Chu Bất Nghi là một nhân vật không có lai lịch rõ ràng, mới mười bốn tuổi đầu, tài hoa hơn người, rất có năng khiếu hùng biện.
Nhưng Tào Bằng lại không có chút ấn tượng nào về một người như vậy. Ít nhất, trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, người này không hề có chút gì nổi bật.
Gã là thần đồng của Kinh Châu, bất ngờ lặn lội đến sinh sống ở Hứa Đô.
Người này ngay từ đầu đã không hề che giấu thái độ thù địch với Tào Bằng.
Nghe nói Chu Bất Nghi là con cháu thế tộc, cữu phụ là Lưu Tiên, hưởng dự Kinh Tương. Nhưng vấn đề là theo quy củ thời Đông Hán, tên tự có một chữ là quý, có hai chữ lại là tiện. Chu Bất Nghi không phải là tên tự của gã, tên tự của gã là Nguyên Trực. Nói cách khác, Chu Bất Nghi là tên thật của của gã.
Gã là một thiếu niên có lai lịch bí ẩn, và là con cháu thế tộc có tiện danh.
Tào Bằng suy nghĩ cả trăm lần vẫn không thể hiểu nổi Chu Bất Nghi này rốt cuộc là người như thế nào?
Sau khi tiễn chân Lục Mạo và Bộc Dương Dật, Tào Bằng ngồi một mình trong thư phòng. Càng nghĩ hắn càng cảm thấy nghi ngờ lai lịch của Chu Bất Nghi.
Nhưng thân thế của gã lại rất rõ ràng, không có bất cứ điểm gì đáng ngờ.
Khẽ xoa hai gò má, Tào Bằng đứng dậy, mới phát hiện không biết trời đã tối từ bao giờ.
Châm ngọn đèn lên, hắn bước ra khỏi thư phòng, đứng trên cửa hiên nhìn cúc nở rộ giữa thu, khẽ xuýt xoa rồi xoay người đi theo hành lang dài. Từ giây phút đầu tiên khi nghe về người tên Chu Bất Nghi này, Tào Bằng đã chú ý thăm hỏi tin tức. Theo Hoàng Nguyệt Anh nói thì thật ra nàng có biết danh hiệu Lưu Tiên, nhưng nàng lại không rõ lắm về người tên Chu Bất Nghi này. Cũng khó trách, khi Hoàng Nguyệt Anh rời khỏi Giang Hạ, Chu Bất Nghi mới chỉ năm, sáu tuổi mà thôi. Dĩ nhiên nàng đâu thể có ấn tượng về người này được. Cho nên, nàng cũng không thể giúp Tào Bằng được mấy.
Tào Bằng lại phái người đi tới Dĩnh Âm, thỉnh giáo Hoàng Thừa Ngạn.
Đồng thời, hắn cũng hỏi thăm đám người Từ Thứ, Bàng Thống, muốn khai thác chút tin tức từ bọn họ.
Từ những gì Hoàng Thừa Ngạn nói, Tào Bằng lần nữa xác nhận tin đồn về Chu Bất Nghi. Năm Kiến An thứ năm, Hoàng Thừa Ngạn rời khỏi Kinh Châu. Lúc ấy, Chu Bất Nghi mới tám tuổi đã nổi tiếng thông minh, có chút danh tiếng ở Linh Lăng. Nhưng bởi vì Giang Hạ và Linh Lăng cách nhau khá xa, hơn nữa, lúc ấy gã vẫn còn nhỏ, nên dù có chút nhưng danh tiếng nhưng vẫn không quen biết Hoàng Thừa Ngạn. Dù sao, tuổi tác hai người cũng chênh lệch rất nhiều. Bằng vào thân phận và địa vị của Hoàng Thừa Ngạn lúc đó, sao lão có thể chú ý đến một tiểu hài tử tám tuổi đây? Chỉ e là tiểu hài tử này phải là một người cực kỳ trí tuệ.
Có điều Hoàng Thừa Ngạn nói sẽ tìm cách hỏi thăm tin tức giúp hắn xem sao.
Nhưng đó cũng không phải chuyện có thể hỏi ra ngay được. Dù sao, Hoàng Tổ đã chết, Hoàng Biếm đã đi xa. Hoàng thị ở Giang Hạ đã không còn lớn như trước nữa, muốn hỏi thăm tin tức cũng không phải chuyện dễ dàng gì. Đồng thời, năm Kiến An thứ bảy, Bàng Đức Công đã vào núi Lộc Môn lánh đời, rất ít khi xuất hiện. Nếu có thể tìm được Bàng Đức Công, có lẽ sẽ nắm được chút tin tức. Đáng tiếc là không ai biết giờ lão đang ẩn náu ở nơi nào.
Bàng Thống và Từ Thứ cũng phái người phúc đáp lại rằng bọn họ có biết một thần đồng như thế ở Linh Lăng.
Nhưng bọn họ cũng giống như Hoàng Thừa Ngạn, không rõ lắm chuyện về Chu Bất Nghi.
Nhưng Mạnh Kiến có nói một chuyện khiến Tào Bằng rất chú ý: Chu Bất Nghi từng theo Lưu Tiên tới Thủy Kính sơn trang thăm hỏi Tư Mã Huy.
Lúc ấy, Tư Mã Huy rất khen ngợi Chu Bất Nghi, tán dương gã là một thần đồng.
Chuyện này xảy ra vào năm Kiến An thứ sáu. Khi đó Mạnh Kiến còn học tập ở Thủy Kính sơn trang, cho nên có từng gặp mặt Chu Bất Nghi hai lần. Theo Mạnh Kiến nói thì Chu Bất Nghi năm đó vừa mới mười một tuổi, nhưng cử chỉ cuồng ngạo, lời nói không biết kiềm chế, khiến người khác cảm thấy rất không thoải mái. Nhưng người này và Gia Cát Lượng lại có thể cùng nhau đàm đạo, hơn nữa lại rất biết nhường nhịn nhau.
Lúc ấy, Thôi Quân rất bất mãn với Chu Bất Nghi. Có một lần khi nói chuyện phiếm, y có nói đến Chu Bất Nghi. Gia Cát Lượng còn cãi cọ vài câu giúp Chu Bất Nghi, sau đó cũng thôi.
Gia Cát Lượng, Chu Bất nghi, Lưu Tiên, Tào Xung!
Tào Bằng có một cảm giác khó có thể diễn tả nổi đối với mấy cái tên này.
Gia Cát Lượng giờ đang phò tá cho Lưu Bị. Nhờ có y, Lưu Bị có thể chấp chưởng Tân Dã, An Chúng, ngồi vững ở Phàn Thành, đứng vững ở Kinh Châu.
Nhưng không biết vì sao Lưu Bị lại rất thân thiết với Lưu Khởi Tẩu.
Gia Cát Lượng lại là con rể của Thái gia. Mối quan hệ giữa hai bên cũng vì thế mà trở nên phức tạp hơn.
Lưu Tiên từng là biệt giá của Lưu Biểu, dường như lại có ý nghiêng về phía Tào Tháo. Chu Bất Nghi chỉ là một thiếu niên không quan không chức lại trở thành bằng hữu của Tào Xung.
Từ những nhân vật tưởng chừng như không hề liên quan đến nhau này, Tào Bằng phát hiện một vấn đề.
Theo tin tức Tào Chương nói khi trở về thì Tào Xung luôn ở trong nhà đọc sách, rất ít khi ra ngoài gặp gỡ mọi người. Vậy tại sao y có thể trở thành bằng hữu với Chu Bất Nghi?!
Chu Bất Nghi đã trở thành bằng hữu với Tào Xung như thế nào?
Đây là một nghi vấn!
Tào Tháo tuy rằng yêu thích Chu Bất Nghi, cũng từng tỏ ý muốn gả trưởng nữ Tào Hiến cho Chu Bất Nghi, nhưng thật không ngờ gã lại từ chối.
Bằng vào tính tình của Tào Tháo, y nhất định sẽ không giới thiệu người nhà cho Chu Bất Nghi.
Vậy không phải quá thất lễ sao? Tào Tháo muốn chiêu dụ Chu Bất Nghi, nào ngờ lại bị gã cự tuyệt?
Vì sao?
Chu Bất Nghi chưa chắc đã hướng đến Tào Tháo, hoặc nên nói là Chu Bất Nghi có gì đó mâu thuẫn với Tào Tháo. Vậy thì vì sao gã lại muốn chống lại Tào Tháo?
Có một số chuyện thật sự khó lý giải.
Càng nghĩ càng thấy phức tạp.
Tào Bằng bất giác đã đi tới tệ phòng, thấy Hoàng Nguyệt Anh đang ở trong đó đọc sách.
