Tương Tư Thành Nắm Tro Tàn

Chương 10-14: Người ở trong lòng (14)

Kì nghỉ kết thúc, Tô Nhất hồ hởi trở lại trường. Giữ lời hứa, cô mang mấy gói thịt bò khô cho Trình Thực. Khi nhận nó, cậu cảm ơn vô cùng khách khí.

Chu Hồng cũng đã từ Hồng Kông trở về, lên lớp chưa được mấy buổi đã lại xin nghỉ, đơn xin nghỉ học có kèm cả chứng nhận của bệnh viện, nói cô bị viêm dạ dày, xin phép nghỉ nửa tháng. Hứa Tố Kiệt nói nhỏ với Tô Nhất: “Cái gì mà viêm dạ dày, chị đoán có khi nó có thai, phải đi bỏ rồi.”

Tô Nhất kinh ngạc hỏi: “Thật không? Sao chị biết?”

“Hôm đó, nó nôn khan ở trong nhà vệ sinh, chị ở gian phía trong nên nghe thấy. Cái kiểu nôn ọe ấy, chị nghe là biết bị làm sao rồi.” Hứa Tố Kiệt đã dính bầu hai lần nên có thể coi là chuyên gia trong chuyện này. “Có điều đúng là phải phục nó, kiếm được cả chứng nhận khống của bệnh viện, nghỉ học một cách quang minh chính đại.”

Nửa tháng sau, Chu Hồng trở lại trường, mặt mũi gầy rộc đi thấy rõ, hai má hóp lại, trông khá tiều tụy. Tô Nhất vốn nghi ngờ phỏng đoán của Hứa Tố Kiệt nhưng giờ thì cô đã tin, vì sau mỗi lần phá thai, Hứa Tố Kiệt cũng tiều tụy y như vậy.

Hứa Tố Kiệt nửa đùa nửa thật nói: “Tô Nhất, giờ phòng mình chỉ còn mỗi em là con gái đấy. Chị đoán có khi trong lớp mình, em là một trong những đứa thuộc hàng hiếm đấy. Không phải định giữ gìn cho đêm tân hôn đấy chứ? Vậy phải tuyên dương anh chàng Chung Quốc của em rồi, nhịn giỏi ghê.”

Tô Nhất không cách nào tiếp tục bàn về vấn đề này, mặt đỏ bừng, vòng vo một lúc cho qua chuyện.

***

Chẳng mấy chốc đã sang tháng Sáu.

Tháng Sáu, với những sinh viên năm cuối, là tháng biệt li. Sắp đến ngày tốt nghiệp, trong căn tin, tiệm cơm trong và ngoài trường, đâu đâu cũng thấy những bữa cơm họp mặt. Đây là truyền thống của sinh viên sắp ra trường. Anh Chu của Hứa Tố Kiệt cũng chuẩn bị tốt nghiệp. Cô cùng anh ta đi dự những bữa cơm chia tay của bạn học, bạn cùng phòng, bạn đồng hương, bạn xã giao, gần như bữa nào cũng uống say. Khi trở về, cô nói với Tô Nhất rằng những bữa cơm này buồn quá, cho dù là nam hay là nữ, phần lớn mọi người đều khóc.

Hứa Tố Kiệt bị không khí đau thương này lây nhiễm, không ngừng than thở: “Năm sau đến lượt chị em mình tốt nghiệp rồi, thời gian trôi nhanh thật!”

Tô Nhất không buồn rầu như vậy, trái lại cô còn mong mau đến ngày tốt nghiệp. Tốt nghiệp rồi, cô có thể đến Bắc Kinh cùng Chung Quốc, hai người không cần phải cách xa như bây giờ nữa.

Anh Chu không đến thư viện giành chỗ cho bọn Tô Nhất nữa, cô đành tự thân vận động, dậy sớm tự đi kiếm chỗ ngồi. Sau khi tìm được một chỗ ở phòng tự học của tầng hai, vô tình ngẩng đầu lên, cô bất ngờ trông thấy một người: Khang Tử Cần. Anh ta đang ngồi một mình cạnh cửa sổ, lơ đãng nhìn ra bên ngoài bằng ánh mắt thẫn thờ và cô độc.

Sao anh ta lại ngồi đây? Anh ta sắp tốt nghiệp, nghe nói đã kí hợp đồng với một công ty tài chính ở Thâm Quyến. Giờ này mà anh ta còn muốn tranh chỗ tự học với những đàn em năm dưới sao?

Đang thắc mắc, Tô Nhất chợt nhớ trước đây, nơi Đường Thi Vận thường đến nhất là thư viện. Cô ấy thường tìm chỗ ngồi gần cửa sổ, đọc sách, phơi mình dưới ánh mặt trời vàng óng xuyên qua khung cửa. Mỗi lần ngồi là cả buổi chiều.

