Edit: Yunchan
Văn Đan Khê đọc xong thì cười tới lộn ruột. Cái trình độ viết thơ này thật đúng là… bất bình thường. Lúc đọc tới câu cuối cùng thì cô thầm mắng người này gian xảo, hắn đi áp tải hành tung bất định không thể nào hồi âm, cho nên mới bỏ thêm một câu thế này.
Cô đọc xong mặt chính bèn lật lại mặt sau theo thói quen, quả nhiên ở mặt sau còn có một nội dung khác. Trên đó vẽ một mũi tên, Văn Đan Khê đoán hắn đang ngụ ý bản thân nhớ nhà như tên bắn đây mà. Phía dưới còn có một hàng chữ:
Có thể cuối tháng bảy (Nông lịch) sẽ trở về, nhất định sẽ về kịp Trung Thu, đừng mong nhớ.
Hàng chữ cuối cùng viết cực ngoáy, chắn là bổ sung thêm trước khi đi gấp:
Trời quá nóng, cơm khó ăn, đói gầy nhom, về tẩm bổ.
Văn Đan Khê nhìn hàng chữ cẩu thả nguệch ngoạc này mà trong đầu vô thức hiện ra hình ảnh hắn đang cau mày phồng má, quẹt miệng ấm ức. Cô thấy cái tên Trần Tín này chẳng giống với tuổi mình tý nào, không biết hắn cố tình khai gian tuổi hay là ấu trĩ thật nữa, chậc, cô lại suy nghĩ nhiều rồi.
Văn Đan Khê đọc lại bức thư hai lần nữa mới cất vào, lúc ra tới cửa phòng thì trên môi bất giác nở ra ý cười mơ hồ. Trên mặt Lý Băng Nhạn cũng lộ ra nét cười trêu ghẹo. Văn Đan Khê không để ý tới tỷ ấy mà dứt khoát đi kiểm tra mấy vò rượu trái cây. Còn một tháng nữa thôi, Trần Tín về tới là có rượu uống ngay rồi.
Vào trung tuần tháng bảy, cả núi Nhạn Minh và những vùng lân cận đổ cơn mưa xối xả mấy ngày liền. Nghe đâu mấy năm nay phía Đông Nam lại xảy ra lũ lụt, Văn Đan Khê không nén nổi tiếng thở dài, quả nhiên là thiên tai liên miên. Cô rất lo Dịch Châu cũng lâm vào cảnh ngộ đó, thế nên đợi mưa tạnh bớt cô bèn nhanh chóng tìm Tần Nguyên, bảo y dẫn người tới mảnh ruộng dưới chân núi đào mương thoát nước. Đồng thời, các binh lính đồn trú ở những thôn làng dưới chân núi cũng tổ chức cùng thôn dân xây dựng đê đập, đào mương để phòng ngừa bất trắc.
Thế nhưng, bấy nhiêu cũng chỉ tạm đối phó với cơn mưa bình thường, nếu trời đổ mưa mười ngày nửa tháng thì coi như hết cách. May sao ông trời còn thương người nên chỉ cho mưa dưới bốn ngày, sau đó lại trời quang mây tạnh. Tất cả mọi người trên núi đều thở phào một hơi.
Trời quang rồi, binh lính lại bắt tay vào làm việc quần quật, hoa màu dưới chân núi phải làm cỏ bón phân, mấy nhà kho cũng cần tu sửa lại. Chỉ vỏn vẹn hai mươi ngày mà giá lương thực trong thành Dịch Châu đã hét lên gấp ba lần, và còn đang trong đà tăng mạnh. Ở những vùng khác như Tần Châu, Đại Châu, giá lương thực cũng cao ngất ngưỡng. Binh lính trên núi đều nhận thức rõ, nếu họ không dè chừng thì có khả năng phải chịu đói. Vì vậy chưa cần thủ lĩnh ra lệnh, họ đã tự giác kéo xuống chân núi chăm bẵm làm việc, có rất ít người giở chiêu trò để lười biếng. Người khỏe mạnh thì xuống đồng cày cấy, người nhỏ tuổi thì lên núi hái rau quả dại, Văn Đan Khê thì dẫn một tốp phụ nữ và một vài binh lính già cả hoặc bị thương ra sân sau xử lý những đồ hái về.
Trên núi rộng rãi thoáng đãng, chỉ tính hang núi có sẵn đã hơn mười mấy cái, chúng đều do những sơn tặc trước đây đào ra, khéo thay có thể cho nhóm Văn Đan Khê tận dụng, Văn Đan Khê dứt khoát dùng toàn bộ hang núi này để chứa đồ.
Văn Đan Khê và Lý Băng Nhạn bận bịu suốt ngày, Tần Nguyên không nhìn nổi nên đến khuyên hai cô: “Văn đại phu, hai người không cần làm việc nhiều như vậy, lương thực dự trữ trên núi vẫn còn, hàng năm quân Phá Lỗ chúng ta còn đi hơn mười chuyến đại tiêu, vả lại mười mấy thôn dưới núi còn nộp lương thực lên, không tới nỗi phải lo thiếu lương thực.”
Văn Đan Khê phủi phủi tóc cười nói: “Những thổ sản vùng này đều trổ theo mùa nên qua mùa cũng rụng hết. Hoang phí thì tiếc lắm, nhân lúc có nhân lực thì làm thêm chút đỉnh, đỡ cho mùa đông khắc nghiệt chúng ta không có thức ăn.”
Tần Nguyên bật cười thành tiếng, gật đầu liên tục bảo đúng là trước nay hễ mùa đông tới họ đều không còn gì ăn, trên núi có nữ nhân rõ là khác hẳn. Xem ra y nên mời gọi nhiều nữ tử lên núi hơn.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chớp mắt đã nửa tháng trôi qua. Hoa màu dưới chân núi sinh trưởng rất khỏe mạnh, một màu xanh ngắt nối liền thành dải, làm cho ai trông thấy cũng phải sinh ra cảm giác mừng rỡ thỏa mãn.
Văn Đan Khê đứng trong đình giữa lưng chừng núi, thả mắt ra cánh đồng xanh ngát bát ngát mênh mông mà lòng dâng lên cảm giác mãn nguyện không sao diễn tả. Tới Trung Thu là thu hoạch được rồi, tới Trung Thu người cũng về rồi.
Hiện tại đã sắp tới tiết Trung Thu, ai nấy đều kiễng chân ngóng trông, thế nhưng mãi tới sáng sớm ngày mười lăm tháng tám vẫn chưa thấy ai về. Tâm trạng của Văn Đan Khê khá buồn rầu nôn nao. Đương nghĩ có phải hắn đã xảy ra chuyện gì không thì chợt nghe tiểu lâu la chạy tới báo, nói rằng Hạ hắc tử đã trở về.
Văn Đan Khê ba chân bốn cẳng chạy tới nơi, chỉ thấy Hạ hắc tử đang lau mồ hôi hột đứng nói chuyện với Tần Nguyên.
Hắn vừa thấy Văn Đan Khê, đôi mắt nhỏ đã sáng ngời, lập tức phấn khởi kêu lên: “Tẩu, Văn đại phu, ta về rồi.”
Văn Đan Khê cười gật đầu nói: “Huynh đi đường cực khổ, ngồi xuống nghỉ ngơi chút đi.”
Hạ hắc tử vớ đại một tảng đá ngồi xuống, không cần cô hỏi hắn đã tự động báo cáo: “Nhóm của đại ca còn đang bàn giao ít chuyện với Vệ quản gia dưới chân núi. Lát tới ngay, hì hì.”
Văn Đan Khê cười cười nói: “Được rồi, huynh đi nghỉ trước đi, ta xuống bếp bảo mọi người chuẩn bị nhiều thức ăn chút, để các huynh đón gió tẩy trần.”
Hạ hắc tử vừa nghe tới đây thì cặp mắt nhỏ lại sáng bừng lên. Hắn lập tức bỏ rơi Tần Nguyên, cười hì hì theo đuôi Văn Đan Khê, vừa đi vừa nói: “Vì biểu hiện của quân Phá Lỗ khiến Vệ lão gia hết sức hài lòng, nên ông ta mới đặc biệt dặn quản gia đưa tới cho chúng ta một phần đại lễ, ta đã sai người chuyển hết tới nhà bếp rồi.”
Hai người vừa vào bếp Văn Đan Khê đã nhìn thấy đồ đạc chất thành núi bên trong: Hơn mười con cá siêu bự nặng sáu cân, năm con dê sống, ba cái mõm heo, còn có năm sọt to tôm cua, gà vịt thịt cá thứ gì cũng có. Vệ quản gia này thật biết đoán ý người, tặng toàn là đồ thiết thực.
Văn Đan Khê gật đầu cười nói: “Hôm nay ta nhất định sẽ cho mọi ngươi ăn một bữa đã đời.”
Hạ hắc tử đáp: “Chính xác chính xác.”
Nói đoạn hắn nhìn quanh quất một hồi, cuối cùng hạ giọng nói: “Văn đại phu, sinh thần của Tướng quân đúng dịp mười lăm tháng tám, cô coi…”
Văn Đan Khê ngẩn ra, cô không ngờ lại trùng hợp vậy, cô nghĩ sơ qua chốc lát rồi nói: “Ngài ấy có đặc biệt thích thứ gì không? Để ta nhờ người chuẩn bị.”
Hạ hắc tử gãi đầu nghĩ ngợi hồi lâu, sau cùng lắc đầu đành chịu: “Thật tình Tướng quân không đặc biệt thích gì hết.”
Tiếp đó hắn bổ sung: “Ôi dào, tới lúc đó cô chỉ cần thể hiện chút xíu là được rồi, bọn ta cũng chưa ai làm qua hết, chỉ cần cho ngài ấy biết có người nhớ tới mình là được rồi.”
Văn Đan Khê gật đầu, đã có dự định trong lòng.
Hạ hắc tử biết Văn Đan Khê còn cả núi công chuyện phải lo, nên biết điều không quấy rầy cô nữa. Hạ hắc tử vừa đi, Văn Đan Khê đã bắt đầu hạ lệnh, đầu bếp và hỏa kế trong bếp lập tức khẩn trương hẳn lên.
Hiện tại cách bữa trưa còn khoảng một canh giờ, thời gian hơi gấp gáp, bọn hỏa kế vừa phải gϊếŧ gà, vừa phải làm thịt dê gϊếŧ cá, ai cũng hận không thể mọc thêm ba cái đầu sáu cái tay. Văn Đan Khê thong dong chỉ huy, bữa cơm này rất long trọng, vừa là tiệc đón tết vừa là tiệc tẩy trần cho Trần Tín. Cô nhủ bụng phải làm cho thật thịnh soạn, suy nghĩ giây lát bèn rà lại thực đơn.
Vì mấy người này không thịt không vui, cho nên trong thực đơn của cô cũng lấy thịt làm chủ đạo: Gà nấu hạt dẻ, gà quay, gà luộc sắt miếng, cá hồi hấp, đầu cá cay, ốc đồng xào tía tô, cá sốt chua, ngỗng kho, tôm rang hành, móng heo nấu đậu tương, thịt nướng, thịt xào vân vân.
Còn món chính là cua hấp, Văn Đan Khê sai người bắt ra mấy con cua lớn bỏ vào nước rửa sạch, rồi lấy sợi cỏ bó chặt hai càng và tám chân của con cua lại, để vào nồi hấp chín, sau đó chấm với giấm, gừng và các loại gia vị khác, bảo đảm ngon tuyệt cú mèo.
Lò lớn lẫn lò nhỏ trong bếp đều đỏ lửa, cả căn phòng chìm nghỉm trong bầu không khí nóng hầm hập. Tất cả mọi người đều cắm cúi thoăn thoắt làm việc của riêng mình, bận tới nỗi cả thời gian nói với nhau dăm câu cũng chẳng có. Văn Đan Khê mặc trên người bộ đồ cũ đảo quanh cả phòng như con thoi, vì có vài món cần cô ở bên canh chừng hoặc tự tay làm.
Đột nhiên, có một hỏa kế sẵng giọng quát: “Ê ê, ai đó hả, đứng ở cửa coi náo nhiệt à, xê qua một bên.”
Xung quanh lập tức có người nhận ra người đó là ai, vội cười tươi rói, đon đả nói: “Đại đương gia, sao ngài lại tới đây?”
