Giới Hạn Của Tuổi Trẻ

Chương 45: Về nhà

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Bang J nước M

Chín giờ tối, Thẩm Đàm đang ngồi bên bàn học chuẩn bị đơn xin tham gia khóa học mùa hè thì điện thoại rung lên.

Cậu ta đưa tay day trán cho đỡ mỏi.

Thẩm Đàm cầm điện thoại lên xem qua, là tin nhắn Mai Hâm gửi.

Sau khi xem, Thẩm Đàm thoáng lặng đi trong giây lát, đôi con ngươi đen sẫm sâu hun hút.

Không trả lời lại, Thẩm Đàm tiện tay bỏ điện thoại xuống, cầm cốc cà phê lên, đi về phía cửa sổ.

Chiếc áo len màu đen rộng cổ mặc ngoài, áo sơ mi trắng mặc trong, chàng thanh niên cao ráo khôi ngô đã bớt đi vẻ non nớt của những người trẻ tuổi.

Thẩm Đàm đút tay kia vào túi quần, lẳng lặng nhìn ra ngoài cửa sổ.

Ngọn đèn hoa ngoài kia hắt ánh sáng xuyên qua lớp lớp rèm cửa sổ in bóng loang lổ lên gương mặt sáng sủa của cậu ta, sườn mặt góc sáng góc tối.

Một lát sau, có vẻ đã hạ quyết tâm làm một điều gì đó, Thẩm Đàm trở lại bàn học, mở máy tính lên.

Về đến thành phố C vừa đúng giữa trưa.

Ông nội đã đứng chờ sẵn ở cổng làng. Ngô Du Du vui vẻ chạy tới khoác tay ông. Cụ Ngô Quốc Xương nhẹ nhàng bảo một câu “Về rồi à” rồi hai người cùng về. Chỉ vậy thôi nhưng Ngô Du Du biết thừa ông cụ đang rất vui.

Bước vào cửa nhà, Ngô Du Du cất hành lý vào trong phòng, thay quần áo xong lại trở ra phòng khách.

“Ông ơi! Ông xem này!” Ngô Du Du vui vẻ chạy đến trước mặt ông nội.

Cụ Ngô Quốc Xương đang dở tay trong bếp, nghe cháu gọi thì quay lại nhìn.

Ngô Du Du mặc bộ quân phục màu xanh, ngẩng đầu, ưỡn ngực, thực hiện động tác chào theo nghi thức quân đội: “Chào thủ trưởng!”

Đôi mắt cụ Ngô Quốc Xương đầy cảm động, con ngươi đùng đυ.c bởi sự ăn mòn của thời gian nhòe đi.

“Ông nội ơi?” Thấy ông cụ ngây người ra, Ngô Du Du lo lắng lại gần hỏi han.

Cụ Ngô Quốc Xương hoàn hồn, quay đầu đi, tiếp tục việc của mình, miệng thì nghiêm khắc bảo: “Vớ vớ vẩn vẩn! Quân trang là thứ có thể mặc tùy tiện được hả?! Ở ngoài mặc trang phục bình thường! Mau đi thay ra đi.”

Ngô Du Du hiểu tính ông cụ nhưng vẫn thấy hơi thất vọng, kéo ống tay ông làm nũng: “Cháu chỉ là muốn mặc cho ông nội xem thôi mà.”

Trong giây phút im lặng, cụ Ngô Quốc Xương vẫn không xoay người lại, có điều giọng nói dịu dàng hơn nhiều: “Buổi chiều đi thắp cho cha cháu nén hương đi, lúc đó cả mặc bộ này.”

“Vâng ạ.” Ngô Du Du ngoan ngoãn vâng lời rồi trở ra ngoài.

Đi đến chỗ rẽ, Ngô Du Du quay lại nhìn thoáng qua khung cửa còn đang để mở.

Tình cờ thấy ông đưa tay chấm khóe mắt. Ông vẫn mặc chiếc áo len tối màu ngày xưa, mới nửa năm không gặp ông mà cái lưng luôn thẳng tắp ngày xưa đã hơi khòm xuống.

Ngô Du Du nắm chặt tay, bỗng chốc thấy hơi đau lòng.

