Trăng Sáng Cố Hương

Chương 14-2: NGOẠI TRUYỆN: NGƯỜI CÓ TRÁI TIM RẮN (tt)

Trong cửa vẳng lại tiếng chân đi loạt soạt, cùng với giọng nói khàn khàn: “Ai đấy?” Rồi cánh cửa được mở ra một khe hẹp, để lộ một khuôn mặt tiều tụy. Người đàn bà ngẩng lên nhìn một lượt Hà Thừa Phong vẻ dò xét. Thấy anh ta mặc bộ quần áo đỏ, bên lưng có đeo thẻ bài, lập tức mặt biến sắc, đóng sầm cửa lại chốt chặt.

Hà Thừa Phong không kịp hỏi câu nào đã lập tức bị cho ăn món “bế môn canh”, đôi mày kiếm của anh ta hơi nhíu lại, giơ tay định gõ cửa lần nữa, nhưng anh ta chợt suy nghĩ, rồi dừng động tác của mình lại, bước sang phía nhà hàng xóm bên cạnh. Một bà lão gầy nhỏ nhăn nheo ra mở cửa. Nhưng bà lão lại là một người sốt sắng, vừa nghe nói có vị bổ đầu đến điều tra án mạng, liền vội vàng lấy khăn lau tay, định bưng trà nước lên. Hà Thừa Phong cảm tạ chối từ, chỉ hỏi về chuyện Sái Thành gϊếŧ cha mười năm về trước, bà lão thở dài một tiếng, chép miệng nói:

“Sái Đại Tráng là kẻ chẳng ra gì, con ma cờ bạc ấy chết càng sớm càng tốt!”

Nghe bà lão nói vậy, Hà Thừa Phong càng thêm nghi hoặc, anh ta hỏi nhỏ: “Lão bà, bà ở ngay gần bên nhà họ Sái, khi xảy ra vụ án mạng năm xưa, bà có biết rõ duyên do không?”

“Biết chứ, biết chứ, tôi nghe thấy rõ lắm.” Bà lão lại thở dài. “Quan gia, để lão nói cho ngài biết, A Thành là đứa con ngoan, đáng tiếc là số mệnh nó không tốt nên mới đầu thai vào nhà họ Sái này, vừa mới sinh ra đã bị mất mẹ. Lão Sái là kẻ không ra gì, tính khí cục cằn, lại ham cờ bạc, cứ thua bạc là về nhà đánh vợ đánh con... Oan nghiệt thế...”

Đấy là lần đầu tiên Hà Thừa Phong nghe thấy có người khen ngợi Sái Thành. Anh ta nhướng mày, hỏi: “Nói như vậy thì Sái Thành và cha anh ta trước nay vẫn bất hòa. Thế còn quan hệ của anh ta với mẹ kế thì thế nào? Nói ra cũng kỳ lạ, nếu như Sái Đại Tráng kia tính tình thô bạo lại mê cờ bạc, thì làm sao Trần Quế Hương lại lấy ông ta? Như thế chả phải tự chuốc khổ vào mình ư?”

Bà lão vỗ đùi, cảm khái nói: “Quan gia, vậy là ngài không hiểu rồi, một người quả phụ ở chốn núi rừng phải chịu bao nhiêu là nỗi khổ! Chồng trước của bà Trần vốn là người thật thà chất phác, không may là một bận ông ấy xuống núi hái thuốc bị ngã gãy lưng, không lâu sau đó thì về chầu Diêm Vương, để lại bà Trần với đứa con mới tròn một tuổi. Không có chồng, bà Trần với đứa con còn ẵm ngửa biết sống làm sao đây? Bà ấy cũng không còn sự lựa chọn nào nữa, chỉ còn cách gá nghĩa với lão Sái, cùng nhau sống qua ngày thôi!”

