Hôm sau Quân Hoành vẫn lẩn thẩn đi lại chơi ở thư trai của Nhan Xuân Mẫn. Đi tới hoa viên gặp con đầy tớ Tú Hồng đằng kia đi lại, bụng đã sinh nghi lại hỏi: "Tú Hồng? Mi đi lại đây làm gì?". Tú Hồng đáp: "Chào Phùng công tử, vì cô tôi dạy lại đây hái hoa". Quân Hoành hỏi: "Mà hoa mi hái ở đâu?". Tú Hồng nói: "Không có, bởi vì xem thấy hoa chưa nở, nên đi tay không về, mà công tử cật hỏi chuyện ấy làm chi? Vườn của chủ tôi, tôi hái, can thiệp gì tới công tử?".
Tú Hồng nói rồi bỏ đi một mạch, Quân Hoành vừa giận vừa nghi, đi riết vào thư trai chỉ thấy một mình Nhan sinh ở đó, còn Võ Mặc đi nấu trà vắng. Bấy giờ Nhan sinh đương cầm một phong thư vừa muốn mở ra xem, thấy Quân Hoành tới bèn đút vào cuốn sách trên bàn rồi chào hỏi mời ngồi. Quân Hoành ngồi xuống, làm bộ niềm nở hỏi mượn sách vở về xem. Nhan sinh vô ý bước lại kệ sách lựa lấy, ai dè khi nãy Quân Hoành đã thấy chỗ để bức thư, bèn lẹ tay lấy bỏ vào túi, đợi Nhan sinh đưa sách cho mượn liền kiếu ra về.
Về nhà Quân Hoành xé thư ra xem, thời là lời ước hẹn tới canh hai đêm ấy Kim Thiền và Nhan sinh sẽ hội ngộ tại cửa sau, để tỏ tình và cho tiền như ý bà vυ' Điền Thị đã nghĩ. Quân Hoành xem xong nghĩ thầm rằng: "Nếu đêm nay chúng nó hội ngộ nhau rồi, thời duyên phận ta như mây tan nước chảy. Mà may sao thư này lại lọt vào tay ta, dẫu Nhan sinh biết ta lấy, lại dám làm gì sao? Thôi đêm nay ta phải giả Nhan sinh lại nơi kỳ ngộ, ép nàng dưới nguyệt trong hoa, thời khoái biết bao nhiêu, nếu nàng không chịu ta có thư làm chứng, thời cái tội mở cửa rước trộm này lớn lắm, nàng phải sợ ngay ".
Nói lại lúc Kim Thiền sai Tú Hồng đưa thư cho Nhan sinh rồi thời thu vét cả đồ tư trang và tiền bạc đựng vào một gói. Tới trống canh hai sai Tú Hồng xách ra cửa sau cho Nhan sinh. Tú Hồng ra tới nơi, thấy đằng xa đi lại một người, coi giống dạng Nhan sinh liền hỏi: "Ai đó?". Người ấy đáp: "Tôi là Nhan sinh đây". Tú Hồng nghe tiếng lạ hoắc, lại thấy người ấy muốn xốc lại ôm, liền la rằng: "Có trộm, có... " Quân Hoành vội vã bụm miệng nó lại, ai dè cái tướng vũ phu thô lỗ kia, mạnh mẽ làm sao, vô ý làm sao, đã không bụm được miệng lại bóp vào cổ con Tú Hồng, làm cho thân mai vóc liễu không chịu nổi, ngã ngửa ra chết ngay. Quân Hoành thấy biến bèn xách gói bạc trở về nhà, rồi lại đem quạt và bức thư của Nhan sinh tới bỏ dựa bên thây Tú Hồng.
Tiểu thư và bà vυ' Điền Thị chờ một lúc lâu không thấy Tú Hồng trở lại. Điền Thị lén đi xem, thời thấy người canh hô hoán lên là Tú Hồng đã chết, lật đật về phòng cho tiểu thư hay.
Liễu viên ngoại và Phùng Thị nghe chuyện như vậy tức thì tới nơi xem, thấy có bức thư và cái quạt ở bên cạnh, bèn đem đèn lại xem, xem xong đi vội vào phòng tiểu thư mắng nhiếc thậm tệ. Tiểu thư ngồi xịu mặt chưa biết đáp làm sao, may Phùng Thị vừa đi tới, lấy bức thư xem và nói rằng: "Ông lầm rồi, việc này tại con Tú Hồng hết thảy, thư này nó viết chớ không phải Kim Thiền, vì chữ hai đứa nó giống lắm, lại con mình còn ở nơi phòng, mà Tú Hồng chết ở đó thì đen trắng rõ rồi. Tức nỗi thằng chết bầm kia đã được tiền lại còn hại mạng". Liễu Hồng nghe nói, trăm oán ngàn giận đều đổ trút lại một mình Nhan sinh, liền viết tờ cáo, nói Nhan sinh gϊếŧ Tú Hồng rồi bắt Nhan sinh giải lên huyện Tường Phù.