Ăn cơm trưa xong, Ngô Du Du mặc quân phục, gọi một chiếc taxi, đưa ông cùng đến vùng giao giới giữa hai thành phố W và thành phố C, ở đây có một công viên nghĩa trang.

Ngô Du Du xuống xe mua một bó hoa trong quán. Có lẽ hiếm khi thấy có người mặc quân phục đi thăm mộ nên chủ tiệm hoa tò mò nhìn.

“Em gái đi bộ đội hả?”

“Vâng ạ.” Ngô Du Du đưa tiền trả.

“Đi bộ đội thì hay rồi.” Chủ tiệm hoa cười hòa nhã, “Người nhà em nhất định vui lắm nhỉ.”

Ngô Du Du cầm tiền thừa, nhìn bên ngoài trời nắng, quay lại cười với chủ tiệm, “Đúng thế ạ, mọi người đều rất vui.”

Ngô Du Du khoác ba lô trên vai, một tay ôm bó hoa, tay kia chìa ra dìu tay ông nội nhưng bị ông hất ra.

“Không cần, ông còn chưa già đến nỗi không tự đi được.” Cụ Ngô Quốc Xương nhìn dãy bậc thang rõ dài trước mặt, sải bước đi trước.

Ngô Du Du biết tính cụ cậy mạnh nên không nói thêm nữa, đi chậm nửa bước theo sát phía sau ông, chú ý quan sát ông đi đứng.

Sắp đến Tết Nguyên đán, công viên hầu như không thấy ai đến thăm mộ.

Cha của Ngô Du Du ban đầu được an táng trong nghĩa trang liệt sĩ, mấy năm trước thì cụ Ngô Quốc Xương kiên quyết dời mộ về thành phố C, cũng chính là cố hương của cha ông.

Mộ của Ngô Quân nằm trên chỗ cao nhất của ngọn núi. Đứng từ đó phóng mắt nhìn ra xa là cảnh quan cây xanh, thấp thoáng không xa có mấy nóc nhà cao tầng.

Gió lạnh thổi dữ dội, hơi thở thở ra là hóa thành sương mù rồi mới dần tan đi.

Ngô Du Du ngồi xổm xuống lấy đồ trong ba lô ra.

Cụ Ngô Quốc Xương đứng cạnh bia mộ, đưa tay phủi vài chiếc lá khô trên đấy đi. Bàn tay nhăn nheo nhẹ nhàng vuốt ve hàng chữ trên bia.

“A Quân à, con gái con mặc quân phục đến thăm con này.”

Ngô Du Du ngẩng đầu nhìn ông. Cụ Ngô Quốc Xương không nói thêm gì nhưng chỉ mới một câu thôi mà khóe mắt Ngô Du Du đã đỏ hoe.

Ngô Du Du cúi đầu, không muốn để ông thấy mình khóc, cầm nén tiền vàng lên đốt, nhìn tro tàn theo gió bay, lửa cháy lép bép, khói hun rát cả mắt, lớp không khí bị đốt nóng chuyển động ngoằn nghoèo khiến tấm bia mộ trở nên mờ ảo.

Đốt tiền vàng xong, cụ Ngô Quốc Xương bảo cháu gái thắp cho Ngô Quân nén hương rồi đứng dậy đi trước: “Đi thôi, về nhà.”

Ngô Du Du cũng đứng dậy theo. Người đàn ông trong tấm hình trên bia mộ đang cười ấm áp như nắng mai. Một thân quân trang, ngực mang đầy huy chương.

Ngô Du Du đưa tay dụi khóe mắt, ngẩng đầu ưỡn ngực, hướng về phía tấm bia chào theo nghi thức quân đội.

Xoay lưng rời đi.

“Đi viếng mộ không được quay đầu lại.” Cụ Ngô Quốc Xương đi đằng trước dặn.

“Cháu biết ạ.” Ngô Du Du đáp, khóe mắt và chóp mũi đỏ ửng.

Ngô Du Du chùi má, hít sâu một hơi, nhìn xuống chân núi, trông về phong cảnh xa xa, rảo bước nhanh hơn bắt kịp bước chân của ông nội.

