Mộng Cổ Xuyên Kim

Chương 18: Đồng Thí

Nhị nguyệt hồ thủy thanh, gia gia xuân điểu minh. *

* Là một câu trong bài thơ, "Xuân Trung Hỉ Vương Cửu Tương Tầm/Vãn Xuân" của Mạnh Hạo Nhiên thời nhà Đường, người thuộc thế hệ đàn anh của Lý Bạch.

Toàn bài:

Nhị nguyệt hồ thủy thanh, gia gia xuân điểu minh.Lâm hoa tảo canh lạc, kính thảo đạp hoàn sinh.Tửu bạn lai tương mệnh, khai tôn cộng giải trình.Đương bôi dĩ nhập thủ, ca kĩ mạc đình thanh.

Tạm dịch nghĩa: Tháng hai nước hồ trong suốt, nhà nhà xuân ý dạt dào, chim chóc vui vẻ hót vang.

Vừa mở cửa, khí lạnh bên ngoài đã nhanh chóng len lỏi vào. Tháng Hai ở Hành Dương, mùa đông thong thả lưu giá lạnh ở lại, trong không khí còn vương chút run người, khướt từ mọi cơ hội để người ta cảm giác bao nhiêu là vắng lặng. Song, lúc mới tiếp xúc lại có bấy nhiêu là hưng phấn, thật đúng như quan điểm nghệ thuật của Tô Thức, "Xuân phong lành lạnh quạt tỉnh men say." Trước cửa sổ, nhìn ra là mấy khóm trúc quen thuộc, chả biết búp măng từ bao giờ đã lặng lẽ nhú lên. Quả là "thanh minh một thước, cốc vũ một trượng (1)." Hai ngày không để ý, đám măng đã cao hơn vài phần. Hết thảy như tuyên bố mùa xuân đến rồi.

(1) Thanh minh một thước, cốc vũ một trượng: Thanh minh, Cốc vũ là chỉ hai tiết lạnh giá trong năm. Thanh minh theo lịch âm thường nhằm vào tháng Ba, cũng là tháng tảo mộ (như cụ Nguyễn Du từng nhắc đến trong Truyện Kiều: Thanh minh trong tiết tháng Ba; Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh). Tuy nhiên, nếu tính theo dương lịch sẽ nhằm vào tháng Tư, thường là các ngày 4 hoặc 5 đầu tháng. Cốc vũ thì lại nhầm vào các ngày gần cuối tháng, khoảng ngày 19, 20 hay 21 của tháng Tư (tức là cùng tháng với tiết Thanh minh). Thời tiết ở tháng này thông thường sẽ có mưa rào và dông, đi kèm là một đợt không khí lạnh kéo dài. Tuy nhiên, giai đoạn đầu tháng (tức tiết Thanh minh), mưa thường không kéo dài và ít lạnh hơn so với cuối tháng (tức tiết Cốc vũ). Thanh minh một thước, Cốc vũ một trượng là một câu ngạn ngữ xưa dùng để nhắc nhở người dân cách đối phó với thời tiết trong tháng này, chú ý sự thay đổi của khí hậu để phòng ngừa cái lạnh, và phòng tránh những cơn mưa đột ngột lúc chuyển mùa. Trong đoạn trên, Lâm Dịch còn dùng câu ngạn ngữ với ý nghĩa, chỉ sự nhanh chóng của thời gian và sự thay đổi khác biệt của sự vật: Chỉ mới hôm qua còn bé chưa đến một thước, mà hai hôm sau đã cao gần bằng cây sào.

"Dậy mau!" Ngoài cửa có tiếng đập lớn.

Lâm Dịch quay đầu, kinh ngạc nhìn Dương Tri Vũ vịn cửa thở dốc, cứ như đã chạy vội mấy nghìn dặm.

"Dương đại ca?" Lâm Dịch từ cửa sổ bước lại, cẩn thận pha cho y một chén trà, lo lắng hỏi, "Xảy ra chuyện gì, sao phải vội như vậy?"

