Tổ Ấm Nơi Tận Cùng Thế Giới

Chương 2-16

JONATHAN

Clare bị ốm khi chúng tôi đi qua bảy bang khác nhau. Chị buồn nôn lần đầu ở hẻm núi Lớn, tái mét và đứng ngay đơ cạnh một chiếc kính viễn vọng không được dùng tới bên bờ Nam, dõi mắt về phía cảnh đẹp qua đôi kính râm. Khi Bobby ôm lấy thanh chắn, thốt lên trước bờ vực sâu thăm thẳm, Clare đυ.ng vào khuỷu tay tôi và nói nhỏ: “Cưng ơi, tôi không nghĩ là mình có thể chịu đựng được.”

“Chịu đựng cái gì?” Tôi hỏi.

“Cái này,” chị nói, phẩy tay về phía vực thẳm. “Tất cả vẻ đẹp hùng vĩ này. Một khoảnh khắc tuyệt vời như thế này. Nó vượt quá sức chịu đựng của tôi.”

Tôi đứng sát vào chị. Dù sáng hôm đó thật êm ả, nhưng tôi vẫn muốn che chở cho chị khỏi bất cứ ngọn gió nào có thể nổi lên bởi sự rộng lớn của hẻm núi. Mặt trời vừa mới mọc. Nó dát một ánh nắng vàng lên những mặt vách đá, rồi hắt xuống một cái hồ mờ ảo, mơ hồ bên dưới đáy vực tăm tối lờ mờ có vẻ sâu thăm thẳm. Bobby nhảy nhót kích động trước mép vực, tự ôm lấy mình và bất ngờ thốt ra những tiếng rêи ɾỉ khe khẽ.

“Có gì đâu,” tôi bảo Clare. “Chị hãy đứng đây mà ngắm nhìn cũng được, và sau đó chúng ta sẽ đi ăn sáng.”

Từ “ăn sáng” khiến chị nôn ọe. Chị phải bám vào cái kính viễn vọng cho khỏi ngã. Nó kẽo kẹt chĩa lên một dải mây hồng sặc sỡ. Chị cúi xuống, ọe khan, nhưng không nôn ra thứ gì. Một sợi nước dãi đong đưa trên miệng chị, lấp lánh trong ánh nắng.

Tôi ôm lấy vai chị. “Cưng à, chị ốm rồi,” tôi nói.

“Đẹp kinh lên được,” chị nói. “Tốt hơn là nên đưa tôi trở lại chiếc Chevy Nova đó.”

“Chờ chút, em sẽ gọi Bobby.”

“Mặc kệ anh ấy,” chị nói. “Đừng quấy rầy, anh ấy đang xuất thần hay sao ấy.”

Có lẽ chị đã đúng. Bobby đã ngừng những động tác nhảy nhót kích động và giờ đang đứng đó, hai tay đặt trên thanh chắn, như một vị thuyền trưởng đang chỉ huy con tàu của mình trong cơn bão. Cậu dễ bị xúc động quá mức hơn Clare và tôi – cậu không ý thức được rằng mình đã đi quá xa.

Tôi giúp Clare chui vào trong chiếc xe hiệu Chevrolet mà chúng tôi đã thuê. Chị và tôi đã đồng ý lái xe từ Arizona trở về New York, nửa hứng thú nửa không. Đây là buổi sáng đầu tiên trong hành trình của chúng tôi – chúng tôi đã khởi hành từ nhà mẹ tôi lúc ba giờ sáng để kịp đón bình minh trên hẻm núi Lớn. Trong năm ngày tiếp theo, chúng tôi sẽ băng qua dãy núi Rocky và vùng Đồng bằng lớn, viếng mộ ở Ohio, và mua những cái hộp Shaker ở Pennsylvania. Đó là chuyến đi mà Bobby vẫn hằng ao ước. Cậu lái xe hầu như suốt cuộc hành trình, và luôn đòi dừng lại ở các cửa hàng có quảng cáo “Mứt tự làm” hay “Đồ thủ công địa phương,” dù ba phần tư trong số đó được làm từ một địa điểm nào đó ở châu Á. Cậu dùng thẻ tín dụng của tôi để mua những cuốn băng cassette trị giá hơn một trăm đô: của the Stones, David Bowie[61] và Bruce Springteen[62]. Cậu mở đi mở lại đĩa Born to run, cho đến khi Clare phải vứt nó qua cửa sổ trên đường đến Sandusky.

