Ta Đến Là Vì Em

Chương 1: Lần nữa xuyên không

Thời tiết vừa mới sang xuân, rốt cuộc tôi cũng đã dần quen với việc học hành bận rộn của sinh viên năm bốn.

Tôi lểu thểu rời khỏi giường, theo thói quen kéo kéo mặt dây chuyền về phía trước ngực. Sợi dây bạc lành lạnh trên cổ, lúc nào cũng truyền tới tôi cảm giác thân quen.

Y như là, cậu ấy vẫn luôn ở đây… Lục Tiếu Trình.

Đã hai năm rồi từ ngày tôi trở lại thời điểm hiện tại, vĩnh viễn không còn gặp lại cậu ấy. Lục Tiếu Trình lựa chọn ở lại quá khứ, lựa chọn ở bên cạnh quận chúa Lê Hinh… Cậu ấy không cùng tôi quay về.

Tôi vẫn luôn tự nhủ với lòng mình rằng, chuyện đã qua rồi, hãy khép nó lại thôi, mình đã có thể trở về, thì hãy cố gắng sống thật tốt quãng đời còn lại. Tiếu Trình, cậu ấy nhất định vẫn đang sống tốt, đương nhiên là ở thời điểm cách tôi hơn sáu trăm năm…

Dù đã tự nhủ lòng mình như vậy, nhưng tôi vẫn không khỏi hết băn khoăn. Vì sao tôi vẫn có thể trở về hiện tại? Nếu đã là một nhân tố lịch sử, thì ắt hẳn tôi dù thế nào vẫn phải có lý do ép mình ở lại quá khứ. Chẳng lẽ, hai năm về trước, tôi xuyên không về thời đại Hậu Lê, nhưng cũng chỉ là kẻ qua đường không góp phần tạo nên lịch sử như Lục Tiếu Trình?

Càng nghĩ càng thấy khó hiểu! Mẹ tổ sư, chẳng lẽ ông trời làm tôi phải xuyên không, cũng chỉ là để gặp công chúa Lê Hiểu Nguyệt đáng ghét, để rồi con bé đó cứ mở miệng ra là gọi tôi: “Đồ âm dương lẹo cái!”

Tôi nhíu mày, khẽ nhìn mình trong gương. Ngoại trừ dáng người hơi nhỏ một chút, thì dẫu sao khi cải trang nam tử, tôi cũng đẹp trai lắm cơ mà. Tuy không thể bằng Lục Tiếu Trình, nhưng gương mặt tôi cũng… đươc đấy chứ.

“Lẹo cái cái đầu bà nội ý!” Nghĩ đến cô công chúa cổ đại luôn làm mình tức điên kia, tôi chải răng thật mạnh, âm thanh vang lên chẳng khác nào đang cọ nhà xí.

Rốt cuộc lại chảy máu chân răng toét toe.

Hậm hực cho nốt miếng bánh mì vào miệng mà nhai như nhai rơm, tôi ung dung dắt xe ra khỏi nhà, đi tốc độ tình yêu 20 cây số trên giờ để đến trường. Bẩm sinh tôi không phải đủng đỉnh thành quen, mà là từ khi tỉnh lại trong bệnh viện cách đây hai năm thì dù trời có sập xuống, tôi vẫn nhất định từ tốn chậm rãi. Tinh thần giác ngộ cách mạng của tôi cực cao, nếu ông trời đã cho cơ hội trở lại, thì nhất định tôi sẽ không lãng phí từng phút giây. Thế nên dù đã muộn học mất hơn mười phút, tôi vẫn cẩn thận bỏ mũ bảo hiểm vào trong thùng xe khóa lại rồi mới đi.

“Dương Hạ Vy, em lại đến muộn!” Cô giáo trên bục giảng lăm lăm cầm cái giẻ lau khua khoắng về phía cửa nơi tôi đứng, áng chừng nếu không vì bên dưới có hàng chục sinh viên đang dõi mắt lên nhìn, thì chắc chắn tôi sẽ ăn nguyên cả cái giẻ hôi rình và hộp phấn bụi mờ vào mồm.

