Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 30: Bộc Lộ Trí Tuệ Qua Thái Độ Đối Với Lợi Ích

Vào thời cổ đại, một người Do Thái sống ở thành phố Jerusalem chuyển đến một vùng khác. Trên đường đi, ông ta mắc bệnh và phải nằm lại trong một quán trọ. Khi biết bệnh tình của mình đã vô phương cứu chữa, ông ta bèn ký thác hậu sự cho người chủ quán:

“Tôi sắp chết rồi! Nếu có người nào từ Jerusalem biết tin về cái chết của tôi mà đến đây thăm viếng, xin hãy giao lại những vật dụng này của tôi cho người đó. Có điều, người đó phải thực hiện được ba việc thể hiện được trí thông minh của mình, nếu không, ông tuyệt đối không được giao những vật này cho người đó. Trước khi đi, tôi đã có dặn dò đứa con trai của mình, nếu tôi chẳng may qua đời dọc đường, muốn kế thừa di sản của tôi, nó phải thực hiện được ba việc thể hiện trí thông minh của nó”.

Nói xong, người đàn ông tắt thở. Người chủ quán bèn an táng ông ta theo nghi lễ của người Do Thái, đồng thời báo cho người trên thị trấn biết tin về cái chết của ông, lại còn phái người chuyển tin đến Jerusalem.

Con trai của người đàn ông vừa mới qua đời là một thương nhân tại Jerusalem, sau khi hay tin về cái chết của cha lập tức tìm đến thị trấn nọ, nhưng lại không biết đích xác cha mình đã chết ở quán trọ nào. Bởi vì trước khi chết, người cha đã dặn dò chủ quán không cần tiết lộ tên của quán trọ cho con trai của mình. Không còn cách nào khác, anh ta đành phải phát huy trí tuệ của mình để xử lý vấn đề nan giải đầu tiên này.

Bấy giờ, vừa lúc có một tiều phu gánh một bó củi đi ngang qua. Người con trai lập tức gọi anh ta lại, mua bó củi và dặn anh ta phải gởi bó củi đến ngôi nhà trọ vừa có một người đàn ông từ Jerusalem đến và chết ở đó. Công việc đơn giản sau đó là theo đuôi người tiều phu cho tới khi đến được ngôi nhà trọ cần tìm.

Chủ trọ thấy người tiều phu gánh củi đi tới thì thắc mắc hỏi:

“Tôi đâu có dặn mua củi của anh?”

Người tiều phu trả lời:

“Là người thanh niên sau lưng tôi đã mua gánh củi này và yêu cầu tôi gánh đến nơi đây”.

Đó là việc làm thông minh thứ nhất của người con trai.

Người chủ quán vui mừng đón tiếp anh ta, sau đó chuẩn bị cho anh ta một bữa ăn. Trên bàn ăn có 5 con bồ câu và một con gà. Ngoài anh ta ra còn có vợ chồng chủ quán, hai người con trai và hai người con gái của họ. Tổng cộng có 7 người cùng ngồi vào bàn ăn.

Chủ quán đề nghị anh ta chia bồ câu và gà cho mọi người cùng ăn.

Anh ta bèn từ chối:

“Không! Ông là chủ nhà, để ông chia phần là tốt hơn cả!”

Chủ quán vẫn cương quyết:

“Anh là khách, tốt hơn cứ để anh chia phần”.

Người thanh niên bèn thôi không khách sáo nữa, bắt đầu chia phần ăn trên bàn. Trước tiên, anh ta chia một con bồ câu cho hai cậu con trai, một con bồ câu khác cho hai cô con gái, con chim bồ câu thứ ba được chia cho hai vợ chồng chủ quán. Còn lại hai con bồ câu, anh ta thản nhiên cầm lấy và bỏ vào đĩa của mình.

Đó là việc làm thông minh thứ hai của người con trai.