[61] David Bowie (sinh ngày 8 tháng 01 năm 1947): ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, nhà sản xuất âm nhạc người Anh, ông được coi là người có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong âm nhạc đại chúng, đặc biệt là trong thập niên 70 của thế kỉ XX.

[62] Bruce Springteen (sinh ngày 23 tháng 9 năm 1949): ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ, đã giành được rất nhiều giải Grammy.

Tôi dìu chị vào ngồi ở ghế trước. Chiếc ô tô tỏa ra mùi bọc cao su sạch sẽ và chị hít thật sâu, như thế không khí được thanh lọc có thể làm chị hồi sinh. “Cảm ơn cưng,” chị nói. “Giờ cậu đi được rồi. Hãy đi ngắm phong cảnh đi.”

“Không, em sẽ ở đây với chị.”

“Cậu nghĩ tôi muốn bắt cậu ngồi trong một chiếc ô tô bé tí thay vì ngắm nhìn hẻm núi Lớn à? Đi di. Vì Chúa.”

Tôi nghe theo. Tôi đến đứng cạnh Bobby ở thanh chắn. Vào lúc này, trong mùa vắng khách, khu vực quan sát vắng tanh. Một chiếc cốc giấy bẹp rúm nằm lấp lánh trên mép đất đỏ mỏng manh phía bên kia thanh chắn. Ánh nắng sớm, rực rỡ nhưng không ấm áp, lan tỏa trên mặt mũi và quần áo của chúng tôi.

“Ngạc nhiên quá,” tôi nói.

Bobby ngoảnh mặt sang tôi. Cậu không nói gì, và có lẽ mong rằng tôi cũng sẽ như thế. Nhưng tính lịch sự không bao giờ mất đi trong cậu.

“Ừ,” cậu nói.

“Thật không ngờ,” tôi nói. “Ý mình là, ta đã thấy nó quá nhiều lần trên những miếng lót cốc hay khăn lau đĩa và không biết là còn trên những thứ gì nữa. Mình cứ ngỡ có lẽ nó cũng chỉ tầm thường mà thôi.”

“Ừ.”

“Nó thực sự làm Clare choáng váng đấy. Mình đã phải đưa chị ấy trở lại xe.”

“Ừm.” Cậu quàng tay lên vai tôi, vì cậu yêu quý tôi và vì cậu thực sự rất muốn tôi im miệng lại. Tôi vòng tay qua eo lưng cậu. Đây là mùi hương và da thịt quen thuộc, săn chắc của cậu. Chúng tôi cùng ngắm mặt trời mọc. Bobby ấm áp và chắc nịch, đầu óc cậu đầy ắp những ý nghĩ vừa quen thuộc, vừa hoàn toàn xa lạ với tôi. Cổ tay cậu vẫn còn cái nốt ruồi màu nâu đỏ. Clare đang đợi chúng tôi trong xe, chào thua trước phong cảnh này. Vào lúc đó, tôi tin rằng tôi chưa bao giờ yêu ai ngoài bố mẹ tôi và hai người này. Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ quên được mối tình đầu của mình. Có lẽ, do thói ngông tuổi trẻ, chúng ta đã trao đi sự say mê một cách dễ dàng và gần như tùy tiện, với quan niệm sai lầm rằng tình yêu trong chúng ta sẽ không bao giờ cạn kiệt.

Clare lại bị nôn vào sáng hôm sau, ở đỉnh Pikes. “Có lẽ tôi đã bị dị ứng với những di sản quốc gia,” chị nói. Chúng tôi đưa chị đến gần nhà vệ sinh nữ ở một trạm xăng của hãng Shell và đợi chị gần nửa tiếng. Chị trở ra, xanh xao và thẳng đơ, với cặp kính râm trên mặt và đôi môi mới tô lại son đỏ thẫm. Trông chị như một ngôi sao điện ảnh thời xưa. Đằng sau chị, những đỉnh núi đá hoa cương phủ tuyết đứng sừng sững.