"Hiền... Hiền... Đệ..." Dương Tri Vũ khoát tay, hít mạnh một hơi lấy lại sức, ngẩn đầu nhìn Lâm Dịch nói, "Ta... ta nghe phu tử nói đệ muốn tham gia đồng thí hả?"

"Dương đại ca là vì chuyện này? Tiểu đệ đúng là có ý định này. Năm nay đệ đã mười một tuổi, từ lúc ba tuổi học vỡ lòng đến nay đã tám năm, thiết nghĩ cũng nên tham gia thi thử cho biết."

"Đệ là tự mình quyết định tham gia đồng thí? Người trong nhà cũng biết hả?" Dương Tri Vũ sau khi thở ổn định lại, nói cũng trôi chảy hơn.

Lâm Dịch nghĩ, y chắc đang lo lắng nó là nhỏ tuổi nên tự chủ trương, liền giải thích, "Trưởng bối trong nhà cũng có ý này, năm ngoái tổ phụ đã muốn đệ thi thử, chỉ là, vì chuyện triều đình dời đô nên đành từ bỏ!"

Ai ngờ Dương Tri Vũ nghe xong thì trợn mắt kinh ngạc, "Đệ nói người trong nhà cũng đồng ý cho đệ tham gia đồng thí hả?"

Lâm Dịch nhìn hắn khó hiểu. Như thế thì có gì đáng ngạc nhiên nhỉ? Đọc sách không phải cũng vì tham gia khoa cử sao?

"Điều này sao có thể được? Đến học viện để học còn chưa nói, sao có thể để đệ tham gia khoa cử được? Tô đại nhân chẳng lẽ không biết, một khi thân phận của đệ bị vạch trần sẽ mang lại hậu quả gì sao? Sao có thể để đệ mạo hiểm như vậy được?"

Lâm Dịch bị lời y nói làm cho hồ đồ. Thân phận vạch trần gì chứ, nó thì có cái thân phận gì mà người khác chưa nhận ra nhỉ?

Đột nhiên Dương Tri Vũ nắm hai bờ vai của nó, cúi người nhìn thẳng vào mắt nó, "Hiền đệ, nghe lời đại ca, đệ... viết cho Tô đại nhân một phong thư nữa, nói cho ngài biết tính nghiêm trọng của chuyện này, để ngài đừng mạo hiểm làm thế, chuyện này là rơi đầu như chơi đó!" Hiền đệ mãn phúc châu ki, văn giang học hải (2), để nàng đi thi đồng thí nhất định sẽ đỗ. Rồi thì sau đồng thí sẽ là Tú tài, Tú tài rồi qua Cử nhân. Nếu là vậy, e rằng còn muốn vào kinh thi Trạng nguyên. Đây chả phải là giống như trong hí văn, chính là tội khi quân, mất đầu đó sao.

(2) Mãn phúc châu ki, văn giang học hải: đầy bụng văn chương, kiến thức văn học phong phú, thâm ảo.

"Dương đại ca, sao đệ vẫn không hiểu ý của huynh là thế nào nhỉ? Chuyện gì mà rơi đầu chứ? Đệ tham gia đồng thí thì có thể có chuyện gì chứ?" Lâm Dịch cảm thấy nó thật sự hoàn toàn không hiểu lối suy nghĩ của Dương Tri Vũ.

Nhìn vẻ mặt Lâm Dịch phớt lờ như không, Dương Tri Vũ liền cao giọng, "Sao lại không có việc gì được, lấy thân phận nữ nhi cải trang nam tử vào học viên chưa nói, giờ còn muốn tham gia khoa cử làm nhiễu loạn cương thường, đến lúc đó thân phận một khi bị vạch trần chính là mang họa, hậu quả không thể tưởng tượng được đâu!"

Lâm Dịch bị tiếng hét bất ngờ làm giật mình, vội lấy tay bịt một bên tai, "Cái gì mà mang họa chứ? Có thể có cái gì..." rồi đột nhiên ngưng nói, ngẩn đầu nhìn Dương Tri Vũ, bỗng nhiên tỉnh ngộ, "Huynh cho rằng đệ là nữ tử?"

