*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Biên dịch: 1309
Làng chài vào buổi tinh mơ đang dần tỉnh giấc.
Đầu tiên là thấy thêm một con dê lững thững dạo quanh, sau đó khói bếp bay cao, tiếng người trò chuyện hỗn tạp lớn dần, có người trải lưới ra vá, có người phơi hải sản trên rạn riềm. Trời chỉ vừa tảng sáng mà đã bắt nhịp ngay vào tiết tấu sinh hoạt ồn ã của cả ngày dài.
Xe van khá bắt mắt, cũng hiếm khi xuất hiện, một vài cậu bé đang kéo dê đi tắm, thấy hiếu kỳ nên bâu lại nhìn ngó nghiêng trên dưới. Vệ Lai thử trao đổi với chúng vài câu, chúng cười ngặt nghẽo, nghe không hiểu, sau đó lao nhao tranh nhau nói.
Vệ Lai cũng chả hiểu gì.
Quay đầu qua Sầm Kim, cô cũng chịu thua: “Có vài nước ở châu Phi không thống nhất ngôn ngữ, số ngôn ngữ riêng của các bộ lạc bản địa lên đến hơn trăm loại. Nhưng dân làng chài muốn bán hải sản ra ngoài thì nhất định phải dùng tiếng Anh, anh hỏi thử xem.”
Vệ Lai áp đảo cả đám trẻ nít loi nhoi, gào to: “ENGLISH! ENGLISH!”
Bầy trẻ cười nắc nẻ, kéo dê về làng, thật lâu sau mới quay lại, xúm xít quanh một người đàn ông trung niên có mái tóc loăn xoăn, mặt đỏ gay, cao giọng đáp lời Vệ Lai: “English!”
Vệ Lai rầu hết sức: Sao không để dê lại rồi hãy đi gọi người chứ? Chân tay bọn trẻ linh hoạt, chạy quá nhanh, làm dê con không theo kịp, cứ xoãi chân nằm ì ra đất cho chủ lôi xềnh xệch, mặt mày thôi thì đúng là chẳng thiết sống nữa.
Người đàn ông kia tên Santos, có thuyền máy riêng, thường xuyên lái đến vùng biển quốc tế giao dịch với thuyền cá Yemen — Dạo này tình hình các quốc gia bất ổn, gần như không còn giám thị, đâu đâu cũng thấy vượt biên buôn lậu lắt nhắt. Ngư dân cũng chẳng hiểu thế nào là điều lệ hay luật lệ, chỉ cho rằng đánh cá bán cá là chuyện hết sức thường tình.
Nơi đây chẳng khác gì chốn bần cùng tách khỏi nhân gian.
Santos giới thiệu, làng nhỏ này là Boko.
“Ở đây không có điện thoại đâu, muốn gọi thì phải lái xe lên phía bắc hơn 20 dặm, sẽ gặp một làng lớn hơn chút, chỗ họ xây cả công sở, lắp sẵn điện thoại. Bên đấy còn có cảnh sát, mỗi tuần sẽ vào làng một lần để xử lý tranh chấp. Làng Boko chưa có, cảnh sát không đến đây, xảy ra chuyện thì mọi người tự giải quyết.”
Mỗi tuần vào làng một lần, lịch làm việc của lực lượng cảnh sát này đúng là…
“Mọi người toàn câu cá ven bờ thôi, trong làng chỉ có tôi có thuyền máy, mấy nhà khác góp lưới — Chúng tôi giăng lưới ở vùng biển quốc tế trước một ngày, chờ qua hôm sau thì lái thuyền trở lại kéo cá…
“Chỗ ở hả? Các cậu tự vào làng tìm đi, nhà nào không có người thì cứ vào đấy.
“Các cậu là National Geographic à?”
(Hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ)
Ông ta còn biết National Geographic nữa đấy.
“Độ trước có một người Mỹ tới, xưng là nhϊếp ảnh gia của National Geographic, chụp cả xấp ảnh xong rồi đi mất. Năm ngoái thì người Pháp tới, cũng xưng là nhϊếp ảnh gia của National Geographic, chụp cả xấp ảnh xong cũng đi ngay. Máy ảnh của các cậu đâu?”
Santos rướn cổ nhòm vào trong xe.
Vệ Lai chỉ cửa kính vỡ toang cho ông ta: “Trên đường gặp bão cát, máy ảnh bị thổi bay rồi.”
Santos giật mình.
***
Nhà tranh trong làng chài, đúng là… khó tả vô cùng.