Tiếp theo, anh ta bắt đầu chia gà. Đầu tiên, anh ta cắt phần đầu gà cho vợ chồng chủ quán, sau đó chia cho mỗi cậu con trai một cái chân gà, mỗi người con gái một cái cánh gà. Phần còn lại của con gà, anh ta kéo về vị trí của mình.

Đó là việc làm thông minh thứ ba của người con trai.

Ngồi nhìn cách chia phần ăn của anh ta, ông chủ quán không thể kiềm được cơn tức giận:

“Chỗ các anh vẫn có thói quen hành xử như thế này sao? Khi anh chia phần bồ câu, tôi đây còn có thể nhịn được. Nhưng đến khi nhìn thấy cách phân chia thịt gà của anh, tôi thực sự không thể chịu đựng được nữa. Anh chia như vậy, rốt cuộc là có ý nghĩa gì?”

Người thanh niên bình thản đáp:

“Tôi vốn dĩ không muốn nhận công việc phân chia khẩu phần ăn này, nhưng chính ông đã cương quyết muốn tôi thực hiện. Vì vậy, tôi đã thực hiện theo cách thức mà tôi nghĩ là tốt nhất. Ông, vợ ông và một con chim bồ câu, hợp lại là được ba, hai cậu con trai thêm một con bồ câu cũng thành ba, hai cô con gái cũng thế, còn tôi và hai con chim bồ câu, hợp lại cũng chỉ là ba, đó là điều hết sức công bình đấy thôi! Còn nữa, vì ông và vợ ông là gia trưởng, nên được chia phần đầu gà; con trai ông là cột trụ trong gia đình, nên được chia phần chân gà; chia cánh gà cho hai người con gái của ông, vì sớm muộn gì họ cũng tung cánh, bay đến nhà người khác. Riêng tôi đến đây trong chốc lát, rồi lại phải ra đi, vì vậy nhận lấy phần mình gà là hợp lý nhất… Xin hãy nhanh chóng giao lại phần gia sản của cha tôi cho tôi!”

Ba việc làm của người thanh niên trong câu chuyện đều được coi là “hành vi thông minh”, nhưng quả thật có chút khó hiểu.

Hành vi đầu tiên có thể xem là thông minh, vì vấn đề mà người thanh niên đang phải đối mặt là một câu hỏi không có đáp án hay có thể nói là không được phép hỏi. Thông qua việc mua một bó củi, anh ta đã đặt “trả lời câu hỏi” thành điều kiện mua bán, khiến người bán củi vì lợi ích của mình mà sẵn lòng giúp anh ta giải quyết vấn đề nan giải kể trên.

Xét trên tầng ý nghĩa này, bằng cách phân chia lợi ích, người thanh niên đã tạo nên một mối quan hệ lợi ích giữa mình và người bán củi. Từ đó mượn sức của người khác, thực hiện thành công mục tiêu của chính mình. Cách làm đó đủ chứng minh anh ta có một đầu óc linh hoạt, nhạy bén.

Tuy nhiên, hành động chia bồ câu, chia thịt gà thì không dễ gì giải thích. Hành động xem ra hết sức khiếm nhã, tham lam của anh ta có thể được xem là thông minh hay không? Nếu nói là có, vậy hành vi kẻ lớn lừa bịp kẻ nhỏ để cướp lấy miếng ăn, món lợi đều được xem là hành vi thông minh, tài giỏi hay sao? Đương nhiên, kẻ lừa bịp phải có phần thông minh, xảo trá hơn những kẻ chỉ biết dùng sức mạnh cướp đoạt.

Thực ra, ở đây có một mấu chốt nho nhỏ. Câu chuyện đặc biệt nhắc đến tình huống nổi giận của ông chủ quán. Vì sao nổi giận? Nhìn bề ngoài, đó là do hành vi “tham lam” của vị khách trẻ tuổi, chiếm lấy một phần lớn chim bồ câu và thịt gà riêng mình. Tuy nhiên, tiếp tục theo dõi câu chuyện chúng ta lại phát hiện, rõ ràng người thanh niên đang cố ý làm cho ông chủ quán nổi giận. Đợi khi chủ quán bùng phát cơn giận, anh ta mới thẳng thắn yêu cầu chủ quán trả lại phần di sản của cha mình để lại. Đến đây chúng ta đã có thể tìm thấy mấu chốt của vấn đề.

