Hơn Cả Một Tình Bạn

Chương 34: Không đỗ thì về đây mẹ nuôi!

Tôi vội vàng ngồi thụp xuống đất để cố thủ, nhưng bỗng dưng lại thấy yên ắng đến lạ, liền khe khẽ mở mắt ra nhìn. Xung quanh tôi toàn lũ quái thai ở lớp, đứa nào đứa đấy xắn quần xắn áo rõ cao, tay đều cầm bột mì, trắng xóa hết cả người.

Tôi còn chưa kịp định thần xong thì nghe thấy tiếng hô lên thật to:

- Quẩy lên anh em ơi!!!

Sau đó là những tiếng hét hưởng ứng dữ dội không kém:

- Húuuuuuuuu!

Và trận chiến giữa những túi bột mì tiếp tục diễn ra, thậm chí có dấu hiệu khốc liệt hơn. Sau khi bị "ăn" mấy túi bột vào mặt và kính, chẳng nhìn thấy gì nữa cả thì tôi vô tình mò thấy cái xô đựng bột của chúng nó. Tuy tầm nhìn hạn hẹp nhưng tôi vẫn có thể hình dung và cảm nhận được khung cảnh hỗn loạn đang xảy ra trong phòng học lớp tôi. Những túi bột mì trắng xóa bay qua bay lại liên tục trên không trung tưởng chừng như không có hồi kết. Những tiếng la hét không giấu nổi sự vui thú vang đều trong lớp. Một khoảnh khắc nào đấy khi tôi đưa tay quệt ngang mắt kính thì thấy một cô bạn kém may mắn đang bị lăn đều trên sàn đầy bột mì như con tôm lăn bột chiên xù vậy.

Thế là bất chấp tất cả, tôi cứ nhắm mắt đáp thật mạnh tất cả số bột tôi sờ được. Đến khi có đứa không chịu nổi và ngộp thở quá, vì thực sự bụi bột bao quanh cộng với việc các cửa sổ cửa chính đều đóng kín khiến cho không ai còn không khí để thở, liền đạp cửa xông ra và bọn tôi như chim vỡ tổ ùa theo. Vừa chạy vừa la hét vang cả một góc hành lang.

Riêng tôi thì đứng lại, một mình trong lớp để lau kính. Bụi bột trắng xóa bám lấy kính khiến tôi chẳng thể nhìn thấy gì, tay chân lúc nãy vừa đáp bộp vừa mải mê chạy nên va đập vào bàn ghế đến lúc này lại hơi nhói đau. Nhưng tất nhiên là rất vui rồi, tôi vội vàng thao tác nhanh chóng rồi ùa theo mọi người, nhưng lạ là... chẳng còn một ai cả! Tôi đeo kính vào để nhìn rõ hơn thì đúng thật, cái lũ này lẩn đâu hết, liền chạy vội ra hàng lang ngó đầu ra tìm kiếm với gương mặt không thể ráo hoảnh hơn.

Quái thật, chúng nó có thể chạy đâu được nhỉ, mới còn đáp bột mì ầm ầm mà đã biến đâu mất. Tôi liền gọi một tiếng thật to:

- Ê các mày đâu rồi?!

Không có ai trả lời lại tôi cả, tự dưng lòng lại thấy bồn chồn là lạ, tôi liền gọi to hơn:

- Linh Dương ơi, Mai ơi, Nam ơi, chúng mày đâu hết rồi?!

Một mình tôi đứng trên hành lang vắng teo không một bóng người, các phòng học khác đều đóng cửa hết. Ơ, trường hôm nay được nghỉ à? Cảm giác này, thật sự không dễ chịu chút nào, chẳng kém gì lúc tôi bị lạc trên thành phố lạ hoắc. Đấy, thoát một cái, cả thế giới bỏ rơi tôi được ngay! Tôi liền lấy hết sức, vươn mình ra hành lang hét thật lớn:

- 9A ơi, chúng mày đâu rồi?!

Bất ngờ, có tiếng đồng thanh rất lớn ở trên hành lang tầng hai, đáp lại rất đều:

- 9A ở đây!

Tôi mừng rỡ ngước mắt lên nhìn, định chạy lên nhập bọn cũng thì chưa kịp reo lên vì vui mà đã phải hét lên vì giật mình. Khi tôi vừa đưa tầm nhìn lên tầng phía trên, nguyên một xô nước đá rất lớn dội thẳng vào người. Cái cảm giác lạnh buốt len lỏi qua từng ngón tay, sợi tóc, luồn cả vào quần áo khiến tôi ướt như chuột lột.

Thật ra quần áo ướt thì cũng giống như vừa chạy mệt dưới một cơn mưa rào thôi, nhưng điều đáng nói là chúng tôi vừa chơi đáp bột, nên bột mì dính ở quần áo rất nhiều, thậm chí ống quần tôi đang xắn lên còn chứa cả cân bột chưa kịp phủi ấy. Và một điều khá hiển nhiên khi bột mì gặp nước rồi đấy, cái cảm giác quần áo vừa ướt vừa nhầy nhụa toàn là bột mì khiến tôi rùng mình, có lẽ cũng vì sự buốt cóng của xô đá vừa rồi nữa.

Tôi chưa kịp mở mồm ca thán lấy một câu, chưa kịp vén mái tóc đang dính ếp trên mặt thì nghe thấy tiếng reo như thắng trận và những tiếng bước chân cứ rầm rập liên hồi trên tầng trên. Chỉ nghe loáng thoáng mấy câu:

- Chạy nhanh lên anh em ơi!

- Không cho cái Vân Anh thoát!

- Nhớ cầm vũ khí theo!

Tuy dưới chân lạnh cóng toàn đá là đá nhưng khi nghe đến câu đấy não tôi vẫn hoạt động và thúc giục tôi phải chạy. Nhưng có lẽ không kịp nữa rồi!

"BỘP!"

Một quả bóng nước từ phía bên phải đáp thẳng vào tay tôi do thằng Nam đáp.

"BỘP!"

Quả thứ hai lao thẳng vào đầu tôi do thằng Huy đáp, làm mái tóc chưa kịp khô của tôi càng ướt thêm.

"BỘP... BỘP... BỘP!"

Và trăm ngàn quả khác lao về phía người tôi mà tôi không kịp né tránh hay làm việc gì khác có thể khiến tôi không bị ướt thêm. Bao nhiêu cánh tay cứ thế đáp bóng vào người tôi trong tiếng reo hò thích thú, và tôi cũng cười đến sặc cả nước. Khi đang đưa tay chống cự yếu ớt thì tôi nghe thấy tiếng gọi rất to từ bên trái:

- Ghẹ ơi! Bắt lấy này!

Tôi giật mình quay sang, rất hiếm khi có ai gọi tên ở nhà của tôi trên lớp, hóa ra là Linh Dương, vừa đẩy cho tôi chiếc xô chứa đầy bóng nước của cô bạn. Tôi vội vàng đón lấy rồi bắt đầu đáp trả lại, những quả bóng nặng trĩu nước nặng nhọc theo lực đẩy của tay tôi mà đập vào người hết đứa này đến đứa khác. Từ trận tấn công tôi thành trận đại chiến của lớp. Bây giờ thì ai cũng ướt rồi, chủ yếu là ít hay nhiều thôi.

Nếu có ước muốn, tôi chỉ ước rằng có ai đó đang quay lại hết tất cả những điều vui vẻ vừa xảy ra quanh tôi. Để mỗi khi buồn, tôi lại có thể nhìn ngắm lại một lần nữa những gương mặt ướt nhẹp toàn nước, hay những mái tóc dính bết những bột mì. Và bất chợt, tôi nhận ra rằng cuộc sống luôn phũ phàng là thế. Những giây phút vui vẻ thường trôi nhanh đến bất ngờ, còn những giây phút đau thương lại kéo dài đến lê thê. Một niềm vui, không đủ để cho ta vui cả đời, nhưng một niềm đau, sẽ theo ta cho đến khi sang tận thế giới bên kia vẫn còn đau.

Quần áo chúng tôi ướt, người chúng tôi bẩn, đầu tóc chúng tôi dính bết, mà còn phải ở lại dọn dẹp bãi chiến trường toàn bột đã két lại trên sàn nhà nhưng đứa nào cũng cười thật tươi, không một lời than vãn. Chúng nó đấy, những người bạn học hai năm đã vì tôi mà dành ra một ngày nghỉ chỉ để chơi một cách vui vẻ nhất với nhau, để chia tay những đứa có thể sẽ không học tiếp cấp ba ở đây một cách vô tư nhất. Tôi và Linh Dương, có thể sang năm sẽ không được học cùng ba mươi ba con người còn lại, không được ngồi chung một lớp, không được đứng dưới một mái trường. Sẽ không còn những ngày tháng đi ăn trộm hoa quả, đi ra biển bắt ốc, hay đào trộm vài củ khoai rồi nướng ăn với nhau. Chúng tôi rồi sẽ trưởng thành, sẽ không còn ngây ngô nghịch dại nữa. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ không bao giờ quên nhau, dù chỉ là phút.

Ngày hôm ấy trôi nhanh hơn tôi tưởng, mọi thứ vui vẻ xảy ra một cách chóng vánh nhưng lại khiến cho tôi cười mãi mỗi khi nghĩ đến. Thậm chí, đến khi tôi về nhà Balam còn sủa loạn lên, còn ba mẹ liên tục hỏi có phải tôi bị đánh dọc đường mới ra nông nỗi này làm tôi cười đến mức suýt tắc thở.