Thảo nào cứ liêu xiêu lẹo vẹo — Không có tí trình độ kỹ thuật gì cả, anh ngó sơ qua đã biết ngay cách dựng: Toàn bộ đều là mấy que gỗ, đem vót qua loa rồi đóng xuống đất, dùng cỏ chèn vòng quanh, giữa các que gỗ hở ra khe lớn khe nhỏ. Trên mái thì kéo một tấm nhựa trùm lên, nhà nào cẩn thận hơn sẽ phủ thêm cỏ tranh.
Gió hơi lớn là nghiêng một tẹo, lớn hơn chút thì xiên nhiều hơn chút, còn bị dê đến gặm ké — Bởi vì nhà có quấn cỏ, vài bạn dê thèm ăn sẽ tiện miệng nhấm nháp, gặm tới gặm lui, nhà càng lệch tợn.
Lệch tới độ hết ở được nữa thì dựng cái khác.
Loại nhà tranh này có tốn chi phí xây dựng không? Chính xác là cười một cái đã dựng xong một căn, gió thổi phát, dê gặm phát, tèo.
Nhà nào không ai ở? Càng vẹo càng chẳng ai thèm.
Vệ Lai đậu xe trước cửa, đi vào trong dựng lều, mặt trời mà đứng bóng thì lại nóng như đổ lửa ngay. Tuy nhà tranh xiên xẹo, dựng thêm lều nữa thì đã có hai tầng che phủ, Sầm Kim vào đấy cũng đỡ hơn nhiều.
Nhớ tới Sầm Kim, anh quay đầu nhìn lướt qua.
Cô ngồi chờ trong xe, không có biểu cảm gì, hai mắt khép hờ, cũng chẳng bận tâm dân làng tò mò quan sát mình ra sao.
Sau khi bơi trong biển lên bờ, hết thảy đã không còn bình thường nữa. Vệ Lai mơ hồ nhận thấy, đêm qua, có lẽ anh đã làm sai điều gì.
Anh nghĩ mãi vẫn chưa rõ.
Lều đã dựng xong, anh trở ra lấy hành lý. Sầm Kim muốn xuống xe, trước mắt bỗng tối sầm.
Vệ Lai cản đường.
Cô ngước mắt nhìn anh, lại ngồi về chỗ cũ.
Vệ Lai hỏi: “Có phải đêm qua tôi hôn em, em cảm thấy tôi quá tùy tiện?”
“Không phải.”
“Vậy thì vì sao?”
“Bởi vì anh quá thiếu tùy tiện.”
Vệ Lai chẳng hiểu nổi.
Quãng đường này, trai đơn gái chiếc, vắng bóng người, chỉ cần một phút mất kiềm chế, anh đã có thể làm bất cứ điều gì với cô.
Nhưng anh không như vậy, cùng lắm chỉ là thi thoảng tỏ ý trêu chọc.
Đêm qua, anh có thể suồng sã chẳng cần kiêng nể, nhưng anh không làm thế, thậm chí còn hơi không nỡ — Có đôi khi, đã yêu thích thì sẽ vô thức nhẹ giọng nói khẽ, cẩn thận nâng niu; cũng tựa như một người yêu hoa, xưa nay chưa từng ngắt lấy, chỉ nguyện lòng chăm bón, vun xới đất trồng, dựng sào chống đỡ, gió thổi chặn gió, mưa đổ chắn mưa.
Ngắt lấy hoa, hương thoảng một đêm bên gối thì nghĩa lý gì, điều anh mong giữ lấy còn nhiều hơn hẳn.
Sầm Kim cười: “Hôm nọ, trên máy bay, đúng là tôi chủ động trước. Anh khuyên tôi nên nghĩ thật kỹ xem có phải xúc động nhất thời, đang tìm an ủi không… Đúng vậy, chính xác là muốn tìm an ủi.
“Tôi cho rằng anh cũng thế đấy, vì khó tìm được ai trò chuyện, hay nhìn thấy hợp nhãn, trên đường lại quá buồn chán… Nếu cả hai cùng tự nguyện, mấy việc như hôn hay phát sinh quan hệ đều rất bình thường. Dù sao thì anh chưa cưới tôi chưa gả, thêm chút kí©ɧ ŧɧí©ɧ cũng chẳng vi phạm luân lý đạo đức.
“Nhưng anh lại nghiêm túc, anh hôn mắt tôi, tôi đã biết anh rất để tâm.”
Cô ngẩng đầu nhìn Vệ Lai.
Có gã đàn ông háo sắc nào lại mang tâm tư ấy, dịu dàng hôn lên mắt một phụ nữ xa lạ?