“Cưng ơi,” tôi nói, “chúng ta có nên lái xe thẳng đến Denver và đưa chị lên máy bay không?”

“Không,” chị nói. “Tôi nghĩ là tôi không sao đâu. Hôm qua tôi đã khỏi, đúng không? Có lẽ chị hơi khó chịu một chút thôi.”

Thực sự thì chị đã hồi phục lúc mười giờ. Mặt chị hồng hào trở lại, và thân hình đã mất đi vẻ gồng mình, cứng nhắc. Chúng tôi lái xe giữa những cánh đồng xanh mơn mởn, xa xa là những ngọn núi bị che phủ bởi những rặng thông và những cây bạch dương trơ trụi. Đó là một phong cảnh đơn giản, xanh tươi – rộng mở, không ẩn giấu mối đe dọa nguy hiểm nào. Xa hơn về phía bắc, tôi ngờ rằng, địa hình sẽ gồ ghề hơn, những đỉnh núi sẽ nhấp nhô hơn, và nếu bạn đi chệch đường quá xa, bạn có thể bị khoảng mênh mang vô tận giữa trời và đất nuốt chửng. Còn ở đây, nơi trung tâm của Colorado, chúng tôi chỉ đi qua một vẻ đẹp rộng lớn, không đáng sợ. Đó là những ngọn núi và những cánh đồng chăn nuôi gia súc. Đó là những dòng suối lấp lánh bạch róc rách chảy theo đường cao tốc, lô nhô những mỏm đá màu sô-cô-la. Khung cảnh ấy làm bạn xúc động bởi vẻ đẹp trù phú của nó, nhưng không làm bạn thay đổi chút nào. Nó không bao giờ đe dọa sẽ làm tan vỡ trái tim bạn.

Chúng tôi lái xe suốt cả ngày, và đến Nebraska trước khi trời tối. Clare đọc Vogue, Phỏng vấn và Rolling Stone. “Điều mà tôi thích nhất khi đi du ngoạn bằng ô tô,” chị nói, “là mình có thể đọc những cuốn tạp chí ngớ ngẩn hàng giờ liền. Ý mình là, cậu có thể ngắm phong cảnh bất cứ lúc nào, bất cứ đâu. Nhưng cơ hội để đọc hết một cuốn tạp chí Phỏng vấn mà không thấy phí phạm thời giờ? Thật hiếm.”

Chúng tôi ngủ trong một khách sạn ven đường cách Lincoln năm mươi dặm về phía tây, và tiếp tục lên đường ngay sau khi trời hửng sáng. Sáng hôm đó, Clare chỉ bị nôn ọe một chút. Chúng tôi rơi vào nhịp điệu đều đều của việc lái xe, đọc, ăn và nghe nhạc, khi những vùng đất nông nghiệp của Nebraska, Iowa và Illinois cứ vùn vụt trôi qua. Bạn phải đi qua vùng Đồng bằng lớn thì mới hoàn toàn hiểu được sự vắng vẻ của miền này. Những đặc điểm chính của nó không phải là các phương tiện giao thông hay những biểu hiện phong phú mà là một sự hiu quạnh trống trải không hoàn toàn hoang vu – không có chân trời nào thực sự trống vắng. Mặt trời luôn chiếu sáng lên một tháp nước hay một hầm ủ thức ăn cho gia súc phía xa xa, lấp lánh trên một bảng quảng cáo hay một nhà kho tạm thời lợp mái thiếc. Cứ hai mươi hay ba mươi dặm, bạn lại băng qua một thị trấn đang chật vật, nó vẫn tiếp tục tồn tại vì ở vài thời điểm trong quá khứ nó đã được lập ra để tồn tại. Chúng tôi dừng lại ăn cơm trong vài thị trấn kiểu đó, hi vọng được ăn món khoai tây chiên hay bánh nướng được chính tay các bà vợ của những ông chủ quán làm trước đó một tiếng, nhưng hóa ra tất cả thức ăn đều đã nguội ngắt, đã được đun hoặc hâm lại. Những cánh đồng nối đuôi nhau trôi qua. Dù đã được gieo hạt nhưng chúng vẫn còn trơ trụi, những khoảng đất đen trống trải cứ phơi ra dưới bầu trời lạnh lẽo. Clare đọc cho chúng tôi nghe những câu chuyện từ một cuốn sách của Flannery O’Connor[63]. Ô tô của chúng tôi ngày càng trở nên dơ dáy, đầy rác rưởi, ngập ngụa giấy gói và những vỏ chai. Lúc sẩm tối, khi dừng lại ở một khách sạn ven đường ở Indiana, chúng tôi gần như chẳng còn biết gì đến quá khứ và tương lai nữa – có vẻ từ trước tới giờ chúng tôi vẫn luôn lái xe qua những vùng đất nông nghiệp rộng lớn và sẽ mãi làm thế. Đó vừa là điều kinh khủng vừa là điều tuyệt diệu của những chuyến đi đường dài. Bạn quên mất cuộc sống của bạn với một tốc độ thật đáng kinh ngạc. Trong vòng hai tuần, một người đi du hành giữa các vì sao sẽ không còn coi mình là người sống trên trái đất; sau sáu tháng trong vũ trụ, có thể cô ta hay anh ta cũng sẽ không bao giờ quay lại mặt đất nữa.

