Đợi Một Loài Hoa Nở

Quyển 1 - Chương 6: Chuyện cũ đau lòng

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.(Ảnh: Internet)

Nữa tiếng sau, anh Khiêm đã đáp chuyến bay sớm nhất từ Sydney về thành phố, đến bệnh viện đã gần trưa. Anh Khiêm là cháu đích tôn của bà cũng là đứa cháu mà bà thương nhất.

Một không khí căng thẳng bên ngoài phòng bệnh, ngoại vẫn chưa tỉnh. Không ai nói gì với ai cả. Bỗng, anh Khiêm đứng phắt dậy, mắt đỏ au đọng nước, gương mặt lạnh lùng như băng thép. Rồi tiếng bốp khô khan vang lên, một bên má tôi đau đớn. Cái tát dứt khoát phá tan sự im lặng của mọi người. Ngược lại tôi không bất ngờ, lòng tôi như được nới lỏng hơn, thanh thản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Một lúc lâu sau anh Khiêm mới mở miệng, anh nói mà giọng nghẹn lại:

- Mày đã thấy hả dạ chưa? Ngoại còn sống được bao lâu nữa đâu? Tao muốn về đây để xem mày có lương tâm không? Mày nên cầu mong cho ngoại sớm khoẻ lại, nếu không mày đừng có trách tao.

Tôi quên mất Phương Bằng còn ở đó, anh run run tiến lên. Tôi sợ hãi, dùng sức kéo cánh tay anh lại, bàn tay tôi bị bàn tay còn lại của anh gỡ ra có chút đau. Ngẩng cặp mắt mệt mỏi lên, lặng lẽ lắc đầu với anh, ý bảo: “Đây là chuyện nhà tôi, anh đừng xen vào!”

Khi trấn tỉnh lại tinh thần, tôi quay nhìn anh Khiêm, lí nhí:

- Em thật sự xin lỗi, thật sự!

Cố không để nước mắt rơi, nói với lòng đừng khóc. Nỗi đau này của tôi sao bằng một phần nào nỗi đau mà bà đang chịu dựng. Phải mạnh mẽ, như vậy mới đúng.

- Xin lỗi? - Anh Khiêm chưa nguôi giận, buông thêm một câu – Mày cũng biết lỗi à?

Mẹ nói đỡ cho tôi, giọng hiền và trầm lắm:

- Con ơi! Rồi thời gian sẽ làm nó hiểu ra tất cả mà, gần đây nó đã cố thay đổi rất nhiều rồi con à.

- Con không tin, nó mà thay đổi chỉ có mặt trời mọc đằng Tây. – Anh Khiêm quả quyết nói.

Tôi không nói thêm gì, quay lưng đi, rảo bước thật nhanh, cuối cùng là chạy. Chạy để cố quên đi quá khứ giày vò, quên đi bản thân đã từng tồi tệ như thế nào.

Mỗi bước chân là mỗi hồi ức đau lòng trải ra như một cuộn phim chiếu chậm, đau dớn và dằn vặt.

Hồi ức lắm lem hiện lên trong đầu, cách đây một năm. Khi ấy anh Khiêm cũng về nước thăm ngoại. Tôi không nhớ rõ hay bản thân cố tình không nhớ rõ? Tôi hành xử như một đứa con nít. Tiếng của tôi, rõ ràng là tiếng của tôi, tôi đã hét lên, hét bằng chính sức lực mình:

- Con ghét ngoại!

Bỗng bốp một tiếng chói tai, cha tát tôi rất đau làm tôi dại ra vài giây.

- Mày có biết mày đang nói gì không? – Cha gằn từng tiếng, đôi mắt đỏ lừ lừ trừng tôi.

Mất mặt vì bị tát, tôi rất uất ức, thẹn quá hoá dại nên lớn tiếng thách thức:

- Có giỏi thì đánh chết con đi, con vẫn nói như vậy!

- Được, hôm nay tao phải dạy dỗ đứa bất hiếu như mày!

Cha chạy đi lấy cây roi. Thấy không ổn mẹ vội xông ra ngăn ngay trước mặt tôi. Vô cùng giận, cha cầm cây roi lớn quất thẳng từ trên đầu tôi xuống. Nhưng mẹ đã kịp bắt lấy tay cha. Không đánh được cha càng giận hơn nữa, ông quát:

- Em tránh ra cho tôi! Không tôi đánh cả em đấy!

- Anh bình tĩnh đi! Chuyện đâu còn có đó. Con nó hư thì anh nói nó nghe là được.

Mẹ vẫn không tránh ra. Không tài nào đánh vào đầu tôi, cha liền đánh cặp chân thay thế. Tôi hận, thật sự hận đôi chân được duy truyền nguyên y từ cha, nó dài và trở nên dư thừa. Từng nhát từng nhát đánh xuống làm chân đau đến đứng không vững nữa.

