Bữa ăn hôm ấy, chúng tôi nói rất nhiều chuyện, nói về công việc bác sĩ ngày làm mười mấy tiếng của anh, nói về cuộc sống mới của tôi trong những tháng ngày đến Sài Gòn, nói về cả những sở thích chung của chúng tôi.
Dương nói thích sống cuộc sống đơn giản, ngày đi làm, tối về nấu cơm phụ vợ việc nhà, thỉnh thoảng có thời gian thì đến Chùa thăm bọn trẻ và các sư cô, đời cứ như thế trôi qua thêm sáu mươi năm nữa là hết.
Nghe anh nói thế tự nhiên tôi lại nhớ đến ai đó, người ấy từ nhỏ đến lớn chưa phải đeo tạp dề nấu ăn bao giờ nhưng vẫn lóng ngóng vào bếp rửa rau làm cá giúp tôi, người ấy có lần còn bị đứt tay vì mải mê vật lộn với mấy con cá, người ấy lúc nào cũng thích những món ăn tôi nấu, vì chỉ cần tôi bê ra một mâm cơm ngon, đôi mắt lúc nào cũng lạnh nhạt của anh sẽ sáng lên. Người ấy lúc nào cũng nói “không thích làm từ thiện” nhưng mỗi khi có tin nhắn ủng hộ người nghèo hay người dân vùng bão, anh lại chẳng chần chừ nhắn mấy tin liên tiếp.
Tôi điên rồi… điên rồi… sao lúc nào trong đầu cũng quẩn quanh hình ảnh của Huy thế này!!!
Tôi cầm cốc trà lạnh lên uống một ngụm cho tỉnh táo lại, sau đó cố cười thật tự nhiên với Dương:
- Ai lấy anh chắc sướиɠ nhất đấy, làm bác sĩ kiếm ra tiền, có thể chữa bệnh cho gia đình, xong rồi còn chịu chia sẻ việc nhà với vợ nữa. Nói chung đàn ông như anh chắc gái theo đầy cả xe tải đúng không?
- Làm gì có, đến giờ anh vẫn chưa có người yêu đây này. Bố mẹ ở quê cứ giục sốt cả ruột lên rồi.
- Sao lại chưa có người yêu? À, chắc anh làm bác sĩ bận quá nên không có thời gian yêu đương chứ gì?
- Ừ, một phần vì thế, với cả anh cũng chưa thấy ai phù hợp nữa.
- Để em đoán xem nào, tiêu chí của mấy ông bác sĩ là phải sạch sẽ đầu tiên này, nhìn ai càng trắng trẻo sạch sẽ càng tốt, rồi tiếp theo đó là phải có công việc tốt, còn phải đảm việc nhà, đúng không?
Dương lắc đầu, anh thật thà nhìn tôi:
- Không yêu cầu cao thế đâu. Anh thích bình thường thôi.
Thật ra năm tôi hai tư tuổi cũng từng mơ ước được sống bình thường như Dương, lấy một người chồng bình thường, hai vợ chồng cố gắng làm việc, có rau ăn rau có cháo ăn cháo, sau đó sẽ đón mẹ tôi đến ở cùng, cùng nhau phụng dưỡng mẹ lúc tuổi già.
Thế nhưng bây giờ mới hơn hai năm trôi qua thôi mà nhiều thứ thay đổi thật đấy, tôi không còn mẹ, không còn gia đình, không có nổi một chút tự tin ít ỏi để yêu người đàn ông nào, nói gì đến việc mơ cao lấy một người chồng đàng hoàng nữa.
Sau khi ăn xong, Dương đưa tôi về tận phòng trọ, tôi vào đến nơi rồi mà anh vẫn không chịu nổ máy lái đi, cứ ngồi trong xe vẫy vẫy tay với tôi.
- Anh về đi.
- Em vào phòng đóng cửa đi rồi anh về.
Tôi phì cười, giả vờ lườm anh một cái rồi cũng mở cửa vào phòng, năm phút sau mới nghe tiếng ô tô của anh đi khỏi ngõ xóm tôi.
Kể ra thì tôi thấy Dương cũng rất tốt, tốt theo kiểu trong sạch giản dị, người có tiền nhưng không tỏ ra coi thường những người như chúng tôi mà dễ gần, dễ chịu. Cách anh nói chuyện không giống như anh Nhân, không làm tôi thấy gò bó hay sợ sệt, nhưng mà chẳng hiểu sao tôi vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì đó, song ngay cả bản thân mình cũng chẳng rõ sự thiếu hụt ấy là thứ gì.
Cho đến một quãng thời gian sau khi chúng tôi bắt đầu thân thiết hơn, tôi mới nhận ra thứ thiếu hụt ấy chính là “Thời gian”.
Ví như những lúc rảnh rỗi, Dương mời tôi đi uống Café, hai chúng tôi chỉ ngồi café Bệt đặc trưng của Sài Gòn, nhưng mới nói dăm ba câu thì điện thoại của anh đã đổ chuông. Dương cúp máy xong, quay sang nhìn tôi bằng vẻ mặt khó xử:
- Anh xin lỗi, để anh đưa em về rồi hôm khác đi uống Café sau nhé. Anh có ca mổ, giờ phải về bệnh viện.
- Không sao đâu ạ. Giờ em cũng phải về nấu cơm trưa đây, anh cứ về đi, em bắt xe bus về.
- Thôi để anh đưa em về. Lần sau mời em đi xem phim.
- Vâng.
Đến lần sau chúng tôi đi xem phim, trước khi vào rạp Dương đã nói hôm nay không phải ca trực của anh, chắc là khi chúng tôi xem phim sẽ không có ai làm phiền nữa.
Tôi cười:
- Thật ấy ạ? Thế thì hôm nay xem phim xong mình đi ăn gà rán đi, hôm qua đi qua quán gà rán em ngửi thấy mùi thơm nên thèm quá.
- Được luôn.
Thế rồi buổi xem phim ấy cũng không hề trọn vẹn như tôi và Dương tưởng, hôm đó chiếu phim mới của Marvel nên tôi háo hức lắm, thích mấy phim kiểu đấy mà cả đời có bao giờ dám bỏ tiền ra để mua một tấm vé xem phim đâu, ai ngờ ngồi được nửa buổi thì điện thoại của Dương lại bị bệnh viện gọi đến. Lần này là mổ cấp cứu, mà các bác sĩ ở khoa kín lịch rồi, phải gọi bổ sung anh để về làm phẫu thuật cứu người.
Dương cúp điện thoại xong nhìn tôi, tôi thì không cần chờ anh lên tiếng đã chủ động nói trước:
- Có ca mổ gấp à anh?
- Ừ, ngại quá. Các bác ở khoa cũng đang kín lịch mổ hết. Anh phải về mổ cấp cứu, hay là em cứ ngồi đây, tý mổ xong anh quay lại nhé.
Mỗi lần chúng tôi nhắn tin đều bị đứt quãng, phải mấy tiếng sau hoặc đến cả nửa ngày sau tôi mới thấy Dương nhắn lại. Thế nên bây giờ anh bảo về mổ, chỉ sợ tôi xem xong thêm hai bộ phim nữa cũng chẳng chờ anh được, thế nên tôi cười:
- Anh cứ đi về mổ đi, em xem xong tự về. Đằng nào tý nữa cũng đến nhà hàng đi làm luôn, giờ cũng gần mười giờ rồi còn gì.
Vẻ mặt của anh thoáng qua mấy tia lúng túng, có lẽ vì ngại với tôi vì lần nào gặp nhau cũng phải bỏ về giữa chừng như thế này. Giờ mới biết làm bác sĩ vất vả thật đấy, nhất là làm bác sĩ ngoại ở bệnh viện lớn nữa, ngoài tám tiếng hành chính ra thì thời gian nào trong ngày cũng có thể bị gọi đi, chẳng trách anh bảo “bận nên chưa có người yêu” là phải.