Buổi tối, Ngô Du Du vào bếp nấu một bữa cơm giản dị cho hai ông cháu.

Từ sau khi xuống núi, sắc mặt của cụ Ngô Quốc Xương xem chừng không tốt lắm.

Ngô Du Du đoán rằng ông đau lòng nên nhịn những cảm khái trong lòng lại, ráng cười thật tươi.

“Ông ơi, nếm thử món này đi ạ. Cháu mới đi chợ mua rau với đồ đông lạnh đấy, ăn khá là ngon đấy ạ.” Ngô Du Du gắp thức ăn bỏ vào bát cụ Ngô Quốc Xương.

Cụ Ngô Quốc Xương ăn rất chậm, Ngô Du Du cảm thấy hôm nay ông ăn không được ngon miệng nên múc một chén canh.

“Hay là ông uống chút canh nhé?” Ngô Du Du đặt bát canh trước mặt ông, ân cần hỏi.

“Không cần.” Cụ Ngô Quốc Xương tuy không muốn ăn nhưng vẫn từng miếng từng miếng, ăn bằng sạch đồ trong bát mới thôi.

Ngô Du Du thấy ông ăn xong định cầm bát đi rửa, vội vàng ngăn lại: “Ông ơi, để đó cháu. Ông ngồi nghỉ lát đi.”

Ngô Du Du giành lại bát đũa trong tay ông, xếp chung với những bát đĩa khác, nhanh nhẹn đem vào bếp.

Lúc trở ra, cụ Ngô Quốc Xương đang ngồi trên sô pha phòng khách.

Ngô Du Du thở dài, cất hết đồ ăn thừa, lau dọn gọn gàng rồi vào bếp rửa bát.

Đang tráng bát thì bỗng nghe ngoài phòng khách có tiếng vang.

“Uỳnh” một tiếng, hình như có gì đó vừa ngã sấp xuống.

Ngô Du Du vội vàng chùi tay bằng tạp dề, lao ra phòng ngoài.

Chỉ thấy cụ Ngô Quốc Xương nằm ngất trên sàn nhà.

“Ông ơi!”

Ngô Du Du chạy tới bên người ông, hai mắt ông nhắm nghiền, mặt tái xanh.

Ngô Du Du lấy điện thoại gọi ngay cho 120. Khóa học cấp cứu có dạy gặp tình huống này không được tự ý xử lý.

Ngô Du Duất bối rối không biết nên làm gì tiếp, những ví dụ về việc người không có chuyên môn cấp cứu sai dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhiều không đếm xuể.

Ngô Du Du quan sát sắc mặt ông, muốn làm gì đó nhưng lại không dám làm gì cả, bối rối vò đầu bứt tóc.

Ngô Du Du nhanh chóng đứng dây, chạy ra cửa, dọn dẹp lối vào phòng khách để tiện cho bác sĩ đưa cáng vào.

Nhìn ông đang nằm trên nền nhà, Ngô Du Du càng thêm hoảng loạn, đầu óc vẫn tỉnh táo nhưng mắt thì nhòe đi.

Ngô Du Du mặc kệ nước mắt, thay quần áo tử tế, lục thứ mẹ đưa cho trước khi ra nước ngoài cất vào trong túi, nghĩ rồi lại chạy sang phòng ông, lấy giấy tờ tùy thân bỏ cùng vào với giấy tờ của mình.

Chuẩn bị xong mọi thứ, Ngô Du Du ngồi quỳ trên nền nhà trông ông, chờ xe cấp cứu đến.

Lâu quá…

Rõ ràng mới vài phút nhưng Ngô Du Du cảm thấy nó phải dài ngang nửa thế kỷ.

Có phải mình nên làm gì đó, Ngô Du Du đưa tay kiểm tra hơi thở của ông, hơi thở yếu ớt đó khiến Ngô Du Du gần như sụp đổ.

Hồi phục tim thì sao? Nhưng Ngô Du Du không chắc có phải tình huống nào cũng làm vậy được không. Ngoài đặt ông nằm thẳng, nâng cằm lên, mở cửa sổ cho thoáng khí thì không biết làm gì nữa.