“Dạ vâng.” Tôi dứt khoát gật đầu.

"Đừng có lấy cái lý do phải dọn thư phòng của ông nội. Tôi không chấp nhận nữa đâu!”

“Dạ không, lần này em ngủ quên.”

Tôi hết sức cẩn thận lời ăn tiếng nói, thế mà không hiểu nguyên cớ làm sao, cả lớp lại phá lên cười. Thậm chí mấy bữa trước, những đứa bạn tôi hay nói chuyện còn phong tôi là Thánh Lầy nữa chứ.

Cô giáo tức giận, mặt đỏ tía tai, quát tháo một hồi không ăn thua, liền ngậm ngùi cay đắng mà cho tôi vào lớp.

Tôi chỉnh chỉnh lại áo khoác, gật đầu cảm ơn cô một cái rồi lững thững đi về phía chỗ mấy đứa bạn hay chơi cùng. Ngồi xuống bên cạnh Hoa Ngọc Lan (vâng chính xác tên con bạn tôi là như thế, không phải là tôi ngồi cạnh một chậu cây đâu), tôi liền đánh mắt nhìn nó một cái.

Sắc mặt không tốt, ánh mắt lờ đờ, người đầy mùi thuốc khử trùng, thậm chí trên tay còn có vết chích. Tôi khẽ nhíu mày: “Thí chủ vừa đi viện về à?”

Con bé kinh ngạc ngước mắt nhìn tôi, đôi mắt trong veo hàng ngày vằn viện đầy tơ máu. “Họ Dương, sao cậu biết hay thế?” Nó bất giác hạ thấp giọng hơn, “Sốt virus, nhưng môn này quan trọng quá nên tớ cố đến ngồi. Đừng để tụi kia biết, không chúng nó ép tớ về mất.”

Bất giác, tôi nhích người ra khỏi con bé, giọng đầy trịnh trọng: “Ê này bông hoa nhỏ, cậu về ngay đi, tớ không bao che tội phạm đâu. Cậu mà ngất ra đấy thì tính sao? Còn có khả năng cao là lây lan truyền nhiễm bệnh dịch nữa…”

Chưa để tôi nói hết câu, Hoa Ngọc Lan đã hớt hải lấy tay che miệng tôi lại, oán trách. “Thấp giọng một chút, việc này mình cậu biết thôi.”

“Đương nhiên, lão tử từng là thầy bói sáu trăm năm về trước đó!”

“Lão tử cái gì? Cậu là con gái đấy, đồ hâm.”

Thật ra tôi đâu có nói dối, lần xuyên không đó tôi đã phải lăn lộn vất vả kiếm sống trong bộ dáng thầy bói cực khôi hài, may mắn là người thế kỷ 21, lượng kiến thức cho đến đại học không nhỏ, nên mới dối người gạt tiền được. Nói thế có hơi quá đáng, là tôi xem tướng tá người ta nên mới phán thôi, đâu có lừa gạt đâu chứ!

Thế mà cái con nhỏ đó, luôn miệng nói tôi âm dương lẹo cái gạt người…. Nghĩ đến Lê Hiểu Nguyệt, tôi lại nghiến răng ken két.

Có khi cũng thành thói quen mất rồi!

“Này, Hạ Vy!”

Tôi giật mình, quay sang nơi vừa phát ra tiếng nói. Thì ra là lớp trưởng, cô bé đang nghiêm túc nhìn tôi. “Ký vào đây.”

Nghi hoặc nhận lấy tờ đơn đăng ký từ lớp trưởng, liếc mắt một cái tôi liền cảm thấy sống lưng lạnh toát. Khóe môi giần giật, tôi lắp ba lắp bắp hỏi lại: “Đi… đi du lịch… Hạ Long?”

Lớp trưởng gật đầu. Cả lớp cũng đổ dồn mắt vào tôi.

Nghĩa là nơi đó… nước… rất nhiều nước!! Bớ làng bớ nước ơi!! ----- Tôi ôm lấy ba lô, tư thế bỏ chạy sẵn sàng. Thế nhưng lớp trưởng và Hoa Ngọc Lan đã nhanh tay nhanh miệng hơn: “Anh em đâu, túm chặt lấy họ Dương, để con bé này ký xong đơn mới được thả.”

Lập tức cả chục mạng người lao vào phía tôi, đè chặt tôi xuống mặt bàn. Tôi chẳng kịp ú ớ kêu lên, đã thấy ai đó cầm lấy tay, hình như đang ép tôi ký xuống.

Tôi cố gắng giật giật tay lại, miệng gào rống lên: “Không, tôi không đi! Tôi không muốn đi đâu! Bớ người ta, hϊếp da^ʍ tập thể!”

Lại nghe giọng lớp trưởng oang oang bên tai: “Năm thứ tư rồi còn trốn đi chơi cùng lớp, lần này cậu có trốn đằng trời. Anh em, ghì cho chặt!”

Liền sau đó, tôi cảm thấy cây bút kia trong tay mình đang nghuệch ngoạc đưa trên mặt giấy. Tôi không cam lòng, cố gắng giãy dụa. Thế nhưng cái tên Dương Hạ Vy đã mau chóng được hoàn thành một cách xiêu vẹo trên lá đơn, tôi lập tức cảm thấy hít thở lưu thông dần, cả chục mạng người lúc này mới thả tôi ra.

Nhìn tôi nằm bẹp dưới mặt bàn, lũ khốn kia nhe răng cười: “Này, giấy trắng mực đen, cậu mà không đi, chúng tôi tế sống cậu.”

Tôi nhìn tên mình sáng lóa trên tờ giấy mà hận không thể nhỏ hai hàng lệ, chỉ biết oán trách nhìn cả lũ kia rồi thẫn thờ ôm lấy ba lô.

Thật ra không phải tôi sợ đi du lịch, hay là ngại không muốn tham gia hoạt động tập thể. Mà là từ sau lần xuyên không đó, rồi hai năm trước trở về, tôi có ám ảnh cực nặng với sông, hồ, hoặc biển… Bất kể chỗ nào có nhiều nước, tôi liền sợ hãi mà tránh xa. Bởi tôi luôn có cảm giác, nếu xẩy chân mà ngã nhào xuống, không biết chừng lại xuyên về quá khứ thêm lần nữa.

Vì lá đơn kinh hoàn trưa hôm ấy, mà tôi mặt nặng mày nhẹ nguyên cả ngày. Cho đến thời điểm bị ông nội cốc cho một cái u đầu, mặt tôi vẫn khó đăm đăm.

“Bây xem cái mặt bây là loại bồn xí gì?” Giọng nội oang oang vọng đến, liền sau đó từ trên sạp gỗ mà vùng dậy làm tôi hết cả hồn, “Trời đẹp như thế này thì phải ra ngoài mà chơi cùng các bạn chứ. Con gái lớn hai mấy tuổi đầu rồi còn ru rú trong nhà thì cua được thằng nào đây?”

Tôi vẫn lom khom cúi người dọn dẹp giá sách, chỉ nhíu mày lẩm bẩm: “Con có nói con sẽ yêu thằng nào hả nội? Chả qua lão tử đây không thích, chứ không thì có mà cũng đầy người theo.”

“Bây cứ liệu thần hồn. Chăm tập thể dục thể thao cho cơ thể nở nang khỏe mạnh ra, con gái con đứa gì mà lại ăn mặc như vậy?”

Thật ra do lúc tối ra ngoài vội vàng, tôi liền vớ đại bộ quần áo của ông anh vứt trên ghế sô pha, chứ có phải tôi cố ý mặc đồ đàn ông đâu mà.

