Hương trinh thoang thoảng đâu đây,
Vó câu muôn dặm càng say càng nồng.
* * *
Đoàn Dự quay đầu lại thấy một hán tử ăn mặc theo lối gia nhân đang hấp tấp đi tới, chính là Lai Phúc Nhi, người lúc nãy chàng nhìn thấy qua khe vách. Y đi đến gần, hành lễ nói:
-Tiểu nhân Lai Phúc Nhi, phụng mệnh phu nhân hầu công tử đi mượn ngựa.
Đoàn Dự gật đầu:
-Hay lắm, thật phiền quản gia.
Lai Phúc Nhi liền đi trước dẫn đường, qua khỏi rừng tùng rồi, chuyển qua hướng bắc, đi vào một con đường nhỏ chừng sáu bảy dặm đến trước một tòa nhà lớn. Lai Phúc Nhi tiến lên cầm vòng cửa gõ nhẹ hai tiếng, ngừng lại một chút, lại gõ thêm bốn tiếng rồi lại gõ thêm ba tiếng. Cánh cửa kêu kẹt một cái rồi mở ra. Lai Phúc Nhi đứng ngoài cùng người mở cửa nói với nhau một hồi mật ngữ. Lúc này trời đã tối, Đoàn Dự nhìn lên những vì sao sớm trên bầu trời, bỗng nhớ đến thần tiên tỉ tỉ trong sơn động.
Chỉ nghe từ bên trong cửa một tiếng ngựa hí dài, Đoàn Dự không khỏi khen thầm: “Ngựa tốt thật!”. Cửa mở toang một con ngựa thò đầu ra, đôi mắt trong bóng đêm lấp lánh, chỉ thoáng nhìn đã biết ngay là loại thần tuấn phi phàm. Lộp cộp mấy tiếng một con ngựa ô đi ra, tiếng chân thật nhẹ, thân hình thon gầy nhưng bốn vó đều dài, hùng vĩ hiên ngang. Người dắt ngựa là một tiểu tì tóc thắt bím, trong đêm tối không nhìn rõ mặt mũi, xem ra chừng mười bốn, mười lăm tuổi.
Lai Phúc Nhi nói:
-Đoàn công tử, phu nhân sợ công tử không trở về Đại Lý kịp, nên đặc biệt đến mượn tuấn mã của tiểu thư đây. Tiểu thư nơi đây là bằng hữu của Chung cô nương chúng tôi, biết được công tử đi cứu bạn mình nên mới cho mượn ngựa, thực là vẻ vang hết sức.
Đoàn Dự đã từng thấy nhiều tuấn mã, chỉ cần nghe tiếng hí của con ngựa này cũng biết là loại lương câu trong nghìn vạn con mới có một bèn nói:
-Đa tạ!
Chàng đi đến nhận lấy dây cương. Con tiểu hoàn vỗ nhẹ lên bờm con vật, dịu dàng nói:
-Hắc Mai Côi hỡi Hắc Mai Côi, cô nương cho công tử gia này mượn ngươi để cưỡi, ngươi phải ngoan ngoãn nghe lời, đi sớm về sớm nghe chưa.
Con ngựa quay đầu lại, cọ cọ vào cánh tay cô gái, thần thái thật là thân mật. Con tiểu tì đưa giây cương cho Đoàn Dự nói:
-Con ngựa này không thích roi vọt, công tử tốt với nó chừng nào, nó càng chạy nhanh chừng đó.
Đoàn Dự nói:
-Vâng!
Chàng nghĩ thầm: “Con ngựa tên Hắc Mai Côi hẳn là ngựa cái” bèn nựng nói:
-Hắc Mai Côi tiểu thư ơi, tiểu sinh xin ra mắt.
Nói xong vái con ngựa một cái. Con tiểu tì cười khúc khích nói:
-Công tử thú vị thật. Này, cưỡi ngựa đừng có ngã đấy nhé!
Đoàn Dự nhẹ nhàng nhảy lên lưng ngựa, quay sang nói với con tiểu tì:
-Đa tạ tiểu thư nhà các cô.
Con tiểu tì cười:
-Thế không cám ơn tôi sao?
Đoàn Dự chắp tay:
-Đa tạ tỉ tỉ, khi trở lại tôi thể nào cũng mang cho các cô thật nhiều mứt mà ăn.
Con tiểu tì nói:
-Mứt thì không dám mong chỉ mong công tử cẩn thận đừng làm con ngựa bị thương.
Lai Phúc Nhi nói:
-Cứ thẳng hướng bắc mà đi sẽ đến được đại lộ để về Đại Lý. Xin công tử bảo trọng.
Đoàn Dự giựt cương, con ngựa phóng bốn chân, chỉ nhô lên hụp xuống mấy cái đã ở xa vài mươi trượng. Con Hắc Mai Côi này không cần phải thúc giục trong đêm tối vẫn chạy như bay, Đoàn Dự chỉ thấy cây cối trên đường vùn vụt chạy lùi về sau, đưa mắt liếc ngang lạ thay lưng ngựa bình ổn lạ thường không thấy nhấp nhô chút nào. Chàng nghĩ thầm: “Con ngựa này chạy nhanh thế, chỉ xế trưa mai là mình đã đến Đại Lý rồi!”.
Chỉ chưa đầy thời gian uống một chén trà chàng đã đi được đến trên mười dặm, trong đêm gió thổi vù vù, hơi cây cỏ mát mẻ bốc vào mũi. Đoàn Dự nghĩ thầm: “Cưỡi ngựa đêm khuya quả là một cái thú trên đời”. Đột nhiên trước mặt có tiếng người quát lên:
-Con giặc cái, đứng lại!
Trong bóng đêm có ánh đao lấp loáng, một thanh đơn đao nhắm ngay chàng chém tới. Thế nhưng con ngựa ô chạy nhanh quá, đao chém xuống tới nơi thì con vật đã chạy khỏi cả trượng rồi. Đoàn Dự quay đầu lại nhìn thấy hai đại hán một người cầm đơn đao, một người cầm hoa thương đang hung hăng chạy tới. Hai người cất tiếng chửi:
-Con giặc cái kia, định mặc giả trai đánh lừa chúng ông đấy hử?
Chỉ nhún một cái con ngựa đã bỏ hai người một quãng xa. Hai đại hán kia tuy chạy nhanh thật nhưng chỉ chốc lát thì đến tiếng kêu la cũng không còn nghe thấy nữa. Đoàn Dự tự hỏi:
-Sao hai gã này lại chửi mình là “con giặc cái”, nói ta là gái giả trai? Chắc chúng định đi tìm chủ nhân con Hắc Mai Côi này để thanh toán, họ nhìn ra con ngựa nhưng không nhìn ra người, thật là đoảng vị.
Chàng chạy được thêm chừng một dặm nữa bỗng nghĩ ra: “Chao ôi! Không được rồi, ta nhờ có ngựa chạy nhanh nên thoát được ổ phục kích của hai gã nọ, trông những người này xem chừng võ công khá cao, nếu như tiểu thư cho mình mượn ngựa không biết chuyện này, chẳng đề phòng mà lại đi ra thể nào chẳng bị ám toán. Ta đành phải quay về báo tin vậy”. Chàng bèn gò cương ngựa lại nói:
-Hắc Mai Côi, có kẻ toan ám toán tiểu thư nhà ngươi, mình phải qua lại báo tin ngay nói cô ta cẩn thận đừng ra khỏi cửa.
Nói xong chàng quay đầu ngựa theo dúng đường cũ quay về, tới gần chỗ hai gã nọ phục kích liền giục ngựa:
-Nhanh lên! Nhanh lên!
