Sát Phá Lang

Quyển 1 - Chương 26: Cầu Phật

Thọ thần của lão nhân làm lớn, gọi là mừng thọ, sinh nhật của hài tử náo nhiệt, là lại thêm một tuổi không dễ dàng, cha mẹ thở phào nhẹ nhõm.

Cố Quân không già cũng chẳng nhỏ, bà không thương cậu không yêu, nếu y vừa vặn ở nhà, lão quản gia còn có thể nhớ sắp xếp một chút giúp y, nhưng phần lớn thời gian y đều đi vắng, chính bản thân cũng bận đến quên cả ngày mười sáu tháng Giêng.

Thực ra thì cũng chẳng có gì đáng chúc mừng cả, phố phường chú trọng “nương nương mùng một quan mười lăm”, tức là nữ sinh mùng một nam sinh mười lăm đều tốt, y vốn có thể đẻ vào đêm Nguyên tịch đại phú đại quý, lại nằm trong bụng mẹ thêm mấy canh giờ, đủ thấy là mệnh xấu trời sinh.

Tào Nương Tử chẳng những tự chải chuốt, còn cùng bọn Trường Canh lôi cả khôi lỗi hầu kiếm ra giày vò một phen.

Họ tô hai cái má hồng mộc mạc cho dạ du thần kia, không biết kiếm đâu ra mấy mảnh tơ lụa cũ rích, trói gô cánh tay sắt của nó lại.

Khôi lỗi hầu kiếm đèn hoa rực rỡ bưng một bát mì trong tay, ngơ ngác cùng Cố Quân nhìn nhau, trên khuôn mặt đen sì giống như có sự tủi thân không nói ra được.

Cố Quân thấp giọng mắng: “Quân khốn nạn, khôi lỗi hầu kiếm để các ngươi giỡn như vậy hả?”

Cát Bàn Tiểu xông lên chia công lao: “Hầu gia, má hồng là nha đầu dỏm tô, lửa nấu mì là ta nhóm, trứng gà trong mì là đại ca đập đấy!”

Cố Quân nhất thời lại có chút câu nệ, chỉ cảm thấy hầu phủ quạnh quẽ nhiều năm thoáng cái náo nhiệt đến mức y cũng có phần không nhận ra.

Trường Canh: “Nghĩa phụ, ăn mì xong rồi hẵng vào cửa.”

Cố Quân: “Được.”

Y bưng bát lên, nhìn Trường Canh một cái, cố ý vớt trứng gà ra ăn trước, miếng đầu tiên đã cắn trúng vỏ trứng cứng ngắc, nhưng y không làm ầm lên, nhai nát nuốt luôn cả vỏ, như là tám đời chưa ăn cơm, chẳng mấy chốc đã đánh sạch một bát mì, nước cũng húp hết.

Từ xưa ôn nhu hương là mộ anh hùng, Cố Quân mọi lần rời kinh đô không vướng bận, chỉ có lần này lòng đầy phiền muộn.

Khả năng là vì mỗi lần đều là “về” biên cương, chỉ có lần này là xa nhà.

Tiếc thay, đừng nói sự phiền muộn ôn nhu này, dẫu ruột gan đứt từng khúc, cũng đừng hòng giữ chân được An Định hầu.

Ngày hôm sau, Cố Quân như không có việc gì mà chuẩn bị ra ngoài, rốt cuộc không chào Trường Canh, một mình đến Bắc đại doanh, ngoảnh lại thoáng nhìn về hướng kinh thành.

Đáng tiếc, từ nơi xa như vậy, y chỉ có thể thấp thoáng trông thấy mỗi Khởi Diên lâu.

Thẩm Dịch đi đến bên cạnh y, hỏi: “Đại soái, lương tâm lên tiếng rồi à?”

Cố Quân thở dài: “Lần sau trở về không chừng lại không nhận ta nữa, ôi, cái danh nghĩa phụ này luôn lung lay chực đổ… Đi thôi.”

Huyền Thiết doanh xuất phát, tác phong nghiêm túc, phảng phất như lốc xoáy màu đen nghiền qua không lưu tình chút nào, mọi người đều không kìm được tránh xa.

Họ phải áp giải thế tử tộc Thiên Lang lên phương Bắc, rồi lại đến thẳng Tây biên, tiễu sát sa phỉ ở Tây Vực, cam đoan con đường tơ lụa có thể an toàn thông suốt.

