Qua Cửa

Quyển 2 - Chương 22: Ra đi

Hôm ấy Từ Tây Lâm vừa mới đi, Từ Tiến đã bị một cú điện thoại gọi ra ngoài.

Có một khách hàng lớn mù luật rất nhiều năm trước lập công ty mục đích đặc thù ở nước ngoài, thủ tục trong nước không đầy đủ, vấn đề lịch sử sót lại này không biết làm sao mà bị người đầu tư ngoại cảnh lật lại, bên kia đang ầm ĩ chất vấn tính hợp pháp của nó, tất cả những người đầu tư chiến lược có nguy cơ ra tòa, mấy đội ngũ phụ trách chùi đít đang bận tối mày tối mặt.

Từ Tiến xa nhà hơn hai tháng sofa còn chưa kịp ngồi nóng, dán hai miếng băng cá nhân lên chân, lê đôi giày cao mười centimet như cà kheo chạy đến công ty chủ trì đại cục.

Bà đến công ty, trước tiên mở một cuộc họp qua điện thoại truyền hình, chắc chừng phải đưa ra phương án ngay trong đêm, không còn cách nào, Từ Tiến đành phải day huyệt thái dương càng lúc càng đau đi đến gian uống trà gọi điện thoại cho dì Ðỗ.

Điện thoại còn chưa gọi đi, cúi đầu liền phát hiện dây guốc bị đứt.

Từ Tiến thở dài, ngồi xổm xuống xem thử chỗ đứt, nghĩ bụng: “Thời vận không tốt.”

Bà vừa định đứng dậy kêu trợ lý đi mua giúp đôi giày, mới đứng lên thì trước mắt chợt tối sầm…

Thời gian thình lình dừng lại ở đây.

Kinh nghiệm đi bệnh viện của Từ Tây Lâm đời này không vượt qua mười lần, cơ bản đều tập trung ở trước mười tuổi. Khi gã hoang mang và hoảng loạn chạy tới bệnh viện, đêm đã khuya, gió thu chớ hề có lòng trắc ẩn đâm xuyên qua áo khoác, Từ Tây Lâm đứng ở cổng bệnh viện, rùng mình, phát hiện kẻ không có thường thức là mình căn bản chẳng biết nên đi đâu tìm người.

Đậu Tầm im lặng giữ chặt tay gã.

Lúc này, một người đàn ông vẫn loanh quanh ở cổng bệnh viện nhìn thấy họ liền rảo bước tới, chóp mũi đỏ lên, không biết có phải là do ở bên ngoài bị lạnh hay không.

“Cháu là Tiểu Lâm à?” Người ấy nói, “Chú là chú Triệu mới gọi điện thoại cho cháu đây.”

“Chào chú.” Từ Tây Lâm lúc này vẫn không quên lễ phép, “Mẹ cháu đang ở đâu? Mẹ thế nào rồi?”

Luật sư Triệu mím môi một cách khó khăn, như là bị hỏi không đáp được, nhìn chằm chằm Từ Tây Lâm nửa phút.

“Cháu à,” Ông run rẩy thở dài, nói năng hơi lộn xộn, “Cháu à…”

Đậu Tầm trước một bước cảm nhận được điều gì đó, bàn tay nắm tay Từ Tây Lâm đột nhiên siết chặt.

Nếu nói ngày hôm ấy có cảm giác gì, kỳ thực Từ Tây Lâm chẳng nhớ rõ lắm, đặc biệt như nằm mơ vậy, ngay cả đặc điểm những người xung quanh gương mặt đều mơ hồ cũng giống hệt trong mơ, cốt cán Từ Tiến nhiều năm gom lại đều đến đủ, họ bảo làm gì thì gã làm thế, Đậu Tầm dẫn đi đâu thì gã đi đó, về phần đầu đuôi sự việc là thế nào, tất cả đều chẳng để vào lòng.

Ban đầu, có nữ đồng sự của Từ Tiến khóc nức nở muốn ôm gã, đều bị Đậu Tầm từ chối một cách lễ phép mà không giải thích. Đậu Tầm nhờ sự nhạy bén hơn hẳn người khác cảm nhận được “giấc mơ ban ngày” đang trùm lên Từ Tây Lâm, hơn nữa theo bản năng bảo vệ gã, vươn xúc giác không giỏi xã giao một cách lơ mơ và khó khăn, thay Từ Tây Lâm ứng phó mọi người lui tới.

Xử lý xong chuyện ở bệnh viện, hai luật sư trẻ tuổi đưa họ về nhà.

Ánh đèn đường đêm khuya trong sương mù ngó đứt tơ vương, xếp đội bay vυ't qua. Từ Tây Lâm xuyên qua cửa kính xe thoáng nhìn ra bên ngoài, trống ngực bỗng nhiên đập dồn, bấy giờ mới có một chút cảm giác, gã thầm nghĩ: “Vừa rồi mình đã đi làm gì?”

Đậu Tầm choàng tay qua vai ôm gã, ấn gã vào lòng mình.

Nhà họ Từ đèn đuốc sáng trưng suốt đêm, dì Đỗ hai mắt đỏ hoe chờ ở cổng, chớp mắt nhìn thấy Từ Tây Lâm liền òa khóc nức nở. Tiếng khóc của người phụ nữ ấy làm thần kinh chết lặng của Từ Tây Lâm đau nhói, sự khủng hoảng khổng lồ và sự phẫn nộ gần như bất lực quay lại hết, Từ Tây Lâm hất mạnh Đậu Tầm ra, sải bước chạy vào nhà.

Bà ngoại mái tóc bạc phơ nhưng bất cứ lúc nào nơi nào dáng vẻ đều đoan trang ngồi ngay ngắn trong phòng khách, chớp mắt khi Từ Tây Lâm đối diện với bà, linh hồn chỉ mới mười bảy tuổi kia giãy thoát hết thảy trói buộc của sự tự bảo vệ.

Gã theo bản năng muốn làm ầm lên với bà Từ để trút hết ra. Gã muốn hoảng loạn gào to lên rằng “họ nói mẹ cháu mất rồi, họ chỉ đánh rắm thôi”, lại muốn như một đứa bé, hốt hoảng trốn sau lưng bà ngoại, chờ người lớn xử lý mọi chuyện.

Thế nhưng gã còn chưa kịp làm gì, đã nghe thấy bà ngoại yếu ớt thở dài.

Bà Từ nghe Chúc Tiểu Trình khóc lóc kể lể về cuộc hôn nhân nhiều khó khăn sẽ rơi nước mắt, nghe Bạch nương tử và Hứa tướng công sinh ly tử biệt sẽ rơi nước mắt, xem Đại Thánh ba lần đánh Bạch Cốt Tinh bị sư phụ đuổi đi cũng rơi nước mắt… Bà từng diễn rất nhiều vai, đã khóc cả đời trong câu chuyện của người khác, lúc này, lại chẳng rơi lấy một giọt lệ, chỉ chậm rãi đỡ nhẹ thái dương thoáng cái bạc trắng như tuyết, nói với Từ Tây Lâm: “Lúc cháu còn chưa ra đời, ông ngoại cháu cũng đi như vậy. Ông ấy cảm thấy thân thể mình quá tốt, một ngày kia ngồi xuống muốn đứng dậy, thì đột nhiên ngã quỵ, để lại mẹ góa con côi. Bà đã bảo bao nhiêu lần, không được quá béo, không thể ăn nhiều dầu mỡ…”

Mà bây giờ, sau mấy chục năm, lại một người ngã xuống, còn lại vẫn là mẹ góa con côi.

“Tiểu Huệ này,” Bà Từ nói đến đây thì thở hổn hển một hơi như không tiếp tục được, giống một con hát lão luyện lên sân khấu lại quên lời, trầm mặc rất rất lâu, mới bất lực nói tiếp, “Sao có thể mọi chuyện đều theo ba nó chứ?”

Hai câu này như một bàn tay kéo mầm non cao lên, dịu dàng lướt qua tai gã, sau đó hung ác túm lấy hồn phách của gã trai mười bảy tuổi, chớp mắt kéo gã dài lên, tôi luyện thành hai mươi bảy… ba mươi bảy.

