Duyên

Quyển 2 - Chương 7: Buông bỏ hành trang, lập tức thành Phật

Ta có một túi vải,

Hư không chẳng lo ngại.

Mở ra khắp mười phương,

Bước vào xem tự tại.

[...]

Một bát cơm ngàn nhà,

Thân đơn muôn dặm xa.

Mắt xanh nào ai có,

Hỏi đường mây trắng qua. [1]

(Hòa thượng Bố Đại)

[1] Bài "Một bát cơm ngàn nhà", bản dịch Lê Anh Dũng.

Đứng bên cửa sổ, nhìn xuống tường nhà chằng chịt dây leo bám, góc ẩm thấp dưới chân tường còn phủ đầy rêu. Đây vốn là chốn trong lành giữa trần thế hỗn mang, vậy mà bỗng dưng lại khiến tôi sinh lòng cảm thán. Giữa phàm trần mà đến cả không khí cũng bảng lảng mùi dụ hoặc, có bao nhiêu người cam lòng rũ bỏ bụi trần, lặng lẽ sống qua kiếp người chỉ có một lần này. Bóng đêm, chẳng qua chỉ là bóng râm dành cho những người luôn sống dưới ánh dương thỉnh thoảng ngồi nghỉ mát. Mộc mạc, cũng chỉ là chút trang sức đôi lúc điểm tô cho những kẻ cả ngày vận gấm vóc lụa là. Thực ra trong lòng mỗi người đều tồn tại một phần vô tư thuần túy, nguyện dâng hiến cho người khác. Chúng ta coi sự vô tư này là lương thiện, chân thành, tốt đẹp. Lúc đau khổ thì tặng cho hạnh phúc, lúc lạnh lùng thì đem lại ấm áp, lúc bơ vơ lại trao cho hi vọng.

Lại nhớ đến một vị hòa thượng, được gọi là hòa thượng Bố Đại[1], nghe nói ngài chính là Phật Di Lặc chuyển thế, xuống trần phổ độ chúng sinh. Túi vải là vật dụng trong đời ngài, đó là một bọc hành trang khoác trên mình, hễ người nào buông bỏ, liền có thể thành Phật. Ngài có kệ rằng:

[1] Bố Đại có nghĩa là túi vải.

"Ta có một túi vải,

Hư không chẳng lo ngại.

Mở ra khắp mười phương,

Gói vào xem tự tại."

Trong túi ngài đựng đầy hư không, không vấn vương, không lo buồn. Còn túi vải trên vai chúng ta, lại chứa đầy du͙© vọиɠ, nào tình ái, nào danh lợi, nào tham lam, từng thứ từng thứ lèn đầy chiếc túi nhỏ, chỉ hận không thể nhét hết thảy giàu sang trên đời vào trong đó. Khi một người trong túi có mọi thứ, lại là lúc bần cùng nhất. Còn khi trong túi rỗng không, lại cảm thấy nhẹ nhàng siêu thoát.

Chúng ta phải học cách kiềm chế, bình thản trước cám dỗ, mới khỏi lạc mất đường về và bản tính. Tiếc rằng, có bao nhiêu người, băng qua hết nước non non nước mà không hái lấy một mảnh phong cảnh bỏ túi riêng? Lại có bao nhiêu người có thể lần lượt bỏ ra từng thứ đang lèn chặt trong túi, xem như chưa từng sở hữu chúng? Chúng ta đều là người phàm, ăn khói lửa nhân gian, chẳng mong triệt để thanh tâm quả dục, chỉ cầu tìm được chút an nhàn bình tĩnh giữa những rối bời. Cái gọi là hư không chẳng lo ngại, không phải bảo chúng ta bỏ nhà cao cửa rộng, ở nhà tranh vách đất, cũng không xui chúng ta bỏ mỹ vị cao lương, về ăn rau cháo, cởi lụa là mặc vải thô. Tu hành là tu tâm, nếu thân ở chốn điền viên sơn dã mà lòng vẫn lưu luyến phố thị thì mọi thứ đã làm, chẳng phải chỉ uổng công?