“Con nói nội nghe này, lần sau gặp con phải hẹn lịch đoàng hoàng. Đùng cái kêu người ta bay qua gấp lại còn dọa uýnh nữa, ai mà không vội vàng cho cam!”

“Cái thứ mất dạy gì đâu, cứ cãi nham nhảm…”

Hai ông cháu tôi cứ đôi co mãi như vậy, cho tới khi không còn sớm, tôi mới cười hì hì, trêu chọc nội vài câu rồi dắt xe ra về.

Thực ra tôi với nội không có họ hàng thân thích, nhưng nội lại là ông ruột của Lục Tiếu Trình. Từ nhỏ hai chúng tôi đã nhận được nền giáo dục nghiêm khắc của nội, lại được thương yêu chiều chuộng, thế nên cho dù không có họ hàng thân thích gì cả, tôi vẫn nhất mực coi nội như ruột thịt. Hơn nữa tôi cũng đã hứa với Tiếu Trình, từ giờ tôi sẽ chăm sóc cẩn thận cho gia đình cậu ấy. Tôi nhất định sẽ giữ lời hứa của mình!

[c]~o0o~[/c]

Cuối cùng thì cái ngày đi tham quan kinh hoàng ấy cũng đến. Tôi cả đêm thao thức không ngủ được, tìm mọi lý do để thoái thác, rốt cuộc mới bốn giờ sáng, Hoa Ngọc Lan đã đập cửa rầm rầm gọi tôi ra trường cùng con bé. Tôi biết không tránh được, thôi thì chuẩn bị qua loa đại khái, thất tha thất thểu khoác ba lô lên vai.

Không hiểu vì lý do gì mà khi ánh mắt lướt qua bộ áo đạo sĩ vẫn gấp gọn trong tủ đồ từ ngày trở về chưa lần nào chạm đến, tôi lại có chút chần chừ. Mất một vài giây, tôi liền đưa tay thu nó lại để trong ba lô, cũng không quên giắt theo cây phất trần trắng xóa cùng thanh kiếm bằng gỗ rởm đỏ choe đỏ choét.

Không hẳn là tôi muốn mang theo, mà bởi vì hội nhạc kịch nói rằng, tôi có được phân vai trong vở kịch sẽ diễn ra tại đảo Tuần Châu. Mà thật trùng hợp sau khi Tiếu Trình không còn ở đây, tôi luôn bị phân diễn vai nam tử thay cậu ấy.

Lần này là vai đạo sĩ, tôi không khỏi cảm thấy thân thuộc. Sờ vào cây phất trần giắt bên hông, cảm giác kỳ lạ cứ đeo bám tôi mãi cho đến khi bước chân lên đất Hạ Long, đón nhận làn gió lành lạnh đem theo hơi mặn từ biển thổi vào.

Nhìn từng con sóng thi nhau vỗ vào vách đá, làm những con tàu đỗ ở Cảng nghiêng ngả, bất giác tôi thấy chóng mặt, bước chân lùi lại đằng sau vài bước.

"Này, đã đến nơi rồi, cậu còn định bỏ trốn đấy à?” Hoa Ngọc Lan không biết từ bao giờ đã đứng đằng sau tôi, cô nàng ra sức đẩy tôi về phía trước.

Ách, tôi đây đúng là đang định chuồn thật đó.

“Tớ nói này, bỗng dưng người tớ không được khỏe, cho tớ trở về khách sạn a~~”

Mặc tôi ra sức nài nỉ, Hoa Ngọc lan vẫn nhất mực kéo tôi bước xuống từng bậc đá dưới bến Cảng. “Vé tàu cũng mua rồi, cậu chưa ra trận đã tránh trống thu quân hay sao?”

Tôi giữ chặt lấy cái ba lô của mình, một bước cũng không chịu đi. “Này này, bông hoa nhỏ, cậu không hiểu được cảm giác của tớ đâu.”

“Gì mà sợ nước kia chứ? Chả nhẽ không tắm hay sao?”

“Tớ là sợ nhiều nước chứ không phải sợ nước nhé!”

Đôi co với tôi không nổi, Hoa Ngọc Lan với tay tóm lấy cái chổi phất trần đạo sĩ, ôm vào trong lòng mà nhảy xuống tàu. Tôi vẫn còn ngơ ngác đứng một trên bậc đá, đã thấy Hoa Ngọc Lan đứng trên mũi tàu, khua khua cây phất trần của tôi trong tay và chế giễu: “Bảo bối của cậu đây này họ Dương, lên mà lấy lại.”

Tôi nghiến răng ken két, nhìn con sóng cứ thi nhau vỗ vào mạn tàu mà ruột gan nhộn nhạo. Mặc dù cây phất trần kia ra chợ cũng chỉ mất vài chục ngàn mua thôi, nhưng hàng của tôi lại là đồ cổ thật a. Tôi đã phải bỏ ra mấy mạch tiền để mua nó khi còn ở trấn Thanh Tri mấy trăm năm trước đó.

Rốt cuộc cũng đành phải bó tay, tôi lấy hết cả can đảm, nhắm mắt nhắm mũi nhảy một phát lên tàu. Cảm giác chóng chánh dưới chân, chút tự tin còn sót lại cũng bị cuốn phăng mất. Tôi bấu víu vào Hoa Ngọc Lan, miệng lắp bắp: “Vào… vào bên trong tàu… nhanh…”

Tiếng mấy đứa bạn trêu chọc vang lên bên tai, chúng nó cười khằng khặc. Không ngờ Dương Hạ Vy tôi đây cũng có ngày hôm nay!

Hoa Ngọc Lan ngồi xuống bên cạnh tôi, chống cằm nhìn tôi đầy thích thú. “Rốt cuộc Dương Hạ Vy oai oai hùng hùng hồi năm nhất đâu rồi, sao cậu lại sợ nước đến vậy?”

Tôi chả thèm nhướn mi, chỉ ‘hừ’ lạnh một cái. Chẳng lẽ đem chuyện tôi bị xuyên không qua một cái giếng nhỏ, uống no một bụng nước rồi về tận sáu trăm năm trước ra mà làm nguyên cớ hả?

Giờ đang là buổi trưa, ánh nắng ấm áp ngày xuân phủ xuống mặt biển một màu lấp lánh. Tôi ngồi lâu dần cũng thành quen, không còn thấy sợ như ban đầu nữa. Thấy lũ bạn đang đứng trên tầng hai của tàu hò hét huyên náo, tôi liền tò mò, lấy thêm can đảm bước ra phía trước đầu tàu.

Thật sự thì việc an ninh hàng hải vẫn còn lỏng lẻo, nên hầu hết chúng tôi đều không mặc áo phao. Dòng nước biển êm đềm phía dưới được tàu rẽ một đường, làm tản ra những con sóng lăn tăn bọt trắng.

Tôi bất giác cúi người, nhìn mình rõ hơn dưới mặt nước trong vắt. Không hiểu vì sao, cảm giác này có chút quen thuộc?

Bỗng nhiên con tàu lắc lư chòng chành, bầu trời mây đen kéo đến vần vũ. Tôi giật mình, lỡ đánh rơi cây phất trần trắng xóa xuống dòng nước biển đang cuộn trào.

Hốt hoảng, tôi đưa tay với lấy như một phản xạ tự nhiên. Thế nhưng như có một sức mạnh vô hình khẽ đẩy tôi một cái, cả cơ thể bỗng lảo đảo, tôi ngã nhào xuống nước.

Bên tai nghe tiếng sấm ầm ầm, tôi muốn hét lên kêu cứu, nhưng thân thể chới với cứ dần chìm sâu xuống dòng nước lạnh.