Văn Đan Khê nghe vậy, bỗng nghiêng đầu ngó ra cửa, ánh mắt hai người vừa vặn chạm phải nhau. Văn Đan Khê bất ngờ dừng tay lại nhìn hắn đăm đăm, nhất thời có hơi ngơ ngác.
Sao người này mới đi một chuyến mà đã biến dạng dữ thế này? Gò má của hắn xạm đen và gầy sọp đi khá nhiều, râu mép lởm chởm như cỏ dại, nhưng cặp mắt màu lam biển lại sáng sủa hơn trước, loang loáng rạng rỡ, tựa như ngọc bích soi dưới ánh mặt trời.
Trong khi đó Trần Tín cứ nhìn chằm chằm Văn Đan Khê, toét miệng cười ngây ngô. Văn Đan Khê thấy việc làm cũng tương đối rồi, ngoảnh đầu bàn giao cho những người khác: “Nửa canh giờ nữa là ăn cơm, mọi người coi chừng nồi cho kỹ nhé.”
Lý thẩm và Vương thẩm đồng loạt cười nói: “Có hai lão bà tử bọn ta ở đây rồi, cô cứ yên tâm đi.”
Thế là Văn Đan Khê rảo bước ra khỏi bếp, Trần Tín bám sát ở phía sau.
Hai người ra tới chỗ vắng người Văn Đan Khê mới bước chậm lại, hơi cụp đầu nói: “Ta còn tưởng ngài không về ăn tết kịp.”
Trần Tín ưỡn ngực đáp: “Ta nói có thể về là có thể về.” Nói đoạn hắn lại bồi thêm một câu: “Cả đêm ta không ngủ, chạy suốt về đây.”
Văn Đan Khê nhìn mắt của hắn, quả nhiên bên trong dầy kịt tơ máu.
Cô không dằn được lên giọng mắng: “Có chạy suốt đêm cũng được gì đâu, cần gì phải liều mạng thế chứ!”
Trần Tín vẫn cười ngốc không ngớt. Hai người vừa nói chuyện vừa đi tới viện của Văn Đan Khê, Trần Tín cũng bám theo cô vào trong.
Giờ này Lý Băng Nhạn đang làm việc ở phía sau núi, hai đứa trẻ thì không biết chạy đi chơi đằng nào, trong sân chỉ còn lại hai người. Trước khi vào nhà Văn Đan Khê ngoái lại nhìn Trần Tín nói: “Trên bàn có trà, giỏ treo trong giếng có dưa với trái cây, ngài tới đó lấy dùng đi, ta đi… đi một lát rồi quay lại.”
Nói rồi cô vào nhà lấy một bộ quần áo, quay lưng bước ra sân sau.
Trần Tín thấy y phục trên tay cô thì cốc đầu đánh cốp, hắn sực nhớ ra chưa khiêng quà mang về cho cô tới đây. Nghĩ rồi hắn chạy nhanh ra ngoài.
Sau khi Văn Đan Khê thay xong bộ y phục mát mẻ, ra tới sân lại thấy vắng hoe, cô đang khó hiểu thì chợt thấy Trần Tín khệ nệ một bao vải lớn đi vào. Hắn đặt bịch túi vải xuống bàn rồi nói: “Những thứ này là lễ vật Vệ quản gia tặng, toàn bộ đều là đồ nữ nhân thường dùng, đành phải đem qua cho nàng thôi.” Nói rồi còn nhìn Văn Đan Khê với vẻ khá khẩn trương, cứ như sợ cô không chịu nhận vậy.
Văn Đan Khê gật đầu, nhẹ nhàng mở túi đồ ra, ngay lập tức cô bị đống xiêm y và phụ kiện trong đó chọc cho mù mắt. Những bộ y phục này rặc một màu sặc sỡ, từ đỏ xanh vàng tới hồng, nói chung chẳng tìm thấy bộ nào trắng thuần đơn thuần. Nhìn tiếp qua trang sức cũng hết sức xinh đẹp phô trương. Được rồi, cô không tin mấy thứ này là Vệ quản gia tặng, chắc là do Trần Tín tự mua đây mà.