Từ Tây Lâm thở ra một hơi cuối cùng của người thiếu niên, kéo lưng mình thành kích cỡ trưởng thành sớm, bước đến đỡ bà Từ dậy, nói: “Trễ quá rồi, bà đi nghỉ ngơi trước đi, còn có cháu mà, không sao đâu.”

Bà Từ phải ngẩng đầu lên mới có thể nhìn thấy mặt thằng cháu.

Từ Tây Lâm liền khom lưng ôm bà một cái, chạm đến xương cốt tiều tụy già nua, sờ như khung cửa cũ bị mọt đυ.c rỗng vậy. Gã khẽ thì thào bên tai bà: “Tiểu Huệ không còn, cháu cũng chăm sóc được bà mà?”

Mỗi một chữ đều dùng âm lượng thì thầm, nhưng mỗi một chữ đều là một cây đinh sắt, Từ Tây Lâm nói xong, liền đóng thiết giáp lên đầy người mình.

Rồi gã không giải thích gì đẩy bà Từ vào phòng ngủ, giúp bà cởi giày và áo ngoài, đắp chăn, sau đó đi ra nghe khách khứa trong nhà mỗi người khuyên một lần nén bi thương, gọi dì Đỗ bưng trà rót nước cho khách, đến rạng sáng mới tiễn mọi người ra cửa.

“Mẹ em để lại rất nhiều việc, em chưa từng tiếp xúc, cũng không hiểu lắm, mấy hôm nữa có thể còn phải phiền các anh chị giúp đỡ, em xin cảm ơn mọi người trước.” Từ Tây Lâm tự động nâng vai vế cho mình, biến hết loạt “chú dì” thành “anh chị”, dừng một chút, lại bổ sung, “Về sau mọi người đều để lại cách liên lạc cho em đi, đừng vì mẹ em mất mà cắt đứt liên lạc, có chỗ nào cần đến em, thì cứ việc gọi.”

Mấy ngày sau, chính là lo liệu hậu sự, xử lý tài sản và cổ phần trong công ty của Từ Tiến, tổ chức tang lễ, tiếp đãi từng đợt khách không biết có quan hệ gì với Từ Tiến, cho dù có các đồng sự lúc bà còn sống giúp đỡ, vẫn lắm việc lắt nhắt đến mệt lử. Từ Tây Lâm không dám để bà ngoại hao tâm tốn sức nhiều, dì Đỗ thì cái gì cũng chẳng biết, may là bên cạnh có Đậu Tầm, mọi việc đều có thể thương lượng, chưa hoàn toàn không ai giúp đỡ.

Đậu Tầm xin nghỉ học, ban ngày giúp gã chạy qua chạy lại, ứng phó các công việc, ban đêm cùng Từ Tây Lâm chen chúc trên cái giường đơn của gã – hai người vậy mà cũng có thể chịu nổi, bởi vì Từ Tây Lâm cơ bản không ngủ được, cả đêm ngoan ngoãn nằm im đó, chỉ chiếm một góc nhỏ.

Chúc Tiểu Trình cả ngày thần long kiến thủ bất kiến vĩ đến thăm, Đậu Tuấn Lương cũng lộ diện, Tống Liên Nguyên… đủ mọi hạng người trước kia Từ Tiến từng tiếp xúc đều tới, Trịnh Thạc đặc biệt từ nước ngoài chạy về – ông ta chỉ có thể ở tạm khách sạn, do bà Từ thật sự không muốn gặp chút nào.

Từ Tây Lâm tiếp đãi hết mấy người này, khước từ lời mời “muốn nói chuyện một chút” của Trịnh Thạc – cũng may Trịnh Thạc không bức ép gã, cực kỳ thấu hiểu mà tiếp nhận câu trả lời lấy lệ “để nói sau đi” của gã, sau đó cùng mọi người đưa tiễn Từ Tiến.