Vừa nói, bà lão vừa lắc đầu, lại bảo: “Khi bà Trần về làm kế thất nhà họ Sái thì A Thành vừa tròn mười một tuổi. Nó là đứa trẻ ngoan, coi bà Trần như mẹ đẻ, coi Tiểu Liên như em gái ruột, lúc nào cũng bế ẵm bảo vệ vô cùng yêu mến. Bà Trần cũng là người thật thà, bà ấy và A Thành cùng nhau chăm lo cho nhà cửa đâu vào đấy. Họ tuy chẳng phải là mẹ con ruột, nhưng tình cảm cũng rất tốt, không khác gì con rứt ruột đẻ ra vậy. Chính lão Sái kia mới là thứ chẳng ra gì, hay ăn lười làm, cờ bạc đến sạch nhẵn cửa nhà, chẳng có việc gì thì lại lôi vợ con ra đánh chửi... Ôi, người trong thôn ai cũng lo lắng cho ba mẹ con nhà họ, mà thầm nguyền rủa cho con ma cờ bạc ấy chết sớm ngày nào tốt ngày ấy! Nhưng ai có thể ngờ được là cách chết của lão ta lại làm tội cho thằng bé A Thành, gặp phải tội trời đánh sét nổ thế...”

“Vậy là lão bà chính mắt trông thấy Sái Thành đã không chịu nổi cảnh bị cha đánh đập nên phản kích lại khiến cha mình phải chết?” Hà Thừa Phong hỏi.

Bà lão vừa lắc đầu vừa than thở, hồi lâu mới nói: “Không phải thế đâu! Tuy chuyện đã từ mười năm về trước, nhưng tôi vẫn không lẫn đâu, còn nhớ rõ lắm! Tối hôm ấy, tôi vừa chợp mắt một lúc thì nghe thấy lão Sái bên hàng xóm chửi rủa rất ghê gớm, chửi mắng bà Trần là sao tang môn, khó nghe đến thậm tệ, rồi sau đó là loảng xà loảng xoảng, tiếng xô đổ bàn ghế quăng ném đồ đạc. Tôi đã biết rõ thói của lão họ Sái ấy rồi nên vội gọi con trai dậy, bảo nó cùng đi với tôi sang đập cửa nhà bên ấy, xem có thể khuyên can được câu nào thì khuyên can, để bà Trần và A Thành đỡ bị đánh thêm mấy đấm cũng tốt. Nhưng đến cửa nhà họ Sái rồi, mặc cho mẹ con tôi gõ cửa thế nào thì gõ, nhà họ cũng vẫn nhất quyết không mở. Đứa con trai tôi vội xô cửa xông vào thì bỗng thấy cửa được mở mạnh ra, thằng bé A Thành cầm một cái kéo, máu me đầy đầu đầy mặt. Quay nhìn sang lão Sái thì thấy toàn thân nhuốm máu, trước ngực có một lỗ thủng to tướng!”

Hà Thừa Phong nhướng đôi mày kiếm, thoáng thấy có gì không ổn thỏa: Thời điểm xảy ra vụ án, Sái Thành chẳng qua mới chỉ là đứa bé mười ba tuổi, sao có thể đấu lại được với Sái Đại Tráng? Hơn nữa, cái kéo tuy là vật sắc, nhưng dầu sao cũng không giống như con dao, một đứa bé trong lúc giằng co giao đấu, sao có thể cầm cây kéo cùn đâm một cách chính xác vào giữa tim cha nó được? Lại còn đâm liền mấy nhát nữa chứ? Điều này phải chăng là quá tài giỏi khéo léo?

Nghĩ đến đó, Hà Thừa Phong lập tức quyết định, khai quật tử thi để khám nghiệm.

Hỏi được bà lão phần mộ chôn cất Sái Đại Tráng ở đâu rồi, Hà Thừa Phong liền mượn cuốc, mai, một mình đi lên sau núi. Chỉ thấy ngôi mộ của lão Sái cỏ mục um tùm, cho thấy rõ từ lâu không có người dọn dẹp. Hà Thừa Phong quật ngôi mộ lên, nhưng trong đất bùn không hề có cỗ quan tài nào, chỉ có tấm cánh cửa đã mục nát mất một nửa, phía trên là một bộ hài cốt. Xương trắng lổn nhổn, chỗ xương sườn trên ngực chỉ có một chỗ bị gãy, chính là vị trí trước tim, chắc hẳn là chỗ Sái Thành đã dùng kéo đâm mạnh vào đó mà bị như vậy.