Trong đầu tôi một mảng hỗn loạn, miệng mũi đầy nước mặn. Tôi cố gắng quẫy đạp, hòng ngoi lên để hít thở chút không khí bên trên. Thế nhưng biển rộng như có một sức mạnh khổng lồ, càng lúc càng dìm tôi xuống tận đáy sâu.

Không thể nào, đời tôi cứ như vậy mà chấm hết ư? Tại sao, tại sao tôi lại đến nơi này để rồi chết đuối một cách thảm hại thế chứ? Tôi mới hai mươi mấy tuổi đầu thôi mà!

Chút sức lực nhỏ nhoi của tôi cuối cùng cũng cạn kiệt, ý thức trở nên mơ màng. Muốn khóc mà chẳng thể khóc, tôi nhắm mắt buông xuôi.

Tôi tỉnh lại trên một bờ cát trắng xóa, xung quanh núi non hùng vĩ chẳng có lấy một bóng người.

Ho sằng sặc mấy cái, tôi đón nhận cái lạnh buốt thấu da thịt. Từng con sóng vẫn vỗ tới tấp vào bờ, tôi ù ù cạc cạc ngoáy ngoáy lỗ tai đầy nước. Mình mẩy ê ẩm, tôi co rúm lại, hắt xì mấy cái.

Ánh mặt trời rọi xuống cũng chẳng đủ làm tôi ấm áp, tôi loạng choạng đứng dậy. Xung quanh chẳng có lấy một ai, tôi mở miệng định lên tiếng gọi, nhưng lại phát hiện giọng mình khản đặc. Có lẽ tôi đã ngâm nước biển nguyên cả ngày rồi.

Không biết nơi này là nơi nào, nhưng rõ ràng tôi chưa chết! Có lẽ thương cho số phận đầy bi kịch của tôi nên ông trời đã để con sóng đưa tôi dạt vào một hòn đảo nào đó vẫn thuộc địa phận của vịnh Hạ Long. Nghĩ như vậy, lòng tôi có an tâm hơn một chút.

Nhìn quanh quất lại thấy cái ba lô chỏng chơ ướt nhẹp cùng chiếc điện thoại vỡ nát của mình, mặt tôi đen lại như than. Hóa ra từ lúc lên tàu đến lúc rớt xuống biển, tôi vẫn còn đeo lù lù cái ba lô này nên mới quẫy đạp không sao nổi lên được mặt biển đây. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, dẫu sao vẫn còn chút đồ đạc, cầm cự mấy hôm chờ đội tuần tra biển đến cũng không sao.

Tôi loạng choạng cúi xuống nhặt ba lô, đem chiếc điện thoại hỏng bỏ vào túi quần, lại thấy cây phất trần nằm chỏng chơ bên cạnh, thở dài mấy hơi rồi lượm nó đeo lại bên hông.

Kỳ thực nhìn bộ dáng tôi lúc này rất quái đản, thế nhưng tôi vẫn hi vọng gặp được người dân làng biển quanh đây.

“Lạ thật, đảo lớn như vậy không có một bóng người hay sao?” Tôi lẩm bẩm khi đã đi quanh quanh bờ biển mấy lần. Không dám tiến vào vùng núi hoang vu kia, vì tôi sợ lạc đường rồi không ra được mất.

Tóc ướt nhẹp, tôi búi thành một nắm nhỏ nhỏ trên đầu, mặc cho nhiều sợi vẫn bung xòa rũ rượi xuống dưới vai. Trước vẫn phải tìm được ai đó kêu cứu, cứ ở lại bãi biển mãi thế này không chết vì đói thì cũng chết vì rét.

Tôi kéo chiếc áo khoác hoodie to lù xù lên tận cổ, sau đó run rẩy tiến vào đường rừng.

Thật không thể nghĩ được rằng, một hòn đảo lớn như thế này mà vẫn giữ được những nét thô sơ như vốn có, dường như vẫn chưa được các cơ quan chính quyền phát giác. Có những đoạn đi không nổi vì chẳng có đường, tôi đành phải trèo, chân tây xước xát đau đớn vô cùng. Càng đi lại càng cảm thấy kỳ quái không thôi, tôi dừng lại, bắt đầu cảm thấy không ổn.

Ráng chiều buông xuống, cả một vùng biển nhuộm ánh hoàng hôn. Tôi thất thần đứng nhìn, cảm thấy nơi này không giống như đang ở vịnh Hạ Long nổi tiếng trên cả nước mà chúng tôi đang đi tham quan.

Thế nhưng, rốt cuộc tôi đang ở nơi nào đây?

“Vị công tử này hình như là người mới đến phỏng?”

Một giọng nói già nua kỳ lạ vang lên đằng sau lưng, tôi nghi hoặc quay ra sau liếc nhìn. Dưới ánh nắng nhè nhẹ đang rải trên cánh rừng, tôi nhận ra đây là một ông lão đã ngoài bảy mươi. Râu tóc bạc phơ, thân vận y phục nâu, thắt lưng buộc bằng vải bố đồng màu. Ông lão lại lên tiếng, hỏi tôi điều gì đó.

Tôi vừa tỉnh lại, nghe ù ù cạc cạc. Không hiểu vì lý gì mà tôi lại nghe ra ông lão nói bằng tiếng Việt cổ.

Thời đại nào rồi còn dùng loại tiếng này?!

“Công tử, cậu không sao chứ?”

Khóe miệng tôi giần giật, tôi đứng như trời trồng, não bộ như điểm những tiếng trống bùm bụp đinh tai. Tôi hít một hơi lạnh vào người, bước chân bất giác thụt lùi về phía sau.

Mẹ kiếp, đừng giống tôi nghĩ, đừng giống như điều tôi đang nghĩ! Làm ơn!!

“Xin hỏi, đây là nơi nào ạ?” Tôi hỏi bằng chất giọng chuẩn thành phố, lại là một trăm phần trăm tiếng thuần Việt, thế mà không hiểu sao ông lão vẫn chỉ đứng trân trân nhìn tôi. Tôi méo xệch cả mặt, chỉnh giọng điệu, nhắc lại bằng tiếng Việt cổ. “Ông ơi, đây là đâu ạ?”

Lúc này, ông lão kia mới cười xòa, sau đó đáp: “Công tử lạc đường phải không? Người từ đất liền tới hèn chi ăn mặc kỳ lạ vậy.” Ông lão ngó tôi từ đầu tới cuối chân, sau đó sảng khoái vuốt vuốt chòm râu mà nói tiếp, “Người từ Kinh thành tới đây dễ bị lạc đường lắm. May mắn lão vừa lên rừng chặt củi về, công tử không ngại thì theo lão về thôn, nơi này núi no trùng điệp, nguy hiểm lắm không nên ở lại qua đêm. Về trong thôn cho an toàn, dăm ba hôm nữa sẽ có thuyền về trong Kinh.”

Trống ngực tôi đập thình thịch, não bộ như bị nện uỳnh một cái. Tôi khụy xuống đất, sắc mặt có thể hiên ngang sánh với nghiên mực.

Kinh?! Là kinh thành đó hả? Đông Kinh?!

Ông lão nhìn tôi đầy lo lắng: “Y phục công tử sao ướt nhẹp vậy, không sao chứ?”

Tôi lắp ba lắp bắp, rốt cuộc không mở lời được. Phải mất một lúc, tôi mới khản đặc lên tiếng: “Ta không có ý bất kính, nhưng Hoàng đế trị vì giờ là ai?”

Hình như lời tôi vừa nói cực kỳ đáng sợ, đến mức ông lão vội vàng ngó trước nhìn sau, biết chắc không có ai ở cái nơi hoang vu hẻo lánh thế này, ông lão mới đáp: “Đương là Hoàng đế Lê Minh Tông trị vì. Công tử, cậu có ổn thật không vậy?”