“Đã vậy thì thật ngại quá, tôi đây chỉ vui đùa, anh là nghiêm túc, như thế sao tiếp tục được nữa, không công bằng gì cả.
“Cơ mà bây giờ vẫn chưa đến nỗi nào, đàm phán sắp bắt đầu rồi. Trong vòng năm ba ngày nữa tôi có thể kết thúc vụ tàu thuyền này, sau đó ai đi đường nấy — Chắc anh đã biết rồi nhỉ? Hợp đồng của chúng ta chỉ kéo dài đến hết đàm phán, đúng vào lúc Cá Mập Hổ gật đầu thì anh được tự do.”
Cô xuống xe lại.
Lần này, Vệ Lai tránh đường.
Sầm Kim đi qua anh vào thẳng nhà tranh, cúi đầu vén cửa lều lên, khom mình chui vào.
Tấm bạt trải trên đất đã vuốt phẳng, cô ngồi xuống, cửa lều lay nhè nhẹ, lay ra một khe hở, lay ra một lối đón những xao động và ánh dương.
Thật nóng quá sức.
***
Ở làng chài nhỏ, xe van và gương mặt ngoại quốc còn mới lạ hơn cả cá mập mắc cạn trên rạn riềm. Vệ Lai gần như đã trải nghiệm đủ thế nào là được cả làng nối đuôi tới chọt tay và tham quan, còn không thể thu vé vào cửa.
Trong số đó thì đám trẻ là tò mò và khoái chí nhất, lại chẳng có việc gì làm, thế là cứ xúm xít bám luôn lấy anh, không đi đâu nữa.
Santos cảm thấy, bạn bè quốc tế đã chẳng hiểu tiếng địa phương, tự mình phải có trách nhiệm ở bên giúp đỡ. Dù rằng không có thù lao, đây cũng là chuyện vinh dự nở mày nở mặt.
Nhờ ông ta đứng giữa phiên dịch, Vệ Lai nhanh chóng hòa đồng cùng bầy trẻ.
Ngoài cửa cứ bô lô ba la, ồn ào làm Sầm Kim đau hết cả đầu, cô vén cửa lều ra một khe nhỏ–
Vệ Lai ngồi trước cửa nhà tranh, bên cạnh có con lừa xám đang thồ túi nước. Cả lừa cũng đến góp vui?
Quanh anh toàn là trẻ con nhảy nhót lồm chồm. Một cậu đen nhẻm, thấp bé nhất trong nhóm còn đu lên sau lưng anh, đòi anh làm ngựa cõng.
Anh quên mất mình đang bị thương ở lưng à?
Trong chớp mắt đó, cô chỉ muốn lao ngay tới, kéo cậu bé con kia xuống thảy qua một bên.
Cô cắn răng.
Chẳng phải việc cô nên quan tâm, cứ mặc anh đấy, sau lưng bị giẫm nát cũng là đáng đời.
Vệ Lai đột ngột quay đầu.
Cô lập tức che cửa lại.
Sau một lúc, có người đến gần, gõ vài tiếng trên khung lều: “Sầm Kim?”
“Ừm.”
Anh xốc cửa lều lên, nửa ngồi chống chân xuống: “Muốn thương lượng với em một việc. Làng này không có giếng, vũng nước ngọt gần nhất cũng cách đây hơn 2 cây số, ngư dân muốn lấy nước thì phải mượn lừa để thồ đi.
“Vừa nãy có đứa bé đưa nước về nhà, tôi xem thử thấy trong đó bị lẫn rất nhiều tạp chất. Rót ít nước của chúng ta cho chúng uống thì đều ngạc nhiên vô cùng, bảo là chưa từng gặp nước trong như vậy.
“Tôi tính thử, qua ngày mai lên thuyền thì nước trên xe chúng ta vẫn còn thừa nhiều — Tôi giữ lại đủ uống cho em, phần dư ra đem đổi với chúng.
“Nước đấy tôi sẽ lọc sơ qua, em dùng làm nước tắm vẫn ổn. Thế có được không?”
Sầm Kim chẳng nhìn anh: “Tùy ý đi, nước là do Cây Cacao chuẩn bị cho anh, đâu phải của tôi.”
Vệ Lai hơi cảm khái: “Mới đầu rót ra chúng cũng không dám đυ.ng vào, bảo chưa uống thứ gì trong vậy, sợ chết người.”
Sầm Kim nói: “Nhận ra thế giới này có sự chênh lệch quá lớn, nhỉ? Lắm kẻ vàng bạc đầy tay vẫn thấy chưa đủ, lại có người chỉ vì một hớp nước mà mất mạng.”