Vết thương ấy khiến Hà Thừa Phong bỗng thấy nghi ngờ: Đúng như những gì anh ta đã suy đoán từ trước, trên hài cốt trừ vị trí vết thương trước ngực ra, những chỗ xương cốt khác đều không có chút thương tích nào. Sái Thành khi ấy dầu sao cũng mới là một thiếu niên nhỏ tuổi, sao có thể làm được việc đánh một nhát mà trúng ngay giữa tim như vậy, hơn nữa lại chiêu chiêu đều khiến đối thủ phải mất mạng? Theo lý thường mà nói, cậu thiếu niên bị cha đánh đau, cố sức giằng co, vung bừa cây kéo trong tay, nhất định sẽ để lại vết thương sâu nông khác nhau, ở nhiều chỗ khác nhau trên thân thể đối phương. Tất nhiên, cũng có thể những vết thương ấy chỉ ở phần mềm, chưa phạm đến xương, thi thể giờ đã bị thối rữa, không còn tìm thấy được nữa. Nhưng vết thương ở đây lại không phù hợp với điều mà bà lão đã nói là “trước ngực có một lỗ thủng to tướng”.

Hà Thừa Phong lặng lẽ chau mày, anh ta lật đi lật lại những chiếc xương trong mộ xem xét thật kỹ. Lần này thì Hà Thừa Phong chợt phát hiện ra chỗ vết nứt phía sau sọ người chết có cắm một chiếc kim lớn dùng để khâu chăn đã hoen gỉ.

Hà Thừa Phong chợt giật mình và lập tức có tính toán. Sau khi để hài cốt trở lại vào trong mộ huyệt, lấp đất cẩn thận, anh ta đề khí tung mình, đạp gió đi nhanh, quay trở lại chỗ nhà họ Sái khi trước.

Trời chiều đã muộn, khắp làng xóm thơm lừng mùi cơm chín quyện trong khói bếp. Hà Thừa Phong dừng lại trước cửa nhà họ Sái, lại đưa tay gõ cửa. Lần này trong cửa có tiếng chân bước nhẹ. Cánh cửa mở ra, một thiếu nữ chừng mười hai, mười ba tuổi đang nghiêng đầu nhìn Hà Thừa Phong, ngập ngừng hỏi: “Ông tìm ai?”

“Tiểu Liên!” Nghe thấy có tiếng động, Trần Quế Hương bưng bát tương chợt vội vàng từ trong bếp đi ra. Bà ta nhanh chân tiến lên đứng chặn trước mặt con gái, nói nhanh: “Quan gia, cầu xin ông hãy đi đi. Tôi không biết gì đâu, tôi chẳng còn nhớ gì cả!”

Nói xong, bà ta lấy hết sức đóng mạnh cánh cửa lại. Hà Thừa Phong vội vàng tiến lên một bước, đưa chân chặn khe cửa, cất tiếng nói lớn: “Ta đến đây không phải để truy cứu hình tích án mạng, mà chỉ là đến để báo cho bà biết, Sái Thành đã sa lưới và bị bắt rồi, hai ngày sau sẽ xử trảm.”

“Choang” một tiếng, bát tương tuột khỏi tay bà ta rơi xuống đất, vỡ làm ba, bốn mảnh. Trần Quế Hương như bị sét đánh ngang tai, mặt mũi kinh hoảng. Giây sau, hai mắt bà ta đỏ sọng, thần sắc u ám, khiến khuôn mặt vốn đã tiều tụy càng như già thêm mấy tuổi. Người đàn bà cả đời gian truân trắc trở ấy sững sờ đứng lặng hồi lâu, rồi mới đưa tay lên vuốt nhè nhẹ mái tóc mềm mại của con gái, nói nhỏ: “Con ngoan, con hãy sang bên nhà bà lão đi.”

Tiểu cô nương được gọi tên là “Tiểu Liên” nghi hoặc nhìn mẹ mình, nhưng nó vẫn ngoan ngoãn gật đầu, đi sang bên nhà bà lão hàng xóm. Thấy nó đã đi rồi, Trần Quế Hương đột nhiên đứng tựa vào tường, hít sâu một hơi, rồi mới nhìn Hà Thừa Phong, chậm rãi nói: “Xin mời vào!”

