Chuyện Tháng Tư

Chương 15

Biên dịch: 1309

Vệ Lai tưởng mình nghe nhầm.

Anh đứng lên, bước vài bước: “Anh nói lại lần nữa xem?”

“Cậu với cô Sầm ‘âm u thở khí’ đấy ở chung thế nào rồi?”

Vệ Lai phục sát đất: “Anh còn dùng được ‘âm u tử khí’ nữa đấy.”

Nai luôn hăng say học từ địa phương, nhưng hiếm khi thấy anh ta vận dụng thành ngữ bốn chữ như này.

Nai đạt được mục đích diễn đạt nên tâm trạng cực tốt: “Vệ, tôi biết ngay cậu sẽ nghe ra mà! Thành ngữ khó gần chết! Vậy cậu thế nào, mấy nay đi cùng cô Sầm vẫn ổn chứ?”

Vệ Lai đáp: “Rất ổn.”

“Rất ổn?!”

“Thực ra cô ấy chẳng phải ‘âm u tử khí’ đâu, có đôi khi ấy, thình lình tung cho một chiêu, sợ vãi linh hồn.”

Anh cúi đầu nhìn quần, dấu tay máu vẫn rõ mồn một, có điều chắc người xung quanh sẽ tưởng là phong cách nghệ thuật, hay sở thích ăn mặc dở hơi gì đấy.

“Ở chung rất ổn… Vậy các cậu sẽ kết hôn chứ?”

Vì méo gì lại nói thế, Vệ Lai dở khóc dở cười.

Cậu chàng tóc vàng đẹp trai kia đang mỉm cười với Sầm Kim. Cười gì mà cười, đùa chứ, cô ấy chỉ muốn lấy bác sĩ, luật sư, hay giáo sư, chẳng phải một tay kéo đàn đâu.

Anh nhỏ giọng: “Như tôi là vô vọng rồi.”

Nai tiếc hùi hụi: “Không thể tranh thủ chút sao? Vệ à! Hai người rất xứng đôi, tôi còn đặt cả tên cho con hai người rồi này.”

Trán Vệ Lai nổi một sợi gân xanh.

Nhưng anh vẫn định bụng nghe cho bằng hết, Nai sẽ chẳng vô duyên vô cớ nảy ra tối kiến.

Quả nhiên —

“Mấy bữa rồi tôi học tiếng Trung ấy, vừa sực nghĩ tới! Vệ, cậu tên Vệ Lai, đồng âm với “vị lai”

(tương lai), future. Cô Sầm là Sầm Kim, đồng âm với “tằng kim”

(đã từng), cũng là quá khứ, past. Nếu hai người sinh con, có thể lấy tên là now, hiện tại!”

Chúa tôi!

“Sau này cả nhà cậu sẽ là past, future and now nhé. Tôi còn viết ca khúc cho nhà cậu đấy, now’s naughty, past’s beauty, future’s responsibility…”

(Hiện tại nghịch ngợm, quá khứ đẹp xinh, tương lai đầy trách nhiệm)

Chắc chết.

Vệ Lai tê hết cả đầu, lập tức ngăn Nai lại trước khi tế bào âm nhạc trong người anh ta bùng cháy.

“Hồi mười mấy tuổi cô Sầm đã lên kế hoạch một mạch đến tận 40, tôi có thể cam đoan với anh, trong đó không có chỗ nào cho tôi đâu, về sau cũng sẽ không.”

Chưa biết chừng kế hoạch hiện giờ của cô đã kéo tới 80 tuổi rồi ấy, có khi cả tang lễ cũng suy tính kỹ càng.

Trong lòng Vệ Lai khẽ động, bất chợt muốn kiểm chứng thử.

Cúp điện thoại, anh ngồi lại xuống bàn. Cốc bia đen đã được đưa lên, phía trên cùng là tầng tầng bọt trắng li ti, giống thứ coca đen đặc vượt mức thông thường.

“Có thể hỏi một vấn đề chứ? Cô có vạch kế hoạch tiếp cho sau này không? Ví dụ như về già, tang lễ, ai đi trước…”

Tự nhiên chẳng hỏi thêm được nữa, chính mình cũng thấy hoang đường.

Nhưng thật đáng sợ là, cô đáp.

“Từng tính qua. Trong tình huống lý tưởng nhất, tôi hi vọng chồng mình sẽ đi trước, bởi vì cuộc sống hôn nhân sẽ có kha khá bí mật. Nếu tôi chết trước, khó đảm bảo anh ấy sẽ không ba hoa linh tinh với bên ngoài, phá hỏng thanh danh của tôi.

