Giáo lý Do Thái phản đối người Do Thái từ bỏ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Một vị Giáo sĩ đã nói: “Việc tốt có thể chia nhau hưởng thụ. Nhưng trách nhiệm của mình nhất định phải tự mình gánh vác”.
Bất luận là dồn đẩy cho người, hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, trách nhiệm của mình vẫn còn chứ không thể biến mất. Vì vậy, người Do Thái thường không đổ trách nhiệm cho người khác, mà luôn tự mình tìm hướng giải quyết.
Con người là trung tâm của thế giới, không thể hoàn toàn gạt bỏ chính mình, đương nhiên cũng không thể gạt bỏ toàn bộ trách nhiệm của mình. Chỉ cần còn một ngày tồn tại, con người vẫn phải có trách nhiệm với ngày ấy. Cho dù có thể đẩy một nửa trách nhiệm cho hoàn cảnh, bản thân vẫn phải gánh vác nửa phần trách nhiệm còn lại.
Thiên Chúa nói với sứ thần Gabriel: “Hãy đi, dùng mực đen đánh dấu lên trán những con người chính trực kia. Như thế, thiên thần hủy diệt sẽ không sát hại họ. Hãy dùng máu đánh dấu lên trán những con người gian ác kia, thiên thần hủy diệt sẽ đến tiêu diệt chúng”.
Bấy giờ, Chính Nghĩa cất tiếng hỏi: “Kính thưa vua vũ trụ! Hạng người thứ nhất và hạng người thứ hai có gì khác nhau?”
“Hạng người thứ nhất là những con người tốt hoàn toàn”. Thiên Chúa trả lời, “Hạng người thứ hai là những kẻ xấu hoàn toàn”.
“Kính thưa vua vũ trụ!”, Chính Nghĩa lại lên tiếng, “Người chính trực có sức mạnh phản kháng lại hành vi của người khác. Nhưng họ lại không làm như vậy”.
“Ngươi biết rằng”, Thiên Chúa nói tiếp, “Dù cho họ có phản kháng, những kẻ gian ác cũng sẽ không nghe lời họ”.
“Kính thưa vua vũ trụ!”, Chính Nghĩa lại thưa, “Ngài đã biết những kẻ gian ác sẽ không thay đổi, nhưng những người chính trực kia có biết được điều đó hay không?”
Do người chính trực không có ý phản kháng, Thiên Chúa bèn thay đổi ý định, không tách họ ra khỏi những kẻ gian ác nữa.
Đó là cách xử trí của Thượng Đế đối với một kẻ vứt bỏ trách nhiệm của mình.
Từ bỏ trách nhiệm của mình, Thượng Đế sẽ không tha thứ. Vì vậy, trong cuộc sống hiện thực, người Do Thái không bao giờ trốn tránh trách nhiệm của mình. Để gánh vác trách nhiệm, họ thậm chí có thể chấp nhận khuynh gia bại sản, hi sinh tính mạng.
Chính từ lối sống đó mà người Do Thái đã trở nên hết sức chú trọng đến vấn đề thành tín đối với người khác và xem trọng hợp đồng trong kinh doanh.
Trong mắt của người Do Thái, con người không thể vĩnh viễn trốn tránh trách nhiệm. Tự mãn, tự lừa dối mình thì dễ, nhưng không thể nào thoát được ánh mắt xoi mói của người đời. Vì vậy, trách nhiệm của mình, nhất định phải tự mình gánh vác.
Một thương nhân Do Thái nhận được đơn đặt hàng của một công ty có trụ sở tại Chicago, đặt mua 30 ngàn bộ dao nĩa. Hai bên thỏa thuận thời gian giao hàng sẽ là ngày 1 tháng 9. Để có thể giao hàng đúng hẹn, ông phải chuyển hàng đi vào ngày 1 tháng 8 bằng đường biển. Tuy nhiên, do một vài sự cố ngoài ý muốn, ông đã không thể sản xuất đủ 30 ngàn bộ dao nĩa trước ngày 1 tháng 8. Ông rơi vào một tình thế khó xử, nhưng vẫn không có ý định gởi thư cho công ty đối tác để xin kéo dài thời gian giao hàng và bày tỏ lời xin lỗi, vì đây là hành động vi phạm hợp đồng, không phù hợp với luật pháp thương mại của người Do Thái, hơn nữa còn là cách làm trốn tránh trách nhiệm. Kết quả là vì đến gần cuối tháng 8 mới sản xuất đủ hàng, ông đã phải bỏ ra một số tiền rất lớn thuê một chiếc máy bay chở 30 ngàn bộ dao nĩa để giao hàng đúng thời hạn, chịu tổn thất 10 ngàn đô la.
Không trốn tránh, trách nhiệm của mình nhất định phải do chính mình gánh vác, đó là một nguyên tắc đối nhân xử thế của người Do Thái. Và cũng nhờ vào nguyên tắc này, người Do Thái mới có được uy tín vang dội trên toàn thế giới.