Ngày thứ hai sau khi họ đi, Trường Canh như thường lệ dậy sớm, nhớ Cố Quân không ở nhà, lại vẫn không nhịn được dắt thiết khôi lỗi đến khoảng sân không một bóng người, một mình luyện kiếm so chiêu với nó, lại một mình ăn bữa sáng.

Trước khi đi, y ngẩng đầu lên, nhìn thấy hoa mai trong viện đã nở.

Hôm trước mới đổ tuyết, trên cánh hoa đọng một lớp sương lóng lánh, Trường Canh càng nhìn càng cảm thấy thích, liền không nhịn được bẻ hai cành, ý nghĩ đầu tiên của y vĩnh viễn là giữ lại cho Cố Quân, dù biết nghĩa phụ trong dăm ba hôm chưa chắc sẽ về, vẫn cẩn thận phẩy sương trên đầu cành, muốn tìm bình hoa bỏ vào phòng Cố Quân.

Đáng tiếc, phòng Cố Quân rộng như vậy mà so với mặt còn sạch sẽ hơn, y tìm một vòng, nhưng ngay cả bình rượu có thể cắm hoa cũng không thấy.

Trường Canh đẩy cửa sổ ra, gọi lão quản gia: “Vương bá, có bình hoa không?”

Quản gia đáp một tiếng đi tìm, Trường Canh liền cầm hai cành hoa mai ở trong phòng Cố Quân nhìn ngang ngó dọc.

Đột nhiên, ánh mắt y dừng ở đầu giường Cố Quân, thoáng sửng sốt – không thấy tấm hồ cừu giúp cả gian phòng ngủ đều có vẻ đáng giá hơn.

Lúc này, Vương bá cầm bình hoa sứ men xanh đi đến, cười nói với Trường Canh: “Tứ điện hạ, ngài xem cái này được không? Để đâu thì thích hợp?”

Trường Canh nhìn chằm chằm đầu giường trống không, hỏi: “Vương bá, tấm hồ cừu của Hầu gia sao cất sớm vậy?”

Khóe mắt Vương bá hơi giật nhẹ, có chút mất tự nhiên đáp: “Không phải Hầu gia ra ngoài với Hoàng thượng sao, chắc là mang đi rồi.”

Lòng Trường Canh từ từ chùng xuống.

Đêm Trừ tịch, huyền ưng đi theo Cố Quân từng cho y biết – Đại soái ở kinh thành chưa từng mặc quần áo mùa đông, chỉ có xuất quan gặp bão tuyết mới thỉnh thoảng lấy ra.

Hôm Trừ tịch y đã cảm thấy hơi kỳ lạ, Cố Quân đã không mặc quần áo mùa đông, thì vì sao phải treo một tấm hồ cừu ở bên ngoài? Chuẩn bị dùng làm gì? Nhưng khi đó nhốn nháo lộn xộn, y lại bị ác mộng quấy rầy, đầu óc không tỉnh táo lắm, không hề suy nghĩ cẩn thận.

Trường Canh chợt quay đầu lại, giọng khô khốc như dây cung kéo căng: “Vương bá, nghĩa phụ rốt cuộc đi đâu rồi? Ông đừng thấy ta không thích ra ngoài mà gạt, ta cũng biết Hương Sơn còn chưa xa bằng Bắc đại doanh đâu.”

Vương bá giơ bình hoa, chân tay luống cuống đứng đó.

Cố Quân làm chưởng quầy phủi tay đi sạch sẽ, mặc kệ tất cả, lão quản gia ngay từ đầu đã đoán được sớm muộn cũng có vụ này, nhưng không ngờ lại nhanh như vậy.

Trường Canh hít sâu một hơi, thấp giọng hỏi: “Y đã khởi hành rời kinh đến biên cương rồi sao? Đi đâu? Phía Bắc hay phía Tây?”

Lão quản gia xấu hổ cười xòa: “Việc quân vụ, lão nô cũng không hiểu… Điện hạ, tôi thấy Hầu gia cũng là không muốn để ngài bận tâm…”

Trường Canh “Rắc” một tiếng bẻ gãy cành hoa trong tay, ngắt từng chữ nói: “Không phải y sợ ta bận tâm, mà là sợ ta dù chết dù sống nhất định đòi đi theo thôi.”

Lão quản gia ngậm miệng.

Trường Canh tuy trên danh nghĩa là con nuôi của Cố Quân, nhưng dù không ai chào đón, chung quy vẫn mang họ Lý, tương lai tốt xấu gì cũng là một Quận vương. Lão quản gia đau đầu vô cùng, cảm thấy chủ nhân không phúc hậu nhà mình lâm trận lùi bước, ném củ khoai lang phỏng tay này cho mình, chuẩn bị sẵn sàng bị trút giận.

Nhưng đợi rất lâu mà Trường Canh không nói tiếng nào.

Những om sòm kêu gào tích tụ ra đều dồn nén trong lòng Trường Canh.

Không chỉ là vì Cố Quân đột nhiên không từ mà biệt, dù sao thì y bị Cố Quân lừa đâu chỉ một lần, sớm đã thành quen, đáng lý nên bình tĩnh.

Nhưng lần này, những bất an và nôn nóng từ khi vào kinh vẫn chất chứa trong lòng rốt cuộc kiềm chế không được, vỡ đê xô ra.

Trong lòng Trường Canh kỳ thực sáng như gương, y luôn biết rõ, sự tồn tại của mình với ai cũng là dư thừa, y vô tình bị cuốn vào, định trước là một quân cờ râu ria, sẽ như thân ở dưới con sông ngầm nơi Nhạn Hồi trấn, thân bất do kỷ bị cuốn đi.

Y lại bị sự yên vui của cảnh thái bình giả tạo những ngày qua che mắt, sinh ra lòng tham, muốn bắt lấy một chút gì đó, lừa mình dối người, cự tuyệt suy nghĩ chuyện về sau.

“Ngươi muốn gì đây?” Trường Canh để tay lên ngực tự hỏi, “Nghĩ nhiều quá rồi.”

Nhưng mặc cho trong lòng kinh đào hãi lãng, đối mặt với lão quản gia tóc bạc da mồi, Trường Canh lại không nói gì cả.

Lão quản gia nơm nớp lo sợ hỏi: “Điện hạ…”

Trường Canh im lặng lấy bình hoa trong tay ông, cẩn thận cắt sửa nhành hoa bị y bẻ gãy, cắm và đặt trên bàn Cố Quân, thấp giọng nói: “Làm phiền.”

Nói xong, y liền quay người đi ra ngoài.

Trường Canh rời khỏi phòng Cố Quân liền không nhịn được chạy đi, khôi lỗi hầu kiếm cũng bị bỏ lại.

Cát Bàn Tiểu cầm trong tay một cái hộp tử lưu kim không biết tháo từ đâu, đang đi ra ngoài, sượt qua người Trường Canh, buồn bực nói: “Ôi, đại ca…”

Trường Canh tựa hồ không nghe thấy, chạy vù qua như một cơn gió, lao vào phòng mình, trở tay khóa cửa lại.

Có một điểm Cố Quân thích nhất ở y, Trường Canh là người nhân nghĩa trời sinh, dù phẫn nộ vô cùng, y cũng không cách nào trút vào kẻ vô can, về phương diện này, Tú Nương không thể không có công, sự ngược đãi mười mấy năm như một ngày của bà ta đã luyện thành sự nhẫn nại kinh người cho y.

Đồng thời, Ô nhĩ cốt từ nhỏ chôn giấu trong thân thể thiếu niên cũng như một gốc thực vật cần tưới độc, dần dần nở ra đóa hoa dữ tợn.

Trường Canh bắt đầu không thở nổi, ngực như bị cự thạch đè lên, toàn thân căng như một cục sắt rỉ, chân không tự chủ được run rẩy.

Tai y vang ong ong, y hoảng sợ phát hiện từng đợt cảm xúc bạo ngược xa lạ từ ngực cuồn cuộn lao ra khắp nơi, vô tình siết tay thành tiếng, lần đầu tiên tỉnh táo nếm trải cảm giác bị bóng đè.

Trường Canh cảm nhận được rõ nét, trong lòng mình như có một bàn tay vô hình, đang cứng nhắc xóa hết tất cả tình cảm ấm áp.

Mới đầu, Trường Canh ý thức rõ ràng, kinh hồn táng đảm nghĩ: “Đây là Ô nhĩ cốt ư? Ta làm sao rồi?”

Rất nhanh, ngay cả hoảng sợ cũng biến mất, ý thức trở nên mơ hồ, y bắt đầu không rõ mình đang ở nơi nào, trong đầu ngàn vạn tầng suy nghĩ như thủy triều lên xuống thất thường, sát ý mông lung vô cớ sinh ra.

Y lúc thì nghĩ Cố Quân đi rồi, không cần y nữa, lúc lại phảng phất nhìn thấy Cố Quân đứng ở trước mặt, khuôn mặt không cảm xúc trào phúng sự vô năng vô lực của y.

Tất cả cảm xúc tiêu cực trong lòng Trường Canh bị Ô nhĩ cốt phát tác tăng lên trăm ngàn lần.

Giờ khắc này, Cố Quân giống như không còn là tiểu nghĩa phụ y cẩn thận nâng niu trong lòng, mà là một cừu nhân y vô cùng oán hận, gấp rút muốn bắt lấy, hung tợn làm nhục.

Trường Canh nắm chặt tàn đao đeo trước ngực, ngón tay bị tàn đao đã mài bằng góc cạnh thít ra vết máu.

Chút đau đớn rõ nét dị thường trong sự chết lặng vô hạn này đã thức tỉnh Trường Canh, y theo bản năng tìm được một đường ra, mười ngón cắm chặt vào thịt, để lại một chuỗi vết thương máu thịt bầy nhầy trên cánh tay mình.

Chờ đến khi Ô nhĩ cốt phát tác dần dần dừng lại, thì mặt trời đã ngả về Tây.

Quần áo Trường Canh ướt sũng mồ hôi lạnh, trên tay chỗ nào cũng đầm đìa máu tươi, y kiệt sức dựa vào cạnh cửa, nhìn chung đã lĩnh giáo uy lực của Ô nhĩ cốt, mới biết suy nghĩ cho rằng Ô nhĩ cốt chính là thứ gây ác mộng trước kia ngây thơ đến mức nào.

Lần này Tú Nương không thủ hạ lưu tình với y.

Đám người lão quản gia thấy y rất lâu không ra, gõ cửa cũng không đáp, đã sớm lo lắng vô cùng, quanh quẩn mãi bên ngoài, cách một hồi sẽ gọi y một tiếng.

Chút nhân khí này giúp Trường Canh dễ chịu hơn, mí mắt y chớp nhẹ, một giọt mồ hôi lạnh từ trên trán lăn xuống, rơi lên hàng mi, trĩu nặng làm y suýt nữa không mở nổi mắt: “Ta không sao, để ta yên một lúc đi.”

“Đã một ngày rồi ngài chưa ăn gì,” Lão quản gia nói, “Nếu Hầu gia ở đây, nhất định không đành lòng nhìn thấy điện hạ giày vò thân thể mình như vậy đâu – cho dù uống bát cháo cũng được, hay là lão nô bưng vào cho ngài nhé?”

Cả thể xác lẫn linh hồn Trường Canh đều mệt lử, nghe nhắc tới Cố Quân, liền im lặng đọc thầm tên y hai lần, cố xốc lại tinh thần nói: “Không sao đâu Vương bá, nếu đói, buổi tối ta sẽ tự tìm thức ăn khuya, không cần quan tâm đến ta.”

Lão quản gia nghe y nói tuy nhỏ nhưng mạch lạc lý lẽ, cũng không tiện khuyên nữa, đành phải quay người khoát tay gọi lão bộc hầu hạ Trường Canh cùng Tào Nương Tử và Cát Bàn Tiểu đang thò đầu dòm, tất cả vừa đi vừa ngoảnh lại mấy bận.

Trường Canh ngồi dựa cửa, vừa ngẩng đầu liền nhìn thấy kiên giáp Cố Quân treo ở đầu giường.

Thứ đó đen sì lạnh băng, dáng vẻ bất cận nhân tình, nhưng là nguyên chủ để lại cho y hòng xua tan ác mộng.

Không biết ngồi bao lâu, chậu than trong phòng mới dần dần làm ấm thân thể lạnh lẽo, Trường Canh đã có chút sức lực, liền bò dậy dọn dẹp lại mình, thay quần áo mới, tìm được thuốc trị ngoại thương ngày nọ luyện kiếm bị thương sư phụ cho, rửa sạch vết thương cẩn thận thoa lên, tháo kiên giáp của Cố Quân xuống ôm vào lòng, ngửa mặt ngã vật lên giường.