“Anh ấy mất trước, tôi sẽ có một khoảng thời gian tương đối nhàn rỗi lúc về già, có thể sáng tác hồi ký…”

Vệ Lai chỉ muốn dìm đầu vô bia đen chết đuối cho rồi.

Lập kế hoạch xa đến vậy, thoạt nghe thì buồn cười, ngẫm kỹ mới thấy đáng sợ, còn khá là đáng ngưỡng mộ.

Nhưng có mấy lời vẫn chẳng nhịn được: “Làm từng bước như thế… Sống như đoàn xe lửa đúng giờ đến trạm, thật sự không thấy buồn tẻ à?”

“Không thấy.” Cô thờ ơ đáp, “Cũng chỉ là nói thế thôi — Đoàn xe lửa của tôi, đã chệch đường ray từ rất lâu rồi… Anh không biết sao?”

***

Nghỉ ngơi xong, Vệ Lai gọi taxi đến sân bay, ra hiệu cho Sầm Kim ngồi vào ghế sau với mình.

Trên đường, anh bắt đầu xử lý mớ đồ chơi nguy hiểm.

Sầm Kim làm theo lời anh, dựng thẳng ba lô lên giúp che chắn, tiện thể xem anh tháo súng ra.

Động tác của anh giống đang chơi rubik, thong thả, nhẩn nha. Chẳng rõ đến tột cùng đã làm gì, ngón tay anh chỉ đảo qua vài lần, một khẩu súng nguyên vẹn đã bung ra thành từng mảnh, băng đạn, chốt băng đạn, kim hỏa, lò xo đẩy về… Tiếp đó tháo hết ống kim gây mê rồi bỏ lại vào túi giấy da, thế là đã có cả lô thi hài thê lương.

Những thứ không được mang lên máy bay đều phải giải quyết trước.

Vệ Lai vươn tay về phía cô: “Dao tay gấu.”

Sầm Kim không muốn đưa.

Vệ Lai rất hiểu ý, đại khái là bởi vì dao tay gấu khá đẹp, chiếc này còn rất tinh mỹ, sơn phủ teflon đen, không vỏ, chỉ có một vòng nhẫn, thuận tiện cho việc đánh giáp lá cà. Nếu bỏ lưỡi dao đi, đeo vào cổ cũng là món trang sức xinh đẹp.

Phụ nữ chẳng thích nguy hiểm, nhưng thường ưa chuộng những thứ đẹp đẽ nguy hiểm, ví như dao tay gấu, ví như đàn ông có ngoại hình vượt trội.

Anh vẫn thẳng tay: “Dao tay gấu.”

Sầm Kim cứ bất động: “Dao tay gấu này là mới nguyên, lần đầu tiên đã uống máu tôi, coi như tôi nuôi rồi.”

Không hổ là cây bút xã luận đặc sắc, sức tưởng tượng thật phong phú.

Vệ Lai hỏi: “Cô nuôi… để làm gì, còn chờ nó đẻ trứng nữa à?”

Cũng đâu phải gà mái, nuôi một sinh hai, từ đó đời đời con cháu chẳng lo thiếu thốn.

“Rất ý nghĩa nhé, đời này, đây là món vũ khí đầu tiên để tôi tình nguyện đổ máu.”

Thảo nào, cứ thứ gì gắn với ý nghĩa là sẽ tương đối phức tạp. Vừa nghe cô nói thế, thật đúng là Vệ Lai cũng thấy rất ý nghĩa — Phía sau món vũ khí này còn có cả con tàu chở đầy phụ nữ không biết đã được cứu chưa.

“Thật sự muốn giữ lại?”

Nghe ngữ điệu của anh, hình như hơi có ý dàn xếp. Lòng Sầm Kim khẽ dao động, gật đầu.

“Vậy cứ giao cho tôi.”

Thế này là đã tìm ra cách? Sầm Kim nửa tin nửa ngờ, cuối cùng vẫn đưa dao tay gấu qua.

Vệ Lai áng chừng trọng lượng, thật sự rất nhẹ, gặp kiểm tra an ninh lỏng lẻo thì chắc cũng trót lọt.

Anh ngẩng đầu nhìn Sầm Kim, hòa nhã mỉm cười: “Không được, không qua được kiểm tra an ninh.”

Sầm Kim ngoảnh đầu qua cửa sổ, mỗi một tế bào trên thân đều đang tuyên bố: Đừng có nói gì với tôi nữa.

***

Xe đến sân bay, Vệ Lai đã tính toán tốt, 3 việc, bắt đầu lần lượt làm.