Lần đầu tiên thấy hận mình không biết.

Bỗng nhiên nghĩ ra, Ngô Du Du lập tức lấy điện thoại, tìm một số rồi bấm gọi.

Điện thoại có người nghe, đầu kia là một giọng nam lành lạnh: “Du Du hả? Có việc gì à?”

“Lục Hạo Thiên…” Ngô Du Du không kiềm được tiếng nức nở, “Tớ hỏi cậu, ông tớ bị ngất, xe cấp cứu chưa tới thì tớ nên làm thế nào?”

Đầu bên kia rõ ràng rất đỗi ngạc nhiên nhưng phản ứng cũng nhanh, nói rành mạch từng chữ: “Đừng cuống, ông cậu có bệnh cao huyết áp hay tiền sử mắc bệnh gì khác…”

Ngô Du Du bật loa ngoài, làm theo hướng dẫn của Lục Hạo Thiên, kiểm tra hơi thở, mạch đập. Giọng nói của Lục Hạo Thiên khiến Ngô Du Du bỗng chốc như tìm lại được phương hướng.

Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua ngày một nhiều thì nước mắt cũng rơi ngày càng mau.

Lúc xe cấp cứu đến, Lục Hạo Thiên nghe thấy tiếng, cắt ngang Ngô Du Du, nói nhanh: “Không việc gì, cậu đừng sợ.”

Ngô Du Du đi theo nhân viên cấp cứu chạy ra ngoài, nghe được câu ấy, đứng trong bóng đêm, nước mắt lại túa ra: “Cám ơn cậu…”

Trong bệnh viên thành phố C

Ngô Du Du vác đôi mắt đỏ hồng tất tả chạy đi nộp viện phí.

Đây là lần đầu tiên Ngô Du Du đi một mình đến bệnh viện nên có nhiều điều không rõ đâm sốt ruột thêm.

Sau khi làm xong toàn bộ thủ tục, Ngô Du Du ngồi xuống cạnh cửa phòng mổ, hai chân như nhũn ra.

Hành lang yên tĩnh, ánh đèn khiến Ngô Du Du cảm thấy chóng mặt, giơ tay che trước trán, ngồi bất động trên băng ghế.

Bỗng nhiên, rất muốn có người ở bên cạnh.

Ý nghĩ này dâng lên nhanh như thủy triều.

Ngô Du Du gọi cho Dương Ngọc nhưng không có ai nghe máy.

Lướt trên danh bạ, ngón tay dừng lại trên một dãy số.

Thẩm Đàm.

Ngô Du Du bặm môi, đáy mắt có một chút bối rối. Bốn bề yên tĩnh, quá trình chờ đợi này khiến Ngô Du Du cảm thấy suy sụp.

Ngô Du Du rất muốn trò chuyện với cậu ấy…

Ấn gọi đi, Ngô Du Du từ từ áp điện thoại bên tai.

“The number you are calling doesn’t exist, please check…”

Đầu kia là giọng nữ của hệ thống, Ngô Du Du không thể chịu thêm nữa.

Bàn tay nắm điện thoại dần dần thõng xuống hai bên.

Ngô Du Du khom lưng, úp mặt vào trong cánh tay, hai tay tự ôm lấy bả vai.

Nước mắt lặng lẽ chảy dài.

Chú thích:

*khóa học mùa hè (Summer school): tại khu vực Bắc Mỹ, từ này để chỉ các khóa học trong mùa hè thường được tài trợ bởi nhà trường, hệ thống liên trường hoặc tư nhân, cung cấp các khóa học tính tín chỉ tích lũy vào điểm trung bình chung học tập giúp giảm bớt áp lực tích lũy tín chỉ trong năm học chính thức (nói riêng ở bậc đại học). Một số trường cung cấp các khóa học mùa hè ngắn hạn để thu hút sinh viên quốc tế, thường hướng đến các hoạt động xã hội. Hiểu ngắn gọn nhất (trong truyện này) là tranh thủ học vào hè để rút ngắn thời gian tích lũy tín chỉ, được ra trường sớm.

*Các số điện thoại khẩn cấp ở Trung Quốc: