mua nhà”.

Chuyên gia tuyển chọn lại hỏi tiếp ứng viên người Pháp. Anh ta trả lời:

“Cho tôi 4 ngàn đô la, 1 ngàn thuộc về tôi, 1 ngàn để cho vợ, 1 ngàn để trả số tiền đã mượn để mua nhà, 1 ngàn còn lại để cho người tình của tôi”.

Riêng ứng viên Israel lại đề nghị:

“Phải trả 5 ngàn đô la tôi mới đi, 1 ngàn đô la để cho ông, 1 ngàn đô la để cho tôi, 3 ngàn đô la còn lại dùng để mướn phi hành gia người Đức”.

Trí tuệ sáng suốt của người Do Thái trong câu chuyện cười trên đây có lẽ không cần phải bàn bạc phân tích thêm nữa. Người Do Thái không nhất thiết phải theo đuổi một công việc cụ thể (lái tàu không gian) và chỉ cần tính toán đến những con số, là đã có thể hưởng được sự đãi ngộ cao hơn người đồng nghiệp phải gánh chịu biết bao nguy hiểm trong chuyến bay đầu tiên ấy. Đó chính là một trong những điểm đặc sắc trong phong cách kinh doanh của người Do Thái.

Điều thú vị cần nhấn mạnh là, đây không phải một câu chuyện cười được các dân tộc khác đặt ra để châm biếm tính tham lam, tính toán của người Do Thái, mà nó là một sản phẩm do chính người Do Thái tạo nên. Qua đó cũng có thể thấy được quan niệm của người Do Thái về vấn đề này.

Bình tâm suy xét, trong câu chuyện cười kể trên, phi hành gia người Do Thái không hề bóc lột đồng sự người Đức. Phi hành gia người Đức vẫn nhận được 3 ngàn đô la theo đúng nguyện vọng cho công việc lái tàu vũ trụ của mình. Còn chuyện nhận được từ tay ai cũng chẳng có gì quan trọng hay khác biệt.

Nếu chỉ xét trên kết quả thực tế mà nói, đặt vào địa vị được “bỏ túi 1 ngàn đô la” như trong câu chuyện trên đây, phi hành gia của bất kỳ một quốc gia nào cũng sẽ cảm thấy hài lòng. Nhưng bất luận là trong chuyện cười hay trong thực tế cuộc sống, họ cũng sẽ không thể đề xuất một yêu cầu như vậy, thậm chí có nghĩ cũng không nghĩ tới, vì sự “thông minh sáng suốt quá lộ liễu” ấy chắc chắn sẽ bị phủ định ngay trong tiềm thức: Họ sẽ cảm thấy xấu hổ vì sự thông minh sáng suốt của mình!

Tuy nhiên, thông qua câu chuyện, chúng ta hầu như không cảm giác được sự thông minh sáng suốt “quá đáng” và ý thức xấu hổ của người Do Thái. Ngược lại, chúng ta chỉ nhận thấy một thái độ đắc ý, một tâm trạng dương dương tự đắc vì mình đã đưa ra được một ý tưởng thông minh sáng suốt đến thế. Đến chuyện có hay không có “quá ư lộ liễu”, đều không nằm trong suy nghĩ của họ. Họ hoàn toàn xem “thông minh sáng suốt” là một chuyện đương nhiên, thậm chí là thứ rất đáng phô bày ra trước mọi người.

Có thể nói, đối với sự thông minh sáng suốt, không có gì là quan trọng hơn, cấp thiết hơn thái độ thẳng thắn vô tư.

Hardoon là một trong những phú thương danh tiếng bậc nhất tại Thượng Hải. Ông được xem là người Do Thái duy nhất đến lập nghiệp ở vùng đất này với hai bàn tay trắng. Tại Thượng Hải ngày trước, không ai là không biết đến sự thông minh sáng suốt của ông. Những câu chuyện về cuộc đời ông dường như đã trở thành huyền thoại. Ông thậm chí còn được đánh giá là một tấm gương điển hình của thương nhân Do Thái.

Hardoon có một công ty nhà đất riêng. Thời gian ông cho thuê những căn phòng thông thường và những mảnh đất có diện tích nhỏ đều rất ngắn, thông thường chỉ khoảng 3 đến 5 năm. Thời gian cho thuê ngắn, vừa kịp thời thu hồi khi có việc cần thiết, lại có thể dễ dàng tăng giá thuê mỗi khi tiếp tục hợp đồng. Trên đất đai của Hardoon, cho dù chỉ đặt một sạp hàng nhỏ, cũng phải nộp thuế.

Một anh thợ thuộc da đặt một cái sạp bên trong con hẻm thuộc sở hữu của Hardoon cũng phải nộp thuế mỗi tháng 5 đồng. Mỗi khi đến thu thuế, Hardoon luôn hòa nhã chúc anh ta: “Phát tài! Phát tài!” Nhưng tiền thì không bao giờ bớt một đồng nào.

Cách tính toán thời gian thu thuế của Hardoon cũng khác với mọi người. Bấy giờ, các ông chủ kinh doanh nhà đất ở Thượng Hải đều dựa theo Dương lịch để thu thuế, riêng ông lại dùng Âm lịch để ký kết hợp đồng và tính toán thời gian cho thuê. Chúng ta đều biết, một tháng dương lịch thường có 30 hoặc 31 ngày, trong khi một tháng âm lịch thường chỉ là 29 hoặc 30 ngày. Vì vậy, cứ 3 năm âm lịch lại có một tháng nhuận, 5 năm lại nhuận tiếp một tháng, 19 năm sẽ có 7 tháng nhuận. Cho nên thu thuế theo âm lịch, cứ 3 năm lại có thể thu thêm một tháng tiền thuê, 5 năm sẽ thu thêm 2 tháng tiền thuê và 19 năm sẽ thu thêm 7 tháng tiền thuê.

Sự thông minh sáng suốt của Hardoon có thể nói đã đạt đến mức cực cao. Khi các đồng nghiệp thời ấy sử dụng phương pháp thu thuế nhỏ của Hardoon nhưng lại không thể áp dụng rộng rãi phương pháp tính thuế theo âm lịch của ông, thì rõ ràng đã thể hiện sự chênh lệch trong khả năng tính toán của đôi bên, và càng cho thấy các thương nhân đương thời chưa thể có được thái độ thẳng thắn vô tư đối với sự thông minh sáng suốt như Hardoon: Khi thương nhân các dân tộc khác hãy còn do dự không biết có nên phô bày nó hay không, thì khoảng cách giữa họ với các thương nhân Do Thái lại ngày một cách xa, và điều này cũng trở thành nhân tố quyết định vị trí thứ yếu của họ trong các cuộc giao dịch với các thương nhân Do Thái.