Y không khóc.

Có thể là không còn sức lực, cũng có thể là do vừa chảy máu.

Đã chọn đường chảy máu, thì thông thường chẳng chảy nổi nước mắt, bởi vì một người chỉ có tí tẹo nước, dù sao cũng phải nghiêng về một phương.

Trường Canh mới giao thủ một lần với kẻ địch định trước phải dây dưa cả đời, thua không còn manh giáp, cũng được biết về sự cường đại của đối phương.

Nhưng kỳ lạ là y không hề sợ hãi, như lúc ở Nhạn Hồi trấn một mình đối mặt với người man mặc trọng giáp trong phòng Tú Nương vậy.

Y luôn có thái độ ôn hòa, nhưng đừng hòng có thứ gì khuất phục được y.

A… Trừ Cố Quân ra.

Trường Canh uể oải nghĩ thầm: “Ta hận Cố Quân chết đi được.”

Sau đó y thử đeo kiên giáp của Cố Quân. Y chưa từng mặc giáp trụ, cũng không biết có vừa hay không, chỉ cảm thấy thứ này đè trên người còn nặng hơn y tưởng tượng, y khoác giáp trụ cắm đầu ngủ, trong mộng còn có ngàn vạn tầng gian nan hiểm trở chờ đợi y.

Ngày hôm sau, Trường Canh tuyên bố, y phải ra ngoài một chuyến.

Cả hầu phủ đều kinh ngạc – cảnh tượng đêm Trừ tịch tứ điện hạ bị Cố đại soái khiêng ra khỏi cửa còn mồn một trước mắt.

Cố Quân vốn nói là: “Kéo dài dăm ba hôm, đến lúc đó dù sao chúng ta cũng qua bảy đại quan đến Bắc cương rồi, y không có chỗ đuổi theo, cũng sẽ ngoan ngoãn thôi.”

Nhưng còn chưa qua dăm ba hôm, lão quản gia chỉ sợ Trường Canh muốn mình chuẩn bị ngựa để đuổi theo, vội vàng thận trọng nói: “Điện hạ, Huyền Thiết doanh không như quân đội bình thường, họ đi rất nhanh, thần tuấn ngàn dặm cũng đuổi không kịp, thêm nữa trong quân không cho người không quân tịch ở lại, đây là quy củ lão Hầu gia truyền xuống, ngài xem…”

Trường Canh bình tĩnh trả lời: “Vương bá, ta không muốn đuổi theo gây phiền, ta không phải là trẻ con chưa hiểu chuyện.”

Lão quản gia: “Thế ngài là…”

Trường Canh: “Ta muốn đến Hộ Quốc tự bái phỏng Liễu Nhiên đại sư, hôm trước đã hẹn với người ta rồi.”

Sắc mặt lão quản gia lại lần nữa một lời khó nói hết.

Mai kia Đại soái về phủ, nếu phát hiện lúc ngài vắng nhà, tiểu điện hạ lại phản quốc thông địch đến miếu hòa thượng…

Lão quản gia quả thực không dám tưởng tượng sắc mặt Cố Quân – thế có khác nào cắm sừng đâu?

Nhưng trước mắt nhiệm vụ hàng đầu là dỗ dành nghĩa tử của Hầu gia vui một chút, lão quản gia không có cách nào, đành phải cắn răng đồng ý, như lâm đại địch điểm một loạt gia tướng hộ tống Trường Canh đến Hộ Quốc tự.

Hùng dũng như tới gây sự vậy.

Liễu Nhiên hòa thượng đã pha trà, thấy Trường Canh cũng không hề ngạc nhiên, giống như sớm đoán được y sẽ đến, vui vẻ mời y ngồi xuống, rót một chén trà cho y, lại bảo tiểu sa di lấy giấy bút và chậu than dùng để hóa vàng tới, dáng vẻ như muốn bàn luận lâu.

Chẳng qua mới hơn nửa tháng không gặp, Liễu Nhiên hòa thượng phát hiện vẻ hoang mang và lo lắng trên mặt mày thiếu niên trước mắt đều đã không thấy đâu, cả người mang đến sự trầm tĩnh và kiên định có vài phần buồn bực, như con sâu hóa bướm thoát khỏi lớp kén đầu tiên.