Hòa thượng Bố Đại là người thời Hậu Lương Ngũ Đại, ở Phụng Hóa Minh Châu (nay là Phụng Hóa, Ninh Ba, Chiết Giang). Thường cầm tích trượng, khoác túi vải, ngao du giữa rừng núi ruộng đồng, cả đời chuyện lạ nhiều không kể xiết. Nghe nói ngài có thể tính được lành dữ và thời tiết, gặp mưa thời sáng sớm đã lê guốc gỗ, nằm trên cầu lớn, hôm ấy tất mưa. Gặp nắng, xách giày cỏ đi nhanh, ắt là ngày nắng. Ngài tiêu dao tự tại, không ràng không buộc, ngâm bài kệ:

"Một bát cơm ngàn nhà,

Thân đơn muôn dặm xa.

Mắt xanh nào ai có,

Hỏi đường mây trắng qua."

Ngài là vị hòa thượng như thế đó, không có danh tính, chẳng biết ngọn nguồn, trán nhăn bụng lớn, luôn luôn tươi cười. Có lúc ăn không nói có bói toán tương lai, có lúc lại lạnh nhạt thờ ơ giả điên giả dại.

Tưởng Tôn Bá thường giao du với hòa thượng Bố Đại, bái ngài làm thầy, theo ngài đi vân du ba năm. Một ngày, hai người cùng tắm dưới suối Trường Thinh, Tôn Bá thấy trên lưng hòa thượng Bố Đại có bốn con mắt, hào quang rực rỡ, ngạc nhiên thốt lên: "Hòa thượng là Phật ư?" Hòa thượng Bố Đại đáp: "Đừng nói vậy, tôi và ông sum họp ba bốn năm, có thể nói là duyên rất sâu dày, tôi đi đây, xin ông chớ buồn bã." Sau đó, ngài viên tịch trên một phiến đá ở chùa Nhạc Lâm, nghe nói trước lúc viên tịch, ngài có để lại bài kệ rằng: "Di Lặc thật Di Lặc, hóa thân trăm ngàn vạn, thường mách bảo người đời, người đời đâu hay biết." Câu chuyện hòa thượng Bố Đại là hóa thân của Phật Di Lặc, cũng vì thế mà lưu truyền rộng rãi. Nụ cười của hòa thượng Bố Đại giống như Phật quang phổ chiếu vô vàn chúng sinh, dẫn dắt tất thảy những người đang ở chỗ tối tăm bước ra ánh sáng, đem lại hơi ấm cho cây cỏ và rêu xanh trong những góc nhỏ ẩm ướt. Chiếc bụng to của ngài dung nạp tất cả xấu xa và tội ác trên đời, khiến những kẻ lòng dạ hẹp hòi trở nên rộng rãi hào sảng, khiến một hạt bụi nhỏ nhoi cũng có không gian vô biên vô tận. Chúng ta luôn tự nhận là nhỏ nhoi tầm thường, muốn dựa vào ánh sáng mặt trời, làm một cánh bướm bay lượn giữa bụi hoa, có thể xuyên qua giấc mộng của Trang Chu, xuyên qua thiền ý của thời gian. Lại chẳng biết rằng, trái tim con người có lúc lại mạnh mẽ vô chừng, đủ sức làm một cánh chim ưng còn nguyên dã tính ban sơ, có thể cưỡi gió lướt mây đuổi theo mặt trời, phô bày hết vẻ phong lưu vương giả. Yếu hèn có lúc cũng để che giấu sự cứng cỏi tận đáy lòng, mà kiên định có lúc lại nhằm lấp liếʍ sự mềm yếu bên trong. Tôi cũng rất ưa một bài thơ thiền khác của hòa thượng Bố Đại: "Tay cầm bó mạ vãi khắp đồng,

Vũng nước in trời cúi xuống trông.

