Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 16: Chỉ Tin Chính Mình, Cẩn Thận Đề Phòng Trò Bịp Trong Kinh Doanh

Người Do Thái từ khi sinh ra đã phải sống trong nghịch cảnh, điều kiện sinh tồn rất khó khăn, sống dạt trôi không xác định, vô bến vô bờ. Muốn thích ứng với hoàn cảnh ấy, cần phải biết cách đối đãi như thế nào cho phù hợp với mọi người xung quanh và với cả chính mình. Thông thường, người Do Thái luôn giáo dục con cái tin vào chính mình, ngoài bản thân ra, bất kỳ người nào cũng không đáng tin. Thái độ không tin tưởng vào người khác của người Do Thái có lúc gần như trở thành cố chấp. Đạo Do Thái giáo dục các tín đồ của mình, phải luôn nằm lòng “máu loãng còn hơn nước lã”. Cũng có nghĩa là, ngoài dân tộc mình, không được tin tưởng vào một dân tộc nào khác.

Trong “Talmud” có viết: “Nếu đối phương là người Do Thái, bất luận có hay không có giao ước, chỉ cần nhận lời rồi, là có thể đặt niềm tin. Ngược lại, nếu đối phương không phải là người Do Thái, dù đã ký kết giao ước, cũng không được nhẹ dạ cả tin”.

Tại sao lại nói như vậy? Chúng ta biết rằng, người Do Thái là một dân tộc vô cùng xem trọng chữ tín. Nếu một người Do Thái vi phạm giao ước, xem như anh ta đã nhận mức án tử hình trong xã hội Do Thái – vĩnh viễn không được bước chân vào thế giới kinh doanh của người Do Thái. Vì vậy, người Do Thái tuyệt đối không dám vi phạm giao ước, càng không dám lừa gạt người khác. Ngay trong trường họp ký kết hợp đồng với người nước ngoài, điều kiện cũng hết sức hà khắc, hợp đồng cũng được quy định hết sức chi tiết, chặt chẽ, tránh không để người khác tìm ra khe hở để luồn lách, vi phạm hợp đồng. Đó là ý thức đã được hình thành qua bao thế kỷ sống bôn ba lưu lạc, chịu nhiều bức hại, dối trá, người Do Thái làm vậy để bảo vệ chính mình và dân tộc mình.

Dân tộc Do Thái tuy luôn tin rằng “máu loãng còn hơn nước lã”, nhưng khi gặp phải vấn đề tiền bạc, thì luôn hết sức cẩn thận và đa nghi, thậm chí cả vợ của mình cũng không dám tin tưởng. Con người là sinh vật có tình cảm, nhưng tiền bạc lại không có tình cảm.

Đến đây, có lẽ chúng ta sẽ hỏi: Nếu người Do Thái đã không tin tưởng vào người khác, luôn cảm thấy không yên tâm đối với người khác đến như vậy, phải chăng họ sẽ tự khép kín mình? Rõ ràng là không. Nếu không, làm sao họ có thể trở thành “thương nhân hàng đầu thế giới”?

Mạng lưới quan hệ làm ăn của người Do Thái là vô cùng rộng lớn, họ cũng tích cực tiến hành hợp tác ngoại thương với các đối tác, thành lập các công ty liên doanh. Đương nhiên, họ cũng không thể tin tưởng vào người nước ngoài, càng đặc biệt không tin tưởng vào thành ý tuân thủ hợp đồng của họ. Như thế, người Do Thái phải xử lý vấn đề đó bằng cách nào?

Người Do Thái làm việc hết sức cẩn trọng, không bao giờ cho phép mình được cẩu thả. Họ không bao giờ dễ dàng tin tưởng vào những lời hứa mà đối tác đã đưa ra trong những cuộc giao dịch làm ăn. Ngay cả khi đã ký kết hợp đồng với đối tác, họ vẫn luôn giữ một thái độ ngờ vực. Để có thể khiến đối tác tuân thủ và thi hành các điều khoản trong hợp đồng, họ sẽ không tiếc tiền của, mời cho được người tài giúp mình giám sát đối phương, để bảo đảm lợi ích của họ không bị xâm phạm.