À đùa thôi, tất nhiên là không rồi. Tôi còn phải đi thi học sinh giỏi thành phố mà. Nhưng thành thật mà nói, thời gian trong phòng thi trôi nhanh đến mức tôi còn tưởng thầy giám thị đã lén lút vặn nhanh đồng hồ. Nhìn các bạn học sinh giỏi trên phố làm hết tờ giấy nọ đến tờ giấy kia mà tôi cảm thấy nhụt chí vô cùng. Nhưng cứ nghĩ đến điểm cộng để bước chân vào trường chuyên, nghĩ đến ba mẹ, mụ Mít và thằng Bin đã kì vọng tôi lớn đến như thế nào, tôi lại dặn lòng phải cố gắng. Bước ra khỏi phòng thi mà lòng nặng trĩu, cô giáo hay bạn bè hỏi cũng chỉ dám đáp là thi tạm ổn.

Ấy thế mà cũng được giải ba ấy, tự dưng lại thấy bản thân may mắn vô cùng, xém chút nữa là bị rớt xuống khuyến khích. Vì giải khuyến khích không được cộng điểm khi thi trường chuyên đâu. Sau đợt đấy, là đến Tết, nhưng tôi thì thấm thía cảm giác không có Tết nó như thế nào.

Ngoài đêm giao thừa và mùng một, tôi cùng ba mẹ và mụ Mít đi chúc Tết họ hàng ra thì đa số tôi toàn ở nhà học bài. Bà chị tôi còn giật mình với sức học kinh hoàng và liên tục bảo tôi:

- Vừa phải thôi, không lại lao lực quá!

Còn ba mẹ tôi thì lại trêu:

- Năm nay cả nhà chẳng có Tết, đi đến đâu cũng phải mừng tuổi. Có mỗi thánh nữ đang tuổi ăn tuổi chơi lại lao đầu vào học, chẳng vớt vát được tí nào.

Tôi chẳng biết nói gì, đành chậc lưỡi rồi cười trừ. Biết sao được bây giờ, ngày thi sát lắm rồi, cảm giác chín năm ăn học quyết định trong vài ngày ấy.

Khi chỉ còn hai ngày nữa là tôi chính thức khăn gói đi thi, tôi bắt đầu tăng tốc để ôn hết tất cả những kiến thức đã học thì bất chợt mẹ tôi vào phòng, đặt nhẹ cốc sữa trên bàn học. Tôi không bất ngờ về việc mẹ vào phòng tôi, nhưng tôi bất ngờ về việc mẹ mang đồ tẩm bổ lên cho tôi. Xưa nay mẹ không ủng hộ việc tôi đi thi, mà có thì họa chăng làm hộ tôi ít việc nhà.

- Học đi, mẹ chuẩn bị đồ để mấy hôm nữa đi thỉnh kinh.

Tôi đang vừa uống sữa vừa len lén nhìn mẹ, nghe câu đấy suýt nữa thì sặc vì cười.

- Mẹ lạ thế, mọi hôm không để ý việc học của con cơ mà?!

Mẹ vừa loay hoay gấp quần áo vừa chép miệng than vãn:

- Thôi thì đất không chịu trời thì trời chịu đất vậy. Nhà này có ai nghe tôi đâu, từ thằng bố đến con chị, từ con chị đến con em. Nghĩ chán cả người.

- Mẹ toàn nghĩ linh tinh, học ấm vào thân chứ thiệt đi đâu hả mẹ?!

Mẹ bĩu môi một cái thật dài, nước đến chân rồi nhưng mẹ vẫn không thích tôi đi thi, đợt có ý định bà Mít phải nịnh mãi, có lần gọi điện về mẹ còn mắng: "Tao đã hi sinh đời con chị để củng cố đời con em, cho mày đi du học để sau này mày thành tài mày lo cho em mày. Chứ cho mày đi rồi mày về vác em mày lên cái chốn xô bồ áp lực ấy thì tao cho làm quái gì?!"

Chắc mẹ là người đầu tiên không ủng hộ việc thúc ép con cái học hành quá nhiều. Có lẽ mẹ chỉ mong tôi sau này đỗ Sư phạm rồi về dạy ở trường nào đấy ở quê, lấy một thằng nào đấy gần nhà rồi về thăm ba mẹ cho dễ...

- Ham hố gì học ở trên phố hả con. Phận con gái cái mọn, ở với ba mẹ đã không được bao nhiêu, thoắt một cái là nó đi lấy chồng. Khuyên con chị không nghe, đe con em không được, cả bố nó cũng hùa theo, thôi thì kệ. Sướиɠ khổ kệ giời, sau này đừng có trách tao không nói sớm.

Tôi nghe mẹ nói câu đấy bỗng dưng tay khững lại, trong đầu hiện lên biết bao nhiêu suy nghĩ sau câu nói ấy, lòng lại thấy xót xót. Đã thế mẹ còn đế thêm:

- Thôi, thi thì cứ thi, cứ cố hết mình là được. Đỗ thì học không đỗ thì về đây! Mẹ nuôi.

Hay là... mình bỏ thi nhỉ?!