Chuyện Của Nhài

Chương 32

Sau khi lấy máu xét nghiệm, cả ba cùng trở lại phòng cấp cứu. Trên đường trở ra, Nhài níu tay Việt:

- Anh ơi, nếu nhỡ...mọi việc ...bại lộ...

Việt trầm ngâm:

- Anh biết, nhưng tính mạng của con quan trọng hơn mà em.

Nhài khóc nức nở. Đúng, tính mạng của cu Sóc là trên hết. Nhài thấy mình may mắn vì dù Việt có lúc hèn mọn, ích kỉ nhưng giờ phút này , anh biết nghĩ cho mẹ con cô. Đúng lúc đó, Hùng lên tiếng:

- Thực ra, nếu hai người muốn giữ bí mật, tôi có cách.

Vợ chồng Nhài đồng loạt nhìn Hùng. Việt ngạc nhiên:

- Mày bảo sao?

Hùng bình tĩnh đáp:

- Tao có quen một bác sĩ ở bệnh viện này. Tao sẽ nhờ ông ấy can thiệp. Khi vào chuyền máu, cả mày và tao cùng vào để động viên tinh thần cu Sóc. Như vậy, hai bác sẽ không biết tao là người cho máu.

Lúc này, đây có lẽ là phương cách tốt nhất, là lối thoát cho tất cả - cu Sóc được cứu mà không bị lộ thân phận là con của Hùng, gia đình Nhài vẫn vẹn toàn hạnh phúc. Hùng vừa nói vừa lấy điện thoại ra bấm cho vị bác sĩ mà anh nói. Trong lòng Nhài bỗng dây lên một thứ tình cảm khác lạ, vừa hàm ơn vừa cảm kích trước anh.

Với sự can thiệp của vị bác sĩ đó, kết quả được giữ bí mật với vợ chồng bà Tâm. Bác sĩ cấp cứu cho cu Sóc chỉ nói:

- Bố cháu bé cùng nhóm máu với cháu. Nhưng tốt nhất gia đình nên cho thêm một người vào trò chuyện với cháu trong quá trình bố chuyền máu cho con để kí©ɧ ŧɧí©ɧ não bộ.

Bà Tâm bật dậy:

- Để tôi..tôi là bà nội của cháu, tôi gần gũi hàng ngày với cháu...

Vị bác sĩ thoáng qua một nét khó xử rồi điềm tĩnh đáp:

- Hai bác già rồi, vào đó ngồi lâu không tốt. Mẹ cháu bé có vẻ xanh xao, không biết chú này...

Vị bác sĩ nhìn sang Hùng. Anh vội gật đầu:

- Không vấn đề gì. Tôi đã từng chăm sóc người bị hôn mê, tôi làm được. Chúng ta vào thôi.

Vậy là Việt và Hùng được mặc đồ khử trùng rồi vào phòng cấp cứu. Cánh cửa đóng lại, ba người ngồi trên băng ghế chờ nhen nhóm niềm hi vọng mới. Vợ chồng bà Tâm cảm kích trước tấm lòng của Hùng. Còn Nhài, cô thực sự không còn nhận ra anh Hùng đào hoa lãng tử con nhà giàu trước đây nữa. Thay vào đó là một người đàn ông chín chắn, đĩnh đạc. Có lẽ sau những gì xảy ra với cuộc hôn nhân của mình, Hùng đã thay đổi. Hoặc sự bản lĩnh ấy được cất giấu mà trước đây Nhài không nhận ra. Dẫu sao, cô cũng luôn biết ơn Hùng, bởi cuộc hôn nhân của cô có tình yêu nhưng thiếu may mắn. Chính Hùng là người tháo gỡ những nút thắt ấy. Một người đàn ông không phải chồng cô nhưng lại là bố đẻ của con trai cô mà không có được bất kì quyền lợi gì của người cha, đến cái tên trong giấy khai sinh cũng không có, một người như thế đáng được hạnh phúc. Giờ đây, anh cũng đang truyền mạng sống cho con cô.

Mải suy nghĩ,khi cánh cửa phòng cấp cứu lại bật mở , Nhài giật mình. Việt và Hùng cùng bước ra, trông anh có vẻ mệt mỏi sau khi chuyền máu nhưng khuôn mặt đã bình tâm hơn. Bà Tâm vội đỡ lấy tay Việt đang dán miếng bông do kim chuyền:

- Con mệt không con? Cu Sóc sao rồi?

Hùng đã kéo tay áo xuống, cố tỏ ra bình thản. Còn Việt tay vẫn giữ chặt miếng bông và cười:

- Con không sao. Cu Sóc sẽ ổn mẹ ạ. Các bác sĩ nói cháu mẹ sẽ ổn.

Tất cả mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Vợ chồng bà Tâm vui vẻ hẳn. Ba người còn lại, niềm vui như nhân đôi vì họ cho rằng mọi việc đã thực sự ổn.

Hùng ở lại bệnh viện cho đến ngày hôm sau, khi cu Sóc được đưa về giường bệnh bình thường. Nhài biết anh mấtmáu rất mệt nhưng mọi người chỉ xúm vào hỏi han Việt, chắc chắn anh tủi thân lắm. Tiễn Hùng ra đến cổng bệnh viện, Việt vỗ vai:

- Hùng, tao thực sự cảm ơn mày. Chúng tao nợ mày...

Còn Nhài, trước mặt Việt, cô chỉ biết lí nhí:

- Anh Hùng, cảm ơn anh nhiều lắm. Cu Sóc nhờ anh mới hồi phục. Anh giữ gìn sức khỏe nhé.

Hùng chỉ gật đầu:

- Không sao, cu Sóc cũng là người thân của anh. Hai người vào đi. Cần gì cứ gọi nhé.

Rồi anh lên taxi ra sân bay. Hai tiếng " người thân" mà Hùng nói ra nghe thật chua xót. Dù con đang hồi phục nhưng lòng Nhài có một chút gì đó gợn sóng không thể gọi thành tên - có áy náy, có day dứt, có biết ơn. Cả hai lặng lẽ trở vào phòng bệnh, không nói với nhau câu gì dù lòng ngổn ngang suy nghĩ...