Thanh tịnh lục căn[1] thời ngộ đạo,

Bước lùi là tiến có hay không?"

Bài thơ này được làm ra để độ hóa những nông dân đang gieo mạ dưới ruộng. Khi họ cảm thán trước vận mệnh cứ đều đều ngày qua ngày, làm lụng vất vả mà thành quả chẳng bao nhiêu, hòa thượng Bố Đại bèn khuyên họ phải giữ lục căn thanh tịnh, cúi đầu có thể dập tắt tất thảy du͙© vọиɠ và tạp niệm, như tấm gương sáng có thể soi thấu thân tâm trong sạch. Khi họ lùi lại để cắm mạ xuống, thực ra lại là đang hướng tới trước, bởi những vất vả ngày nay nhất định sẽ đổi lại được thành quả mai sau. Mảnh ruộng này, thực ra cũng là cõi lòng, mỗi người đều gieo mộng tưởng trong lòng, rồi mong nắng mong mưa, đợi nó khai hoa kết quả.

[1] Căn là chỗ nương tựa, làm gốc cho những cái khác nảy nở, tạo thành. Lục căn gồm có: Nhãn là mắt, dùng để nhìn; Nhĩ là tai, dùng để nghe; Tỷ là mũi, dùng để ngửi; Thiệt là lưỡi, dùng để nếm; Thân là da bọc thân người, dùng để nhận biết những cảm giác như nóng, lạnh...; Ý là tư tưởng, dùng để phân biệt.

Hòa thượng Bố Đại dạy ta rằng, những chuyện vụn vặt tủn mủn trong cuộc sống, đều ẩn chứa thiền ý. Để phát hiện, để tham ngộ, để hiểu được lẽ Không, chúng ta cần có một tấm lòng thanh tịnh. Việc trên đời vinh nhục đã định, ảo diệt vô chừng, chúng ta chẳng cách nào ngăn nổi, chi bằng dũng cảm đối diện. Trước những tai họa khủng khϊếp của tự nhiên, có lẽ chúng ta thực sự rất nhỏ nhoi, đến mức có khi một giọt mưa cũng có thể tổn thương, một tia nắng cũng có thể hòa tan được. Có lẽ chúng ta càng nên dựng một bức tường thành kiên cố trong lòng, dù sóng dữ cuồn cuộn, trời long đất lở, vẫn có thể sừng sững hiên ngang không hư tổn mảy may.

Để chúng ta đặt hành trang nặng trĩu trên vai xuống, bỏ cả gánh nặng cuộc đời, quên đi cái nên quên, giữ lại cái có thể giữ được. Nếu bạn từng sắc sảo, vậy thì dưới ánh mặt trời chói mắt, xin hãy ẩn đi, đừng khoe khoang sự sắc bén; nếu bạn từng có vết thương sâu kín, thì dưới ánh trăng lặng lẽ, xin cứ giấu đi, đừng tùy tiện vạch ra phơi bày. Đã là chuyện cũ thì nên phủ bụi trong góc xưa, không để người động tới. Chôn vùi chúng trong dòng chảy thời gian, để thời gian mài mòn, biến chúng thành đá dăm, thành cát bụi, không thấy non, không lộ nước.

Từ đây, làm một kẻ từ bi bình đạm. Ở giữa bóng đêm thì làm cây gậy ánh sáng của người, trong gió tuyết thì làm lò lửa ấm cho người. Lúc người trống trải, tặng một nụ cười tươi tắn như hoa, khi người cô đơn, lại trao cho một tấm lòng mênh mông như bể. Cứ để chúng ta làm một tờ giấy mỏng, trắng tinh trước mực, rồi từ từ thấm mực, đó là niềm hạnh phúc đơn sơ nhất trên trần thế.