Dương Tri Vũ cho là Lâm Dịch rốt cục cũng nghe được lời y, cẩn thận nói, "Hiền đệ, hãy nghe vi huynh nói, không nên mạo hiểm làm cái việc mà cả thiên hạ đều sợ này, không nên xuất đầu lộ diện ra ngoài, để tránh tổn hại khuê danh, nhất là trong học viện đều là nam tử, nam nữ bảy ngày đều chung một chiếu, cả ngày cùng họ đứng một chỗ, rồi sẽ bị những lời đồn đại không tốt, nếu..."

"Dương đại ca!" Lâm Dịch không thể không ngắt lời y, "Chỉ e là huynh hiểu lầm, đệ thật sự là nam tử!"

"... Đến lúc đó trạch phu chọn rể, nếu bị người khác biết được đệ từng cùng người ngoài qua lại, chỉ sợ sẽ bị lời ra tiếng vào, hơn nữa..." Ý thức được điều gì đó, Dương Tri Vũ đột nhiên dừng lại, rồi sau đó không dám tin mà cao giọng, "Đệ nói đệ là nam tử?"

Lâm Dịch gật đầu khẳng định, "Đúng vậy! Hơn nữa đệ từ trước tới giờ cũng chưa từng nói đệ là nữ tử!"

Mặc dù Lâm Dịch không biết tại sao Dương Tri Vũ lại hiểu lầm nó là nữ tử, chỉ là giờ đã biết nó là nam tử, những lo lắng kia của y chắc sẽ không còn nữa.

Ngẩng đầu nhìn Dương Tri Vũ thì thấy y đang tiếp thu tin tức này không những không hề thả lòng, trái lại khuôn mặt thoáng chốc như bị rút hết máu, tái nhợt hoàn toàn.

"Đệ nói... Đệ – là – nam – tử?"

Lâm Dịch kỳ quái nhìn y, "Tất nhiên là nam tử!" Ít nhất là nhìn vẻ bên ngoài, nửa câu này nó có thể khẳng định, chả qua trong bụng thì oán thầm thôi.

Sau khi xác định lần nữa, Dương Tri Vũ mặt lại thắng bệch ra, lảo đảo lùi hai bước, dựa vào cửa phía sau, nhìn thẳng vào dung nhan như ngọc kia của Lâm Dịch, miệng ấp úng, "Sao lại có thể?... Sao lại có thể chứ?" Rõ ràng bộ dạng xinh đẹp như vậy, thân thể mỏng manh như vậy, cử chỉ thanh tú như vậy...

Lâm Dịch thấy bộ dạng của y như bị đả kích, miệng há to, lời vừa định nói ra lại nuốt trở vào, mơ hồ ý thức được điều gì đó.

Qua một lúc, thấy cảm xúc của Dương Tri Vũ đã bình tĩnh lại, Lâm Dịch mới dè dặt mở miệng, "Dương đại ca, huynh không sao chứ?"

Dương Tri Vũ hồi lâu mới phản ứng lại, gắng gượng nói, "Không... Không có việc gì..."

Thấy y có vẻ đã không có việc gì, Lâm Dịch thở phào nhẹ nhõm. Song, lúc này lại nghĩ tới chuyện trước đây Dương Tri Vũ tại sao lại hiểu lầm nó là nữ tử, nó đưa mắt nhìn y, giả vờ lơ đãng hỏi, "À, nhắc mới nhớ, Dương đại ca sao lại cho rằng đệ là nữ tử vậy?"

Dương Tri Vũ nghe hỏi thì trong đầu liền hiện lên hình ảnh hai năm trước y xông vào phòng Lâm Dịch, hai bên tai nóng lên, úp úp mở mở, "Ngu huynh... Là ngu huynh nhìn thấy dung mạo thường ngày của đệ vô cùng xinh đẹp nên mới hiểu lầm, xin hiền đệ đừng trách tội, ngu huynh xin nhận lỗi với đệ!" Nói xong thì nghiêm túc cúi người.