[63] Flannery O’Connor (1925-1964): nữ văn sĩ người Mỹ, một trong những người có tầm ảnh hưởng của văn học Mỹ.

Ngày hôm sau, chúng tôi lái xe qua Cleveland. Clare bị nôn vào sáng hôm đó, nặng hơn lúc ở Nebraska nhưng ít nghiêm trọng hơn khi ở trên đỉnh Pikes. Lúc chúng tôi đến địa phận thành phố Cleveland, sau mười một giờ trưa, chị đã phần nào hồi phục.

“Cleveland,” chị nói. “Ai ngờ mình lại được ghé thăm một nơi xa xôi, kì lạ như thế này chứ?”

Bobby và tôi bỗng thấy vô cùng hồi hộp khi tới ranh giới thành phố. Chúng tôi chỉ trỏ những tòa nhà cho nhau, bông đùa về tầm cỡ của chúng. Trước đây chúng luôn có vẻ quá to lớn. Chúng tôi lái xe qua những dãy nhà xây bằng đá vôi lộn xộn của khu trung tâm, chọn lối đi quen thuộc. Lộ trình của chúng tôi thật ngắn. Ban đầu chúng tôi băng qua tòa nhà để xe bằng gạch bê tông cao sáu tầng, nơi trước kia là rạp chiếu phim của bố tôi. Tòa nhà mới được xây theo từng tầng dốc thoai thoải, với mũi tên neon màu xanh xinh đẹp vô tình chỉ lối vào. Nó thật thanh bình và đơn giản, hoàn toàn thiết thực, và có vẻ sẽ tồn tại đến hàng trăm năm. Rạp phim cũ của bố tôi, được xây dựng trong thời Suy thoái, đã được trang trí sơ sài, với những viên gạch màu vàng nằm theo kiểu chữ chi và mái che bằng nhôm uốn cong như một cơn sóng biên. Ngay từ hồi mới xây, chắc hẳn nó cũng mang cái vẻ tạm bợ đó, một công trình nhỏ dành cho sự quên lãng và tức cười được dựng lên trong những thời kì khó khăn. Tòa nhà để xe trông nghiêm chỉnh hơn, trông chắc chắn và nhẵn nhụi như một điếu cần sa.

“Thế đấy,” tôi nói. “Bố hãy yên nghỉ nhé.” Tôi cố nói bằng giọng cộc cằn, suồng sã vì tôi không thể chịu được ý nghĩ mình đang trở nên ủy mị trước một khoảnh khắc hiển nhiên như thế. Tôi không ngại tính đa cảm của mình nhưng tôi không thích mình trở thành một kẻ yếu đuối. Tôi chẳng hề thấy tiếc cho công việc kinh doanh đã mất của bố tôi. Tôi mơ hồ cảm thấy xấu hổ và cô đơn, nhưng vẫn bằng lòng với bản thân, đơn giản vì tôi vẫn còn sống, vì tôi vẫn còn tồn tại để bước vào tương lai. Chỉ những người hoài cổ nhất mới không chịu tin rằng khu này của thành phố nhìn chung đã được phát triển. Những nhà hàng mới trưng tên mình với những chữ cái mạ vàng, và một chuỗi cửa hàng bách hóa nổi tiếng đang cải tạo lại cửa hàng của một gia đình đã sập tiệm vốn chất đầy những bộ quần áo lỗi mốt nhếch nhác và những món đồ trang sức bằng ngọc nhân tạo lòe loẹt.