Vệ Lai trầm mặc hồi lâu, đứng dậy.
Sầm Kim cho rằng anh muốn rời đi, nhưng không phải.
Cô ngẩng đầu nhìn lên.
Vệ Lai đang cười.
Lần đầu gặp mặt, đã phát hiện anh rất ưa cười: Cười dửng dưng ơ hờ, cười qua loa chiếu lệ, cười ranh mãnh chợt lóe, cười che giấu lưỡi đao.
Anh nói: “Sầm Kim, thực ra, em đã không muốn dính dáng gì với tôi thì cứ nói một tiếng là được, đâu cần viện nhiều lý do vậy. Tôi thích em, tôi nói ngay, chẳng có ý gì khác. Tính tôi vốn không quen để người ta phải suy đoán, cũng không thích che giấu.”
Giống lần nọ, sau khi nhận ra Erin nghiêm túc, anh đã thẳng thắn nhắc cô ấy: “Erin, giữa chúng ta thật sự chẳng có tí lửa nhiệt nào.”
Erin phản bác: “Phải ma sát mới sinh nhiệt, anh cứ cách tôi xa vậy, không thể ma sát, làm sao có nhiệt?”
Anh nhức đầu: “Tôi thấy cô còn chẳng hiểu rõ chính mình nữa là. Cô nên suy nghĩ thật kỹ rồi hãy tới tìm tôi.”
Cuộc sống này đúng là đầy những nghi vấn, Erin nghĩ đi nghĩ lại sao đó, chợt phát hiện hóa ra mình chỉ thích phụ nữ.
…
Vệ Lai nói tiếp: “Giờ tôi đã hiểu ý em, tôi sẽ giữ chừng mực, sẽ không khiến em khó chịu — Chẳng mấy ngày nữa là đàm phán kết thúc rồi, đừng nghiêm mặt mãi thế, có thể vui vẻ hợp tác không? Tôi thích thấy em cười hơn. Còn nữa…”
Anh ngồi xổm xuống.
“Đừng bảo là em chỉ muốn vui đùa, chẳng ai tìm vui thế đâu. Nếu thật sự vui đùa thì sẽ chẳng quan tâm tôi có nghiêm túc không, đã hôn em nơi nào, cũng sẽ không bận tâm lo cứu Khương Mân — Kẻ tìm vui không có tâm, em lại có.”
Anh biết cô có, thời khắc cô vội vàng đậy bát trước mặt áo thụng, anh đã nhận ra.
Sầm Kim khẽ mấp máy môi.
Nhà tranh này thật nóng.
Cô nhắm mắt lại, nói: “Cái anh này, dài dòng quá sức. Đêm qua ngủ không ngon, tôi mệt rồi, phải ngủ bù đây.”
Cô nằm xuống, nghiêng người đi, cách tấm vải bạt dán mặt lên nền cát ấm nóng.
Vệ Lai nhìn cô.
Vì sao muốn nhắm mắt?
Anh cũng từng làm thế, bởi vì không muốn người khác trông thấy ánh mắt chân thật, thấy đôi mắt hoe đỏ.
Anh cười khì.
Thật giống một cô bé.
Lời tác giả:
Giải đáp thắc mắc.
1> Đến nay vẫn còn vài tâm hồn kiên trinh, cứ hỏi tôi bộ này có yêu ma quỷ quái không. Tôi là người thích nói trắng ra, xin vui lòng nhìn lại tên truyện, nếu có, tôi sẽ đặt tên là «Quỷ Tháng Tư».
2> Vài độc giả hỏi phải chăng nội dung tiến triển quá chậm, xin vui lòng nhìn lại tên truyện, bộ này chỉ thuật lại những chuyện phát sinh trong tháng tư, đàm phán với hải tặc cũng không quan trọng hơn việc nam chính ăn dưa. Hiện tại, ít nhất tháng tư đã qua được 10 ngày rồi…
3> Vài độc giả hỏi yếu tố tình cảm có nhiều hơn chút không, xin vui lòng nhìn lại phân loại, tôi đặt bộ này vào mục tiểu thuyết tình cảm, trong tiểu thuyết tình cảm mà không viết tình cảm, tôi thấy cũng hơi khó.
4> Còn vài câu hỏi nữa mà tạm thời tôi quên mất, khi nào nhớ ra sẽ trả lời mọi người tiếp.
~♥~♥~♥~
Ghi chú:
Nhà tranh ở châu Phi: