Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 117: Mong chờ khôi phục thi đại học

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 117: Mong chờ khôi phục thi đại học

Tạm gác chuyện vừa rồi qua một bên, bốn mẹ con vui vẻ đi dạo huyện thành.

Ba thằng nhóc được thể lại bắt đầu mè nheo.

Lâm Thanh Hoà: “Vốn định mua cho mỗi đứa một cây hồ lô ngào đường. Nhưng giờ thì thôi, quên đi.”

Đại Oa: “Chúng con đều biết sai rồi.”

Lâm Thanh Hoà nghiêm khắc: “Rồi sao? Biết sai mà vẫn phạm?”

Nhị Oa: “Mẹ, khó lắm mới có một lần vào thành chơi, mẹ mua cho chúng con một cây đi.”

Tam Oa cũng khẩn khoản: “Con sai rồi.”

Thôi được rồi, Lâm Thanh Hoà cũng chẳng nỡ nghiêm khắc với ba cái bản mặt dễ ghét này, cô nói: “Bây giờ mẹ mua cho mỗi đứa một cây, nhưng không được ăn ngay, cầm về nhà ngày mai mới được ăn.”

Ngay lập tức trăm lời như một kháng nghị: “Mẹeeee…”

Lâm Thanh Hoà trừng mắt: “Thế có muốn hay là không?”

“Muốn!” Tất nhiên muốn rồi, méo mó có còn hơn không.

Lâm Thanh Hoà móc tiền mua ba cây hồ lô ngào đường, bọc lại bằng giấy dầu, nói: “Nhớ kỹ này, niệm tình các con vi phạm lần đầu cho nên mẹ tạm tha. Nhưng nếu lần sau còn tái phạm thì đừng trách.”

Đại Oa, Nhị Oa, Tam Oa gật đầu như bổ củi, vỗ ngực khẳng định từ giờ trở đi sẽ không bao giờ tuỳ tiện nhận đồ người khác cho.

Hình phạt của mẹ là đáng sợ nhất trên đời, mẹ không đánh không mắng nhưng trực tiếp cắt những món ăn mà chúng thích nhất thế nên tuyệt chiêu này của mẹ, trăm phát trăm trúng.

Đặc biệt ở nhà mẹ làm trùm, ngay cả cha cũng không dám làm trái ý mẹ.

Bốn mẹ con tiếp tục đi chọn mua sách thiếu nhi. Đại Oa muốn mua sách nâng cao tuy nhiên mấy quyển được bày bán ở đây quá đơn giản, còn chẳng khó bằng đề hàng ngày mẹ ra, cho nên nó lật xem qua một hồi rồi bỏ xuống, mua mấy quyển này chỉ tổ phí tiền.

Lâm Thanh Hoà hỏi mua báo cũ về cho mấy đứa nó tập vẽ. Rất rẻ, một bó to chỉ có giá vài xu.

Sau đó, cô mua một trái dưa hấu. Ngày hè nắng nóng chói chang, ăn dưa hấu là vô địch.

Xong rồi, lên đường về nhà thôi!

Lượt về còn nặng hơn lượt đi, Lâm Thanh Hoà cong lưng đạp, đứt hết cả hơi.

Đã giao kèo hồ lô ngào đường để mai ăn là nhất định ngày mai mới được ăn, không du di.

Dưa hấu được thả xuống giếng ướp lạnh, để dành làm món tráng miệng sau bữa trưa.

Vì mệt nên Lâm Thanh Hoà ngại bày vẽ, bữa trưa nay ăn đơn giản thôi, màn thầu ăn kèm ớt xanh xào thịt và canh cà chua trứng.

Chỉ làm ít món nhưng phân lượng không nhỏ, khay ớt xanh xào thịt đầy ú ụ, cực nhiều thịt. Bởi Chu Thanh Bách làm công việc tay chân, ba thằng nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn nên bữa nào cũng phải đảm bảo no bụng và đủ chất.

“Thịt nhiều lắm, anh ăn đi cho có sức chiều còn phải đi làm nữa.” Lâm Thanh Hoà gắp một đũa thịt bỏ vào chén Chu Thanh Bách. Anh toàn ăn ớt xanh, không gắp một miếng thịt nào. Cô biết thừa, anh muốn nhường đồ ngon cho vợ và các con.

Chu Thanh Bách mỉm cười hiền hoà: “Em cũng ăn nhiều vào.”

“Không cần anh nhắc, em tự biết ăn.” Vừa nói cô vừa lựa mấy miếng thịt ba chỉ nhiều mỡ gắp cho anh.

Thời buổi này đói kém tới đáng thương, ai ai cũng thèm thịt mỡ, miếng nào càng nhiều mỡ càng thích. Mỗi lần tới chỗ chị Mai lấy thịt, nếu thấy có miếng thịt mỡ nào ngon, hay miếng thịt ba chỉ nào có tỉ lệ nạc mỡ hài hoà, hoặc gặp miếng thịt thăn đầu rồng là cô sẽ giữ lại để nhà mình ăn.

Lâm Thanh Hoà thì không thèm thịt nhưng Chu Thanh Bách và ba đứa trẻ rất cần bổ sung chất dinh dưỡng.

Khẩu phần ăn của người làm công việc tay chân nhất định phải có chất đạm, bằng không cơ thể không trụ được lâu dài.

Lâm Thanh Hoà hỏi ba đứa trẻ: “Ăn ngon không?”

Đại Oa miệng bóng nhẫy dầu, nói: “Nếu mẹ cũng thương con như thương cha thì tốt quá rồi, gắp một miếng thịt để vào chén con rồi dịu dàng nói ăn đi, ăn nhiều một chút.”