Hắn nhẹ nhàng đi đến phía sau Hoàng Nguyệt Anh, giơ tay ôm lấy nàng. Hoàng Nguyệt Anh mới đầu giật mình, nhưng chợt cảm nhận được cảm giác quen thuộc, liền thôi ngọ ngoạy.
-A Phúc, sao đến bất ngờ vậy?
-Nàng đang xem gì thế?
-Tam thập lục kế (Ba mươi sáu mưu kế) chàng viết.
Hoàng Nguyệt Anh buông sách xuống, quay đầu lại, dịu dàng cười:
-Thϊếp vừa xem đến một kế dùng để đánh bại kẻ địch, mỹ nhân kế thì chàng đã đến đây rồi. Phu quân, mỹ nhân kế kia có phải từ thiên dùng gian tế trong “Thập Tam thiên của Tôn Vũ” mà ra không? Câu Tiễn dùng Tây Thi lấy lòng Phù Sai, lợi dụng ngự khấu, thuận tương bảo dã.
Chính xác ra thì mỹ nhân kế bắt nguồn từ một thiên “Lục thao văn phạt”.
Nội dung của thiên này vốn là: “Mê hoặc đám loạn thần, dâng mỹ nữ làm dâʍ ɭσạи lòng tướng.”
Ý là đối với những địch thủ khó đánh, nên sử dụng những kế sách ngoài mềm trong cứng. Kế này hay ở chỗ đánh bại đối phương về mặt ý chí. Mỹ nhân kế này không chỉ là dùng sắc đẹp mê hoặc người, mà quan trọng là làm tan rã ý chí của đối phương.
Nói chung, nói nó là bản mở rộng của “Tôn Vũ Thập Tam thiên” cũng không có gì quá đáng.
Nhưng Tào Bằng chợt giật mình.
-Nguyệt Anh, nàng vừa nói gì thế?
-Thϊếp nói là mỹ nhân kế này dẫn xuất từ kế dùng gian tế trong “Tôn Vũ Thập Tam thiên”. Phu quân, chàng làm sao vậy? Thϊếp nói gì sai sao?
Hoàng Nguyệt Anh dù sao cũng là nữ nhân, tuy rằng hiểu nhiều biết rộng nhưng cũng không rành lắm về binh pháp.
Chẳng qua khi rảnh rỗi, nàng từng xem qua mấy bộ binh pháp, nên khi nói cũng không mấy tự tin. Nhưng Tào Bằng nghe những gì nàng nói lại thấy như sấm nổ bên tai. Đầu óc vốn đang u mê chợt như có tia chớp sáng lóe lên, giúp hắn tường tận mọi chuyện.
Dùng gian tế ư?
Hắn không khỏi nheo mắt lại.
Chẳng lẽ Chu Bất Nghi này là một gian tế?
Chuyện này không phải không thể xảy ra. Quan trọng là Chu Bất Nghi làm gian tế cho ai?
Cho Lưu Biểu ư?
Không giống lắm.
Lưu Tiên từng có ý nghiêng về Tào Tháo.
Chu Bất Nghi tuy nói là cháu ngoại của Lưu Tiên, nhưng chưa chắc đã đồng ý với quyết định của Lưu Tiên. Nếu gã không cùng phe với Lưu Tiên, thì gã nằm ở phe nào?
Mạnh Kiến dường như từng nói Chu Bất Nghi từng khá thân thiết với Gia Cát Lượng.
Như vậy liệu Chu Bất Nghi có phải là người của Lưu Bị hay không? Ý nghĩ này vừa nảy ra, Tào Bằng càng nghĩ lại càng thấy có thể.
Nếu là như vậy thì chuyện Chu Bất Nghi gặp gỡ với Tào Xung càng chứng tỏ bọn họ có âm mưu mờ ám.
-Phu quân, phu quân?
-Hả?
Tào Bằng bừng tỉnh, lại thấy dáng vẻ lo lắng của Hoàng Nguyệt Anh.
Hắn vội vàng cười nói:
-Đừng lo lắng. Ta không sao cả. Vừa rồi ta chỉ nghĩ đến một chuyện nên hơi say sưa quá thôi. Đúng rồi, Nguyệt Anh. Lúc trước, ta từng nhờ nàng viết giúp ta điều lệ của Thiên công phường, nàng đã viết xong chưa? Ta muốn xem qua, ngày mai mang đến cho nhạc phụ.
-A, chàng nói đến dây chuyền sản xuất chứ gì?
Hoàng Nguyệt Anh cười cười gật đầu:
-Đã viết xong rồi.