Hà Thừa Phong bước vào nhà, chỉ thấy nhà cửa tuy nhỏ, đồ đạc tuy cũ kỹ, nhưng đều được sắp đặt ngăn nắp chỉnh tề, quét dọn sạch sẽ. Nghe được tin Sái Thành sắp bị chém đầu, Trần Quế Hương tựa như chân không còn đứng vững nữa, bà ta loạng choạng đi mấy bước, rồi đột nhiên quay người lại, hai chân vô lực quỳ sụp xuống đất trước mặt Hà Thừa Phong.

“Quan gia, tôi cầu xin ngài. Cầu xin ngài hãy cứu giúp A Thành!”

Vừa nói, người đàn bà ấy vừa liên tục khấu đầu, trán côm cốp đập xuống đất. Hà Thừa Phong hốt hoảng đỡ bà ta dậy, chỉ thấy hai mắt bà ta đỏ mọng, nước mắt ròng ròng, nấc nghẹn nói: “Là tôi không tốt, tất cả là vì tôi không tốt, đã làm liên lụy đến A Thành...”

Thôn Thành Bình, mười năm về trước.

Dưới màn đêm tĩnh lặng, trăng sáng treo cao. Sái Đại Tráng vừa lèm bèm chửi rủa trèo lên bậc đá, vừa không thôi xoa bóp hai cánh tay. Trong canh bạc vừa nãy, ông ta đã cầm cả áo ngoài của mình, toàn thân trên dưới đã cược vào canh bạc hết sạch chỉ còn lại cái quần cộc che thân. Càng nghĩ càng tức, ông ta co chân đạp tung cửa nhà, rầm một tiếng, cánh cửa đập vào tường rồi bật ngược trở lại, khiến cho bức vách rung lên, bụi bặm rào rào rơi xuống.

Lúc ấy đã quá nửa đêm, Sái Thành đã đưa em gái ba tuổi lên giường ru ngủ từ nãy. Trong gian giữa, chỉ còn lại một mình Trần Quế Hương đang ngồi đợi chồng về. Bà ta ngồi sát bên cây nến, đang chăm chú khâu vá lại chiếc chăn cũ, bỗng nhiên nghe thấy tiếng động lớn, Sái Đại Tráng xô cửa bước vào, khuôn mặt sưng sỉa một màu gan lợn. Trông thấy bà ta, ông ta liền trợn mắt nhướng mày, xông vào chửi bới:

“Mày đúng là thứ ti tiện, mày đúng là sao tang môn! Đã khắc chết một thằng thành ma rồi vẫn chưa đủ sao, lại còn đến đây khắc tao! Từ khi tao lấy mày về nhà này, mẹ kiếp, tao chưa thắng được một cắc bạc nào cả! Mày nói xem, mày có phải là sao chổi không? Nói!”

Trước tiên là một cú bạt tai trời giáng. Nhưng Sái Đại Tráng vẫn chưa thỏa, ông ta vừa chửi vừa túm lấy tóc vợ, lôi bà ta từ bên lò sưởi ném mạnh xuống đất, tay đấm, chân đá. Trần Quế Hương vốn là phụ nữ yếu đuối, đâu phải là đối thủ của Sái Đại Tráng, chỉ còn biết ra sức giãy giụa, vừa giằng co vừa kêu to cầu cứu.

Nghe thấy có tiếng ầm ĩ, Sái Thành khi ấy mới mười ba tuổi vội vàng từ buồng trong chạy ra, vừa gọi “cha, cha” ầm ĩ vừa xông vào ôm chặt lấy người Sái Đại Tráng. Nhưng Sái Đại Tráng đã đánh bạc đến mờ mắt rồi, nộ hỏa đang ngùn ngụt, ông ta đưa tay nắm gáy Sái Thành, giật ra ném xuống một bên, đồng thời tung chân đá nó bay ra xa. Thằng bé Sái Thành văng mạnh vào bức tường đất, lại ngã quật xuống, rất lâu vẫn không bò dậy được.

