Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 39: Kinh Doanh Nhắm Vào Cái Miệng

Một nguồn tài nguyên khác được thương nhân Do Thái phát hiện và khai thác hiệu quả chính là cái miệng của con người. Có thể nói, miệng là một “cái động tiêu hóa không đáy”. Trên thế giới hiện nay đã có hơn 6 tỉ cái “động không đáy”, tiềm năng thị trường của nó là vô cùng lớn. Vì vậy, tất cả những gì mà thương nhân Do Thái kinh doanh có liên quan đến cái miệng như cửa hàng thực phẩm, cửa hàng đường, cửa hàng cá, cửa hàng trái cây, cửa hàng rau quả, nhà hàng, quán cà phê, quán bar, câu lạc bộ, v.v đều rất phát đạt. Có thể nói một cách không khoa trương rằng, chỉ cần là thứ có thể cho vào miệng được, thương nhân Do Thái đều có thể kinh doanh, bởi đơn giản những món hàng đó đều có thể giúp họ kiếm tiền.

Thực phẩm đi vào miệng đều phải trải qua quá trình tiêu hóa và bài tiết ra ngoài, nhu cầu hấp thu nguồn dinh dưỡng mới cũng không ngừng phát sinh, thương nhân cũng nhờ đó mà không ngừng kiếm được bộn tiền. Đương nhiên, kinh doanh thực phẩm không thể nhanh chóng kiếm lợi như kinh doanh các sản phẩm dành cho nữ giới. Vì vậy, đối với người Do Thái, sản phẩm dành cho nữ giới được đặt lên vị trí “thương phẩm số một”, còn thực phẩm phải xếp ở vị trí “thương phẩm số hai”. Số thương nhân Do Thái theo đuổi công việc kinh doanh “thương phẩm số một” nhiều hơn hẳn số thương nhân kinh doanh “thương phẩm số hai”.

Đương nhiên, ở bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, nếu chỉ cứng nhắc dựa vào những quy tắc kinh doanh thông thường thì rất khó mang lại hiệu quả. Nó đòi hỏi người kinh doanh phải có một đầu óc thông minh và một năng lực quan sát sâu rộng. Kinh doanh “cái miệng” cũng không ngoại lệ. Câu chuyện về một thương nhân Nhật Bản kinh doanh thành công món bánh mì nhân thịt dưới đây sẽ chứng minh cho lập luận trên.

Đó là một tỉ phú rất nổi tiếng người Osaka, và cũng là người sáng lập cửa hàng bánh mì nhân thịt Nhật Bản. Đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, ông hợp tác với công ty McDonald của Mỹ, cung cấp cho thị trường Nhật Bản một loại bánh mì nhân thịt giá rẻ chất lượng cao.

Khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, các thương nhân Nhật Bản đều cười nhạo ông, cho rằng quyết định đưa bánh mì nhân thịt vào một thị trường quen dùng cơm như Nhật Bản chẳng khác gì một hành động tự đưa mình vào chỗ chết. Nhưng ông lại không cho là như vậy. Ông nhận thấy người Nhật có thể chất yếu đuối, thân hình thấp bé, điều này ắt hẳn có liên quan đến thói quen ăn cơm. Ông lại nhận thấy, hiệu ứng của các cửa hàng hamberger của Mỹ đang lan rộng ra toàn thế giới. Từ hai quan điểm ấy, ông nhận định, cùng là thực phẩm của “cái miệng”, tại Mỹ có thể tiêu thụ mạnh mẽ, thì không lý gì không tiêu thụ được tại Nhật Bản. Hơn nữa, theo quan niệm của người Do Thái, kinh doanh “cái miệng” nhất định sẽ kiếm được tiền. Chỉ cần đề ra biện pháp kinh doanh hữu hiệu, sao lại không thể thu được lợi nhuận?

Với niềm tin ấy, cửa hàng bánh mì nhân thịt của ông đã được khai trương. Không ngoài dự đoán, ngay ngày đầu tiên khai trương, khách hàng đã tranh nhau kéo đến, lợi nhuận vượt hơn tưởng tượng ban đầu của ông. Những ngày sau đó, lợi nhuận ngày một tăng cao, đến nỗi mấy giàn máy bán bánh mì tiên tiến nhất thế giới đã phải sử dụng hết công suất mà vẫn không thể đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng.