Ngược Về Thời Minh

Chương 126-1: Thủ thế chờ “bung” (1)

Mạc Thanh Hà kinh ngạc nói:

- Khâm sai đại nhân đã từng uống loại cực phẩm hoàng gia rồi ư? À, đúng rồi, Dương đại nhân là thần tử đắc lực bên cạnh hoàng thượng, đương nhiên là có cơ hội thưởng thức trà tiến cống cực phẩm rồi. Ha ha ha!

Hắn nói xong bèn mỉm cười khoát tay ra hiệu cho cô gái hái trà và đám thuế lại, trà giám của đỉnh Sư Tử lui hết ra ngoài.

Trịnh bách hộ chần chừ đưa mắt nhìn Dương Lăng. Dương Lăng lại không tin Mạc Thanh Hà sẽ vì chuyện này mà dám công nhiên gây bất lợi cho mình, huống hồ những người mà mình dẫn theo ai nấy đều võ nghệ siêu quần, nhân thủ cũng hơn xa số người của Mạc thuế giám, vì thế y tuỳ ý khoát tay lệnh cho Trịnh bách hộ dẫn người đi ra.

Mạc Thanh Hà cầm chén trà lên, thong thả thổi những hoa trà đang trôi nổi trong chén tản ra, chậm rãi hớp một ngụm trà tỉnh rồi mới mỉm cười nói:

- Trà này của ty chức so với loại cực phẩm hoàng gia được tiến cống kỳ thật còn ngon hơn một bậc, khó trách đại nhân nếm xong lại sinh nghi. Có điều đây cũng không phải là bí mật gì, người trong nghề đa phần đều biết chuyện này.

- Ồ?

Dương Lăng xoay nhẹ chén trà, nghi hoặc hỏi:

- Trà tiến cống chẳng phải là loại trà ngon nhất à? Vì sao trà Long Tĩnh của Tây Hồ cung phụng hoàng gia đại nội lại không bằng loại trà mà ông giữ lại vậy?

Mạc Thanh Hà cười lớn đáp:

- Đại nhân có điều không biết, trà này chỉ có sản xuất ở mấy ngọn núi gần đây mới là trà cực phẩm chính tông. Lá trà ngon nhất bị ảnh hưởng rất lớn bởi khí hậu. Cho dù năm nay mưa thuận gió hòa, khí hậu thích hợp, có thể sản xuất ra một ít trà ngon cực phẩm, nhưng vận chuyển đường dài gặp phải mưa dầm liên miên, mùi vị cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.

Hắn ngừng một chút rồi nói tiếp:

- Bởi vậy loại trà dâng cho hoàng thượng uống cần phải có mùi vị ổn định, phẩm chất như nhau. Trà tiến cống không yêu cầu phải ngon nhất, chỉ cần ổn định nhất là được. Bằng không nếu như năm nay hoàng thượng uống thấy mùi vị khác biệt, năm sau mùi vị lại hơi khác đi, cho rằng kẻ dưới làm việc không tốt, truy cứu xuống thì có đem chém toàn bộ người ở vườn trà này cũng sẽ không sinh ra trà mới đâu.

Hắn lại tiếp tục giải bày:

- Đây không phải là kẻ dưới bất kính với hoàng thượng, mà thực sự là không có biện pháp giải quyết. Trong kinh thỉnh thoảng vẫn có người dùng nhận thấy sự khác biệt giữa hai loại trà này, nhưng cũng chỉ cho rằng do trà mới được hái nên có mùi vị ngon hơn, sẽ không vì vậy mà sinh nghi. Ty chức hết sức kính ngưỡng Dương đại nhân, do đó không dám giấu giếm. Đương nhiên… danh tiếng thương cảm cho bá tánh của Dương đại nhân ty chức đã nghe từ lâu, cho nên cũng không đành che giấu.

Dương Lăng nghe mà ngỡ ngàng. Y cứ tưởng Mạc Thanh Hà giấu giếm trà ngon làm của riêng là vì trục lợi cá nhân, không ngờ bên trong lại có lý do này.

Mạc Thanh Hà cười khổ nói:

- Đại nhân à, những kẻ hầu hạ bên dưới như chúng tôi đây dựa vào thân phận sai dịch cho hoàng thượng để diễu võ giương oai, người người đều cảm thấy oai phong vô cùng, nào có ai biết muốn bình an vô sự chúng tôi cũng phải lao tâm khổ tứ chứ.

Hắn lại thở dài một hơi rồi nói:

- Nhưng cũng không còn cách nào khác. Ngoài việc không dám tiến cống trà không biết được phẩm chất ngon hay kém do bị ảnh hưởng của thời tiết, chúng tôi thực không dám giấu làm của riêng. Ngân lượng chúng tôi có được từ việc bán loại trà ngon cực phẩm này đều dựa theo số lượng mà nộp lên kinh sư. Đương nhiên… cũng không tránh được phải trích ra một ít biếu tặng cho quan trên, Vương công công và mấy vị thủ lĩnh của Ty Lễ Giám trong kinh. Mỗi năm ty chức đều phải hiếu kính chục cân trà ngon. Giờ đây ty chức thuộc sự quản hạt của đại nhân, thành thật bẩm báo, vẫn mong đại nhân thể nghiệm và quan sát tình hình bên dưới, thông cảm với những khó khăn của đám nô tài chúng tôi đây.

Dương Lăng nghe vậy cười khổ không thôi. Vốn tưởng là một vụ án khi quân to tát, hoá ra lại là một quy củ lớn được ước định mà thành trên quan trường: phàm là cống phẩm không thể bảo đảm chất lượng để cung ứng, thà giảm yêu cầu chất lượng của nó cũng không cung phụng cho đại nội, tránh để mặt rồng nổi giận ngược lại sẽ không hay.

Có điều Mạc Thanh Hà thẳng thắn bẩm báo như vậy cũng khiến y có nhiều hảo cảm hơn. Bất luận Mạc Thanh Hà giả vờ thật thà hay tâm tư bộc trực, ít nhất cũng chứng minh rằng hắn xác thực có ý muốn dựa vào mình. Dương Lăng cười ha hả, nâng chén hướng về phía Mạc Thanh Hà nói:

- Đa tạ Mạc đại nhân thẳng thắn nói cho hay, tháo gỡ nghi hoặc trong lòng tại hạ. Dương mỗ cũng hầu hạ quân chủ, đương nhiên hiểu được nỗi khổ của các vị đại nhân, nay đã biết được đầu đuôi trong đó, dĩ nhiên sẽ không trách móc.

Sau khi nghe xong tình hình do Liễu Bưu báo cáo, Dương Lăng đã quyết định sẽ khai đao lập oai với thuế giám trấn thủ Viên Hùng, chỉ là vụ trà tiến cống của Mạc Thanh Hà vẫn luôn là mối tâm bệnh vướng mắc trong lòng y. Nay đã biết được tường tận tình hình, y cảm thấy vô cùng thoải mái. Hai người uống trà trò chuyện, cảm tình đôi bên cũng thân thiết hơn không ít.

Sau khi đi hai vòng trong vườn trà trên sườn núi, xem như đã hoàn thành sứ mệnh thị sát, lúc hai người lên kiệu xuống núi, Mạc Thanh Hà bỗng đưa tay lên vẫy, thuế giám trông coi vườn trà vội vàng dẫn mấy người khiêng hai chiếc rương nhỏ sang. Dương Lăng nghi hoặc hỏi:

- Đây là…?

Mạc Thanh Hà cười nịnh nói:

- Đại nhân, trên núi này ngoại trừ lá trà thật sự không có thứ gì đáng giá cả. Trong một chiếc rương này là mười cân trà xuân Long Tĩnh cực phẩm, xin đại nhân cầm về thưởng thức. Nếu vụ thu hoạch trà năm sau gặp phải thời tiết không tốt, đại nhân sẽ không thể uống được thứ trà ngon như vậy đâu.

Dương Lăng biết nếu bây giờ đem loại trà xuân cực phẩm chân chính như vậy ra chợ bán cho phú hào Giang Nam, một lạng trà phải có giá mười lượng bạc. Một rương trà cỏn con này là cả ngàn lượng bạc, uống một ngụm e phải bằng phần ăn cả một tháng của bá tánh bình thường, thật sự là hơi quá xa xỉ.

Có điều nếu trước đây mọi người của Ty Lễ Giám đều đã quen tiếp nhận, bây giờ Mạc Thanh Hà vẫn chưa quy thuận, nếu như không nhận khó tránh sẽ khiến hắn sinh nghi, thế là y bèn tủm tỉm gật đầu.

Mạc Thanh Hà xoa tay nói:

- Còn chiếc rương này bên trong là bốn chiếc gối uyên ương. Lá trà trong gối tuy không phải là loại trà xuân cực phẩm hoàng gia, nhưng cũng là loại trà ngon hạng nhất. Một khi gối lên, mùi trà sẽ lan toả khắp người, lòng thanh mắt sáng, giúp ngủ ngon tốt nhất. Ha ha, xin tặng cho đại nhân và phu nhân.

Dương Lăng nghe nói là gối trà thì rạng rỡ mặt mày. Gối trà này hương thơm nức mũi, ba nha đầu trong kinh nhất định sẽ thích lắm, nhưng vừa nghe nói đến số lượng thì lại thoáng ngẩn ra: “Nếu là gối uyên ương, vậy Ấu Nương, Ngọc Nhi và Tuyết Nhi cộng lại mới có ba người, hắn tặng bốn cái là ý gì? Chẳng lẽ việc này cũng coi trọng ‘tặng lễ theo cặp’(1) ư?”

(1) Nguyên văn “hảo sự thành song”. “Thành song” ở đây nghĩa là “theo đôi, theo cặp”. Theo phong tục Trung Hoa, phàm tặng lễ mừng cho chuyện vui nào đó, lễ vật thường được tặng theo đôi, kị tặng đơn lẻ.

Dương Lăng ngước mắt nhìn, thấy trong mắt Mạc Thanh Hà ngậm cười, mặt bèn chợt nóng lên, biết rằng hắn đã nhận định Cao Văn Tâm sớm muộn gì cũng sẽ được mình cưới về làm thϊếp. Y cũng không có cách nào giải thích, chỉ đành ậm ờ ưng thuận, sai người nhận lấy hai chiếc rương, sau đó hai người khởi kiệu rời khỏi núi Sư Tử.

Rời khỏi miệng núi, đầu tiên phải đi qua một thôn nhỏ mới có thể rẽ sang đường lớn về thành. Dương Lăng đang ngồi trong kiệu chợt nghe phía trước có tiếng người quát mắng, vội vén rèm kiệu lên nhìn. Chỉ thấy hai tên thuế lại đang giơ roi đuổi đánh một đứa bé ăn mặc rách rưới, nhìn cũng chỉ khoảng mười tuổi, liền giận dữ quát một tiếng:

- Dừng tay!

Hai tên thuế lại kia đang say sưa quất roi, hoàn toàn không nghe thấy. Trịnh bách hộ đi bên cạnh kiệu liền phóng tới một bước, chụp lấy roi da trong tay tên thuế lại, đẩy một cái khiến cho hắn lảo đảo, quát lên:

- Đại nhân có lệnh, ngươi không nghe thấy à?

Tên thuế lại đó quay đầu lại, nhìn thấy Dương Lăng đã xuống kiệu, bộ mặt hung thần ác sát lập tức đổi thành vẻ mặt tươi cười siểm nịnh, gật đầu khom lưng đứng sang một bên. Mạc Thanh Hà cũng xuống kiệu ngựa, vội vã chạy qua hỏi:

- Đại nhân, đã xảy ra chuyện gì vậy?

Dương Lăng thấy đứa bé đó đã lùi về bên một sạp trà. Trông nó hết sức ốm yếu, thân thể gầy gò để lộ một cái đầu hơi quá khổ, đôi mắt to hiện lên vẻ lanh lợi cứng cỏi, có điều quần áo lại rách rưới, thân thể và mặt mũi trông rất bẩn thỉu.

Dương Lăng bước tới ngồi xổm xuống, đặt tay lên vai thằng bé, chỉ cảm thấy da bọc xương, gầy đến thảm thương. Y ôn hoà hỏi:

- Tiểu huynh đệ, đệ không phải là người bản địa à? Người nhà đệ đâu rồi?

Dương Lăng vừa bước tới phía trước, Trịnh bách hộ đã dẫn bốn tay nha sai đuổi theo sau. Thằng bé đó trông thấy năm đại hán oai phong lẫm liệt tay cầm đơn đao sau lưng Dương Lăng thì co rúm người lại không dám trả lời. Dương Lăng quay đầu lại nhìn, nhíu mày nói:

- Chỉ là một đứa bé, còn sợ bản quan bị hành thích sao? Đừng doạ thằng bé, các người lui ra chút đi!

Trịnh bách hộ vội dẫn người lùi ra mấy bước. Mạc Thanh Hà cũng bước qua, ngồi xổm xuống, ôn tồn cười nói:

- Nhóc con, vị đại nhân này là người tốt, đại nhân hỏi thì ngươi phải trả lời đàng hoàng, đại nhân mà cao hứng sẽ thưởng ngươi mấy văn tiền để mua mấy cái bánh bao thịt lớn ăn đó.

Thằng bé vừa nghe nói đến bánh bao thịt, cặp mắt liền sáng lên. Nó nuốt một ngụm nước bọt rồi mới ấp úng nói:

- Đại lão gia, cháu tên là Ôn Tiểu Hoa, là người ở trấn Tư Khẩu. Khi nãy đói bụng, trông thấy cây bên đường có quả dại nên định hái mấy trái xuống ăn. Vị đại gia đó… ông ta lấy roi đánh cháu.

Dương Lăng nhìn sang Mạc Thanh Hà. Mạc Thanh Hà nhướng mày nói:

- Trấn Tư Khẩu à? Đó là địa giới Tô Hàng mà, đứa nhỏ như ngươi một mình chạy đến nơi này sao? Người nhà của ngươi đâu?

Thằng bé rụt rè gật đầu đáp:

- Ừm! Người nhà cháu đều chết cả rồi, cháu phải đi ăn xin khắp nơi để sống qua ngày, đi hoài đi mãi thì đến nơi này.

Dương Lăng hỏi:

- Thế nào mà người trong nhà đều không còn vậy? Nơi đó đã xảy ra ôn dịch sao?

Mạc Thanh Hà lắc đầu nói:

- Chưa từng nghe nói có ôn dịch. Đứa nhỏ, nói cho ta biết người trong nhà ngươi làm sao mà chết hết vậy?

Thằng bé chớp đôi mắt to, rụt rè đáp:

- Ruộng nhà cháu ở kế bên sông, tháng năm nổi lụt ngập hết cả ruộng. Cha cháu bán nhà vào thành làm chút buôn bán nhỏ, nhưng mà vào thành cũng bị thu thuế. Cha… cha lén trèo tường nên té bị thương, mẹ cháu mới bán ruộng để chữa thương cho cha, nhưng bọn người lùn lại kéo đến, cướp tiền và đồ nhà cháu, gϊếŧ chết cả cha mẹ cháu. Cháu phải… phải ăn xin khắp nơi.

Dương Lăng nghe mà cảm thấy xót xa trong lòng. Lúc này ông già mở quán trà bên đường nhận ra Mạc Thanh Hà, không nén được mừng rỡ kêu lên:

- Ngài là Mạc gia? Mạc đại thiện nhân!

Mạc Thanh Hà ngẩn ra, hỏi ngược lại:

- Ông nhận ra ta à?

Lão hán đó hưng phấn reo lên:

- Nhận ra chứ, nhận ra chứ. Mùa đông năm ngoái, Mạc gia bố thí cháo trong thành, lão đây đã từng đến trước phủ ngài xin miếng ăn đó. Cái đứa nhỏ không cha bị Trương quả phụ thôn chúng tôi tái giá bỏ rơi, đứa nhỏ tên là Thuỷ Sinh không có ai nuôi đó, không phải Mạc gia đã nhận nuôi sao? Ha ha, lão đây còn nhớ ngài mà. Đứa nhỏ này thật là đáng thương, lại có vẻ lanh lợi, không bằng Mạc gia ngài rủ lòng thương thu nhận nó đi.

Dương Lăng nhìn Mạc Thanh Hà, lấy làm bất ngờ nói:

- Mạc đại nhân thật không hổ được gọi là thiện nhân, hóa ra không chỉ bố thí cháo cứu người mà còn thu dưỡng cô nhi.

Mạc Thanh Hà còn chưa kịp nói mấy câu khiêm tốn, ông già nọ đã cướp lời nói tiếp:

- Mạc gia là người tốt, thành Hàng Châu ai mà không biết chứ? Mạc gia đã thu dưỡng mấy chục đứa nhỏ bơ vơ không nơi nương tựa. Thằng bé này hôm nay gặp được ngài thật đúng là phước đức tổ tiên à.

Mạc Thanh Hà nghe lão ta khen ngợi mình trước mặt Dương Lăng, dường như hơi không được thoải mái lắm, vội nói:

- Được rồi được rồi, cái ông lão này!

Hắn quan sát thằng bé tên là Ôn Tiểu Hoa mấy lượt, rồi khẽ gật đầu nói:

- Được rồi, ngươi hãy đi theo ta, thế nào? Ta sẽ tìm một chỗ cho ngươi, có ăn có uống, còn có thể học chút nghề.

Thằng bé rất lanh lợi, nghe xong vội vàng quỳ xuống, vui mừng phấn khởi đáp:

- Tạ ơn đại lão gia! Chỉ cần có miếng ăn, ngài sai cháu làm gì cũng được.

Mạc Thanh Hà không ngại nó bẩn thỉu, vừa cười lớn vừa xoa đầu nó, sau đó quay đầu gọi quản gia:

- Lão Lý, mang thằng bé này theo! Có mang theo thứ gì ăn không? Cho nó một chút lót dạ đi!

Dương Lăng vừa cùng hắn trở về, vừa nói:

- Mạc đại nhân đã thu nhận mấy mươi cô nhi à? Đây… đây thật là việc đại thiện đó. Có điều trong phủ nuôi dưỡng nhiều con nít như vậy cũng thật khó khăn cho đại nhân rồi.

Mạc Thanh Hà hơi đỏ mặt nói:

- Đại nhân quá khen rồi. Chúng ta… chà, chúng ta là người gì hẳn đại nhân cũng rõ, chỉ muốn làm chút việc thiện, kiếp sau có thể được báo ứng tốt mà thôi. Ty chức chỉ là giúp đỡ những đứa nhỏ này kiếm miếng ăn, cũng không giữ lại trong phủ mà nhờ người đưa đến hộ dệt bản địa làm ít việc vặt, đồng thời học chút tay nghề. Cũng vì nể mặt ty chức nên những hộ dệt đó không dám làm khó bọn chúng, cho bọn chúng một con đường sống mà thôi.

Đến đây Dương Lăng quả thật đã cảm thấy kính nể người thái giám này. Bất kể hắn có thật muốn tích âm đức để cầu thiện báo hay không, những việc làm và hành động ấy đã hơn biết bao kẻ đọc sách cả ngày ra rả vì nước vì dân, song lại chỉ biết nói suông. Tuy hắn không hiểu nhiều đạo lý lớn, nhưng lại thật sự làm được rất nhiều việc tốt.

Mặc dầu, lợi dụng sự tiện lợi của chức quyền hắn cũng thu được không ít chỗ tốt, nhưng hắn có thể nghĩ đến việc cứu tế dân chúng cùng khổ, đây đã là chuyện rất đáng quý rồi.

Tất cả hộ dệt của bản địa đều thuộc sự cai quản của thái giám dệt may Lý Đại Tường. Các hộ dệt may tập trung ở Tô Châu, cho nên nha môn của Lý Đại Tường cũng đặt tại Tô Châu. Dương Lăng và Mạc Thanh Hà trở về thành, không quay thẳng về phủ mà đến một cửa điếm nhỏ đặc sắc của địa phương. Hai người ngồi dưới gốc thuỳ dương, khoan thai đối ẩm, vui vẻ bình phẩm phong cảnh Giang Nam. Sau đó còn chưa dứt chuyện thì lại quyết định đi đến hộ dệt bản địa để quan sát.