“Hí hí hí.” Nhóc Nhị Oa nín cười rung cả người.

“Mẹ.” Tam Oa nhăn nhở, chìa cái chén ra.

Lâm Thanh Hoà thẹn quá hoá giận, đám nhóc thúi này, hôm nay ăn gan hùm rồi còn dám trêu ghẹo mẹ: “Tập trung ăn đi, nhìn xem có ra cái thể thống gì không.”

Ừ đấy, chồng cô làm lụng vất vả thì cô thương, thương chồng mình chứ có phải chồng người khác đâu. Lâm Thanh Hoà quay sang ông xã, đường đường chính chính nói lời ngọt ngào: “Mặc kệ chúng nó. Cả một đám ăn cỏ cũng có thể lớn. Anh ăn đi, ăn nhiều vào, nhé!”

Đại Oa, Nhị Oa than thầm trời ơi…..

Tam Oa lắc đầu quầy quậy: “Không ăn cỏ, con không ăn cỏ.”

Chu Thanh Bách yêu chiều nhìn bà xã, anh thích bà xã ngọt ngào thế này.

Ăn xong, Chu Thanh Bách vào phòng nghỉ trưa. Mấy đứa nhỏ thì cứ nhấp nha nhấp nhổm sợ mẹ quên mất quả dưa hấu.

Lâm Thanh Hoà chiều, thích ăn thì mẹ bổ cho ăn nhưng phải đợi 40 phút sau cho xuôi cơm mới được ăn.

Cả ba đứa đều kiên nhẫn ngồi đợi tới lúc ăn được miếng dưa hấu mới thoả mãn leo lên giường đất ngủ.

Lâm Thanh Hoà không ngủ, cô tiếp tục đóng đế giày, hôm nay tới lượt Nhị Oa.

Lúc Chu Thanh Bách tỉnh dậy, lọt vào mắt là một hình ảnh cực đẹp cô vợ nhỏ đang ngồi sát cửa lúi húi đóng giày. Thương quá!

Anh đứng ngắm một lúc rồi mới tiến lại nhẹ giọng hỏi: “Sao em không ngủ trưa?”

Lâm Thanh Hoà: “Em không mệt, cả ngày chẳng có việc gì nên em không cần nghỉ trưa. À, trong bếp có dưa hấu đấy, anh lấy ăn đi.”

Chu Thanh Bách tiến vào bếp lấy một miếng dưa hấu, còn cố tình cắt thêm một miếng nhỏ mang ra kề sát miệng vợ.

Lâm Thanh Hoà nói: “Em ăn rồi, anh ăn đi.”

Nhưng Chu Thanh Bách vẫn kiên trì, nhất quyết phải đút cho vợ bằng được. Lâm Thanh Hoà buồn cười đành há miệng cắn: “hmmm, mát quá, mùa hè ăn dưa hấu là hết xẩy. Anh ăn đi, ăn nhiều vào không cần chừa đầu. Ba thằng siêu quậy ăn rồi, chúng nó đòi ăn xong mới chịu đi ngủ trưa.”

Chu Thanh Bách: “Anh ăn một miếng thôi, còn bao nhiêu mấy mẹ con ở nhà ăn nốt đi.”

Người đàn ông này không biết nói lời âu yếm nhưng hành động lại khiến người ta cảm động vô cùng.

Cái gì ngon cái gì tốt đều muốn dành hết cho vợ và con, chưa bao giờ nghĩ cho bản thân mình.

Lâm Thanh Hoà đã thực sự rung động trước anh.

Cô nở nụ cười rạng rỡ: “Chiều nay anh về sớm chút nhé. Chắc mấy con cá chạch đã nhả hết bùn rồi. Em sẽ làm món các chạch anh thích ăn nhất.”

“Được.” Chu Thanh Bách đồng ý rồi xoay người ra khỏi cửa.

Lâm Thanh Hoà nhìn theo bóng anh, thở dài: “Còn tận 7 năm nữa mới khôi phục thi đại học. Chờ đợi mỏi mòn a.”

Năm đầu tiên khôi phục thi đại học, điều kiện rất thoáng, bất kể tuổi tác lớn nhỏ, độc thân hay đã kết hôn đều được quyền tham gia ứng tuyển.

Nếu thi đậu đại học, cô có thể mang ông xã cùng ba đứa con đi theo, anh sẽ không phải làm công việc đồng áng vất vả như bây giờ nữa.

Đối với vấn đề thi đại học, cô rất có tự tin vào năng lực bản thân. Lâm Thanh Hoà đã thiết lập mục tiêu rất rõ ràng, từng bước trong kế hoạch đều được hoạch định chi tiết. Vì thế không phải tự nhiên mà cô nỗ lực buôn bán lương thực và thịt heo.

Cô tích trữ phiếu gạo, phiếu thịt, và một số loại phiếu khác là để đảm bảo cuộc sống sau này, vì tương lai của các con, cô muốn dắt cả nhà lên thành phố lớn phát triển.

Theo dòng chảy lịch sử, các loại tem phiếu sẽ dần dần bị loại bỏ. Nhưng cô đã binh đường cả rồi, không ngại, không ngại, trong tay cô không có gì nhiều hơn tiền.

Chỉ tính riêng phí xuất ngũ của Chu Thanh Bách đã là một khoản cực lớn rồi. Nếu không phải củi gạo dầu muối trong gia đình tương đối tốn thì cô còn tiết kiệm được nhiều nữa.