Về vấn đề thủy quân, Tào Bằng cũng chỉ có thể gợi ý đến thế thôi.
Chứ không lẽ lại cầm đao kề vào cổ Tào Tháo, bắt ông ta phải gây dựng thủy quân ngay bây giờ? Dù sao những gì cần nói thì cũng đã nói rồi, còn quyết định thế nào, thì đó là việc của Tào Tháo, không liên quan gì lắm đến hắn. Dù sao đi nữa, Tào Hữu Học hắn đến nay vẫn còn là một khâm phạm, án lao động khổ sai ba năm, giờ mới được nửa năm.
Không bàn việc không liên quan đến chức trách của mình.
Có những việc hắn không quản nổi, cũng không có cách gì quản, chẳng bằng cứ ngoan ngoãn sống cho qua ngày ở Huỳnh Dương là được.
Về phần bên chỗ Hứa Đô, Tào Bằng đã quyết định tạm gác qua một bên.
Chu Bất Nghi đang lúc hưng thịnh, nhất thời hắn không cách gì áp chế được. Nếu như bây giờ nhảy ra thu thập cái tên này, không cẩn thận lại bị mang cái tiếng ỷ lớn ăn hϊếp nhỏ, đó không phải là kết quả mà Tào Bằng mong muốn. Còn việc liệu Chu Bất Nghi có phải là gian tế hay không? Y liệu có liên quan với Lưu Quang hay không? Đến bây giờ vẫn chỉ là phỏng đoán mà thôi. Việc mà Tào Bằng cần làm vào lúc này là âm thầm quan sát, đợi Chu Bất Nghi để lộ dấu vết, rồi sau đó mới giáng cho y một đòn chí mạng.
Hơn nữa, hiện nay những việc mà hắn cần làm nhiều vô số kể, lấy đâu ra sức lực mà để ý đến Chu Bất Nghi?
Tào Tháo ở lại Huỳnh Dương hai ngày, sau đó khởi hành đi đến Kinh huyện.
Y đến và đi đều rất vội vàng, không tiếp xúc với bất kỳ ai, chỉ xuất quỷ nhập thần đi thăm quan công xưởng một vòng dưới sự tháp tùng của Quách Vĩnh. Sau đó lại đi quan sát tình hình của Bạch Đà binh, và cuộc đọ sức của mười tên lính tinh nhuệ mà Tào Bằng nói, rồi lặng lẽ rời khỏi Huỳnh Dương…
Nơi gọi là Mang Sơn này, nằm ở vùng lân cận Huỳnh Dương, chứ không phải Mang Sơn ở Bắc Mang, nơi được mệnh danh là “hiệp nghĩa thượng hùng dương” ở Tô Hàng.
Mang Sơn này thuộc dãy núi Hào Sơn, một dãy chìa ra của dãy núi Tần Lĩnh.
Mang Sơn rộng lớn, trải dài từ Trùy Dương ở phương bắc, dọc Hà Nam tới tận núi Quảng Võ của Quản Thành (là thành phố Trịnh Châu ngày nay).
Nơi Tào Bằng luyện binh chính là núi Quản Võ.
Nếu tính theo quan hệ lệ thuộc, thì nơi này cũng tính là một nhánh của dãy núi Mang Sơn.
Chính vì thế nên đời sau mới gọi núi Quảng Võ là núi Mang Sơn, là một thắng cảnh của Trịnh Châu.
Vì sao Tào Bằng lại lôi mười “lính tinh nhuệ” này ra luyện tập riêng? Tào Tháo cũng không rõ lắm, hơn nữa cũng không muốn tìm hiểu. Theo ông ta thấy, thì mười lính tinh nhuệ có thể làm nên trò trống gì? Vào thời đợi sử dụng binh khí lạnh (gươm, đao, phân biệt với binh khí nóng sau này – là những thứ có dùng thuốc súng), thì tác chiến theo quân đoàn mới là cách chính thống, mười người… chẳng qua chỉ là muối bỏ biển mà thôi.
Chỉ có điều Quách Gia lại dường như có chút nghĩ ngợi.
Khi Tào Tháo đi đến Huỳnh Dương, xe ngựa rất đơn giản, không mang theo xa trượng.
Khi rời khỏi Huỳnh Dương, lại mang theo xe lớn xe nhỏ tổng cộng tám chiếc…
Trong xe, chất rất nhiều giấy, từ loại giấy Lộc Vân Tiên quý hiếm nhất, cho đến những loại giấy đắt nhất trên thị trường là Lãnh Kim Tiên, Ngư Tử Tiên, còn có cả loại giấy làm từ vỏ cây dâu… vừa đúng tám xe. Quách Gia đương nhiên là cười tươi rạng rỡ, còn Tào Tháo cũng tỏ ra rất hài lòng vì sự “hiểu chuyện” của Tào Bằng.
Duy chỉ có Tào Bằng, sau khi tiễn Tào Tháo đi rồi, xót ruột suốt một thời gian dài.
- Y đến một chuyến này, ta ít nhất phải bỏ ra năm ngàn quan tiền!
Tào Bằng nhăn nhó mặt mày, kể khổ với Hoàng Nguyệt Anh.
Trong khi đó Hoàng Nguyệt Anh và Hạ Hầu Chân lại khanh khách cười mãi không dứt, đương nhiên bọn họ biết là Tào Bằng chẳng nghèo gì năm ngàn quan tiền này. Riêng tiền thuế năm nay của quận Hà Tây, thu được cũng lên tới ba mươi ngàn quan. Tuy Tào Bằng không thể nhìn thấy ngay số tiền này, nhưng dù sao đó cũng là số tài sản nằm dưới danh nghĩa của hắn.
- Người ta thường nói, người càng giàu càng keo kiệt, giả dối.
- Nguyệt Anh, sao nàng có thể nói ta như vậy?
- Lúc trước khi đi, thúc thúc còn nói là sẽ trả tiền…cũng chẳng biết là lúc ấy ai nhanh mồm nhanh miệng, vỗ ngực nói rằng muốn tận chữ hiếu.
- Đúng vậy, đúng vậy, lần trước thúc thúc hỏi chàng lấy đồ, chàng còn lấy tiền của thúc thúc nữa.
Hạ Hầu Chân chu miệng, cười khanh khách không thôi.
Tào Bằng tức giận đến tím mặt:
- Mấy người các nàng, lại dám châm chọc ta? Đợi xem tướng công này tối nay sẽ dùng gia pháp với các nàng!
Hoàng Nguyệt Anh và Hạ Hầu Chân thoáng đỏ mặt, kêu lên hoảng sợ chạy khỏi thư phòng…
Trong khi Tào Bằng đang dùng gia pháp ở nhà, thì Tào Tháo và Quách Gia cũng đang trên đường đi đến Kinh huyện, vừa đi vừa thấp giọng nói chuyện với nhau.
- Trong nhưng lời A Phúc nói ngày hôm đó, dường như có ý nhắc ta gây dựng thủy quân?
Phụng Hiếu thấy việc này thế nào…
Quách Gia nói:
- Những lời A Phúc nói không phải là không có lý. Muốn lấy được Giang Đông, nhất định phải có thủy quân… nhưng chi phí cho thủy quân, đương nhiên là rất đỗi kinh người.
Tào Tháo liên tục gật gù:
- Ta thì nghĩ rằng. Hiện giờ cuộc chiến phương bắc còn chưa kết thúc, các tộc man Hồ ngoài biên ải vẫn không ngừng nhòm ngó. Nếu xây dựng thủy quân, chỉ e là chiến sự ở phương bắc sẽ có biến. Ta suy đi nghĩ lại, vẫn thấy là nên tạm hoãn việc thủy quân lại đã. Hơn nữa, ở Kinh Châu có mười mấy ngàn thủy quân, đến khi đó đoạt lấy Kinh Châu, là bèn có thể xây dựng thủy quân rồi.
- Nhưng cánh thủy quân đó, ai có thể làm đô đốc?
- Cái này…
Tào Tháo vuốt vuốt râu, không khỏi rơi vào trạng thái trầm tư.
Tháng mười năm Kiến An thứ mười, Tào Tháo trở về Hứa Đô.
Sau khi ông ta trở về Hứa Đô, binh mã ở Giang Đông lập tức rút lui. Mối nguy Hợp Phì cũng vì thế mà được hóa giải.
Đúng như lời Tào Tháo nói, Tôn Quyền không đủ sức thâu tóm Cửu Giang… Sở dĩ hắn xuất binh, nói trắng ra là muốn làm rối loạn kế hoạch của Tào Tháo, dựa vào cục diện cuộc chiến ở phương bắc, giúp hắn có thể thong dong. Một khi Cao Viên bị tiêu diệt, lục tiêu tiếp theo của Tào Tháo, đương nhiên sẽ là tiến quân xuống phía nam.
Về điểm này, bất kể là Tôn Quyền hay Lưu Biểu đều nhìn thấy hết sức rõ ràng.
Sau khi Tào Tháo trở về Hứa Đô, Tôn Quyền bèn im hơi lặng tiếng.
Nhưng Tào Tháo không vì thế mà xem nhẹ sự tồn tại của Tôn Quyền. Quận Cửu Giang là lô cốt đầu cầu của y ở Hoài Nam, nhất địch phải sắp xếp cho thỏa đáng.
Lý Điền tuy có thể một mình đảm đương một phương, nhưng lại không đủ sức ngăn cản bọn người Chu Du.
Nếu Tào Tháo động binh với phương bắc thêm một lần nữa, chắc chắn Tôn Quyền lại sẽ xuất binh. Nếu không có một vị tướng đáng tin cậy đứng ra trấn giữ, thì sự việc sẽ trở nên hết sức nghiêm trọng. Nếu chẳng may Hợp Phì mất đi, dám chắc là Tôn Quyền sẽ chiếm cứ quận Cửu Giang, rồi sau đó đóng quân Hoài Nam. Đến lúc đó không tránh khỏi lại phải trắc trở một phen. Cho nên, Hợp Phì quyết không thể mất! Sau khi Tào Tháo trở về Hứa Đô, bèn lập tức cho triệu tập văn võ bá quan, bàn bạc về việc này.
Về việc chọn chủ tướng cho Hợp Phì, cũng có nhiều tranh luận.
Trong lòng mỗi người đều có một ứng viên thích hợp. Sau khi Tào Tháo tổng hợp xong ý kiến của văn võ bá quan xong, cuối cùng bèn hạ quyết tâm.
Chỉ có điều, quyết tâm này của ông ta, nằm ngoài dự liệu của rất nhiều người.
Tào Tháo quyết định, phân cách vùng đất phía nam Thùy Thủy của quận Nhữ Nam ra, rồi lại đem sáu huyện của Lư Giang chiếm được khi lúc trước, tách khỏi quận Lư Giang. Hợp vào với những vùng nằm trong sự cai trị của ông ta ở quận Cửu Giang, đặt riêng thành ba quận ở Hoài Nam. Lần lượt là quận Dặc Dương, quận An Phong và quận Hoài Nam. Gọi Lý Điển trở về Hứa Đô. Tuy rằng trước đó Lý Điển liên tiếp chiến bại, nhưng dù sao cuối cùng cũng đã ngăn chặn được binh mã Giang Đông, cho nên được phong làm Bái Phổ Lỗ tướng quân, đóng quân ở Nghiệp Thành.
Sau đó, bổ nhiệm Cam Ninh làm Thái thú quận Hoài Nam, phong hiệu Đãng Khấu tướng quân.
Đối với sự bổ nhiệm này, về cơ bản mọi người đều không có ý kiến gì lắm, dù sao từ trận Quan Độ đến nay, Cam Ninh cũng đã lập không ít chiến công, trong trận chiến ở Lương Châu lại dẫn binh sỹ giành trước Lâm Thao, lập nên chiến công hiển hách. Cho nên, việc bổ nhiệm Cam Ninh được thông qua rất nhẹ nhàng, cũng trở thành người đầu tiên dưới trướng Tào Bằng được phong một tạp hiệu tướng quân, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Thái thú với bổng lộc hai ngàn thạch. Tất cả mọi người đều tin rằng, sở dĩ Cam Ninh được bổ nhiệm, chính là vì y xuất thân là môn hạ của Tào Bằng. Những lời đồn đại trước kia, rằng Tào Tháo hết sức không hài lòng với Tào Bằng, thông qua việc bổ nhiệm này, cũng tự động tiêu tan. Xem ra, Tào Công vẫn hết sức tin tưởng người của Tào Bằng…
Tiếp sau đó, Tào Tháo mệnh cho Vu Cấm làm Thái thú Phong Châu, nắm giữ các việc quân vụ của Hoài Nam, vị trí cao hơn Cam Ninh một bậc.
Còn Thích Bá làm Thái thú Dặc Dương, sát cánh cùng Vu Cấm, đồng thời phụ trách việc dẹp yên cuộc bạo động của bọn người ở Mai Thành, cũng là một chức vụ hết sức hiển hách.
Nhưng, quyết định bổ nhiệm thứ tư lại khiến cho mọi người hết sức nghi hoặc.
Bổ nhiệm Tĩnh Hãi giáo úy Chu Thương làm Sử Giang Đông trung lang tướng, thống lĩnh thủy quân, đồn trú tại đảo Đông Lăng. Tất cả những đồ quân nhu cần dùng, đều do quận Quảng Lăng phụ trách cung cấp, ngay lúc ban đầu phải cấp một trăm ngàn hộc lương thảo, để Chu Thương điều phối. Nhưng vấn đề là ở chỗ… cái tên Tĩnh Hải giáo úy Chu Thương này, dốt cục là người nào?
Rất nhiều người thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của Chu Thương.
Trong triều, những người có biết Chu Thương không nhiều.
Tuần Úc đương nhiên là một trong số đó, rồi sau đó có thêm mấy người Quách Gia, Tuần Du, Đổng Chiêu. Bên ngoài còn có Trình Dục, Mãn Sủng, rồi tính cả Đặng Tắc… nhưng tổng cộng số người biết y cũng không quá con số mười.
Lúc trước Tào Tháo bổ nhiệm Chu Thương làm Tĩnh Hãi giáo úy, cũng là do Bộ Chất trình xin khi rời khỏi Hải Tây mà được.
Còn bản thân Chu Thương thì sao?
Ngoại trừ việc đã từng dừng chân ở Hứa Đô nửa năm hồi năm Kiến An thứ hai ra, sau đó bèn đi đến Hải Tây xa xôi. Sau đó, Chu Thương không chở về thêm lần nào nữa.
Cho nên, khi Tào Tháo nhắc tới Chu Thương, rất nhiều người đều tỏ vẻ ngỡ ngàng.
Thủy quân?
Mấu chốt là, triều đình nằm ở phương bắc, có thủy quân sao?
Hơn nữa, xem cách sắp xếp của Tào Tháo, có thể nhìn ra ông ta hết sức xem trọng người này.
Sử Giang Đông trung lang tướng? Chức quan này chắc chắn là chưa từng xuất hiện qua, kể từ thời nhà Hán thành lập đến nay. Có Liêu Đông trung lang tướng, có Sử Hung Nô trung lang tướng, nhưng chưa từng nghe nói qua đến Sử Giang Đông trung lang tướng. Đây lại là một chức quan có thực quyền với bổng lộc hai ngàn thạch. Đồng thời, một trăm ngàn hộc lương thảo… Ta hiện nay, cho dù có gây dựng cả một đội quân, chắc cũng không đến mức phải cần tới một trăm hộc lương thảo chứ? Người này, rốt cục là người như thế nào?
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, ngoại trừ một số ít người ra, những người khác đều lộ vẻ khó hiểu.
Trong lòng Dương Hàng lại có một cảm giác khác lạ.
Y đã nhìn thấy cách mà Tào Bằng chống đối với Tào Tháo ở Huỳnh Dương, bèn ý thức được sự tin tưởng mà Tào Tháo dành cho Tào Bằng.
Nhưng y không ngờ rằng, Tào Tháo lại tin tưởng Tào Bằng đến mức này… Hai chức quan lớn bổng lộc hai ngàn thạch, là những hai chức quan với bổng lộc hai ngàn thạch cơ đấy. Chỉ nhờ vào mấy lời chống đối của Tào Bằng, bèn dễ dàng giúp hai người Cam Ninh và Chu Thương giành được.
Tào Bằng, tuy là thân mang tội, lại đang ở tận Huỳnh Dương xa xôi.
Nhưng hắn vẫn đang ảnh hưởng đến quyết định của Tào Tháo…
Ngay đêm đó, Dương Hàng viết một lá thư, sai người đem về quận Thái Sơn quê nhà.
Trong thư, y nói tới mối quan hệ của Tào Bằng và Thái Diễm. Đồng thời đề xuất với Dương Tục, liệu có thể đón Thái Diễm từ Võ Uy về quận Thái Sơn hay không?
Dù sao muội muội của Thái Diễm là Thái Trinh Cơ cũng đang ở quận Thái Sơn.
Làm việc này, kể cũng hợp tình hợp lý… Nếu không thể, thì cố gắng nghĩ cách đặt mua một ít sản nghiệp ở quận Huỳnh Dương, tặng cho Thái Diễm. Một Thái Diễm ở quận Thái Uy, không phù hợp với lợi ích của nhà họ Dương ở Thái Sơn; hơn nữa, một Thái Diễm ở Trung Nguyên sẽ có thể giúp nhà họ Dương nhanh chóng nổi dậy. Đây là một cơ hội vô cùng tốt, trong tay nhà họ Dương đang nắm giữ ưu thế mà nhiều người không có…
Về phần Dương Tục sẽ quyết định thế nào?
Dương Hàng không rõ!
Nhưng y tin rằng, từ thời Linh Đế tới nay, phụ thân y vì sự đấu đá chốn quan trường mà phải trở về cố hương, tuyệt đối không đời nào bỏ qua cơ hội tốt như thế này.
Không chỉ đối với nhà họ Dương, mà đối với Dương Hàng cũng là một cơ hội tốt.
Thời gian, lẳng lặng trôi đi.
Tháng mười một, năm Kiến An thứ mười, Cam Ninh lên ngựa đi nhậm chức Thái thú quận Thùy Nam, cai trị Hợp Phì. Đồng thời, Thái thú quận Quảng Lăng Từ Tuyên, cũng theo lẳng lặng sai ngươi thu sếp đảo Đông Lăng, đợi qua mùa xuân sang năm, Chu Thương sẽ tới đóng quân. Việc đặt thủy quân ở đảo Đông Lăng, hết sức có lợi cho quận Quảng Lăng.
Bởi vì Quảng Lăng và Đan Đồ đối diện nhau nằm hai bên bờ sông.
Lã Mông của Đan Đồ, trong mấy năm qua đã nhiều lần xuất quân đánh qua sông, khiến Từ Tuyên không khỏi phiền não.
Chẳng còn cách nào khác, Giang Đông có lợi thế về thủy quân, Lã Mông lại được sự ủng hộ của Thái thú Lâm Xuyên là Chu Nhiên, quấy nhiễu vùng Giang Bắc, nhiều lần gặt được thành công.
Chu Nhiên, vốn tên là Thi Nhiên, là cháu ngoại của đại tướng Chu Trị người Đông Ngô.
Chu Trị không có con trai, cho nên bèn nhận con trai của chị gái mình, cũng chính là Chu Trị, về nuôi làm con thừa tự. Ông ta và Tôn Quyền còn có mối quan hệ đồng môn, đều từng là học trò của Dư Diêu Trường. Sau khi Tôn Sách mất đi, Chu Nhiên nhậm chức Sơn Âm Lệnh, kiêm Chiết Xung giáo úy, thống đốc năm huyện, thành tích chính trị nổi bật. Về sau Tôn Quyền phân chia Đan Dương thành quận Lâm Châu, mà Đan Dương lại chính là quê nhà của Chu Nhiên, cho nên bèn bổ nhiệm ông ta làm Thái thú Lâm Châu, đồng thời giao cho hai ngàn binh lính. Gặp lúc sơn tặc nổi dậy, Chu Nhiên xuất quân đánh dẹp, chỉ trong vòng không đầy một tháng đã dẹp yên loạn phỉ, được Tôn Quyền hết sức khen ngợi.
Quảng Lăng thiếu thủy quân, nên chỉ đành bị động phòng thủ.
Điều này cũng khiến cho binh mã Giang Đông lợi dụng lợi thế về thủy quân, quấy nhiễu ven bờ, căn bản không có cách gì phòng ngự được…
Mà nay, Tào Tháo lệnh cho Chu Thương đóng quân ở đảo Đông Lăng, không còn nghi ngờ gì nữa, điều đó chính là bảo đảm cho quận Quảng Lăng. Hơn nữa, Từ Tuyên và Chu Thương cũng không xa lạ gì, từ hồi trước khi Tào Bằng còn ở Hải Tây, hai người đã gặp mặt qua. Lúc đó, Từ Tuyên mới chỉ là một chân chạy việc, người gốc huyện Hải Tây mà thôi, trong khi đó Chu Thương, đã là Huyện úy Hải Tây, đương nhiên chẳng lấy gì làm xa lạ. Lại càng không cần nói, từ hồi năm Kiến An thứ hai, Từ Tuyên và Tào Bằng đã trở thành bạn bè.
Vụ Lậu Tất Minh năm xưa, cũng là được truyền ra từ miệng của đám người Từ Tuyên, Trần Kiều.
Tuy thủy quân của Úc Châu Sơn số lượng không nhiều, nhưng năng lực chiến đấu rất mạnh.
Từ Tuyên trước đây buồn khổ vì nghĩ ngàn kế mà không cách gì có được, nay lại có lệnh của Tào Tháo đưa xuống, đương nhiên là không đời nào chậm trễ…
Dù sao đi nữa, những người trong triều có biết đến Chu Thương hay không, cũng không quan trọng! Quan trọng là, Từ Tuyên và Thứ sử Từ Châu Từ Lý, đều biết đến sự tồn tại của Chu Thương.
Những bông tuyết thưa thớt, đang tung bay trong gió.
Nếu gọi đó là hoa tuyết, thì chẳng thà gọi chúng là mẩu băng nhỏ thì càng chính xác hơn. Cuối năm Kiến An thứ mười, Kinh Châu đón một trận tuyết nhỏ.
Nhiệt độ không khí đột nhiên xuống thấp, cũng là mùa đông lạnh nhất ở Kinh Châu trong vòng mười năm qua.
Lưu Bị hoảng hốt từ trong nhà bước ra, cơn gió tạt thẳng vào mặt, khiến y không khỏi rùng mình ớn lạnh.
Y đứng dưới mái hiên, nhìn những bông tuyết bay phất phơ, không khỏi để lộ một nét cười buồn. Trong con mắt nhiều người, dường như ngày tháng của y trôi qua quá đỗi thanh thản.
Ở Kinh Châu tuy nói là ăn nhờ ở đậu, nhưng lại có binh có tướng, một mình một phái.
Nhưng mà, kể từ hồi nhập đông đến nay, cùng với sức khỏe ngày càng suy yếu của Lưu Biểu, bất luận là Lưu Biểu hay là các nhân sĩ Kinh Tương, cũng ngày càng tỏ rõ thái độ thù địch với y. Thứ cảm giác thù địch vô hình đó, đè lên người Lưu Bị nặng trịch, khiến y cảm thấy khó thở…thân phận hoàng tộc từng khiến cho y cảm thấy đắc ý muôn phần, cũng vì thế mà trở thành gánh nặng, khiến y phải chịu sự thù địch của người khác. Hiện nay, ý đang phải đối mặt với một mối phiền toái lớn.
- Chủ công, quân sư cầu kiến!
Từ bên ngoài viện có một người bước vào, mình mặc khôi giáp, có vẻ hết sức oai hùng.
Người đó trạc tuổi ba mươi, tướng mạo hết sức đẹp đẽ sáng láng.
Lưu Bị đang trầm tư, nghe thấy tiếng của y bèn ngẩng đầu nhìn lên.
Trên mặt lộ ra một nét cười ấm áp, Lưu Bị nhẹ nhàng nói:
- Nếu quân sư đã đến, Tử Long, mau mời quân sư đến thư phòng nghị sự.
Theo như sách sử ghi lại, Gia Cát Lượng thân cao tám thước, tướng mạo hiên ngang, rất khác với người đương thời.