Khang Tử Cần, anh ta đang nhớ Đường Thi Vận sao? Ý nghĩ ấy bỗng nhiên mắt Tô Nhất ươn ướt.

Nắng tháng Sáu rọi vào từng ô cửa, rải những tia vàng óng khắp căn phòng, lặng lẽ lướt qua bàn ghế, chớp mắt nửa ngày đã trôi qua. Đã đến giờ ăn trưa, sinh viên lần lượt rời đi, Khang Tử Cần vẫn ngồi bên cửa sổ, lặng lẽ bất động.

Tô Nhất đứng dậy, ngập ngừng giây lát, cuối cùng ôm sách vở nhẹ nhàng đi tới.

Phát hiện có người đi tới, Khang Tử Cần quay đầu lại. Thấy cô, anh ta ngạc nhiên rồi khẽ gật đầu chào. Cô biết là không nên nhưng vẫn không kìm được, hỏi: “Anh đang... nhớ Đường Thi Vận à?”

Khang Tử Cần cúi đầu, im lặng một hồi lâu mới nói: “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Đường Thi Vận, cô ấy đang ngồi ở chỗ này.”

Chỉ một câu nói giản đơn như vậy nhưng Tô Nhất không khó tưởng tượng ra, như nhìn một đóa hoa mà đoán được mùi hương. Năm nhất đại học là những tháng ngày đẹp đẽ nhất của Đường Thi Vận. Cô gái mười tám tuổi mặc váy xanh, gương mặt đoan trang ngồi một mình bên ô cửa sổ, ánh nắng đầu thu xuyên qua những tán lá chiếu vào ô cửa sổ. Ánh nắng, bóng cây, phản chiếu lên gương mặt xinh đẹp của cô, khiến Khang Tử Cần chỉ liếc nhìn đã không thể nào quên được.

Do dự một hồi, Tô Nhất lật một trang được đánh dấu trong cuốn sách của mình, trân trọng cầm tấm book mark lên, không chút do dự, đưa nó cho Khang Tử Cần.

“Cho anh đấy, là book mark Đường Thi Vận tự tay làm, tặng cho bọn em mỗi người một cái.”

Đó vốn là những tấm bìa màu trắng, Đường Thi Vận đã sáng tạo, cắt chúng thành từng mảnh hình chữ nhật rồi dùng bút lông vẽ lên, khi thì cành mai, cúc vài cọng cỏ, thành những chiếc book mark rất có hồn, khiến bọn Tô Nhất tranh nhau lấy.

Hành động khảng khái của Tô Nhất khiến Khang Tử Cần rất bất ngờ. Sững sờ giây lát, anh ta mới đưa tay ra trân trọng đón lấy, cất lời cảm tạ tự đáy lòng:

“Cảm ơn em, Tô Nhất.” Sau phút ngập ngừng, anh ta lại nói: “Chuyện trước đây, anh xin lỗi.”

“Chuyện gì cơ?”

“Khi đó... anh không nên nói là em không có chất. Thực ra... em rất tốt.”

Tô Nhất ngượng ngùng. “Thôi, bỏ đi. Em cũng biết mình không có khí chất mà, đừng vì em tặng anh tấm book mark này mà nói những lời an ủi thế.”

“Đâu có. Anh nói thật, có thể em không có khí chất dịu dàng của thục nữ nhưng em có một loại khí chất khác, khí chất cởi mở và thẳng thắn. Nếu Đường Thi Vận có khí chất như em, có lẽ cô ấy đã không...”

Khang Tử Cần không nói nữa mà im lặng thở dài.

Tô Nhất cũng không nói gì thêm, lặng lẽ nhìn cây ngô đồng phía bên ngoài cửa sổ. Trên cây đầy những lá non mới nhú, lấp lánh màu xanh ngọc dưới ánh mặt trời, thật đáng yêu, nhưng cành khô lá úa đã hoàn toàn biến mất không còn dấu vết. Đây chính là cái hay của thực vật, thu đông tự điêu tàn, xuân hạ lại hồi sinh.

Cây lá thì năm nào cũng vậy, nhưng qua thời gian, con người đã khác rồi. Cây ngô đồng ngoài cửa sổ vẫn đây mà người từng ngồi đây đã không còn nữa. Nhưng Tô Nhất tin rằng Khang Tử Cần sẽ không bao giờ quên Đường Thi Vận, bởi tình yêu thời thanh xuân là thứ không bao giờ quên được, dù cho thời gian có trôi qua bao lâu, anh ta sẽ luôn nhớ tới gần đầu gặp cô. Khung cửa sổ ấy, hình bóng cô gái mặc váy xanh, trong lòng anh ta, sẽ như hũ rượu ủ càng lâu càng đậm...