Sống lưng tôi lạnh toát, gai ốc thi nhau nổi lên. Tôi lục lục ba lô, vớ được chiếc áo đạo sĩ mà như vớ được vàng. Ngước nhìn ông lão, tôi nở nụ cười méo xệch: “Thật ngại quá, ta là đạo sĩ, gặp phải cướp biển. Liệu có thể dẫn ta tới thôn phía trước nghỉ ngơi hay không?”

Ông lão động lòng trắc ẩn, vội vàng đỡ tôi dậy, sau đó có hơi nghi hoặc nhìn thanh kiếm đỏ giắt bên ba lô của tôi. Tôi trong lòng lạnh lẽo, nhưng vẫn cố mở miệng giải thích: “Đó là đồ giả, bằng gỗ thôi.”

Lúc này ông lão mới an tâm, vừa dìu vừa dắt tôi đi về phía thôn dân nho nhỏ trên đảo.

Thực ra tôi vốn không muốn tin, thế nhưng khi chứng kiến khung cảnh quen thuộc phía trước, tôi không thể nào không gục ngã.

Những căn nhà cổ thưa thớt, tuy không được như nhà cổ ở trấn Thanh Tri, nhưng lại mang một vẻ rất đỗi mộc mạc yên bình. Người trong thôn vận trang phục cổ đại, dân vùng biển nên ai nấy cũng đều một màu da rám nắng chứ không trắng trẻo mịn màng như trong Kinh thành.

Dường như thấy tôi vẫn đứng thất thần, ông lão liền lay một cái: “Vị đạo sĩ này, trông cậu cũng trẻ quá. Không biết quý tính đại danh cậu là gì?”

Tôi thều thào đáp trong vô thức: “Dương… Dương Tố Vỹ.” Đây là tên anh trai tôi, hai năm trước xuyên về đây cũng đã từng dùng qua cái tên này.

“Tên cậu cũng thật lạ đi.” Ông lão chép miệng, lại sốt ruột kéo tôi đi. “Nhanh, trở về nhà lão. Y phục cậu ướt thế này, sợ rằng chốc nữa lại cảm lạnh mất thôi.”

Tôi mặc ông lão kéo đi mà thần trí trở nên rối loạn. Mặc kệ những ánh mắt hiếu kỳ của người dân trong thôn nhỏ nọ chiếu đến, cùng lời giải thích vô cùng ôn hòa của ông lão kia: “Cậu ấy là người trong Kinh, bị gặp cướp biển…”, tôi choáng váng hít thở cũng chẳng thông.

Đến khi đứng trước căn nhà nhỏ nọ, một cô gái mặt mũi hết sức khả ái ăn vận gọn gàng tiến lại, dè dặt trao đổi dăm ba câu cùng ông lão, tôi mới sực tỉnh mộng.

“Hẵng khoan, ta… cô nương, ta cần đổi y phục. Phiền cô nương một chút!” Tôi rống lên bằng chất giọng the thé, khiến cả hai cha con ông lão giật mình. “Ta cần ở riêng một lát, cảm phiền hai vị!”

Thời đại Hậu Lê, là thời đại Hậu Lê? Năm nay là năm bao nhiều rồi? Lục Tiếu Trình, cậu còn đó hay không?

Tôi sợ hãi trút bỏ quần áo hiện đại, đem quăng một xó xỉnh trong góc phòng, sau đó vận lên mình y phục đạo sĩ quen thuộc kia. Không sao, thời đại này trọng nam khinh nữ, tôi trước cứ phẫn nam trang trên đường, có lẽ sẽ không quá nhiều trở ngại.

Hình như đã có kinh nghiệm một lần, nên tôi có vể tỉnh táo hơn rất nhiều.

Có lẽ… có lẽ, đúng vậy, tôi lại xuyên không – xuyên về quá khứ hơn sáu trăm năm, thời đại triều Hậu Lê.

Tôi đã trở lại nơi này thật rồi!