Nàng đứng lên, mở ngăn tủ nhỏ trên đầu giường gần lò sưởi ra, đưa một tập sách mỏng cho Tào Bằng.
Tào Bằng nhận lấy, nhanh chóng lật qua hai trang, rồi cất vào trong ngực áo.
-Nguyệt Anh, nàng đi ngủ trước đi. Đêm nay ta có một số việc muốn suy nghĩ rõ ràng, đừng đợi ta nữa.
-Được!
Hoàng Nguyệt Anh đồng ý, tiễn Tào Bằng ra khỏi phòng.
-Đúng rồi, ngày mai nàng nhớ phái người đi Hứa Đô, mời Tiếu tiên sinh đến một chuyến. Đừng quên đấy.
-Chàng muốn nói đến Hồi Xuân Đường Tiếu Khôn ư?
-Đúng vậy.
Tào Bằng đáp lời, ra dấu dặn nàng nhớ kỹ.
Quách Hoàn sắp đến ngày sinh nở, ngày Chân Mật sinh cũng chỉ còn cách chừng một, hai tháng nữa thôi.
Tuy nói Huỳnh Dương cái gì cũng có, nếu cần Tào Bằng có thể tìm người đến nói với Vương Thực một tiếng là được, nhưng trong lòng hắn và người nhà của hắn vẫn tín nhiệm vị đại phu phụ khoa nổi tiếng Đông Hán, Tiếu Khôn - Tiếu tiên sinh của Hồi Xuân Đường ở Hứa Đô. Dù sao, Tiếu Khôn từng đỡ đẻ cho Tào Oản, Tào Dương, còn cả Đặng Ngải nữa. Bà đỡ thì có thể tìm kiếm quanh vùng nhưng đại phu vẫn nên là người quen mới yên tâm được.
Sau khi trở về thư phòng, Tào Bằng liền lấy bản điều lệ dây chuyền sản xuất kia ra, trải trên bàn.
Vật này là do sau khi hắn quan sát Hà Nhất xưởng một thời gian, rồi căn cứ vào tình hình hiện tại của Hà Nhất xưởng, kết hợp với dây chuyền sản xuất đời sau mà thiết kế ra một chương trình khác. Tức mỗi một khâu làm việc đều được tách biệt, giao cho các chuyên gia phụ trách. Làm như vậy có điểm tốt là có thể nâng cao hiệu suất, đồng thời có thể giữ được bí mật. Đặc biệt qua mấy tháng này, Tào Bằng mới đưa ra một cách chế tạo đao mới, càng phải cẩn thận hơn mới được.
Nhưng hắn cũng không nóng lòng muốn xem chương trình kia ngay, mà mở cửa sổ, đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài.
Những lời Hoàng Nguyệt Anh vừa nói đã mở ra một con đường mới cho Tào Bằng. Hắn tĩnh tâm, trầm tư một lát, lại tiếp tục suy đoán.
Theo những gì Tào Chương nói, Tào Xung là do ngẫu nhiên gặp được Chu Bất Nghi.
Hai người vừa quen đã rất thân thiết, chẳng mấy chốc đã quý mến nhau, rồi trở thành bằng hữu.
Nói thật, ba năm này qua đi rất nhanh, những thay đổi của Tào Xung Tào Bằng cũng không hiểu rõ lắm. Hắn chỉ biết đầu tiên Tào Xung đi học ở học đường, rồi sau này được Tào Tháo cho phép nên ở trong nhà đọc sách. Rốt cuộc y đọc sách gì? Học được cái gì? Tào Bằng không biết chút gì hết.
Nhưng như Đặng Ngải tiết lộ khi nói chuyện thì Tào Bằng hoàn toàn có thể cảm nhận được rằng Tào Xung đã đi lệch khỏi hướng dạy dỗ của hắn trước kia.
Đặc biệt, Tào Xung hiện giờ dường như đã có nhận thức về sự ưu việt.
Sự nhận thức về ưu việt này khiến y bắt đầu nảy sinh ra những suy nghĩ khác, ví như tôn ti, ví như quý nhân, tiện nhân là gì. Đáng sợ nhất là Tào Xung dường như đang quy kết những thứ tôn ti, quý tiện này cho ông trời. Nói cách khác, thiên mệnh là như thế! Ông trời cho ngươi sinh ra trong gia đình phú quý thì cả đời này ngươi nhất định sẽ tài trí hơn người; nếu ngươi sinh ra trong gia đình dân thường cũng là do ông trời sớm đã quyết định.