Sắp đến kì nghỉ hè, không ít sinh viên năm ba chạy đôn chạy đáo tìm đơn vị để thực tập hè. Nhà trường không yêu cầu sinh viên năm ba đi thực tập nhưng vài năm gần đây, phổ cập đại học khiến việc tìm kiếm việc làm trở nên khó khăn hơn. Chẳng nói đâu xa, sinh viên tốt nghiệp hai khóa trước đã gặp chính những khó khăn này. Để hỗ trợ cho sự nhiệt tình và tích cực của sinh viên, phía nhà trường cũng mời một vài doanh nghiệp đến tuyển dụng sinh viên thực tập hè. Nhưng con đông cháo ít, phần lớn sinh viên vẫn phải tự tìm kiếm đơn vị thực tập.

Hứa Tố Kiệt cũng muốn lôi Tô Nhất đi tìm đơn vị thực tập lí tưởng nhưng cô lắc đầu từ chối: “Em không đi nghỉ hè em phải về nhà.”

“Hè này em không tìm chỗ thực tập sao?”

“Không tìm, em cứ theo trình tự mà làm, chờ đến năm tư rồi thực tập.”

“Vì sao? À, tiếc hai tháng hè được gặp Chung Quốc hả? Khỏi phải bàn, Chung Quốc chắc chắn cũng không đi thực tập hè.”

“Anh ấy thì cần gì. Anh ấy đã làm việc bán thời gian ở một công ty xây dựng từ lâu rồi.”

“Được thôi, hai con người hạnh phúc hè này tha hồ mà hưởng thụ. Chị đành phải tìm bạn đồng hành khác vậy.”

Hứa Tố Kiệt rất nhanh đã nhận ra trong lớp có khá nhiều người như Tô Nhất, chẳng mặn mà gì với chuyện thực tập hè, nhưng đều là con trai. Họ đồng thanh đáp hè này không đi thực tập mà giành thời gian xem Olympic bốn năm mới tổ chức một lần. Người chẳng bao giờ quan tâm đến thể thao như Hứa Tố Kiệt đến lúc này mới nhớ ra, phải rồi, Thế vận hội Athens sẽ khai mạc vào tháng Tám này, chẳng trách Tô Nhất không đi thực tập. Chung Quốc là fan thể thao cuồng nhiệt, xem ra hè này sẽ là mùa hè Athens của họ.

Hứa Tố Kiệt cười, hỏi Tô Nhất: “Có phải hè này định cùng Chung Quốc của em xem Olympic Athens không đấy?”

“Thế mà chị cũng đoán ra cơ à? Lợi hại.”

“Mấy cậu con trai ngày nào cũng bàn tán trên lớp, không muốn nghe cũng không được. Thật không hiểu nổi, mấy cái trò thi đấu thể thao thì có gì hay ho mà bọn họ cứ hào hứng nói.”

“Em cũng không biết nữa. Chung Quốc nói chỉ cần xem một trận thi đấu Olympic là sẽ biết. Chị có thời gian thì xem vài buổi thử xem.”

Hứa Tố Kiệt không có nhã hứng ấy, anh Chu của cô cũng chẳng phải fan cuồng của thể thao. Anh ta đã tìm được việc ở một công ty lớn ở Thành Đô, đang vào vai “newcomer” cần mẫn. Cô cũng muốn tìm một đơn vị thực tập hợp với mình để hè này vừa được gặp anh ta vừa chuẩn bị cho tiền đồ sau khi tốt nghiệp.

Nhưng sinh viên trẻ muốn tìm được một đơn vị thực tập vừa tốt vừa hợp với mình rất khó. Hứa Tố Kiệt chạy gần như rã cả cẳng chân đến những tòa soạn báo lớn nhỏ khắp Thành Đô nhưng đều bị từ chối. Sau này cô mới biết không có mối quen biết thì chẳng bao giờ vào được những tòa soạn đó, cho dù là sinh viên thực tập làm không công.

Gần sát kì nghỉ hè, Hứa Tố Kiệt vẫn không thể tìm được một đơn vị thực tập phù hợp. Trái lại, bố mẹ cô nghe nói con gái đang lo tìm nơi thực tập, liền nhờ anh em bạn bè, không biết phải sử dụng bao nhiêu mối quan hệ mới có thể giúp cô liên hệ với một tòa báo có tiếng ở quê nhà Nam Xương.

Hứa Tố Kiệt vốn muốn ở lại Thành Đô thực tập, vừa có thể tích lũy kinh nghiệm lại vừa được ở bên anh Chu, thuận đôi đường cả tình yêu, sự nghiệp. Nhưng hiện thực không theo ý người. Sau những khó khăn vấp phải ở Thành Đô, cô đã biết để liên hệ được với một đơn vị báo chí như vậy không phải là chuyện dễ dàng, từ chối thì quá đáng tiếc nên chỉ còn cách tạm biệt anh Chu về Nam Xương thực tập.

Sau chuyến đi này, mối tình sinh viên giữa Hứa Tố Kiệt và anh Chu như đóa hoa hồng đum, xuân sang rực rỡ, đến hè là tàn úa.