Lúc đó anh Khiêm ôm lấy đôi vai bà, không nói gì mà chỉ im lặng nhìn tôi khóc, tiếng bi thương xen rấm rức, tức tưởi. Chợt, bà vùng khỏi vòng tay anh, la lớn, âm thanh không to không nhỏ, rất có uy:

- Thôi đi! Ngừng ngay hết đi!

Cả không gian im ắng lạ thường. Sót lại đôi vai gầy run run của bà, có phải bà đang khóc? Dáng bà trở nên nhỏ bé và yếu đuối hơn bao giờ hết. Lòng tôi thắt lại, đau lắm! “Vì sao tôi lại trở thành như vậy? Ông trời ơi, sao ông không cho tôi biến mất ngay lúc này đi?” Bất ngờ tôi rất muốn, rất muốn ôm lấy bà, rất muốn xin lỗi bà, lại rất muốn chạy trốn bà, để bà không còn nhìn thấy đứa cháu bất hiếu này nữa.

- Trời ơi! Con với cái! – Cha hét lên một câu đồng thời buông mạnh cây roi xuống đất, liền bỏ ra ngoài để khỏi chứng kiến cảnh ngột ngạc đến khó coi này nữa.

Bà tiến đến tới trước mặt tôi.

- Ngoại, con... - Tôi đứng trân như trời trồng, vô thức nhai môi mình đến rách da nhưng không hề phát ra tiếng khóc, tim cũng không đập mạnh chỉ có nước mắt tự nhiên rơi tràn xuống má. Tôi hận chính bản thân mình!

- Không cần nói, bà biết rồi! - Bà quay đi, tôi không còn nhìn rõ tâm trạng bà lúc đó.

Anh Khiêm chuẩn bị lên máy bay, mọi người không ai nói với ai câu nào. Tôi nghĩ sự im lặng sẽ mãi mãi tồn tại cho đến khi anh Khiêm lên tiếng nói một câu, câu nói mà tôi không tài nào quên cũng không muốn nhớ lại:

- Tới lúc đám tang ngoại mày không được khóc, nếu mày dám rơi một giọt nước mắt nào thì đừng có trách tao!

Đúng, tàn nhẫn và tuyệt tình mà anh Khiêm dành cho tôi đều đúng. Trên đời này người yêu thương anh nhất lại không phải là cha mẹ anh mà chính là ngoại. Chỉ có bà, bà là cả bầu trời, là quê hương, là tính ngưỡng mà trọn đời này anh đeo đuổi. Tôi xúc phạm bà cũng là xúc phạm anh, bà đau thì anh đau gấp ngàn vạn lần. Bóng lưng cô độc của bà, giọt nước mắt rơi trên má bà. Tôi sai rồi, sai thật rồi! “Ngoại ơi, con xin lỗi ngoại!”, đó luôn là câu nói bên tai tôi mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ, nó nhắc nhở tôi rằng đừng bao giờ tha thứ cho bản thân mình.

Bao nhiêu rối loạn trong đầu, thực tại cùng quá khứ đan xen dệt thành tấm thảm đau thương dài vô tận. Tôi cứ thế chạy một mạch ra khỏi phòng bệnh, không biết chạy tới đâu nữa, đến khi chân đau quá không thể chạy thì ngừng lại.

- Con xin lỗi, là tại con! Ông trời ơi! Nếu ông trừng phạt con xin hãy cho ngoại con được bình an, khoẻ mạnh trở lại, con cầu xin ông! – Tôi gào to nhưng vẫn cố kìm lại những giọt nước mắt rơi. Đứng im không động đậy, tôi mặc cho ánh nắng bỏng rát vô tình phủ xuống đầu, xuống mặt, xuống đôi tay trần, rồi cả người tôi chìm trong nắng.

Bỗng vòng tay chắc vươn tới từ phía sau ôm trọn tôi vào trong ngực làm tôi giật bắn người, chưa kịp hình dung chuyện gì xảy ra thì giọng ấm áp của Phương Bằng trên đỉnh đầu truyền xuống:

- Em cứ khóc đi, khóc lớn lên! Không có ai nghe đâu, ở đây chỉ có anh và em.

Một giây, hai giây, ba giây. Chết tiệt! Không biết vì cái gì lòng tôi tan nát trống rỗng, không có một chút cảm giác, không còn đủ sức để vùng ra nữa? Thình lình Phương Bằng khẽ tựa cằm lên tóc tôi, anh tiếp:

- Đến cuối cùng em có nhớ hay không?

- Xin anh đứng đắn một chút! Tôi và anh không thân thiết, anh ôm tôi như vậy làm tôi khó chịu lắm, anh biết không hả? - Tôi bắt đầu tức giận, quát.

Phải, hiện tại tôi rất đáng thương, rất tội nghiệp, nhưng tôi không cần ai thương hại cả. Dường như Phương Bằng nghe không hiểu những gì tôi nói, anh vẫn cố chấp ôm chặt tôi trong vòng tay.

- Em không còn nhớ thằng bé béo ú năm xưa bị người ta bắt nạt sao? Một chút cũng không có sao? - Anh dùng lực gắt gao siết chặt hơn. Giọng nói vì xúc động mãnh liệt mà lạc hẳn đi, vừa nghi vấn vừa như khẳng định, không biết là do khẩn trương hay là hụt hẫng?

- Tôi... – Ấp úng lên tiếng thật khẽ rồi chầm chậm quay lại nhìn khuôn mặt đang rất gần trong lúc này. Phải rồi, đôi mắt hai mí long lanh trong ký ức và nụ cười của những năm tháng đó toả nắng tựa hoa mai nở. Cùng một người mà sao khác nhau đến vậy? Thảo nào khi lần đầu gặp anh, tôi vờ như đã quen anh từ rất lâu nhưng cố nhớ làm sao cũng không nhớ ra được.

Đầu tôi đau đớn từng cơn khắc khoải. Những hình ảnh ngày xưa như lũ lượt hiện về trong trí nhớ. Dưới chân cầu thang bộ lên lớp, một nhóm ba bốn đứa nhóc thấp lùn ốm tong teo, vây quanh một cậu bé chừng tám chín tuổi. Đôi mắt cậu to tròn rất đẹp, bờ mi hoen nước nước long lanh nhưng bị gương mặt thịt phụng phịu làm mất đi nét khôi ngô sẵn có. Mặc kệ cậu đang sợ sệt đến tội nghiệp, lũ nhóc vẫn trêu chọc cậu không thương tiếc:

- Thằng mập đù kìa tụi bây ơi!

- Mày mập như thế này mà tên Phương Bằng cái gì, mày là bé Bự thì có. Phương Bằng, tên cứ như con gái ấy. Đổi bé Bự đi cho xứng với cái thân của mày!

Tụi nó nói rồi thi nhau cười ha hả, đồng thanh la làng:

- Bé Bự, bé Bự, bé Bự!

- Chắc là nó lăn đi học đó tụi bây ơi!

- Nó nhìn giống con cún ú nu ú nần nhà tao lắm đó tụi bây!

Mọi hành động của tụi nó đều bị cô bé cao hơn tụi nó một cái đầu, với mái tóc dài rũ rượi xoã loà xoà, khuôn mặt hung dữ cau có chứng kiến từ đầu đến cuối. Cô tiến lại gần, quát thẳng vào mặt tụi nó:

- Này, tụi bây đang làm gì đấy? Nhiều đứa như vậy mà đi ăn hϊếp một đứa thế kia, tụi bây không biết xấu hổ hả? - Chưa đủ, cô dùng giọng lớn hơn gầm lên. - Tao ghét nhất là ỉ đông ăn hϊếp người khác. Tụi bây cút hết cho tao! Nếu không tao sẽ tao sẽ mách cô chủ nhiệm tụi bây, mời cha mẹ tụi bây lên cho tụi bây bị đánh cả đám để chừa cái tật ăn hϊếp bạn.

Tụi nó run cầm cập rồi đứa này đẩy đứa kia, đứa kia đùn đứa nọ, đứa cuối cùng thét lên thất thanh:

- Có quỷ tụi bây ơi, chạy đi! – Rồi cả bọn chạy bán sống bán chết, la vọng lại - Mặt thịt với mặt quỷ đúng là xứng đôi. Lêu lêu!

Tụi nói chạy mất dạng, cô mới quay qua cậu:

- Tụi nó đi rồi, đừng khóc nữa!

Vậy mà cậu vẫn cứ thút thít. Cô lắc đầu, miệng khẽ nở nụ cười tinh nghịch, ngay lập tức móc cái gì đó trong hộp giấy đưa cho cậu, bảo:

- Đây bánh mì này, cho bạn nè, ăn đi, bánh mì trộn tôi làm đó! - Cô vô tư nói, rồi nắm lấy bàn tay béo múp của cậu đặt vào trong đó một ổ bánh mì kỳ quặc.

- Cám ơn! - Giọng cậu vo ve như con muỗi non mới lột xác.

- Mai mốt tụi nó có ăn hϊếp bạn, bạn phải phản kháng lại tụi nó chứ, với lại đừng có khóc.

Cậu nhìn cô nở ra nụ cười sáng lạng như hoa trong gió tháng giêng, trong trẻo và ngây thơ chưa từng có. Cô không biết đó là nụ cười hạnh phúc đầu tiên của cậu trong những năm tháng mà dường như cậu đã quyết định không bao giờ dành nụ cười đó cho ai nữa, ngoại trừ cha mẹ đã mất của cậu.

- Đúng rồi, rất tốt, phải cười như vậy chứ! Bạn cười lên rất là đẹp! À, tôi là Mai Cô lớp Bốn Hai. Tạm biệt!

Cô đi xa rồi, cậu mới giơ cánh tay mập ú của mình vẫy nhè nhẹ trong không khí, nói nhỏ tí mà chỉ có mình cậu mới có thể nghe được:

- Tôi là Phương Bằng lớp Bốn Một!