Tội nghiệp Nhan sinh đương ngủ nào có hay gì. Nhờ có Võ Mặc biết đầu đuôi thuật lại, nên Nhan sinh không lấy làm lạ và cũng vững lòng. Còn Phùng Thị cứ kiếm kế này chước nọ xúi Liễu Hồng xin quan huyện buộc Nhan sinh phải thế mạng cho Tú Hồng; nên lúc quan huyện tới nghiệm thây, thì Liễu Hồng hết sức xin xử đền mạng. Quan huyện khám nghiệm xong, về nhà thăng đường thấy tướng Nhan sinh hiền từ nho nhã không phải kẻ sát nhân thời có ý thương bèn hỏi: "Nhan Xuân Mẫn kia, vì sao mi nỡ đang tay gϊếŧ Tú Hồng?". Nhan sinh đáp: "Vì nó không vâng lời sai khiến và hay cự lại, nhân bữa đó nó nói nhiều điều vô lễ tôi nổi giận kéo cổ ra cửa sau bóp cho nó chết nghẹt. Tội như vậy mong lão gia liệu xử thế nào tôi cũng chịu. Nghĩ vì kiếp trước lắm nỗi oan trái, nay phải mang nghiệp báo". Nói rồi cúi lạy coi vẻ tự nhiên, quan huyện lấy làm lạ lắm nghĩ rằng: "Người này nếu không phải điên thời trong việc này cũng có lẽ gì rắc rối nên không thể nói ra, phải nhận liều như vậy cũng chưa biết chừng. Vậy ta nên xét kỹ rồi sẽ định án". Nghĩ xong sai đem giam Nhan sinh vào ngục.
Nguyên Nhan sinh nghĩ rằng: "Tiểu thư có lòng tốt giúp mình, mong nên ước hẹn, bởi tại mình vô ý thành ra Tú Hồng thác oan, nếu nay mà khai rõ nguyên do, chắc Tiểu thư chẳng khỏi ra cửa quan đối chất, như vậy e mất danh giá và bại hoại gia phong của Tiểu thư. Thà là chịu chết để buộc tội vô ý phải làm cho Tú Hồng chết oan kia". Khi Võ Mặc thấy chủ mình cung nhận và bị giam vào ngục, khóc rống lên, nước mắt như mưa xối, vơ vét tiền bạc đem lo cho chúa ngục xin vào hầu hạ tướng công. Vì vậy Võ Mặc được vào ngục, thấy Nhan sinh khốn khổ thời than khóc rầm rĩ, duy Nhan sinh thì cứ một mực vui vẻ tươi cười. Tin Nhan sinh chịu tội cung xưng đưa tới nhà họ Liễu, Liễu Hồng và Phùng Thị mừng rỡ lắm, chỉ có một mình Kim Thiền tiểu thư lại càng sầu não. Nàng nghĩ rằng: "Tại ta mà Nhan sinh phải liên lụy, lại cũng vì ta mà Nhan sinh phải cung xưng. Ôi! Người không bỏ ta, ta sao nỡ phụ người. Thôi thôi! Chàng mà chết thời ta còn sống làm chi, nhưng muốn tạ nghĩa chàng, ta nên chết trước chàng cho rõ mày đẹp dạ". Tiểu thư đã quyết rồi, nên chờ bà vυ' Điền Thị đi vắng, liền mở đây lưng buộc lên rường nhà treo cổ mà chết. Khi Điền Thị trở vào thấy vậy chạy báo cho Liễu Hồng, đem người nhà vào cấp cứu, song le hồn đã dạo chơi tiên cảnh, phách đà lên chốn đài mây, còn mong gì cứu. Liễu Hồng muốn sai người đi báo huyện, Phùng Thị can rằng: "Không được, nếu bộc lộ việc này ra thời hại to". Liễu Hồng hỏi: "Sao vậy?". Phùng Thị nói: "Còn án con Tú Hồng kia mà, sao mà nhân mạng nhiều thế?". Liễu Hồng lại hỏi: "Vậy tính làm sao cho êm bây giờ?". Phùng Thị nói: "Tốt hơn hết là nên sắm hòm rương tẩm liệm lại tử tế để quản sau hoa viên, cấm gia nhân không cho ai nói tiểu thư tự vẫn, mà phải tuyên truyền rằng tiểu thư bệnh nặng. Đợi ít ngày sẽ bán rao ra rằng tiểu thư vì bệnh mà chết, bấy giờ sẽ đem quan tài ra ngoài mà chôn, ấy là kế hay hơn hết".
Liễu Hồng nghe theo lời, bảo gia nhân làm y kế, rồi cho mỗi đứa bốn lượng bạc và cứ đóng kín cửa hoa viên sợ người ra vào biết.
Ai dè trong bọn gia nhân có Ngưu Lư Tử là con của Ngưu Tam. Vì cha nó lúc trước là đầy tớ trung thành của Liễu Hồng, nay già lại đui mắt, nên Liễu Hồng thương lắm, cất cho một cái nhà ba gian ở sau hoa viên, cho vợ chồng con cái ở với nhau. Khi Ngưu Lư Tử lĩnh bốn lượng bạc về nhà, vợ là Mã Thị mới hỏi cớ sao mà có bạc, Lư Tử liền kể hết các việc lại nói thêm rằng: "Tiểu thư chết đem theo nhiều đồ quá, nào là trâm phụng, kiềng vàng, bông tai ngọc, vòng chuỗi nhiều lắm". Mã Thị nghe nổi bụng tham, bèn bảo Lư Tử rằng: "Nếu mình bạo gan, đem nay lén tới cạy hòm trộm đồ ấy, thời cả đời sung sướиɠ. Kìa kìa, cách có bao xa mà sợ". Ngưu Tam nghe nói rầy rằng: "Bây tính việc đó không được đâu! Làm vậy còn lương tâm thiên lý nào. Chủ có việc không lo, lại tham tâm làm quấy. Lư Tử! Việc ấy không nên đâu con". Ngưu Tam bảo vậy mà Lư Tử nào có nghe, cứ việc sai vợ con lo cơm nước cho sớm, tự mình kiếm một cái búa và một cây gậy, chờ tới canh hai sẽ ra tay.