Chúng tôi đi qua ngôi nhà cũ của gia đình tôi, trông nó thật tuyệt vời. Những người chủ mới đã sơn nó thành màu xanh lá thông, và đã lợp lại mái nhà. Tôi co thể hình dung ra tình trạng hiện tại của những căn phòng: đồ gỗ sẽ được sơn thành màu trắng, và thảm trải sàn sẽ bị co lại để trưng ra mặt sàn bằng gỗ sồi. Ở đó sẽ có các tác phẩm nghệ thuật và những bộ bàn ghế bọc da trơn.

“Chết tiệt,” Bobby nói. “Hãy xem họ đã làm gì với nó kìa.”

“Trông nó tuyệt đấy chứ,” tôi bảo cậu. “Đừng dừng lại. Nó không còn là nhà của bọn mình nữa rồi, thậm chí đừng có nghĩ đến việc bước đến cửa trước và xin phép được ngó vào bên trong.”

“Mình đâu muốn làm thế,” cậu nói, dù tôi biết nếu cậu đi một mình thì cậu sẽ làm như vậy. Bobby không có tài bỏ mặc những thứ đó.

Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là nghĩa địa. Chúng tôi lái xe đến khu đất nơi Bobby từng sống, băng qua bức tường lát đá thấp, trên đó từ “Woodlawn” nổi lên với những chữ cái làm bằng sắt rèn, chữ “n” cuối cùng đã bị vỡ nhưng hình của nó vẫn còn, một cái bóng mờ nhạt trên đá. Chúng tôi đi theo con đường ngoằn ngoèo, băng qua những ngôi nhà xây theo kiểu bộ ba giống hệt nhau, và dừng xe ở vị trí ngôi nhà cũ của Bobby. Ngôi nhà không còn nữa, nó đã bị thiêu rụi gần hai mươi năm trước và đã bị san phẳng, nhưng vẫn không có ai xây gì trên đó cả. Nơi này không hề được cải tạo. Có vẻ như dân cư ở đây đã tự tiện sử dụng khoảnh đất này mà không chính thức mua nó: một khu vườn nhỏ được khoanh cọc, chuẩn bị cho vụ trồng trọt mùa xuân, và một bộ xích đu gỉ sắt đã được dựng lên giữa đám cỏ dại. Có vẻ như đất đai của nhà Morrow đã trở thành một kiểu công viên ở vùng ngoại ô Cleveland. Những người sống trong khu đó – hiện vẫn còn ở trong những ngôi nhà trệt ọp ẹp tồi tàn, với những chậu tắm cho chim hoặc những chú lùn bằng thạch cao trên bãi cỏ - đã chiếm đoạt nó. Tôi có thể hình dung ra cảnh họ đang tụ tập ở đó trong buổi hoàng hôn, những đứa trẻ đang đu đưa trên cái xích đu cọt kẹt trong khi những người phụ nữ gieo hạt hướng dương và rì rầm tán gẫu về những sự kiện đã xảy ra trong ngày. Đây là một việc hơi bất hợp pháp, một sự chiếm đoạt vô căn cứ của những người không hề giàu có mà chỉ lần hồi sống qua ngày, và mảnh đất đó đã được vỡ hoang theo đúng nghĩa. Bây giờ nếu muốn sở hữu mảnh đất này, bạn phải giành giật lại nó từ những người đã học cách chăm sóc nó. Nếu bạn san phẳng những công trình xây dựng nho nhỏ của họ và dựng lên một căn nhà mới, bạn sẽ là một kẻ xâm chiếm, không khác một tên thực dân là mấy, và mảnh đất này sẽ bị quấy nhiễu cho đến khi ngôi nhà của bạn lại bị sụp đổ. Mảnh đất ngoại ô này đã trở lại với mục đích sơ khai của nó, và không thể được khai hóa lại mà không xảy ra một cuộc chiến khiến cho đôi bàn tay của người chiến thắng bị nhúng chàm.