Từ Tây Lâm lần đầu tiên biết “tử vong” là gì. Lúc còn rất nhỏ cùng bà ngoại nghe bình thư “Tiết gia tướng”, đứa trẻ ba bốn tuổi không hiểu lắm, phần lớn nhân vật cũng đều không biết ai là ai, chỉ thích tam gia Bạch Văn Báo, bởi vì “Bát quái mai hoa lượng ngân chùy” nghe đặc biệt ngầu.

(Bạch Văn Báo là một viên đại tướng thủ hạ của Tiết Cương trong Tiết Cương phản Đường, Bát quái mai hoa lượng ngân chùy là tên một loại vũ khí)

Đến đoạn Bạch Văn Báo chết trên tay Tiết Bình, Từ Tây Lâm bé con không hiểu, nghe thấy bà ngoại sụt sùi, liền gặng hỏi: “Ổng bị sao vậy bà?”

Bà ngoại nói: “Chết rồi.”

Từ Tây Lâm hỏi: “Chết là gì ạ?”

Bà ngoại trả lời: “Chính là về sau không đến nữa.”

Chính là về sau không đến nữa.

Bi hận hoan hỉ trên trần thế, từ nay về sau, đều chẳng còn liên quan.

Giữa người với người, như lục bình và cỏ bồng, duyên tụ duyên tan, duyên khởi duyên diệt, đều là chuyện vô thường, cha mẹ anh em, người yêu bạn bè đều thế cả, nói tới “thiên trường địa cửu”, kỳ thực chẳng qua là hư ảo giả dối mà thôi.

Thời gian đến, thời gian tụ, thêm một ngày là được một ngày, có thể cắt đứt bất cứ lúc nào… Chỉ là đại đa phàm nhân không thể chấp nhận sự thật này, họ luôn cảm thấy mình đã “mất đi” cái gì.

Mọi việc xong xuôi, Từ Tây Lâm mệt rã rời, ngửa mặt nằm trên sofa phòng khách, ngoài cửa sổ ánh dương rực rỡ, trời cao đất rộng, sắc thu tươi tắn, Đậu Đậu ủ rũ nằm trên cửa sổ thiêm thϊếp ngủ.

“Có phải mấy hôm không ai để ý nên con chó này bị bệnh rồi hay không?” Từ Tây Lâm tìm chuyện để nói với bà ngoại, “Hay là cháu đưa nó đi thú y khám thử nhé?”

“Không cần khám, nó không bị bệnh.” Bà ngoại nói, “Nó già rồi.”

Từ Tây Lâm hơi ngớ người. Đậu Đậu có từ lúc gã còn rất nhỏ, khi đó Từ Tiến vạn sự khởi đầu nan, bận đến sứt đầu mẻ trán, tiền bạc cũng rất túng thiếu, nghe nói con trai muốn một con chó, bà cũng chẳng mua nổi chó thuần chủng loại đi thi được, chỉ có thể dậy thật sớm, dẫn con đến chợ chó lộn xộn, mua về con tiểu tạp chủng càng lớn càng khó ưa này.

“Lũ chó mèo, chính là như vậy.” Bà ngoại thì thào rất khẽ, “Cháu là trẻ con, nó là chó con, nó lớn lên cùng cháu, chờ tới khi cháu trưởng thành, thì nó cũng chỉ một tiếng ‘ra đi’ thôi.”

(Chỗ này bà ngoại dùng tiếng địa phương)

Xin hỏi linh sơn bao nhiêu đường? Đáp rằng mười vạn tám ngàn có lẻ. (1)

Đáng buồn lắm thay, đáng buồn lắm thay.

Từ Tây Lâm cho rằng mình đã mỏi mệt chết lặng tột cùng rồi đột nhiên lại không nhịn được, chẳng rằng chẳng nói, chạy thẳng lên lầu, cắm đầu chui vào phòng ngủ của mình.

Đậu Tầm đang dọn dẹp phòng giúp gã ngẩng đầu lên, Từ Tây Lâm bị hắn nhìn một cái, chỉ kịp đóng cánh cửa sau lưng, nước mắt kìm nén nhiều ngày rốt cuộc rơi xuống.

—- Câu này trích từ Tư phàm, một vở tuồng Côn.