Tào Bằng không biết được lối suy nghĩ này của Tào Xung là do đâu mà có.
Nhưng Tào Bằng cho rằng lối suy nghĩ này của Tào Xung cũng giống như cái được gọi là “Nhị đại” ở kiếp trước của hắn.
Tiểu hài tử này đã bị làm hư rồi!
Y thông minh, y có thể một suy ra ba!
Lúc trước Tào Bằng coi trọng Tào Xung là bởi vì y là kẻ mềm dẻo, dễ thích nghi; nhưng hiện tại, chính bản tính này của y rất có khả năng sẽ khiến y thất bại trong gang tấc.
Phải biết rằng khi Tào Xung xuất sư mới có bảy tuổi.
Những người sau này y tiếp xúc, những sách sau này y đọc đều có ảnh hưởng sâu xa với y.
Bị người tác động!
Nhìn vào tình trạng của Tào Xung lúc này, rõ ràng là y đã bị người khác ảnh hưởng. Chuyện này cũng khiến Tào Xung cực kỳ coi trọng xuất thân, tôn ti, thứ bậc. Chu Bất Nghi không biết có thực sự đồng ý với quan điểm của Tào Xung hay không, nhưng ít ra gã cũng hùa theo y. Có lẽ cũng vì nguyên nhân này, Chu Bất Nghi mới chiếm được sự tin tưởng của Tào Xung nhanh như thế. Nhưng sao gã biết được sở thích của Tào Xung?
Nói cách khác, ở Hứa Đô này nhất định có một người hiểu rất rõ về Tào Xung, thậm chí còn theo dõi y từ rất lâu rồi.
Nếu không phải là như thế, tại sao Chu Bất Nghi lại có thể biết được sở thích của Tào Xung chuẩn xác như thế? Theo những hành động và biểu hiện của Chu Bất Nghi từ khi tới Hứa Đô đến nay, dường như gã luôn cố ý cường điệu tính xác thực trong những quan niệm của Tào Xung vậy.
Vì thế, gã mới tranh luận với Tuân Duyệt, với Khổng Dung, thậm chí chĩa thẳng mũi dùi về phía Hồ Chiêu. Bởi vì Hồ Chiêu hiển nhiên là một nhân vật lớn. Ông thu nhận môn nhân đệ tử, không xét đến xuất thân, tuổi tác. Chỉ cần là người có tâm muốn học ở trường, Hồ Chiêu sẽ thu nhận. Chuyện này lại đi ngược lại tôn ti thiên mệnh.
Là kẻ nào?
Là kẻ nào theo dõi Tào Xung?
Hoặc nên nói là ai đang âm thầm dẫn dắt Tào Xung?
Tào Bằng có cảm giác có một bàn tay từ trong bóng tối đang thao túng tất cả mọi chuyện.
Là Gia Cát Lượng ư?
Rất có thể. Nhưng người này không có cơ hội tiếp xúc với Tào Xung, thậm chí vốn còn chẳng biết Tào Xung là ai. Vậy thì kẻ đó là ai đây?
Tào Xung thay đổi như ngày hôm nay, chắc chắn có trách nhiệm của Hoàn phu nhân.
Hoàn phu nhân vốn xuất thân từ thế gia, tuy nói đã xuống dốc nhưng dù sao cũng là con cháu quý tộc.
Trước đây, Tào Phi có ưu thế rất lớn. Bất kể là xét về tuổi tác hay năng lực, hắn đều tạo ra áp lực cực lớn đối với Hoàn phu nhân. Vì thế, khi rơi vào bước đường cùng, Hoàn phu nhân đã mượn tay Tào Bằng, hy vọng nhờ hắn giúp đỡ Tào Xung tranh chấp với Tào Phi.
Nhưng Tào Phi vừa chết, Hoàn phu nhân đã buông tay.
Nữ nhân nhà thế gia kia thật…
Sai rồi, sai rồi, giờ không phải là lúc truy cứu trách nhiệm của Hoàn phu nhân, mà phải tìm ra bàn tay mờ ám kia đã.
Tào Bằng nhẹ nhàng xoa xoa trán, trong đầu chợt hiện lên một gương mặt quen thuộc. Liệu có phải là y không? Nếu chuyện này là do một tay y gây ra thì đúng là hoàn toàn có thể. Đáng chết, sao ta lại có thể quên mất y chứ?