Trước hết cầm túi xách của Sầm Kim, đi từ thùng rác này qua thùng rác nọ. Đến mỗi thùng thì ném các món linh kiện trong túi da vào, cầm lên rải xuống, cứ như nông dân gieo hạt.

Đạn đã tháo ra thì bỏ xuống cống thoát nước ở mấy chỗ khác nhau, chia tách, biệt ly hoàn mỹ, đời này kiếp này khẩu súng kia đừng mong toàn thây sum họp.

Tiếp theo, tự thưởng cho mình một tách cà phê.

Sầm Kim ngồi chờ cách đó không xa, phin cà phê đang từ từ nhỏ giọt. Cô bé ở quầy nghe anh pha trò mà vui quên trời đất, cuối cùng còn cầm bút viết số điện thoại, kín đáo trao cho anh, kèm với ánh mắt sóng sánh.

Lúc Vệ Lai đi tới, cô khen: “Lợi hại đấy.”

Vệ Lai cười: “Tùy lúc tìm chút niềm vui, bằng không sẽ rất bức bối.”

“Anh mà chuyên tâm tìm niềm vui vào một mục tiêu thì đã có con cháu đầy nhà từ lâu rồi.”

Vệ Lai xích lại gần cô: “Làm gì tới mức ấy. Trai gái một đôi còn được, chứ con cháu đầy nhà, cô thấy có thể sao?”

Anh chậm rãi thả cuộn giấy nhỏ bị xoắn lại vô túi bên của tay áo khoác Sầm Kim.

“Dao tay gấu của cô đấy. Đàm phán xong thì tự gọi điện tìm cô ta để nhận lại.”



Cuối cùng là đến cổng bay ở khu vực công cộng, tìm một vị trí bắt mắt nhất, đóng cọc tại đấy.

Người Bắc Âu, nhất là đàn ông, vóc người vốn cao to, chân dài vai rộng, chiều cao trung bình từ 1m8 trở lên. Về phương diện này, thế mà Vệ Lai cũng chẳng hề thua kém — Sầm Kim đứng bên cạnh ngắm nghía anh, tự nhiên thấy dùng từ “giá áo” để hình dung đàn ông là rất chuẩn xác.

Có một cô gái trẻ tóc vàng đi qua, thậm chí còn quay đầu nhìn anh.

Đây xem như đang quảng bá cho nước nhà rồi, mặc dù cả hai đều không nói rõ quốc tịch.

Chờ đến phát chán, Sầm Kim đi qua chuyện phiếm với anh: “Cứ đợi mãi vậy, có thể nhận được vé à?”

Vệ Lai nhìn cô: “Cô rất ít chơi trò liên hệ chắp nối này nhỉ?”

Anh giải thích: “Đã bảo chờ thì cứ chờ ở đây, Nai sẽ thu xếp hợp lý đâu ra đấy, trao nhận tự nhiên, không làm ai chú ý. Nghề này của chúng tôi có rất nhiều chi tiết cần tỉ mỉ, kín kẽ, người ngoài chưa chắc đã nhìn ra được cách thức…”

Lời còn chưa dứt, có người oang oang sau lưng: “CÂY NOEL? CÂY NOEL? AI LÀ CÂY NOEL?”

Vệ Lai chợt thấy… sống trên đời thật ông nội nó gian nan.

Sầm Kim nhìn anh.

Vệ Lai cầu trời cô đừng lên tiếng.

Thấu tình đạt lý thì đừng nói lời nào, chừa cho người ta chút mặt mũi mới là có đạo đức.

Người kia sải bước tới gần: “Cây Noel à?”

Là một nhân viên tạp vụ ở sân bay, mặc đồ lao động, bên chân là xô đựng cây lau nhà. Ông ta cao lớn thô kệch, tóc tai lởm chởm.

“Bảo tìm cậu chàng tóc đen, tên Cây Noel, bên cạnh có một cô gái, là cậu nhỉ? Nghe kêu mấy lần sao không đáp lấy một tiếng.” Sau đó đập bộp phong thư vào ngực anh, “Vé của cậu này.”

Khi xách thùng rời đi, trong miệng còn lầm bầm lầu bầu, hình như mắng anh “Ngờ nghệch”, “Gọi cả buổi trời cũng chả biết trả lời”, “Ngáo ngơ”.

Vệ Lai cố gắng không nhìn Sầm Kim, cố tỏ ra bình tĩnh, rút vé máy bay kiểm tra thông tin.

Sầm Kim vẫn quan sát anh.

Vệ Lai hi vọng cô đừng nói gì hết.