Den Fujita đã kể lại một kinh nghiệm của chính mình:

Một lần nọ, Den Fujita đang bận xử lý một số thư tín trong văn phòng làm việc của mình. Đột nhiên, có một luật sư gọi điện đến chỗ ông: “Chào ngài Den Fujita, tôi có việc muốn thỉnh giáo ngài, không biết bây giờ ngài có rảnh không?”

Thực sự thì ông đang rất bận, các thư tín thương mại vừa mới nhận được đều rất quan trọng và cần xử lý ngay, vì vậy ông đã thẳng thắn từ chối. Nhưng luật sư kia vẫn cứ nài nỉ: “Bất luận thế nào, xin ngài cũng hãy dành ra một chút thời gian gặp tôi”.

“Xin lỗi! Thực sự là tôi không rảnh!”

“Như thế này vậy, mỗi giờ nói chuyện, ngài sẽ được 200 đô la thù lao. Đương nhiên, việc mà tôi muốn thỉnh giáo ngài là rất quan trọng”.

Den Fujita đành gác lại mọi chuyện đến gặp ông ta.

Người luật sư trong câu chuyện kể trên là Cố vấn luật cho một công ty lớn của Mỹ, ông chủ của công ty này là một người Mỹ gốc Do Thái, đang muốn hợp tác làm ăn với một công ty Nhật có trụ sở tại Tokyo, nhưng lại sợ công ty này vi phạm hợp đồng. Vì vậy, cố vấn luật của công ty đã đặc biệt tìm đến Den Fujita, nhờ ông giới thiệu cho công ty mình một người có thể giám sát việc thực thi hợp đồng của phía công ty Nhật, tiền lương dự định là 1.000 đô la mỗi tháng. Công việc ấy rất nhẹ nhàng, đãi ngộ lại rất trọng hậu, có thể thấy được mức độ xem trọng vấn đề tuân thủ hợp đồng của họ là rất cao.

Sau khi nói rõ ý định của mình, vị luật sư bèn đưa hợp đồng vừa mới ký kết với phía công ty Nhật cho Den Fujita xem qua. Sau khi đọc xong bản hợp đồng, Den Fujita phát hiện thấy bản hợp đồng được viết bằng tiếng Nhật ấy còn tồn tại rất nhiều vấn đề mà một người nước ngoài rất khó nhận ra.

Nếu như ông chủ công ty người Mỹ gốc Do Thái chưa từng nghĩ đến chuyện mời một người giám sát của nước đối tác, ông ta sẽ không thể phát hiện được những lỗ hổng tiềm ẩn trong hợp đồng. Có một người Nhật giám sát, phía công ty Nhật muốn luồn lách những khe hở ấy sẽ không còn là chuyện dễ dàng. Vì vậy, việc xếp đặt một người giám sát là vô cùng quan trọng.

Hành động cẩn trọng của ông chủ người Do Thái đã giúp ông tránh được sự qua mặt của phía công ty Nhật. Sở dĩ Den Fujita đồng ý ra tay giúp đỡ, vì điều này sẽ có lợi rất lớn cho ông. Nhận được sự tín nhiệm của người Do Thái không phải là chuyện dễ dàng. Nếu người Do Thái đã tín nhiệm ông, ông đương nhiên phải sẵn lòng giúp đỡ cho họ, đó là chuyện thường tình của con người.

Phương pháp bỏ tiền tìm người thay mình giám sát của người Do Thái rất đáng cho chúng ta học hỏi:

Thứ nhất, cách làm đó sẽ giảm bớt gánh nặng phải tự mình giám sát, việc này có thể hao tốn rất nhiều công sức, mà chưa chắc đã có hiệu quả.

Thứ hai, có thể tránh được những va chạm không hay do sự bất tín nhiệm của ta với phía đối tác.