Không có đứa con trai ngăn cản nữa, Sái Đại Tráng càng được đà hung bạo, cưỡi lên trên người Trần Quế Hương, hai bàn tay vả liên tục vào hai bên mặt bà ta. Trần Quế Hương bị đánh mặt mũi sưng vù, miệng tóe máu tươi, chỉ còn biết liên tục khua khoắng hai tay để ngăn bàn tay của đối phương lại. Bỗng nhiên, bà ta thấy bàn tay đau nhói, tựa như bị vật gì đâm vào. Nhìn lại Sái Đại Tráng, thấy ông ta hai mắt trợn lên như hai cái chén, thân thể bỗng cứng đờ, rồi lát sau, ông ta đổ ập xuống đè lên người Trần Quế Hương.

Hóa ra, khi Trần Quế Hương bất ngờ bị đánh đòn tàn độc, cây kim khâu chăn trong tay bà ta vẫn còn chưa kịp buông xuống, đã bị Sái Đại Tráng thượng cẳng chân hạ cẳng tay rồi. Trong lúc bà ta hoảng loạn giằng co, đã vô ý cầm cây kim đâm thẳng vào sau đầu Sái Đại Tráng, khiến ông ta táng mệnh lập tức.

Sái Đại Tráng bỗng nhiên ngã xuống, Trần Quế Hương vội vàng đẩy thân hình to nặng của ông ta ra, lồm cồm trở dậy. Nhưng trông thấy Sái Đại Tráng nằm im dưới đất, rất lâu không động đậy gì, Trần Quế Hương lại hoảng hồn, bà ta run run rẩy rẩy lay cánh tay chồng, gọi:

“Đại... Đại Tráng?”

Trần Quế Hương giọng run run gọi nhưng rất lâu vẫn không thấy Sái Đại Tráng có động tĩnh gì. Bà ta run run đưa tay ra để trước mũi ông ta. Ngay lập tức bà ta thấy toàn thân như bị lửa đốt, sợ hãi vội vàng rụt tay lại, rồi hai chân mềm nhũn, ngã ngồi xuống đất.

Đúng lúc ấy, từ bên ngoài vang lên tiếng đập cửa, đó là nhà hàng xóm nghe thấy tiếng đánh chửi ẩu đả nên chạy sang can ngăn.

“Sái đại ca, Trần đại tẩu, đừng đánh nhau nữa, mở cửa ra nào!”

Nếu như bình thường, khi có hàng xóm sang can chuyện chồng hành hung, Trần Quế Hương nhất định sẽ vô cùng cảm tạ. Nhưng giờ phút này, bà ta lại thấy những tiếng đập cửa ấy chẳng khác gì những cú đấm trời giáng, mỗi tiếng gõ lại như nhói vào tận tim, chẳng khác gì những lệnh bài đòi mạng của Diêm Vương, khiến cho bà ta ngây người không biết làm gì. Vẻ mặt kinh sợ, Trần Quế Hương nhìn thi thể chồng, nhìn bộ dạng trợn trừng hai mắt, chết không nhắm mắt của ông ta. Vốn nhát gan, hay sợ hãi, bà ta liên tục lảm nhảm trong miệng một từ “không”, hai tay ôm chặt lấy đầu, rấm rứt khóc.

Bỗng nhiên, trên vai thấy nằng nặng. Trần Quế Hương hốt hoảng ngẩng đầu lên, chỉ thấy thằng bé Sái Thành đang đứng ở bên cạnh, đỡ lấy hai vai bà ta. Cậu bé đưa mắt nhìn thi thể người cha, lại quay sang nhìn người mẹ kế không máu mủ ruột rà gì với mình, rồi bỗng nó chạy đến bên bàn, lấy từ trong chiếc giỏ đựng kim chỉ ra một chiếc kéo cùn.

“Mẹ, không việc gì đâu.”

Cậu bé nói nhỏ. Trên khuôn mặt còn đầy nét trẻ thơ lộ rõ vẻ kiên nghị. Giây sau, nó quỳ xuống bên cạnh thi thể, vung tay thật mạnh, đâm mũi kéo vào giữa ngực Sái Đại Tráng.

_________________