Dương Lăng nhớ lúc nhỏ đọc sách, có nghe nói vào thời Minh hộ dệt Giang Nam thuê mướn thợ thuyền, đã có quy mô khá lớn, có hình thức ban đầu của chủ nghĩa tư bản. Hộ dệt mà y đến tham quan lần này là một trong mười mấy hộ dệt lớn của Hàng Châu, tuy không lớn bằng hộ dệt Tô Châu nhưng cũng có mấy chục khung cửi, thuê mướn gần hơn trăm thợ nữ. Dạo một vòng bên trong, Dương Lăng có cảm giác rất giống với xưởng sản xuất dây chuyền công nghiệp hiện đại, không khỏi vô cùng hưng phấn.

Khi sắp ra khỏi cửa, y chợt nhìn thấy một thằng bé mập mạp độ mười một mười hai tuổi vác một bao sợi trắng đi vào. Vừa trông thấy có người ngoài, nó bèn đứng một bên cửa, đưa tay áo lên quệt mồ hôi đầy trán, chỉ đứng đó cười ngây thơ.

Mạc Thanh Hà cười chỉ vào thằng bé đó, nói:

- Thằng nhỏ này cũng không cha không mẹ, ty chức thấy tội nghiệp nên đã thu nhận rồi đưa đến đây. Ừm, đó là chuyện của mùa hè năm ngoái rồi.

Hắn lại cười nói:

- Ha ha! Không sợ đại nhân chê cười, người do ty chức đưa đến những hộ dệt này còn không dám không nể mặt. Bọn họ quyết sẽ không ngược đãi chúng, cho nên ty chức cũng chưa bao giờ đến thăm. Ty chức nhớ được thằng nhỏ này cũng bởi cái bướu to đấy của nó, bằng không quả thật không thể nhớ nổi.

Dương Lăng bèn đưa mắt nhìn, thấy thằng bé đó thân thể khoẻ mạnh rắn chắc, xem ra cuộc sống nơi đây quả nhiên không tệ. Có điều cổ nó vừa thô lại ngắn, bên cổ lại mọc ra một cái bướu thịt to dễ sợ màu đỏ tía, khiến người ta trông thấy liền có ác cảm.

Mặc dù Dương Lăng biết thân thế thằng bé này đáng thương, nhưng nhìn xong trong lòng cũng có cảm giác dị dạng, đừng nói là người khác. Nếu không vì Mạc Thanh Hà rủ lòng thương, phỏng chừng thằng bé này có muốn kiếm chút miếng ăn một cách chính đáng cũng sẽ không có ai dùng nó, chỉ có thể ăn xin cả đời. Đối với việc làm vĩ đại của Mạc Thanh Hà, trong lòng y không khỏi càng sinh ra một sự ngưỡng mộ.

Nhưng kỳ quái chính là, sao thằng nhóc đó gặp Mạc Thanh Hà mà vẻ mặt lại bình thường, không có vẻ gì như gặp được ân nhân vậy? Dương Lăng hơi động nghi ngờ, song lập tức nhớ ra thằng nhóc mập này mới chỉ gặp Mạc Thanh Hà một lần, trải qua lâu ngày một đứa bé làm sao nhớ rõ như vậy được, thế là lòng nghi ngờ lập tức tan biến.

Thằng bé mập mạp đó chỉ nhìn mấy vị khách cười ngây thơ, cũng không bước lên chào hỏi. Hộ dệt Cao Minh cười mắng:

- Tiểu tử ngốc, nhìn gì mà nhìn, mau mang đồ vào đi, đừng che mắt đại nhân!

Thằng bé mập đó nghe thấy liền vội vác bao sợi lên rồi chạy vụt vào.

oOo

Dương Lăng mặt đỏ như gấc đi vào Tây khoá viện. Cao Văn Tâm ngồi dí trong nhà cả ngày, nghe nói y trở về liền tung tăng ra đón, trông thấy vẻ mặt Dương Lăng quái dị, không khỏi ngẩn ra. Dương Lăng lúng túng đưa một cuộn giấy qua nói:

- Văn Tâm, đem cất cái này cẩn thận đi!