Trường Canh cảm ơn, nhận trà uống một ngụm, suýt nữa thì sặc.

Hòa thượng này lần trước nói lấy trà ngon thết đãi, hóa ra chỉ là lời khách sáo thôi, pha cho y một chén không biết là thứ gì, đắng đến tê cả lưỡi, chẳng có tí mùi trà nào.

Trường Canh: “Cái gì đây?”

Liễu Nhiên hòa thượng cười tươi viết: “Khổ đinh, hoạt huyết sáng mắt, trừ phiền trợ miên.”

(Trà khổ đinh hay qua lô còn gọi là trà đắng)

Trường Canh: “Đó không phải là qua lô sao? Ta từng uống ở hầu phủ rồi, hình như…”

Vị không có buồn nôn như thế này.

Liễu Nhiên: “Đó là lá nhỏ, đây là qua lô lá to.”

Lá to nghe hơi lợi hại, Trường Canh vừa định khen vài câu, liền thấy hòa thượng kia thành thật viết: “Lá to rẻ hơn.”

Trường Canh: “…”

Y ngắm nghía bát trà của hòa thượng, bát là loại tốt, rửa cũng rất sạch, đáng tiếc dùng quá lâu, khó tránh khỏi va chạm, đã bị mẻ vài cái.

Liễu Nhiên hòa thượng: “Tăng xá thô lậu, điện hạ thứ lỗi.”

Cả kinh thành đều để lại cho y một ấn tượng ngợp trong vàng son, giống như mọi người đều rất giàu, khắp thành toàn là trò tiêu khiển xa xỉ, người Tây Dương nói gạch trải ở đế đô Đại Lương được dát vàng, kỳ thực không khoa trương lắm.

Nhưng chẳng hiểu vì sao, mấy kẻ Trường Canh biết đều là quỷ nghèo, Thẩm Dịch không cần phải nói, trời sinh khuôn mặt khổ qua khốn cùng của nhiều thế hệ bần nông, rồi còn Cố đại soái, tọa ủng một hầu phủ to đùng, nhưng chỉ là cái xác rỗng, sáng sớm mùng một đã vội vã dẫn Trường Canh vào cung tìm Hoàng thượng đòi tiền, hiện giờ lại thêm một Liễu Nhiên hòa thượng dùng bát mẻ.

Trường Canh nói: “Hộ Quốc tự đèn nhang thịnh vượng, đại sư lại an trong thanh bần, quả nhiên là người xuất thế tu hành.”

Liễu Nhiên cười cười, viết: “Hòa thượng vào nam ra bắc, nghèo túng đã quen, thất lễ với quý nhân rồi.”

Trường Canh hỏi: “Ta nghe nói đại sư còn từng ngồi thiết giao đến phiên bang Tây Dương, là để tuyên truyền Phật pháp sao?”

Liễu Nhiên: “Ta tài sơ học thiển, không dám bắt chước cao tăng vân du thời cổ, đi xa chỉ để xem thế giới tứ phương, xem con người thôi.”

Trường Canh lại ngậm một ngụm khổ đinh, càng thưởng thức càng đắng, không hề thấy vị ngọt, đành phải thất vọng nuốt xuống: “Ta từ nhỏ lớn lên ở tiểu trấn biên thùy, chưa từng rời khỏi mảnh đất một mẫu ba của tiểu trấn, đến kinh thành, lại ít ra khỏi hầu phủ, có phải là quá an phận trong một góc không? Nhưng ta luôn cảm thấy hỉ nộ ai lạc trên đời này đại để là giống nhau, nhìn người khác rồi, vẫn chẳng có chỗ đặt mình.”

Liễu Nhiên: “Lòng có một góc, thì phiền não bằng căn phòng chỉ có thể chen trong một góc, lòng có tứ phương thiên địa, phiền não như núi cũng chẳng qua là giọt nước trong biển cả.”

Trường Canh nghe vậy, sửng sốt hồi lâu, nhìn Liễu Nhiên hòa thượng từ từ nhét tờ giấy đã viết chữ vào chậu than đốt sạch.

“Đại sư, ngày đó ngài nói với ta, ‘không biết khổ đau, không tin thần phật’, hiện giờ ta đã biết khổ đau, đến xin thần phật chỉ dạy, liệu có thể nhờ ngài chỉ điểm bến mê hay không?”