Người thanh niên vốn dĩ muốn lấy lại phần di sản của cha mình, nhưng điều kiện để đạt tới mục đích này lại vô cùng hà khắc: Thực hiện ba hành vi thông minh. Điều này nói ra thì dễ, thực hiện lại rất khó, vì không có một tiêu chuẩn chính xác nào cho hai chữ “thông minh”. Anh ta có thể nỗ lực hết mình, thể hiện hết trí thông minh của mình, nhưng thừa nhận hành vi của anh ta thực sự là thông minh hay không, lại tùy thuộc vào người chủ quán.

Vì vậy, để người chủ quán nhanh chóng thừa nhận sự thông minh của mình, người thanh niên lại một lần nữa mượn mối quan hệ lợi ích giữa người với người để thực hiện kế hoạch của mình.

Khi mượn “lực” của người bán củi, anh ta đã lợi dụng sách lược “lợi ích cùng tăng”. Khi “ép” người chủ quán hợp tác với mình, sách lược mà anh ta sử dụng lại là “lợi ích cùng giảm”: Nếu anh không thừa nhận hành vi của tôi là thông minh, đồng nghĩa chưa chịu giao phần di sản của cha tôi lại cho tôi, tôi sẽ cứ dùng đến phương thức hi sinh lợi ích của ông, bức ông cho đến khi không còn chịu đựng được nữa. Nếu ông đã có quyền quyết định hành vi của tôi là thông minh hay không, thì ông cũng phải có nghĩa vụ đón nhận những hậu quả do hành vi của tôi mang lại. Vì vậy, khi người chủ quán đùng đùng nổi giận, cũng chính là lúc ông cảm nhận được lợi ích của mình đang bị đe dọa.

Quan hệ giữa con người với con người, trên căn bản là mối quan hệ về lợi ích, đặc biệt là giữa những người không quen biết như chàng thanh niên với người bán củi và ông chủ quán trong câu chuyện kể trên. Tất nhiên, trong một mối quan hệ nhất định, còn phải xét đến khía cạnh đạo đức, nhưng yếu tố chi phối nhiều nhất vẫn chỉ là lợi ích. Chỉ khi nào lợi ích của người khác được cột chặt với lợi ích của bạn, họ mới chấp nhận đặt lợi ích của bạn thành lợi ích của họ, tức sẵn sàng suy nghĩ, tìm ra đường hướng có lợi cho bạn. Bởi vì, những hành động đó cũng đồng thời mang đến những biến động tương ứng trong lợi ích của chính bản thân họ.

Vì vậy, khi cùng làm việc hay điều động đối phương, biện pháp tốt nhất sẽ là “để người khác suy nghĩ đến lợi ích của mình”. Cái khẩu hiệu “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia” thường được các anh em trong bang hội đề xướng, chẳng qua chỉ là cách ứng dụng trực tiếp đối với sách lược này mà thôi.

Hiện nay, sự thành công của các tập đoàn người Mỹ gốc Do Thái là một minh chứng cho thành công của sách lược này. Khi người Do Thái có được những số tiền khổng lồ và nắm giữ những lá phiếu vô cùng quan trọng, đồng thời lại biết đoàn kết với nhau như một, vận dụng chính xác nguyên tắc “cùng lợi cùng hại”, thì bất luận là nghị viên quốc hội, những nhân vật đang nhắm vào Nhà Trắng, cho đến người muốn tiếp tục trở thành ông chủ Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tới, có ai lại không nỗ lực đáp ứng yêu cầu của họ?