Lâm Dịch đoán nhất định không chỉ vì nguyên nhân này, nhưng nó cũng không hỏi lại, chỉ nghĩ đến những việc khác, nó cũng không biết nên làm thế nào mới ổn đây.

Dương Tri Vũ cũng không quá buồn bã, hai người tán gẫu vài câu thì y rời đi. Nhìn y đi xa, Lâm Dịch mới thở dài một hơi!

Đồng thí phân ra làm huyền thí, phủ thí và viện thí. Người thi đỗ viện thí thì có thể vào các học viện thuộc phủ, châu hay huyện để học, thông thường gọi là Sinh đồ (3). Sinh đồ thì phân ra làm ba loại là lẫm sinh, tăng sinh, và phụ sinh (4). Sinh đồ thì đủ tư cách vào kinh ứng thí, tức là có được tư cách tham gia hương thí, gọi là "Khoa cử sinh đồ," được người ta gọi là Tú tài, xem như cũng có công danh, được nhập vào tầng lớp sĩ phu (5). Tầng lớp này được miễn trừ lao dịch, gặp Tri huyện không phải quỳ, cũng không được phép tùy ý dùng đại hình với họ (trong trường hợp phạm tội).

(3) Sinh đồ: hay Tú tài, chính là sinh viên ngày nay.

(4) Lẫm sinh, tăng sinh, phụ sinh: Các loại cấp bậc Tú tài khác nhau, tùy vào cấp bậc mà bổng lộc cũng sẽ khác nhau. Thông thường Lẫm sinh sẽ được hưởng bổng lộc cao nhất.

(5) Sĩ phu: học giả thời xưa.

Lâm Dịch mặc dù nói là đọc sách ở cổ đại tám năm, nhưng vẫn chưa tham gia đồng thí để lấy tư cách sinh đồ, nên không thể được xem là người đọc sách. Sống ở hiện đại đọc sách mười mấy năm, các cuộc thi lớn nhỏ cũng từng trải qua, song ở cổ đại thì với nó đây chính là cuộc thi đầu tiên. Đặc biệt, lịch sử Trung Quốc giai đoạn này các cuộc khảo thí đã diễn ra cũng được mấy ngàn năm, tuy nói là không quá căng thẳng nhưng cũng khá tò mò.

Huyền thí là do quan Tri huyện làm chủ khảo, phủ thí thì do quan Tri phủ làm chủ khảo (các châu thí thì là quan Tri châu, tương tự như vậy mà xét lên cao hơn). Nội dung của huyền thí và phủ thí cơ bản là giống nhau, khảo thí thường về nội dung của Tứ thư rồi đến thơ ca, bàn luận kinh thư, các luật về thuế, và cả viết 100 từ "Thánh dụ nghiễm huấn (6)" để kiểm tra chính tả.

(6) "Thánh dụ nghiễm huấn" – 圣谕广训: là một cuốn sách cổ, xuất bản năm Ung Chính thứ hai (tức năm 1724). Sách nhằm răng dạy người ta tuân thủ lối sống hài hòa, có đức hạnh, có nguyên tắc. Nguyên có nguồn gốc từ sách "Thánh dụ thập lục điều" của Khang Hi, được Ung Chính sửa đổi và diễn giải thêm. Vì mục đích tuyên truyền, nhà Thanh cho sử dụng sách này làm nội dung thi cử trong các khoa thi. (Các tài liệu thi cử ở đây phần lớn đều được tác giả sử dụng tài liệu thi cử được ghi chép lại của triều đại nhà Thanh, mặc dù bối cảnh là lịch giả tưởng thời đại nhà Tống).

Những nội dung này với Lâm Dịch mà nói đều không tính là khó, vừa nhận được quyển (7) thì không bao lâu đã làm xong. Bởi vì trường thi là ở huyện nha, mỗi thí sinh đều ngồi chung ở một cái bàn dài, nên cũng không thể tự mình đứng lên trước. Sau khi làm xong, Lâm Dịch buồn chán liền quan sát các thí sinh tham dự. Nói mới để ý, nó cũng không phải là người nhỏ nhất. Người bằng tuổi nó cũng có vài thí sinh, có người so với nó còn nhỏ hơn ba bốn tuổi, thậm chí có một thí sinh nhìn qua chỉ độ bảy tám tuổi là cùng. Người như thế nếu không phải bộ dạng nhỏ con thì cũng là thần đồng, kiểu như ba tuổi có thể đi thi, bốn tuổi có thể làm thơ phú gì đó.

(7) Quyển: giấy thi đóng thành tập, dùng để viết bài thi trong các khoa thi thời xưa.

Viện thí là đợt khảo thí quan trọng trong kỳ thi đồng thí, do học chính (8) chủ trì. Đề thứ nhất là cơ bản, cũng không quá khó. Đề thứ hai là về thi phú, cách gieo vần không giới hạn. Lâm Dịch với thể loại này xem như là yếu nhất. Đương nhiên, nếu đạo vài câu thơ của cổ nhân thì có thể vô tư mà đậu. Chả qua nó ngại nhất là làm như thế, hơn nữa những câu thơ nó nhớ rõ nhất đều là những bài thơ nổi tiếng của các danh nhân cổ đại, nếu ở kỳ thi nhỏ bé này mà làm, đến lúc đó bị làm khó sẽ không tốt lắm. Hơn nữa, nó tốt xấu gì cũng có tám năm học cổ văn, yêu cầu thông qua viện thí cũng không quá cao, sẽ không làm khó được nó, vì thế không nhất thiết phải làm cái việc mà nó sẽ chột dạ kia.

(8) Học chính: một quan chức chính phủ được cử làm người coi thi.

Hai đề thi viết trước là bút thí (9), chủ yếu là để kiểm tra chữ của thí sinh, đề cuối cùng là diện thí (10), do học chính tự mình phỏng vấn. Bình thường thí sinh ở hai đợt thi trước đến đợt này sẽ giảm dần. Nhưng mà Lâm Dịch cũng không lo lắng, tính cả kiếp trước và kiếp này đã có hơn hai mươi năm đọc sách, nếu ngay cả kỳ thi phủ thí nho nhỏ này mà cũng không qua được, thì tốt nhất nó nên đi mua một miếng đậu hủ mà tự tử quách đi cho rồi.

(9) Bút thí: thi viết.

(10) Diện thí: thi hùng biện, thi biện luận.

Sau khi kết thúc tất cả các đợt thi huyền thí, phủ thí, viện thí, quan chủ khảo đem danh sách những người trúng tuyển sắp xếp theo thứ tự thành một trang giấy dài, sau đó công bố kết quả, gọi là "Xuất án", hoặc "Xuất trường án." Thí sinh đỗ đầu huyền thí đầu tiên gọi là "Huyền án thủ" (tức thủ khoa kỳ thi huyện), đỗ đầu phủ thí thì là "Phủ án thủ", còn đỗ đầu viện thí gọi là "Viện án thủ." Nếu thí sinh đỗ đầu cả ba đợt huyền thí, phủ thí, viện thí thì sẽ được vinh dự gọi là "Tiểu Tam Nguyên."

Hôm nay là ngày yết bảng nên học viện được nghỉ. Mặc dù không lo là mình sẽ rớt, nhưng cũng không ngăn được Tô Nghiễn và Nhị Nha lo lắng, với lại nó cũng có chút tò mò không biết liệu mình đứng hạng gì, nên ba người cùng rủ nhau đến xem yết bảng.

"Công tử, cậu học vấn tốt rứa, chắc sẽ là thủ khoa chi nữa? Thi đồng thí mà đậu thủ khoa gọi là chi hè?" Nhị Nha ở một bên chắn cho nó chen vào đám đông, quay đầu hỏi. Vì giọng nàng quá lớn nên ngay lập tức tất cả mọi người xung quanh đều tập trung ánh mắt trên người nó, đại khái muốn xem thử kẻ ngông cuồng kiêu ngạo ấy là ai.