- Ngại em quá, anh xin lỗi. Lần sau đi chơi anh sẽ không thế này nữa đâu. Xin lỗi em.
- Ngại gì mà ngại, cứu người quan trọng hơn chứ. Anh đi đi, nhanh lên, em xem hết phim rồi về.
- Anh xin lỗi. Xong việc anh gọi cho em nhé.
- Vâng.
Lúc Dương đi rồi, một mình tôi ngồi ôm bịch bỏng ngô trong rạp, chăm chú xem phim nhưng rồi lại chẳng thể nào nhập tâm được nữa. Tôi coi mối quan hệ của mình với Dương là bạn bè nên thoải mái đi chơi cùng anh, giao thiệp với nhiều người, chia sẻ nhiều hơn để con người năng động lên. Thế nên dù mỗi lần đi chơi Dương cũng bỏ rơi tôi hết lần này đến lần khác, tôi cũng không có cảm giác khó chịu mà chỉ cảm thấy hơi hụt hẫng một tý. Hụt hẫng vì bị bỏ lại một mình.
Bỗng nhiên, như một thói quen khó bỏ, tôi lại nhớ đến Huy.
Trước nay anh đối xử với tôi lạnh nhạt nhưng mà đến giờ tôi mới phát hiện ra anh chưa bao giờ bỏ lại tôi một mình. Chưa một lần nào.
Lần anh dẫn tôi đi Sài Gòn, chỉ cần tôi bảo tôi thích, anh dù ngoài mặt hay càu nhàu nhưng vẫn kiên nhẫn đưa tôi đi, thậm chí đến cả những nơi hơi hơi trẻ con như phòng tranh 3D kia, anh vẫn nắm tay tôi trước mặt bao nhiêu người chỉ vì tôi sợ ngã.
Anh cho tôi đến nhà thờ Tân Định, chợ An Đông, công viên Cá Koi, còn lên tận địa đạo Củ Chi. Lúc đấy chúng tôi đi đâu cũng nắm tay nhau như một đôi tình nhân thực thụ, Huy còn bảo sau này nếu anh đi công tác ở nước ngoài mà rảnh rỗi sẽ cho tôi cùng đi.
Chớp mắt cái, từ ân nhân biến thành thù hận. Trong thù hận còn có cả tình cảm mới chớm nở của tôi.
Tôi nhận ra nếu tôi còn cứ mãi thế này, mình sẽ càng lún sâu vào mà không thoát ra được mất. Tại sao trải qua bao nhiêu chuyện như thế mà tôi cứ mãi hướng về anh, không thể buông bỏ được thế này?
Tôi thở dài một tiếng rồi cũng chẳng còn tâm trạng nào mà xem phim nữa, đứng dậy đi về. Buổi chiều đi làm, anh Nhân vừa nhìn thấy mặt tôi đã sấn lại:
- Vân ơi, tối nay anh cho em tan làm sớm một hôm, đi hát với bọn anh đi.
- Ơ, ca tối có mỗi em, em tan làm sớm thì ai thu ngân hả anh?
- Tý anh bảo con Mai nó làm thay em, đi hát với bọn anh cho vui nhé.
- Bọn anh là ai ạ? Với cả em có biết hát đâu.
- Mấy đứa bạn chơi với anh ấy mà. Mấy khi có dịp tụ tập, anh dẫn em đi cùng cho biết đây biết đó.
Nghe anh Nhân nói thế, tự nhiên tôi lại thấy chột dạ. Ông này lúc đầu mới đến thì có vẻ tốt, nhưng càng ở lâu thì lại càng sấn sổ tán tỉnh tôi ra mặt, giờ tự nhiên rủ đi hát hò với bạn bè anh ta như thật, kiểu gì vào trong đấy chả tìm cớ chuốc rượu để tôi say rồi đưa tôi lên giường. Đứa hơi hơi tử tế sẽ quan hệ một mình, nhưng có những thằng khốn nạn nó rủ bạn chơi tập thể. Tôi làm gái rót bia ở quán Karaoke bao nhiêu lâu, tôi lạ gì trò này.
- Nhưng mà tối nay người yêu em đến đón em đi có việc rồi anh ạ. Chắc em không đi được đâu, để dịp khác anh nhé.
- Em có người yêu rồi à? Sao anh không thấy nói.
- Vâng, em mới nhận lời anh ấy thôi anh ạ. Ngại quá, hôm nay có dịp gì mà bạn bè anh tụ tập vui thế?
Vì anh Nhân là sếp nên tôi không thể từ chối thẳng thừng được, đành phải nói dối thế. Không ngờ anh ta nghe xong thì tỏ vẻ khó chịu với tôi ra mặt:
- Người yêu em là cái thằng hôm trước đến đây ăn cơm hả? Thằng bác sĩ đấy hả?
- Vâng, anh ấy anh ạ.
- Dữ chưa. Thấy bác sĩ cái là hốt luôn. Chắc thấy thằng cha đó công ăn việc làm tử tế, kiếm được nhiều tiền chứ gì?
- Đâu có đâu anh, anh ấy cũng người bắc với em nên nói chuyện hợp. Tìm hiểu nhau một thời gian thấy hợp nên tiến xa hơn một ít ấy mà.
Anh Nhân nhìn tôi gườm gườm, mắt một mí lúc đầu nhìn thì rõ đáng yêu mà giờ lườm thì như quỷ, anh ta sưng sỉa bỏ lại một câu:
- Chưa biết ai giàu hơn ai đâu, em đừng tưởng làm bác sĩ mà ngon.
Sau đó hậm hực bỏ đi.
Khi bóng vừa béo vừa lùn của anh Nhân đi khuất, tôi mới thấy lòng mình trĩu nặng. Tôi biết công việc này chắc mình cũng chẳng làm được bao lâu nữa, ông chủ kiểu này không sớm thì muộn cũng gây chuyện với tôi cho mà xem. Nếu tôi chịu ngoan ngoãn nghe theo anh ta thì có thể tiếp tục công việc này, thậm chí còn được bao nuôi như Huy nuôi tuôi ngày trước. Còn nếu tôi không chịu, kiểu gì anh Nhân cũng kiếm cớ gây sự với tôi.
Lại bẵng đi nửa tháng nữa, lúc này tôi đã bắt đầu âm thầm nộp hồ sơ đến một số nơi để tìm việc làm khác rồi nhưng vẫn chưa tìm được nơi nào phù hợp, thành ra vẫn cứ phải bám trụ lại nhà hàng cũ, ngày ngày căng óc lên để đối phó với cái kiểu sấn sổ đò đưa của anh Nhân, sắp phát điên đến nơi.
Hôm đó tôi được nghỉ ca, đang mày mò trên mạng để học Tiếng anh không sợ để lâu quên mất thì thấy Dương nhắn tin đến.
- Alo, ỉn con ỉn con.
Qua mấy tháng quen biết, tôi với anh bắt đầu thân thiết nên trò chuyện với nhau cũng tự nhiên hơn. Dương hay gọi tôi là ỉn, tôi gọi anh là cận, giống như hai người bạn thích gọi biệt danh cho dễ gần.
- Em đây cận ơi.
- Hôm nào em được nghỉ ca?
- Sao thế, lâu lâu không bỏ rơi em nên anh nhớ nghề phải không?
- Không, lần này không bỏ rơi nữa đâu, thề luôn.
- Thế anh định rủ em đi đâu?
- Đi xem phim đi. Mới có phim hay lắm.