Con Hắc Mai Côi dường như hiểu ý người, nghe thấy hai tiếng “Nhanh lên” thôi thúc liền chạy nhanh hơn thế nhưng hai gã kia không biết đã đi đâu mất rồi. Đoàn Dự càng nóng ruột: “Nếu bọn chúng đến trang viện tập kích cô gái kia rồi, chẳng phải nguy lắm sao?”. Chàng luôn miệng kêu : “Nhanh lên”, con ngựa tưởng chừng như bốn vó không còn chạm đất lao vυ't đi.
Vừa đến trước nhà bỗng đâu có hai cây gậy vụt ngang chân con vật, Hắc Mai Côi không đợi Đoàn Dự ra lệnh tự nhảy vọt qua, hai chân đá ngược về sau, nghe bình một tiếng, trúng một gã cầm côn văng ra ngoài.
Hắc Mai Côi vừa đến trước cửa thì trong bóng đêm ở đâu xông ra bốn năm người, giơ tay ra nắm cương ngựa. Đoàn Dự thấy tay bị giữ chặt lôi xuống dưới đất. Một gã quát lớn:
-Thằng nhỏ này, ngươi đến đây làm gì? Sao dám xông bừa vào?
Đoàn Dự kêu khổ thầm: “Thế là ôi thôi! Chung quanh nhà đã bị vây chặt rồi, không biết chủ nhân có bị độc thủ không?”. Tay phải chàng bị ai đó nắm lấy chẳng khác gì một cái kềm sắt, nửa thân trên tê đi liền nói:
-Ta đến đây kiếm chủ nhân căn nhà này, sao các ngươi lại hung hăng như thế?
Một người giọng già nua nói:
-Tiểu tử này cưỡi con ngựa ô của đứa tiện nhân, chắc là nhân tình nhân ngãi gì của nó đây, cứ thả nó vào mình làm một mẻ vét sạch, nhổ cỏ tận rễ.
Đoàn Dự trong bụng hoang mang, rối như tơ vò: “Thế thì có khác gì mình chui đầu vào rọ. Thế nhưng đến nước này, chỉ còn nước chạy vào rồi đến đâu hay đó”. Chàng thấy kẻ nắm mình lỏng tay ra, vội vàng sửa lại y phục rồi thản nhiên đi vào trong cửa.
Chàng đi qua một cái sân hai bên đường lát đá trồng đầy hoa hồng, mùi thơm ngào ngạt. Con đường vòng vèo đi qua một cái cửa hình tròn, Đoàn Dự cứ thuận đường mà đi nhưng thấy lấp ló hai bên, đây một người, kia một người chỗ nào cũng có mai phục. Bỗng thấy trên cao có tiếng ho khẽ, chàng ngẩng đầu nhìn lên, thấy trên đầu tường cũng đứng lố nhố bẩy tám người, dưới bóng đêm binh khí trong tay lấp loáng. Chàng trong bụng sợ hãi: “Trong trang viện chẳng biết có được bao nhiêu người, nhưng kẻ địch tới vây thì thật đông, chẳng lẽ họ muốn đuổi tận sát tuyệt chăng?”.
Chỉ thấy những người đó trong đêm tối gườm gườm nhìn chàng, có kẻ tay cầm cán đao ra vẻ dọa nạt. Đoàn Dự chỉ đành cố gắng trấn tĩnh, cố nở một nụ cười, thấy tận cùng con đường đá là một tòa đại sảnh, từng hàng cửa sổ dài đến tận đất rọi ánh sáng từ bên trong ra. Chàng đến gần bên cửa lớn tiếng nói:
-Tại hạ có chuyện xin được gặp chủ nhân.
Từ trong sảnh có tiếng ai đó khàn khàn quát hỏi:
-Ai đó? Vào ngay đây.
Đoàn Dự bực mình đẩy cửa vào, bước qua ngưỡng cửa đưa mắt nhìn quanh thấy trong sảnh kẻ đứng người ngồi phải đến mười bảy mười tám người. Chính giữa là một người đàn bà mặc áo đen, lưng hướng ra ngoài nên không thấy mặt. Người đó hình dáng thon thả, mái tóc đen nhánh chải theo kiểu còn con gái. Ngoài hai bà già ngồi trên ghế bành phía đông là tay không còn hơn chục người còn lại ai cũng cầm binh khí. Bên dưới hai mụ già có một người nằm lăn dưới đất, đã chết rồi nhưng máu tươi trên cổ còn chảy ròng ròng, chính là gã Lai Phúc Nhi đã đưa Đoàn Dự sang mượn ngựa.
Đoàn Dự nghĩ gã này đối với mình cung kính lễ độ, ngờ đâu phút chốc đã tử nạn, cũng vì mình mà ra nông nỗi, trong lòng thương xót không sao kể xiết.
Bà già ngồi trên tóc đã bạc trắng, dáng người bé nhỏ giọng khàn khàn quát:
-Này, thằng nhỏ kia, ngươi đến đây có chuyện gì?
Đoàn Dự từ lúc đẩy cửa vào đã định bụng: “Đằng nào thì mình cũng đã vào hang cọp, nếu thoát thân được thì tốt nhất, còn không thì bọn mặt mày hung thần ác sát thế này, có nói gì cũng chỉ phí lời”. Vào trong sảnh lại thấy Lai Phúc Nhi chết nằm đó chàng đâm ra phẫn nộ ngang nhiên trả lời:
-Lão bà bất quá sống lâu hơn vài tuổi, làm gì mà gọi người khác bằng thằng nọ thằng kia, ăn nói vô lễ thế?
Mụ già đó mặt ngắn bành bành đầy vết nhăn, lông mày trắng rủ xuống, đôi mắt nhỏ lóe hung quang, đưa mắt đánh giá Đoàn Dự là hạng người nào. Mụ già ngồi bên dưới mụ ta bèn quát:
-Thằng nhỏ thối tha kia, thật ngươi chẳng biết trời trăng gì! Thụy bà bà đích thân mở miệng hỏi quả đã coi trọng ngươi lắm rồi. Ngươi có biết vị lão bà bà này là ai không? Đúng là có mắt mà không thấy núi Thái Sơn.
Bà già đó người thật to béo, cái bụng ưỡn ra trông như người có chửa bẩy tám tháng, đầu tóc hoa râm, mặt đầy thịt, giọng nói so với đàn ông con trai thông thường còn khó nghe hơn mấy phần, hai bên hông đeo hai thanh đoản đao bản rộng, một thanh còn dính đầy máu tươi hiển nhiên Lai Phúc Nhi đã bị mụ ta gϊếŧ chết.
Đoàn Dự trông thấy thanh đao nhuốm máu đó, nỗi căm tức xông lên, lớn tiếng nói:
-Nghe giọng mụ là người ở phương xa, sao đám đến Đại Lý gϊếŧ người bừa bãi, có biết Đại Lý tuy là nước nhỏ thật nhưng cũng có vương pháp, Thụy bà bà lai lịch thế nào, tại hạ không hề hay biết, nhưng dẫu có là Hoàng Thái Hậu nước Đại Tống cũng không thể đến đây tùy tiện ra tay gϊếŧ người được.
Mụ già mập giận dữ, đứng phắt lên hai tay vung ra, mỗi bên đã cầm một thanh đoản đao, quát lớn:
-Để ta gϊếŧ ngươi xem ngươi làm gì nào? Nước Đại Lý này có đứa nào tốt lành gì đâu, đáng gϊếŧ sạch cả.
Đoàn Dự ngẩng đầu cười ha hả nói:
-Ngang ngược không đâu, tức cười thật, tức cười thật!
Mụ già mập tiến lên hai bước, đao bên tay trái chém luôn vào cổ Đoàn Dự. Nghe keng một tiếng, một thanh quài trượng bằng sắt phóng ra gạt đao đi, chính là Thụy bà bà ra tay ngăn trở. Mụ nói nhỏ:
-Bình bà bà hãy hượm đã, hỏi y cho rõ ràng rồi gϊếŧ cũng không muộn.
Nói xong để quài trượng dựa vào bên ghế hỏi Đoàn Dự:
-Ngươi là ai?
Đoàn Dự đáp:
-Ta là người Đại Lý. Mụ mập này nói người Đại Lý ai cũng đáng chết, vậy thì ta cũng đáng chết.
Bình bà bà bực tức nói:
-Ngươi gọi ta là Bình bà bà cũng được, cớ gì lại phải mập hay không mập?
Đoàn Dự cười:
-Mụ thử sờ bụng xem mập hay không thì biết?
Bình bà bà mắng liền:
-Con bà ngươi!
Mụ vung đao chém nhứ hai nhát cách mặt chàng chừng một thước, tiếng nghe vù vù. Đoàn Dự sợ đến lưng chảy mồ hôi lạnh, tim đập thình thịch nhưng trên mặt cố làm ra vẻ dương dương tự đắc.
Thụy bà bà nói:
-Tên tiểu tử mặt mũi bảnh bao chắc ngươi là bạn trai của tiểu tiện nhân chứ gì?
Nói xong mụ giơ tay chỉ cô gái áo đen đang quay lưng lại. Đoàn Dự đáp:
-Vị cô nương này tôi chưa hề gặp bao giờ. Thế nhưng này Thụy bà bà, tôi khuyên mụ ăn nói cho khách khí một chút, ai đời mở miệng là chửi rủa người ta, vị cô nương này đại nhân đại lượng nên không đôi co làm chi chứ nhân phẩm như mụ cũng nào có cao quí gì.
Thụy bà bà hừ một tiếng nói:
-Thằng nhãi này bây giờ lại dạy ngược lại ta. Nếu ngươi không quen biết với con tiểu tiện nhân thì đến đây làm gì?
Đoàn Dự đáp:
-Ta đến đây báo tin cho chủ nhân căn nhà này.
Thụy bà bà hỏi:
-Báo tin gì?
Đoàn Dự thở dài đáp:
-Ta chậm mất một bước rồi, báo hay không báo thì cũng thế.
Thụy bà bà hỏi dồn:
-Báo tin gì nói mau.
Giọng mụ càng lúc càng gay gắt. Đoàn Dự nói:
-Ta gặp chủ nhân nơi đây sẽ nói, nói với mụ làm gì?
Thụy bà bà cười khẩy, một hồi sau mới nói:
-Ngươi muốn gặp mới nói thì nói đi chứ chỉ chốc lát hai đứa bay gặp nhau ở dưới âm rồi.
Đoàn Dự hỏi:
-Thế chủ nhân là ai? Tại hạ muốn cảm ơn đã cho mượn ngựa.
Lời của chàng vừa thốt ra bao nhiêu cặp mắt trong sảnh đều đổ dồn vào cô gái áo đen đang ngồi trên ghế. Đoàn Dự ngạc nhiên: “Không lẽ cô nương này là chủ nơi đây? Nàng ta là một cô gái mảnh mai, sao lại bị đông đảo cường địch vây quanh thế này, thật là nguy quá”.
Chỉ nghe cô gái chậm rãi nói:
-Ta cho ngươi mượn ngựa là vì nể mặt người khác, không cần gì ngươi phải tạ ơn. Ngươi không lo đi cứu người còn quay lại đây làm gì?
Nàng tuy nói nhưng mắt vẫn hướng vào trong không quay đầu lại. Đoàn Dự đáp:
-Tại hạ cưỡi con Hắc Mai Côi trên đường bị người ta phục kích, có kẻ ngộ nhận tôi là cô nương, mở miệng ăn nói hỗn hào xem ra bất ổn, không thể không quay lại báo cho cô nương hay.
Cô gái nói:
-Thế báo tin gì?
Tiếng nàng trong trẻo dễ nghe nhưng lạnh như băng chẳng có chút gì thân thiện, nghe không thoải mái chút nào, tưởng như nàng không hề quan tâm đến thế sự, lại giống như đối với ai cũng coi như kẻ thù, chưa gϊếŧ sạch được mọi người trong thiên hạ thì chưa vừa lòng.
Đoàn Dự nghe cô ta ăn nói vô lễ cảm thấy không vui, nhưng nghĩ lại nàng đang bị kẻ thù bao vây, tình hình thực là nguy hiểm, tâm tình có khác lạ âu cũng là chuyện thường, thương người lại nghĩ đến mình nên ôn tồn nói:
-Tại hạ nghĩ rằng hai gã cường đồ có ý gia hại cô nương, phần mình vì nhờ có ngựa chạy nhanh nên thoát được nguy khốn, còn cô nương chắc chưa biết kẻ thù đến tấn công, nên quay lại báo tin, để xin cô nương tạm thời trốn tránh, ngờ đâu lại chậm một bước, kẻ thù đã tới rồi, thực đáng tiếc biết bao.
Cô gái cười khẩy hỏi:
-Ngươi giả đò xun xoe tới đây lấy lòng ta là có dụng ý gì?
Đoàn Dự nổi giận bừng bừng, lớn tiếng đáp:
-Tại hạ với cô nương vốn không quen biết, thấy có người định tâm gia hại, lẽ nào ngậm miệng làm thinh? Hai chữ “lấy lòng” ở đâu mà ra đây?
Cô gái hỏi:
-Thế ngươi biết ta là ai không?
Đoàn Dự đáp:
-Không biết.
Cô gái nói:
-Ta nghe Lai Phúc Nhi nói, ngươi hoàn toàn không biết võ công, vậy mà dám tới Vạn Kiếp Cốc nói toạc tội của cốc chủ ra, quả thực to gan. Bây giờ lại vướng vào cái vòng thị phi này, ngươi định thế nào?
Đoàn Dự ngạc nhiên nói:
-Tôi vốn chỉ muốn đến báo tin xong rồi lại lên đường về nhà.
Nói đến đây, chàng thở dài rồi tiếp:
-Xem ra cô nương gặp nguy nan đã đành mà tôi thì cũng họa lớn đến nơi rồi. Không biết cô nương thù oán gì với những người này thế?
Nữ lang áo đen cười khẩy một tiếng nói:
-Ngươi là cái thá gì mà dám hỏi ta?
Đoàn Dự lại thêm ngạc nhiên nói:
-Chuyện riêng của người khác đúng ra tôi chẳng nên hỏi tới. Thôi được, tin tôi đã báo rồi, với cô như thế là xong.
Cô gái áo đen nói:
-Ngươi có biết đâu lại mất mạng nơi đây phải không? Có hối hận chăng?
Đoàn Dự nghe miệng lưỡi nàng có ý diễu cợt, lớn tiếng nói:
-Đại trượng phu hành sự, thấy chuyện nghĩa thì làm, sao lại có chuyện hối hận?
Cô gái hừ một tiếng nói:
-Cỡ tài cán như ngươi mà cũng dám xưng là đại trượng phu hay sao?
Đoàn Dự đáp:
-Anh hùng hảo hán hay không đâu phải chỉ dựa vào võ công cao thấp? Dù là võ công đứng đầu thiên hạ mà hành sự đê tiện xấu xa thì cũng đâu có xứng đáng ba chữ “đại trượng phu”.
Cô gái áo đen cười:
-Ha ha, ngươi giữa đường gặp chuyện bất bình, trượng nghĩa đến đây báo tin, chẳng qua mong được làm đại trượng phu đấy thôi. Đến lúc đại trượng phu bị người ta chặt ra làm mười bảy, mười tám mảnh chỉ e lúc ấy hết còn anh hùng hảo hán gì được nữa.
Bình bà bà đột nhiên cất giọng ồm ồm:
-Tiểu tiện nhân định kéo nhì nhằng để làm gì? Có đứng dậy động thủ không thì bảo.
Mụ vung hai thanh đao đập vào nhau, tiếng choang choang nghe chói cả tai. Cô gái áo đen cười khẩy nói:
-Ngươi sống đã bấy nhiêu năm quá đủ nên muốn chết sớm một tí hay sao? Con mụ ác ôn họ Vương ở Tô Châu sao không đích thân tới đây cùng ta động thủ lại sai bọn đầy tớ chúng bay đến quấy hôi bôi nhọ là gì?
Thụy bà bà nói:
-Phu nhân bọn ta tôn quí dường ấy, con tiểu tiện nhân muốn gặp phu nhân một lần cũng đã khó bằng lên trời rồi. Ngươi có khôn hồn thì ngoan ngoãn đi theo chúng ta, rập đầu tạ tội với phu nhân, không chừng phu nhân chúng ta khoan hồng đại lượng, tha mạng cho ngươi, chuyện đào tẩu thì chớ có tơ tưởng đến. Sư phụ ngươi đâu?
Cô gái áo đen kêu rít lên:
-Sư phụ ta ở sau lưng các ngươi chớ đâu.
Thụy bà bà, Bình bà bà cả bọn giật mình kinh hãi cùng quay lại. Thế nhưng sau lưng nào có ai ?
Đoàn Dự thấy cả bọn ai nấy tưởng thật hoảng hồn thất sắc, nhịn không nổi cười lên khanh khách. Bình bà bà hầm hầm nói:
-Cười cái gì?
Đoàn Dự cười:
-Buồn cười quá! Buồn cười quá!
Bình bà bà hỏi lại:
-Cái gì mà buồn cười?
Đoàn Dự đáp:
-Ha ha, buồn cười quá đỗi.
Bình bà bà hỏi thêm:
-Cái gì mà buồn cười quá đỗi?
Đoàn Dự đáp:
-Hì hì, buồn cười quá đỗi, buồn cười đến chết mất thôi!
Bình bà bà bực mình:
-Cái gì mà buồn cười đến chết mất thôi?
Thụy bà bà nói:
-Bình bà bà, mặc xác thằng nhãi thối tha đó.
Mụ quay sang cô gái áo đen nói:
-Cô nương từ Giang Nam chạy tới Đại Lý, bọn ta vạn dặm xa xôi đuổi tới tận đây, liệu cô nghĩ chúng ta có bỏ qua không? Bọn ta dẫu có chết hết trong tay cô nương cũng phải nhất định bắt cô đem về. Thôi cô ra tay đi.
Đoàn Dự nghe giọng Thụy bà bà có vẻ e ngại cô gái này, không khỏi lạ lùng, thấy trong sảnh mười bảy mười tám người phùng mang trợn mắt, tay cầm binh khí, nhưng không một ai dám xông lên trước. Bình bà bà hai tay hai đao, mấy lần tiến đến gần sau lưng cô gái rồi lại rụt về.
Cô gái áo đen nói:
-Này, anh chàng đưa tin kia, bây nhiêu người toan xông vào đánh một mình ta, anh tính sao đây?
Đoàn Dự đáp:
-Ôi, con Hắc Mai Côi đang ở bên ngoài, nếu cô phá vòng vây chạy ra được cưỡi ngựa chạy đi, con ngựa này cước trình thật nhanh, bọn họ không đuổi kịp được.
Cô gái hỏi lại:
-Thế còn anh thì sao?
Đoàn Dự trầm ngâm rồi đáp:
-Tôi vốn không quen không biết gì họ, chẳng thù chẳng oán, chắc họ cũng chẳng làm gì tôi đâu, thế nhưng cũng chưa biết thế nào được.
Nữ lang áo đen cười khẩy mấy tiếng nói:
-Nếu họ biết điều phải quấy như thế thì đâu có bấy nhiêu người vây đánh một mình ta. Cái mạng của anh coi như không còn nữa rồi, nếu như ta chạy được, anh có tâm nguyện gì muốn ta làm giùm anh chăng?
Đoàn Dự trong lòng chua chát nói:
-Bạn của cô là Chung cô nương ở núi Vô Lượng bị Thần Nông Bang bắt giữ, mẹ cô ta đưa cho tôi cái hộp này, đưa đến cho cha tôi, nhờ ông ta đi cứu. Nếu như … nếu như … cô nương có thể thoát thân được thì làm dùm chuyện này, tại hạ thật là cảm kích.
Nói đến đây chàng tiến lên mấy bước, lấy cái hộp vàng ra đưa tới. Chàng tới gần cô gái chừng hai thước, bỗng ngửi thấy một mùi hương, như lan mà không phải lan, như xạ mà không phải xạ, tuy không đậm đà chỉ thoang thoảng dìu dịu nhưng ngửi thấy lòng không khỏi lâng lâng.
Cô gái áo đen không quay đầu lại hỏi:
-Chung Linh xinh đẹp lắm, là ý trung nhân của anh chăng?
Đoàn Dự đáp:
-Không đâu. Chung cô nương tuổi còn nhỏ, tính tình ngây thơ, tôi đâu dám có … có ý đó.
Cô gái đưa tay trái về sau cầm lấy cái hộp vàng. Đoàn Dự thấy bàn tay cô ta đeo một bao tay bằng lụa đen mỏng, không để lộ ra ngoài chút da thịt nào bèn nói:
-Cha tôi ở nơi thành Đại Lý, cô chỉ cần …
Cô gái chặn lại:
-Để từ từ rồi nói cũng được.
Nàng bỏ chiếc hộp vào túi nói:
-Lão họ Chúc kia, mau cút ra khỏi nơi đây.
Một ông già râu tóc bạc trắng run run hỏi lại:
-Ngươi nói sao?
Cô gái gằn giọng:
-Ngươi mau cút ra khỏi sảnh, hôm nay ta không muốn gϊếŧ ngươi.
Ông già kia vung kiếm đâm ra, quát lên:
-Ngươi nói lếu láo gì đó?
Giọng y run run, không hiểu vì quá phẫn nộ hay vì sợ hãi. Cô gái áo đen nói:
-Ngươi không phải thủ hạ của ác bà nương họ Vương, chẳng qua bị hai mụ già này rủ lại đây coi trò vui. Trên đường đi ngươi đối với ta có chiều nể nang, tên khốn kiếp kia toan giở mạng che mặt ta ra xem, ngươi liên tiếp ngăn trở. Hừ, ngươi xem ra không đáng chết, vậy mau cút ra khỏi đây ngay.
Ông già kia mặt xám ngoét, mũi kiếm cầm trong tay từ từ chúc xuống. Đoàn Dự khuyên:
-Cô nương, cô bảo ông ta đi ra cũng đủ rồi, đâu cần phải dùng chữ “cút”. Cô nói năng chẳng nể nang chút nào, Chúc lão gia tử sao không khỏi bực tức?
Ngờ đâu ông già họ Chúc vẻ mặt lúc thì do dự, lúc thì hoảng hốt, đột nhiên nghe keng một tiếng, trường kiếm rơi xuống đất, hai tay ôm mặt, quả thực chạy bay chạy biến ra ngoài. Y vừa giơ tay đẩy cửa sảnh, Bình bà bà vung tay phải ra, một ngọn đoản đao phóng vụt ra trúng ngay giữa lưng. Ông già đó dãy dụa một hồi, lăn lộn dưới đất ra xa cả trượng mới chết hẳn.
Đoàn Dự giận dữ nói:
-Hừ, mụ mập kia, vị lão gia đó cũng là cùng bọn với ngươi, sao ngươi nỡ hạ độc thủ?
Bình bà bà tay phải rút trong lưng ra một thanh đoản đao, hai tay lại có mỗi tay một đao, hết sức chăm chú theo dõi thiếu nữ áo đen, những lời Đoàn Dự nói như nghe mà không biết. Trên sảnh ai nấy tiến lên mấy bước, ra thế dường như sắp xông lên cùng tấn công, xem chừng chỉ cần một người ra lệnh, cả chục món binh khí sẽ nhắm ngay cô gái chém tới.
Đoàn Dự thấy tình hình như thế không khỏi bừng bừng căm giận, quát lớn:
-Các ngươi đông người như thế, vây đánh một cô gái yếu đuối tay không, thật không còn biết gì đến vương pháp hay thiên lý nữa hay sao?
Chàng tiến lên mấy bước chặn sau lưng cô gái áo đen, quát lên:
-Các ngươi có giỏi thì ra tay đi!
Chàng tuy không biết chút võ công nào nhưng đường đường chính khí, trông cũng có chút uy phong. Thụy bà bà thấy chàng có vẻ bất cần đời như thế, trong bụng lại đâm hoang mang, liệu rằng nếu gã thanh niên này nếu không phải thân mang tuyệt nghệ, cố ý giả vờ thì hẳn có kẻ nào ghê gớm lắm đứng đằng sau. Mụ ta phụng mệnh dẫn đồng bọn từ Giang Nam đuổi theo cô gái áo đen tới tận Đại Lý, ở chốn đất khách quê người, thực không muốn gây thêm rắc rối bèn nói:
-Các hạ nhất định phải nhúng tay vào việc này hay sao?
Giọng điệu thật là khách khí, Đoàn Dự đáp:
-Đúng thế, ta không thể nào để cho các người lấy đông đánh một, cậy mạnh hϊếp yếu được.
Thụy bà bà đáp:
-Các hạ thuộc môn phái nào? Đối với con tiểu tiện nhân này là họ hàng hay quen biết? Do ai sai khiến mà đến đây can thiệp vào chuyện này?
Đoàn Dự lắc đầu:
-Ta không quen biết cũng chẳng họ hàng gì với cô nương này cả, thế nhưng trên đời này, việc gì cũng không qua khỏi chữ “lý”, ta khuyên các vị nếu bỏ qua được thì nên bỏ qua, bây nhiêu người mà hϊếp đáp một cô gái đơn côi, có gì là vinh hạnh đâu?
Chàng nói nhỏ:
-Cô nương mau chạy đi, để tôi tìm cách nói phải quấy với họ.
Cô gái áo đen cũng nói nhỏ:
-Anh vì tôi mà chịu chết, sau này không hối hận hay sao?
Đoàn Dự trả lời như đinh đóng cột:
-Chết không hối hận.
Cô gái lại hỏi:
-Anh không sợ chết à?
Đoàn Dự thở dài một tiếng nói:
-Dĩ nhiên là tôi sợ, có điều … có điều …
Cô gái đột nhiên lớn tiếng:
-Anh trói gà không chặt sao lại anh hùng hảo hán đến thế?
Tay phải cô ta vung ra một cái, hai sợi dây lưng sặc sỡ tung ra, chia ra trói hay tay hai chân Đoàn Dự. Thụy bà bà, Bình bà bà thấy cô ta bất thình lình tấn công Đoàn Dự, quả thực ra ngoài dự tính, ai nấy còn đang kinh ngạc thì tay trái của cô gái liên tiếp vung lên. Đoàn Dự chỉ nghe thấy tiếng huỳnh huỵch, bình bành liên tiếp, chung quanh đều có người ngã xuống, trước mắt đao kiếm lấp loáng, trong đại sảnh bao nhiêu đèn nến đột nhiên tắt cả, chỉ thấy tối om, còn mình thì như đằng vân giá vụ bị ai đó nhắc bổng lên.
Mấy biến cố đó nhanh thực là nhanh, chàng không còn biết mình đang ở đâu nữa, chỉ nghe chung quanh có tiếng người la hét nhốn nháo:
-Đừng để con tiện nhân trốn được.
-Coi chừng độc tiễn của nó.
-Ném phi đao! Ném phi đao!
Thế rồi leng keng, loảng xoảng liên tiếp, thân chàng bay bổng lên, tiếng vó câu thật dòn, chàng đã ở trên lưng ngựa, có điều chân tay bị trói chặt không sao nhúc nhích gì được.
Chàng thấy cổ mình tựa vào người ai, mũi ngửi thấy một mùi hương nồng nàn chính là mùi hương từ trên người cô gái. Ngựa chạy lộp cộp, vừa nhẹ nhàng, vừa vững chãi, tiếng hò hét của kẻ địch đuổi theo mỗi lúc một xa. Con Hắc Mai Côi thân thể đen tuyền, cô gái lại mặc toàn một màu đen, trong đêm trời tối mịt, có mở to mắt cũng không thấy gì, chỉ thấy một mùi hương thoang thoảng xông vào mũi, càng thêm kỳ bí.
Con ngựa chạy một hồi thì tiếng kêu la của địch nhân không còn nghe thấy nữa, Đoàn Dự nói:
-Cô nương, tôi có ngờ đâu cô tài nghệ ghê gớm đến thế, xin cô thả tôi ngồi dậy.
Cô gái áo đen chỉ hừ một tiếng, không để ý gì đến chàng. Chân tay Đoàn Dự bị trói chặt, con Hắc Mai Côi chạy một bước thì sợi dây lại chặt thêm một tí, chân tay mỗi lúc một đau, lại thêm chân cao đầu thấp, treo chéo trên lưng ngựa, càng lúc càng thêm nhức đầu hoa mắt, quả thực khổ sở biết bao liền nói:
-Cô nương, mau thả tôi ra nào.
Nghe bốp một tiếng, má chàng đã ăn một cái tát đau điếng. Cô gái cất giọng lạnh như tiền:
-Không được léo nhéo, cô nương không hỏi thì đừng mở mồm.
Đoàn Dự giận quá nói:
-Sao vậy?
Lại bốp bốp lãnh thêm hai cái nữa, lần này còn mạnh hơn kỳ trước, khiến chàng tai như ù đi. Đoàn Dự lớn tiếng kêu lên:
-Sao cô cứ động một tí là đánh người, có thả tôi ra không nào, tôi không muốn đi chung với cô nữa.
Đột nhiên chàng thấy thân mình tung lên, nghe bình một tiếng đã rơi bịch xuống đất, có điều tay chân đều bị trói chặt, một đầu dây vẫn còn trong tay cô gái, Đoàn Dự liền bị con ngựa giựt mạnh, kéo lê trên đường mà đi.
Cô gái quát một tiếng nhỏ ra lệnh cho con ngựa đi chậm lại, hỏi:
-Ngươi đã phục chưa? Có chịu nghe lời ta không nào?
Đoàn Dự lớn tiếng:
-Không phục, không phục! Không nghe, không nghe! Dù ta có chết ngay ta cũng không sợ. Ngươi mới hành hạ ta một tí, ta sợ … ta sợ …
Chàng vốn dĩ định nói “ta sợ gì đâu” nhưng ngay lúc đó trên đường có một cái gò, cháng bị xóc lên hai lần thành ra hai chữ “gì đâu” không nói ra được. Cô gái cười khẩy hỏi:
-Ngươi sợ rồi ư?
Nàng ta giựt một cái, chàng lại bật tung lên trên yên. Đoàn Dự nói:
-Ta muốn nói “Ta sợ gì đâu?” lẽ dĩ nhiên là không sợ, mau thả ta ra. Ta không muốn để ngươi lôi đi như thế này nữa.
Cô gái hừ một tiếng nói:
-Trước mặt ta đâu có ai được quyền nói? Ta muốn hành hạ ngươi, hay muốn ngươi chết dở sống đở, chứ đâu phải chỉ là “hành hạ một tí” mà thôi đâu?
Nói xong hất tay trái một cái lại quăng Đoàn Dự khỏi lưng ngựa, kéo lê dưới đất. Đoàn Dự trong bụng tức quá, nghĩ thầm: “Những kẻ kia mở miệng ra là gọi ngươi “tiểu tiện nhân” âu cũng phải”. Chàng bèn kêu lên:
-Nếu ngươi không thả ta ra, ta chửi cho đấy.
Cô gái trả lời:
-Ngươi có gan thì cứ chửi, trong một đời ta, bị chửi chưa đủ hay sao?
Đoàn Dự nghe thấy nàng trả lời dường như chứa đựng một nỗi đau lòng thành ra ba chữ “tiểu tiện nhân” vừa ra đến cửa miệng, trong lòng thấy xót xa, vội vàng ngừng lại.
Cô gái chờ một lát thấy chàng không mở miệng liền hỏi:
-Ồ, thì ra ngươi không dám chửi.
Đoàn Dự đáp:
-Ta nghe cô nói thấy đáng thương nên không nỡ chửi chứ nào có sợ gì đâu?
Cô gái huýt một tiếng dục ngựa, con Hắc Mai Côi liền tung bốn vó chạy nhanh hơn. Lần này Đoàn Dự thật là khổ, đầu cổ tay chân bị đá nhọn trên đường làm cho máu me dầm dề. Cô gái kêu lên:
-Ngươi có đầu hàng chưa nào?
Đoàn Dự lớn tiếng chửi:
-Ngươi không biết tốt xấu, trái phải, một đứa con gái tàn ác độc địa chẳng ra gì.
Cô gái đáp:
-Ta vốn dĩ tàn ác độc địa, việc gì phải đợi ngươi nói? Tưởng ta không biết hay sao?
Đoàn Dự đáp:
-Ta … ta … đối với ngươi … đối với ngươi … một lòng tử tế …
Đột nhiên đầu chàng va vào một cục đá trồi lên, lập tức mê man không còn biết gì nữa. Không biết bao lâu, bỗng thấy đầu mát rượi, chàng liền tỉnh lại, tiếp theo nước òng ọc chảy vào mồm, chàng vội ngậm miệng lại, nhưng sặc sụa ho lên sù sụ khiến cho nước chảy vào mồm vào mũi càng nhiều. Thì ra chàng bị buộc dây kéo lê trên đường, cô gái thấy chàng hôn mê liền giục ngựa chạy ngang một con suối để cho chàng thấm nước mà tỉnh lại. Cũng may con suối đó rất hẹp, con ngựa chỉ bước vài bước đã qua, Đoàn Dự áo quần ướt đẫm, bụng uống đầy nước căng phồng, trên mình đầy vết thương, quả thật vừa đau đớn vừa khó chịu.
Cô gái kia hỏi:
-Ngươi đã phục chưa nào?
Đoàn Dự nghĩ thầm: “Trên đời này sao lại có đứa con gái ngang ngạnh không biết điều đến thế, quả thật đúng là trời già cay nghiệt, âu cũng là cái số kiếp mình phải chịu nên mới rơi vào tay cô ta, có nói thêm nữa cũng bằng thừa”. Cô gái hỏi mấy lần:
-Ngươi đã phục chưa? Chịu khổ như thế đã đủ chưa nào?
Đoàn Dự chẳng nói chẳng rằng, làm như không nghe thấy. Cô gái sẵng giọng:
-Bộ tai ngươi điếc hay sao? Sao không trả lời ta hả?
Đoàn Dự vẫn không lên tiếng. Cô gái gò cương ngựa quay lại xem chàng đã tỉnh chưa. Khi đó trời sắp qua đêm, phương đông đã hừng sáng, nàng thấy Đoàn Dự hai mắt mở thao láo, hậm hực nhìn mình, bèn quát:
-Giỏi nhỉ, ngươi đâu có bất tỉnh, lại giả chết để dỡn mặt với ta. Để ta cho ngươi biết tay xem ngươi ghê gớm, hay ta ghê gớm.
Nói xong nàng nhảy xuống ngựa, nhẹ nhàng tung mình lên một cây lớn bẻ một cành cây, nghe vυ't một tiếng đã quất một roi ngay mặt Đoàn Dự. Đoàn Dự lần đầu cùng nàng đối diện, thấy nàng che mặt bằng một miếng vải đen, chỉ để lộ đôi mắt đen láy nhìn mình, mỉm cười nghĩ thầm: “Dĩ nhiên ngươi ghê gớm hơn, con đàn bà độc ác này, ai còn lợi hại hơn ngươi được nữa?”.
Cô gái hỏi:
-Đến nước này mà ngươi còn cười được ư? Ngươi cười gì?
Đoàn Dự nhìn nàng nhăn mặt trêu chọc, lại nhếch mép cười khiến cô gái giận dữ giơ roi quất luôn bảy tám cái. Đoàn Dự lúc này đã coi sống chết không vào đâu, mặt nhơn nhơn không thèm nói gì cả, cố hết sức nở một nụ cười. Thế nhưng cô gái kia ra tay thật là âm độc, khúc cây đánh xuống toàn nhằm vào chỗ nhược, dễ đau nhất khiến chàng mấy lần nhịn không nổi toan kêu lên nhưng rồi cố nghiến răng mà chịu.
Cô gái kia thấy chàng bướng bỉnh đến thế, hung hăng nói:
-Giỏi lắm, ngươi giả câm giả điếc, để ta cho ngươi thành điếc thật.
Nàng ta cho tay vào túi, lấy ra một thanh chủy thủ, mũi dao dài chừng bảy tấc, hàn quang lấp lánh tiến về phía chàng, giơ dao nhắm ngay tai phải Đoàn Dự quát lên:
-Ngươi không nghe ta nói hay sao? Ngươi muốn giữ hay không muốn giữ cái tai này?
Đoàn Dự cũng không thèm trả lời, cô gái mắt lộ hung quang giơ tay lên, chủy thủ trong tay đâm luôn vào tai chàng. Đoàn Dự hoảng quá kêu lên:
-Này, ngươi định đâm thật hay sao chứ? Ngươi đâm điếc tai ta, liệu có tài chữa cho khỏi hay không thì bảo?
Cô gái hứ một tiếng nói:
-Cô nương gϊếŧ người còn làm cho sống lại được, ngươi không tin thì thử cho biết.
Đoàn Dự vội đáp:
-Ta tin, ta tin, khỏi cần thử làm gì.
Cô gái thấy chàng mở mồm nói, xem chừng phục mình lắm rồi nên không hành hạ thêm nữa, nhắc Đoàn Dự lên để lên yên ngựa, chính nàng ta cũng nhảy lên yên nhưng lần này để đầu cao chân thấp tử tế hơn một chút. Đoàn Dự không còn bị treo ngược đầu, tay chân tuy vẫn còn đau vì bị trói chặt, nhưng so với bị kéo lê dưới đất cũng một trời một vực nên không dám mở mồm chọc cho nàng ta nổi cáu.
Chạy được chừng hơn nửa giờ, Đoàn Dự mắc tiểu quá, muốn nói cô gái cho mình đi giải nhưng tay bị trói không cách nào ra hiệu, hơn nữa dẫu tay có tự do cũng không biết làm sao cho cô ta hiểu được nên đành phải nói:
-Tôi đau bụng xin cô nương thả tôi ra một chút.
Cô gái đáp:
-Hay lắm, thế là bây giờ ngươi hết câm rồi? Có còn gì để nói nữa không?
Đoàn Dự nói:
-Sự đến nước này đâu có dám để dây bẩn vào cô nương, cô nương là “hương mỹ nhân”, còn nếu như tôi biến thành “xú tiểu tử” thì thật đâu có hay ho gì.
Cô gái nhịn không nổi cười khì một tiếng, nghĩ bụng thôi thì đành phải thả y ra vậy nên rút kiếm ra cắt đứt dây cho chàng còn chính mình cũng đi ra chỗ khác. Đoàn Dự bị cô gái trói cả nửa ngày, chân tay tê cứng không sao cử động được, nằn lăn lộn trên mặt đất hồi lâu mới đứng lên nổi, đi tiểu xong thấy con Hắc Mai Côi đứng ở một bên gặm cỏ trông thật thuần tính nghĩ thầm: “Lúc này không chạy thì còn lúc nào?”. Chàng rón rén nhảy lên yên, con ngựa không kháng cự gì cả. Đoàn Dự cầm cương giựt ngựa chạy về hướng bắc.
Cô gái nghe tiếng ngựa hấp tấp đuổi theo nhưng con Hắc Mai Côi chạy nhanh vô tỉ, khinh công nàng tuy cao nhưng sao đuổi kịp. Đoàn Dự vòng tay nói:
-Cô nương, có ngày gặp lại.
Chàng chỉ nói được thế, con ngựa đã vọt lên đến hơn hai chục trượng. Chàng quay lại thấy cô gái đã bị hàng cây che khuất, thoát được độc thủ của con nữ ma đầu này rồi, trong lòng sung sướиɠ không đâu cho hết, miệng liên tiếp giục ngựa:
-Ngựa ngoan ơi, ngựa tốt ơi! nhanh lên nào, nhanh lên nào!
Hắc Mai Côi chạy được chừng một dặm, Đoàn Dự nghĩ thầm: “Mình lằng nhằng mất một ngày, không biết có còn kịp cứu Chung cô nương nữa hay không? Nếu mình chạy suốt, không ăn không ngủ không kể sống chết chẳng biết Hắc Mai Côi chịu nổi hay không?”. Chàng còn đang suy tính, bỗng nghe từ đằng sau xa xa truyền lại một tiếng hú thật trong trẻo.
Hắc Mai Côi nghe thấy tiếng hú, lập tức quay đầu, theo đường cũ chạy ngược về. Đoàn Dự hết sức hoảng hốt, vội kêu:
-Ngựa tốt ơi, ngựa ngoan ơi! Đừng có quay lại.
Chàng hết sức gò dây cương cố bắt con ngựa quay đầu. Thế nhưng tuy con Hắc Mai Côi bị kéo ngoẹo cả đầu sang một bên, thân hình vẫn cứ thẳng đường chạy tới, không nghe chàng chỉ huy nữa.
Chỉ trong giây lát, con ngựa đã chạy tới trước mặt cô gái đứng phắt lại. Đoàn Dự dở khóc dở cười, thần sắc thật là ngượng ngùng. Cô gái kia lạnh lùng hỏi:
-Ta vốn chẳng muốn gϊếŧ ngươi, thế nhưng ngươi len lén bỏ trốn, lại còn ăn cắp con Hắc Mai Côi của ta, thế có phải là đại trượng phu chăng?
Đoàn Dự nhảy xuống ngựa, ngang nhiên đáp:
-Ta nào có phải là nô ɭệ của cô đâu, muốn đi đâu thì đi, làm gì có chuyện “len lén bỏ trốn”? Hắc Mai Côi là cô cho ta mượn, ta đã trả lại đâu, sao lại gọi là ăn cắp được. Cô muốn gϊếŧ ta thì gϊếŧ có sao. Tăng Tử nói: “Tự phản nhi súc, tuy thiên vạn nhân, ngô vãng hĩ”. Ta tự mình quay lại, có gì mà không phải đại trượng phu?
Cô gái nói:
-Cái gì mà “súc” với chả không “súc”? Ngươi có rụt đầu ta cũng cho ngươi một kiếm.
Nàng không hiểu Đoàn Dự dẫn kinh sách ra nói, tay cầm cán kiếm, rút ra nửa chừng nói:
-Ngươi lớn mật như thế, bộ tưởng ta không dám gϊếŧ hay sao? Ngươi ỷ vào thế của ai mà dám ngang nhiên chống báng với ta?
Đoàn Dự đáp:
-Tôi đối với cô nương không có điều gì phải hổ thẹn, việc gì phải dựa dẫm thế của người nào?
Đôi mắt lạnh như băng của cô gái nhìn thẳng vào Đoàn Dự, Đoàn Dự cũng giương mắt nhìn lại không hề hãi sợ chút nào. Hai người đứng nhìn nhau một hồi, nghe soạt một tiếng cô gái đã tra kiếm trở vào bao, quát lên:
-Ngươi đi đi! Ta tạm để cái đầu trên cổ ngươi, để khi nào cô nương cao hứng sẽ tới lấy.
Đoàn Dự vốn dĩ coi như mình chắc chết rồi, không ngờ nàng ta lại thả cho mình đi, hơi ngạc nhiên nhưng không dám nói thêm, quay mình khập khễnh bước đi.
Chàng đi được chừng mươi trượng, không nghe tiếng vó ngựa, quay đầu lại nhìn, thấy cô gái vẫn đứng đó ngơ ngơ ngẩn ngẩn, nghĩ thầm: “Chắc nàng ta đang tính toán chuyện gì thật ác độc như mèo vờn chuột, đùa rỡn với mình một hồi rồi mới gϊếŧ. Thôi được, ta có chạy cũng không xong, chi bằng kệ nó đến đâu thì đến”. Ngờ đâu chàng càng đi càng xa nhưng vẫn không thấy cô gái cưỡi ngựa đuổi tới.
Chàng rẽ luôn qua mấy con đường nhánh bấy giờ mới thấy hơi yên tâm, những vết thương trên đầu trên cổ, trên chân trên tay lúc này mới thấy đau, nghĩ thầm: “Cô gái này bụng dạ thật là quái đản, hay là cô ta cha mẹ chết hết rồi, cuộc đời gặp phải biết bao nhiêu chuyện bất hạnh. Hay là cô ta mặt mũi thật xấu xa nên không dám lộ mặt ra nhìn ai, thế thì quả là đáng thương thật. Chao ôi! Cái hộp vàng của Chung phu nhân đưa cho ta nay ở bên nàng rồi”.
Chàng muốn quay lại đòi nhưng lại không dám, nghĩ thầm: “Ta gặp cha ta, cùng lắm là bằng lòng học võ công, cha ta thể nào cũng đi cứu Chung cô nương, còn như nếu cha ta không chính mình đi, cử người khác đi thì cũng được. Cái hộp đó cũng chẳng dùng được bao nhiêu nhưng ta không có ngựa cưỡi, điệu này đi về Đại Lý thì nửa đường đã bị chất độc phát tác chết rồi. Chung cô nương chờ đợi cứu viện mỏi mòn, một ngày dài như một năm, nàng không thấy ta quay lại, cha nàng cũng không tới chắc lại tưởng mình không đưa tin. Chi bằng mình quay lại núi Vô Lượng, cùng nàng chết chung một nơi để cho nàng hay ta không có ý phụ nàng”.
Chàng đã quyết ý như thế, lập tức nhắm kỹ phương hướng, hăng hái rảo bước, nhắm núi Vô Lượng mà đi. Bờ sông Lan Thương thật là hoang dã, đi đến mấy chục dặm vẫn không hề thấy một mái nhà. Hôm đó chàng đành hái một số trái cây dại ăn cho đỡ đói, đến đêm thì kiếm một cái hốc núi ngủ cho qua. Hôm sau quá trưa, lại đến một chiếc cầu làm bằng xích sắt, qua trở lại bờ sông bên kia, đi đến hơn ba chục dặm đến được một cái thị trấn nhỏ. Bao nhiêu tiền bạc khi chàng rơi xuống thâm cốc bên cạnh vách núi đã mất hết rồi. Nhìn lại toàn thân y phục rách bươm, bụng lại đói quá, chỉ còn miếng bích ngọc trên mũ là quí giá bèn lấy xuống đến một tiệm bán gạo trong thị trấn gạ đổi. Tiệm gạo nào có phải nơi đổi ngọc nhưng ở đây chỉ có tiệm này là lớn nhất, người chủ tiệm thấy chàng khí khái hiên ngang, không dám coi thường nhưng không biết giá trị của viên ngọc, chỉ trả có hai lạng bạc. Đoàn Dự cũng chẳng kèo nài, cầm tiền định đi mua áo mũ, nhưng thị trấn nhỏ quá không có chỗ bán y phục nên đành đến quán mua cơm ăn.
Chàng vừa ngồi xuống ghế, hai đầu gối theo chỗ rách thò ra, trường bào vạt trước vạt sau rách mất cả rồi, quần thì sau đũng cũng có mấy cái lỗ lớn, lộ cả mông ra, gió thổi hiu hiu nghĩ thầm: “Cái cảnh lòi da lòi thịt thế này trông thật bất nhã, phải tìm cách nào che đi mới được”.
Gã chủ quán mang đồ ăn lên nói:
-Hôm nay không gặp ngày, chẳng có cá thịt gì hết, xin tướng công ăn ít rau dưa đậu phụ qua bữa vậy.
Đoàn Dự đáp: “Không sao! Không sao!” Nói xong liền cầm đũa lên ăn ngay. Chàng con nhà quyền quí, hôm nay ăn mặc rách rưới hở cả mông, ngồi ăn mấy món bình dân nhưng vì mấy ngày qua không có hạt cơm nào vào bụng, tuy chỉ rau đậu nhưng ngon miệng vô cùng. Chàng ăn đến bát thứ ba bỗng nghe ngoài cửa tiệm có tiếng người nói:
-Nương tử, ở đây có cái quán nhỏ, vào xem có gì ăn không nào?
Có tiếng một người đàn bà ỏn ẻn:
-Gớm xem ra chàng chẳng bao giờ thấy no cả.
Đoàn Dự nghe thấy thanh âm thật quen thuộc, lập tức nhận ra ngay đó là Can Quang Hào của phái Vô Lượng Kiếm cùng với Cát sư muội của y, trong bụng hoảng hốt, vội vàng quay mặt vào tường, nghĩ thầm: “Sao y lại gọi là “nương tử” nhỉ? Ồ, thế ra họ đã thành vợ chồng. Ta xủ phải quẻ Vô Vọng, hào lục tam, Vô Vọng chi tai, hoặc hệ chi ngưu, hành nhân chi đắc, ấp nhân chi tai. Vị Can lão huynh kia được vợ, còn Đoàn công tử này lại bị vạ lây.
Lại nghe Can Quang Hào cười hì hì nói:
-Vợ chồng mới cưới, có biết thế nào là no?
Cô nàng Cát sư muội kia bèn hứ một cái, tủm tỉm cười nói nhỏ:
-Đồ chết tiệt! Thế chắc đến lúc răng long đầu bạc rồi lúc ấy mới no hay sao?
Giọng thị nghe đầy vẻ gió trăng. Hai người vào quán ngồi xuống, Can Quang Hào liền kêu lên:
-Chủ quán đâu, đem rượu thịt ra đây, có thịt bò thì lấy ra một bát trước … ủa …
Đoàn Dự nghe thấy tiếng bước chân ở đằng sau, một bàn tay to lớn chộp luôn vào vai phải, xoay ngược chàng lại, đối diện với Can Quang Hào. Đoàn Dự cười gượng:
-Can lão huynh, Can đại tẩu, kính chúc hai vị trăm năm hòa hợp, đầu bạc răng long, hai phái Đông Tông, Tây Tông của Vô Lượng Kiếm nay hợp làm một.
Can Quang Hào cười ha hả, quay đầu liếc nhìn Cát sư muội của y một cái. Đoàn Dự thuận thế nhìn theo, thấy mụ Cát sư muội này mặt trái xoan, má bên trái có mấy nốt rỗ hoa, nhưng trông cũng khá xinh xắn. Có điều y thị đầy vẻ kinh ngạc, nhưng dần dần chuyển thành hung quang, gằn giọng hỏi:
-Hỏi nó cho rõ ràng làm sao đến được nơi đây? Chung quanh có người nào của Vô Lượng Kiếm không?
Vẻ tươi cười trên mặt Can Quang Hào liền biến mất, đổi thành hầm hầm hỏi:
-Vợ ta nói gì ngươi có nghe không? Nói mau.
Đoàn Dự nghĩ thầm: “Ta phải nói nhăng nói cuội một phen, dọa cho chúng bỏ chạy, nếu không hai đứa này thể nào cũng gϊếŧ mình để bịt miệng”. Chàng bèn nói:
-Quí phái có bốn vị sư huynh, tay cầm trường kiếm, vừa mới hấp ta hấp tấp chạy qua đây, đi về hướng đông, dường như đang đuổi theo ai đó.
Can Quang Hào thất sắc, nói với Cát sư muội:
-Thôi đi.
Mụ vợ y liền đứng lên, tay phải ra thế gϊếŧ người. Can Quang Hào gật đầu, rút phắt trường kiếm, nhắm ngay cổ Đoàn Dự chém tới. Nhát kiếm đó thật nhanh, Đoàn Dự thấy mụ Cát sư muội kia ra hiệu biết là không xong, vội rụt người về sau nhưng làm sao tránh kịp, chỉ thấy một lưỡi đao trắng vụt tới cổ mình, đột nhiên nghe bụp một tiếng nho nhỏ, Can Quang Hào ngã ngửa ra, trường kiếm tuột tay rơi xuống. Lại nghe bụp một tiếng khác, mụ Cát sư muội kia đang toan chạy ra, nghe thấy tiếng Can Quang Hào kêu lên, chưa kịp quay đầu lại nhìn, thì cũng đã gục ngay bên ngạch cửa.
Hai người chỉ kịp oằn oại mấy cái rồi nằm yên, trên cổ Can Quang Hào cắm một mũi tên nhỏ màu đen, còn Cát sư muội kia thì đằng sau ót trúng tiễn. Hai tiếng vụt vụt đó chính là tiếng mà cô gái áo đen tối hôm qua dập tắt nến, bắn ám khí gϊếŧ địch nhân để tháo lui.
Đoàn Dự vừa mừng vừa lo, quay đầu nhìn ra thấy đằng sau không có ai cả, nhưng nghe bên ngoài cửa quán có tiếng ngựa hí đã thấy cô gái cưỡi con Hắc Mai Côi chầm chậm chạy ngang. Đoàn Dự kêu lên:
-Đa tạ cô nương cứu mạng.
Chàng chạy vội ra, cô gái không thèm liếc mắt nhìn chàng, cứ giục ngựa chạy tiếp. Đoàn Dự nói:
-Nếu không nhờ cô bắn hai mũi tên thì lúc này đầu tôi không còn trên cổ nữa rồi.
Cô gái cũng không buồn trả lời. Gã chủ quán đuổi theo kêu lên:
-Tướng … tướng công, gϊếŧ … gϊếŧ người rồi, đâu có bỏ đi được.