Lâm Dịch thật muốn hét to "Ta không biết nàng ta," nhưng mà tất nhiên đã không kịp, chỉ đành bất đắc dĩ nói, "Sơn ngoại thanh sơn lâu ngoại lâu (11), trong thiên hạ những người có học vấn hơn ta có rất nhiều, đây là quận Hành Dương, người có học phú ngũ xa nhiều không kể xiết, Nhị Nha, ngươi không cần nói năng ngông cuồng!" Vì thế những người kia sắc mặt mới tốt một chút, đại khái là cảm thấy Lâm Dịch cũng có chút tự lượng sức mình.

(11) Sơn ngoại thanh sơn, lâu ngoại lâu: đại khái tương tự như câu, "Núi cao còn có núi cao hơn," ý nói người giỏi hơn người rất nhiều, chớ nên khoe khoang, ngông cuồng.

Trung Quốc từ xưa đến nay đều thích đem tin vui viết lên giấy đỏ, thế nên việc yết bảng lúc này cũng không ngoại lệ. Ba người Lâm Dịch thật vất vả lắm mới xuyên qua được đám đông, chen đến trước danh sách yết bảng. Cũng may thời tiết mát mẻ nên cũng không đồ nhiều mồ hôi lắm.

"Haiz, uổng ghê, còn tí nữa là đậu "Tiểu Tam Nguyên" rồi!"

Là thanh âm đầy tiếc nuối của Nhị Nha. Thế mà cũng biết đến "Tiểu Tam Nguyên," xem chừng Tô Nghiễn lúc nãy đã giải thích cho nàng. Lâm Dịch nhìn danh sách trên tường, tên Tô Bác Nghệ ở huyền thí đậu thứ hai, phủ thí đậu thứ nhất, viện thí đậu thứ ba, tất nhiên là được cấp "Phủ án thủ," chẳng qua cũng xem như nằm trong dự đoán.

"Được rồi, không được "Tiểu Tam Nguyên" cũng không sao, công tử ta cũng không để ý, ngươi để ý như vậy làm gì!" Nhìn bộ dạng bỉu môi đáng tiếc của Nhị Nha, Lâm Dịch cảm thấy buồn cười, kết quả này nếu để nàng biết được là do nó cố ý, không biết sẽ bị càm ràm thành thế nào đây!

Nhị Nha không phục bẻ lại, "Răng mà không để ý được, nếu công tử đậu "Tiểu Tam Nguyên," lão gia và phu nhân chắc chắn sẽ rất mừng đó."

Lâm Dịch không để ý tới lời nói của tiểu nha đầu. "Tiểu Tam Nguyên"? Nó cũng không muốn làm chim đầu đàn, huống hồ đang ở tuổi này, như bây giờ là tốt nhất, không ai có thể được tốt như lúc này đâu.

Lại nhìn tên ba "án thủ" lần nữa, khóe miệng Lâm Dịch bất giác nâng lên. Nó cảm giác mình hình như trở nên xấu tính, lúc thi phủ thí vốn định kiềm chế một chút, không ngờ tuy mình không cần mà người khác cũng không có được, nên đành buông lỏng, lấy luôn vị trí "Phủ án thủ." Sự thật chứng minh đã đúng như nó dự đoán, bởi vì "Huyền án thủ" và "Viện án thủ" là cùng một tên, hơn nữa cũng chính là người xếp thứ hai trong đợt phủ thí. Chắc giờ người đó đang ghét nó lắm đây.

"Mà nói chơ cái tên Sử Hoàn nớ chắc còn xui xẻo hơn cả công tử, còn chút xíu nữa là có thể thành "Tiểu Tam Nguyên" rồi!"

Bên cạnh lại là tiếng cảm thán của Nhị Nha, lần này thì Lâm Dịch không thể kiềm chế được nữa, ôm bụng mà cười không ngừng, bởi vì cái tên Sử Hoàn này đúng là tên "Viện án thủ" kia.

_______________________