Nhưng chẳng như mong muốn.

“Thu xếp ‘hợp lý đâu ra đấy’, là gào lên thế à?”

Dĩ nhiên không phải.

Cô có thể đổi châm thủng áo thành “chấm dứt”, thì tôi cũng có thể gọi sắp xếp của Nai là hành động bất ngờ, là phương pháp trái ngược tư duy thông thường…

“Thực ra…”

“Đi thôi.”

Cô chẳng cho anh cơ hội đáp trả, xoay người vào phòng chờ máy bay. Ngay lúc bước qua cửa, cánh tay phải giơ lên cao, ngón tay ngoắc ngoắc chỉ vào trong.

Giống vẫy gọi, dẫn dắt, còn giống đang cưỡi heo, vung vẩy hò hét…

Vệ Lai cảm thấy tưởng tượng so sánh kiểu này rất tiện lợi, cứ lẳng lặng dìm người mà vẫn hòa thuận ấm êm.

Anh xốc lại hành lý trên vai, tâm trạng phơi phới theo sau.

Không đúng, anh chợt sững lại.

Một người vẫy tay dẫn đường, bị cưỡi là heo, hình như đám lâu nhâu chạy theo… cũng là heo nốt?

***

Kiểm tra an ninh và qua cửa thuận lợi, điều duy nhất khiến Vệ Lai phải phê bình kín đáo là về chuyến bay — Red-eye flight

(bay đêm).

Song nghĩ đi nghĩ lại, phải bay gần 20 tiếng là chắc chắn sẽ có một đoạn bay đêm rồi. Hơn nữa, phía Saudi rất hào phóng, còn đặt cả vé khoang hạng nhất.

Việc cuối cùng là chờ lên máy bay.

Làm vệ sĩ, khó khăn nhất chính là cùng chờ đợi, anh chẳng thể tán gẫu với khách hàng — Người ta sẽ chê anh phiền hà. Vả lại, Sầm Kim cũng đâu thèm nói gì với anh. Cô tự biết cách tiêu khiển, vừa lấy giấy bút ra là cắm đầu tô tô vẽ vẽ, chẳng buồn ngước mắt lên.

Vệ Lai làm cùng lúc nhiều việc, vừa quan sát tứ phía, vừa xem cô vẽ tranh.

Không thấy dấu hiệu nguy hiểm. Có lẽ hết thảy đều như anh dự liệu, Sầm Kim chỉ bị kẻ rình trộm biếи ŧɦái uy hϊếp.

Cô phác thảo các nét, bố cục dần dần hiện rõ, trông giống một trường tiểu học, có sân thể dục, cột cờ, trên đỉnh gắn cờ. Từng nhóm người tụ năm tụm ba ngoài sân thể dục, cùng nhóm lửa nấu ăn. Khói bếp vấn vít bay tới lưng chừng trời, hòa vào cụm mây đen u ám.

Phía sau cổng sắt trường học chất đầy giường, bàn học, đá tảng, thêm cả xe tải.

Đang xem hào hứng, anh chợt nghe tiếng cười xen lẫn tiếng bánh xe vali lăn đều, còn có ngôn ngữ xa lạ lướt qua cửa phòng chờ khoang hạng nhất.

Vệ Lai thấy rất bình thường, sân bay quốc tế nên ngôn ngữ pha tạp.

Nhưng Sầm Kim bỗng nhiên dừng bút. Cô dùng bút chì, nét bút đang liền mạch đột ngột sững lại, riêng ở đấy xuất hiện một vết hằn sâu hơn xung quanh, đặc biệt bắt mắt.

Vệ Lai giữ nguyên vẻ mặt, đảo mắt về phía hành khách vừa đi qua.

Là một đại gia đình, có người lớn, có con trẻ. Dưới lớp áo khoác dày của họ lộ ra viền áo chùng dài, màu sắc tươi tắn. Trong đó có một cô bé con để tóc cuốn lọn nhỏ, đuôi tóc thắt hạt châu nhiều màu rực rỡ, hễ xoay đầu lại nghe leng keng vui tai.

Vệ Lai dời mắt: “Chuyến bay này là tới Khartoum, chắc sẽ có không ít hành khách châu Phi.”

Sầm Kim im lặng, sau một lúc, cô tiếp tục vẽ tranh.

Chẳng qua là, hiện không có thứ gì dùng tẩy xóa được, cho nên bất kể có phác họa lại thế nào, tạo hình tinh tế ra sao, vết hằn do dừng bút đột ngột ấy, từ đầu đến cuối vẫn luôn hiện hữu