- Phim gì cơ ạ?
- Phim kinh dị. The Nun. Em đi xem không?
- Được đấy, hôm nay em nghỉ ca này.
- Ơ thế à? Thế đợi anh tầm khoảng 6 rưỡi, anh đến đón đi ăn rồi đi xem phim nhé.
- Lần này có bỏ rơi nữa không đấy. Sao lời thề của anh khó tin quá.
- Để tý nữa anh đã báo với trưởng khoa xin nghỉ. Không mổ miếc gì nữa hết. Vừa ý em chưa?
- Ok, tin anh thêm lần nữa đấy.
- Oke, anh vào mổ đây. Phải tích cực mổ để kịp thời gian đi chơi với người đẹp mới được, đợi anh.
Tôi phì cười. Nói chuyện với Dương tôi có cảm giác rất thoải mái, anh hiền lành, lương thiện, sạch sẽ và đạo đức. Dù nhiều lần vì công việc mà bỏ rơi tôi nhưng tôi chưa bao giờ giận anh, hoặc nói đúng hơn là không có cách nào để giận anh.
- Cứu người quan trọng. Người đẹp sẽ tắm rửa sạch sẽ từ bây giờ, make up thật đẹp để chờ bác sĩ qua đón đây. Chaiyo bác sĩ.
Anh gửi lại tôi một icon hai ngón tay giơ hình chữ V, kèm một mặt cười.
Tôi không nhắn lại nữa mà chỉ ôm điện thoại nằm cười. Một lúc sau ngón tay lại vô thức vào Facebook Huy như một thói quen.
Facebook anh thật nhàm chán và vô vị, ngoài dòng status tôi xem được cách đây gần một năm thì cũng chẳng còn gì nữa. Tôi nghĩ chắc bây giờ anh cũng chẳng nhớ tôi là ai nữa, có khi đã lấy vợ với cả sắp sinh con rồi cũng nên. Tôi chỉ là một người qua đường nhỏ nhoi trong đời anh thôi, mua bán, trả tiền, cuối cùng rồi cũng quên nhau như hai người dưng ngược lối.
Người ta nói nhàn cư vi bất thiện thật sự chẳng sai tý nào, lúc bình thường đi làm thì không sao, lúc rảnh rỗi tôi lại cứ nghĩ linh tinh rồi thở dài. Ngẫm nghĩ một lúc, tôi lại gọi cho cậu.
- Cậu ơi, cháu đây.
- Biết rồi, gì đấy?
- Cậu với mợ, cả các em nữa có khỏe không ạ?
- Bình thường. Sao? Gọi cho tao có việc gì?
- Cháu hỏi thăm cậu thôi ạ, với cả tiện hỏi thăm thằng Tý nữa cậu ạ.
- Nó vẫn khỏe, vẫn đi học bình thường.
- Nó đã có ý định thi Đại học nào chưa cậu? Có ôn khối gì chưa ạ?
- Hôm trước tao hỏi nó, nó bảo nó không thi đại học. Tiền đâu mà thi.
- Cháu có tiền mà, cháu nuôi được. Cậu cứ động viên nó đi thi hộ cháu với. Nó phải học chứ, học để kiếm cái nghề đàng hoàng chứ.
- Tao cũng bảo nó thế. Đời mẹ con mày đã khổ rồi, chả lẽ cứ rúc mặt làm ruộng mãi, phải đi học thì may ra mới đổi số đổi kiếp được.
Thời gian dài trôi đi, vết thương trong lòng tôi vẫn âm ỉ chứ không còn đau đớn và giày vò như lúc trước mới vào Sài Gòn nữa. Khi tôi ở đây được ba tháng mới bắt đầu ngủ trọn vẹn được cả đêm, còn khi mới vào thì cả ngày chỉ ngủ được mấy tiếng, cứ mơ thấy mẹ, thấy em là khóc nức nở rồi bật dậy. Cậu tôi cũng dần dần hiểu cho tôi, thấy tôi bỏ đi xa thế cũng thương, lâu dần cũng không chửi bới và đuổi tôi nữa.
Giờ nghe cậu nói thế, sống mũi tôi vẫn cay xè:
- Vâng ạ. Trước cháu thấy nó bảo muốn thi Điện lực, cậu cứ động viên nó hộ cháu với cậu nhé. Tiền cháu lo được ạ. Cháu đang làm thu ngân, không làm việc gì linh tinh nữa đâu, lương của cháu đủ nuôi thằng Tý đi học cậu ạ.
- Ừ. Để tao bảo nó.
- Vâng, cháu cảm ơn cậu ạ.
Gần sáu giờ chiều hôm ấy, Dương nhắn tin đến, tôi tưởng anh lại bận nên hoãn hẹn rồi, nhưng đến khi mở ra lại thấy anh nhắn:
- Ỉn ơi, hôm nay bạn anh từ Hà Nội vào, nó vào có một mình thôi, hay là tý nữa mình gọi nó đi ăn cùng luôn nhé.
Cũng rủ tôi đi cùng bạn nhưng cách nói chuyện không giống anh Nhân, có lẽ vì tôi tin tưởng ở nhân cách của Dương, thêm nữa bạn bè anh chắc cũng tử tế như anh nên tôi cũng không cảm thấy áp lực hay lo lắng gì lắm. Tôi trả lời lại:
- Bạn anh mới từ Hà Nội vào á? Có đẹp trai không? Có người yêu chưa?
- Thôi anh đổi ý rồi. Mình đi ăn một mình đi, kệ nó.
- Haha, xấu tính. Mấy khi bạn vào, anh chọn địa điểm đi, mình đi ăn cùng bạn anh cho vui cũng được.
- Em đến đó thấy nó đẹp trai, lỡ thích nó luôn thì sao. Thôi, không cho nó đi nữa.
- Yên tâm, anh Dương trong mắt em là bác sĩ đẹp trai nhất rồi, có ai vượt qua nổi anh đâu.
- Nói thế còn được. Haha. Thế anh đặt nhà hàng nhé, vẫn hẹn cũ, sáu rưỡi anh qua.
- Ok, ok. Em thay quần áo đẹp rồi đây.
Sáu rưỡi, Dương đến chở tôi ra nhà hàng mà anh đặt sẵn. Anh bảo bạn anh vào đây công tác, lâu lắm cả hai người mới có dịp cùng rảnh rỗi để hẹn nhau nên để bạn một mình thì anh cũng áy náy.
Tôi cũng không có thói quen hỏi nhiều nên chỉ biết thế, không tò mò sâu. Hai chúng tôi vào nhà hàng gọi món sẵn, ngồi chờ gần hai mươi phút rồi mà vẫn chưa thấy bạn anh đến, tôi mới quay sang đùa:
- Hay là bạn anh ngại em nên bùng hẹn mất rồi.
- Chắc nó bận đột xuất ấy, nó như người của công chúng, còn bận hơn cả anh. Hiếm lắm mới có dịp vào đây mà rỗi, hẹn nhau đi ăn cơm.
- Thế cơ ạ.
- Ừ.
Vừa nói đến đó thì điện thoại của Dương đổ chuông, anh nhìn tên người gọi rồi bảo tôi:
- Đây rồi, chắc nó đến nơi rồi.
Sau khi nghe máy, đọc số phòng ăn tôi với Dương ngồi, chỉ năm phút sau đã thấy bạn anh đến.
Lúc nghe tiếng mở cửa, tôi chưa kịp tắt điện thoại nên chưa ngẩng đầu lên, mãi cho đến khi nghe một giọng nói quen thuộc, tôi mới thoáng giật mình.
- Đợi lâu chưa? Bận quá, giờ này mới xong việc đây.