Chuyện Của Nhài

Chương 27

Tin Nhài có thai khiến Việt mừng rơi nước mắt. Khi cô tỉnh dậy, thấy anh ngồi cạnh, mắt đỏ hoe. Nhài đang không hiểu chuyện gì thì Việt ôm chầm lấy cô:

- Chúng ta có con rồi em ạ. Vất vả cho em rồi.

Nhài ngạc nhiên:

- Em có thai sao?

Việt vẫn chưa buông cô:

- Ừ, đúng rồi, em được làm mẹ rồi vợ à.

Nhài rơi nước mắt - có vui sướиɠ khi lần đầu được làm mẹ, thỏa mong ước bấy lâu, cô cảm nhận được một sinh linh đang lớn lên trong bụng, nhưng cũng có một chút tủi nhục, một chút lo sợ...tâm trạng cô vô cùng phức tạp. Vì thế , đôi mắt Nhài trông thẫn thờ , ngơ ngác dù nước mắt vẫn tuôn. Nhưng rồi , cô cố gắng gạt đi. Việt nói đúng, giờ quan trọng là đứa con. Vợ chồng cô đã vô cùng khó khăn mới có được bé con này. Cô phải gìn giữ, phải dành mọi điều tốt đẹp cho con bởi đơn giản, đó là con của cô...nghĩ lại những tủi nhục, đau đớn đã qua, Nhài lau khô nước mắt và mỉm cười.

Việt chăm sóc Nhài rất chu đáo, anh cũng báo với Hùng tin vui này nhưng tin nhắn của anh không được Hùng đáp lại. Chắc Hùng vẫn giận Việt về hành động hôm đó. Lần này, bà Tâm nằng nặc đòi hai vợ chồng Việt về nhà ở. Từ khi nhìn thấy chấm nhỏ trên tờ giấy siêu âm, ngày nào bà cũng tới phòng trọ khuyên nhủ Nhài về. Để tránh những lời mỉa mai của mẹ chồng, Nhài đồng ý. Dẫu sao cô cũng muốn êm ấm nhà cửa, muốn giữ gìn để con cô bình an ra đời nên vợ chồng cô trả nhà trọ, dẹp quán tạp hóa để trở về nhà Việt.

Nhài nghén nặng nên trông cô xanh xao gầy guộc hẳn. Mỗi lần dì Ngát sang đều nhìn cô đầy xót xa. Dì biết mọi chuyện nhưng vẫn luôn động viên Nhài cố gắng lạc quan. Có thai tới tháng thứ năm mà Nhài vẫn ăn vào nôn ra khiến ai cũng nóng ruột dù bác sĩ siêu âm bảo em bé phát triển bình thường.

Đến tuần thứ ba mươi bảy, bụng Nhài đã nặng nề lắm rồi. Cả nhà bà Tâm đều háo hức chào đón bé trai kháu khỉnh - cháu đích tôn của dòng họ hiếm con này. Chân cô bắt đầu phù lên nhưng cả hai mẹ con đều khỏe nên cô cũng không áp lực lắm. Làm mẹ là một thiên chức và bé con đến với mình là duyên nên Nhài rất vui vẻ. Hơn chín tháng cô mang thai, Hùng chỉ đến vài lần theo kiểu tình cờ ghé qua. Rồi Nhài nghe Việt nói Hùng đã đi vào thành phố Hồ Chí Minh làm cho một công ty nước ngoài. Cũng đúng, Hùng vốn học giỏi, có bằng cấp thì phải đến những nơi như vậy mới phát triển được, mới có tương lai chứ ở nhà buôn bán vậy phí cả công sức học hành. Với lại, có lẽ mảnh đất này với Hùng đã quá nhiều đau thương. Hùng đi xa cũng là cách tốt nhất cho cả ba người khi Hùng gần em bé mà không được nhận cha cũng đau lòng, Nhài và Việt cũng khó xử. Nhưng không hiểu sao, khi nghĩ tới cảnh Hùng không chứng kiến bé con chào đời, Nhài lại thấy hụt hẫng...

Vào một buổi tối, Nhài vừa ăn uống xong thì cơn đau bụng kéo đến, cô cảm thấy có gì đó khang khác, rồi Nhài thấy dòng huyết hồng chảy ra. Từng tìm hiểu trên mạng và được các bà các cô truyền lại nên Nhài biết đây là biểu hiện chuyển dạ. Cô liền gọi Việt:

- Anh ơi, em sắp sinh rồi. Anh đưa em lên trạm xá đi!

Việt đang ngắm nghía mấy chiếc áo sơ sinh xinh xắn, nghe vợ gọi liền bật dậy như lò xo. Anh lật đật, hồi hộp còn hơn cả Nhài. Việt cứ luýnh quýnh hết vơ cái này lại quên mất cái kia. Nhìn chồng, Nhài bật cười:

- Anh làm gì mà quýnh cả lên thế?

Việt nhìn Nhài:

- Em hỏi hay nhỉ? Phải nhanh chứ lỡ em sinh ra đó thì làm sao?

Nhài đang đau bụng lâm râm cũng phải phì cười:

- Em nói có dấu hiệu sắp sinh chứ đã sinh đâu, với lại trạm xá cũng đâu xa xôi gì. Còn có mẹ nữa mà, mẹ từng sinh đẻ sẽ có nhiều kinh nghiệm.

Lúc này Việt mới nhớ ra và chạy ra ngoài gọi bà Tâm. Bà vội đi vắt nước tía tô ra bát giục Nhài uống rồi đi luộc trứng gà cho con dâu ăn lấy sức sau khi vượt cạn.

Lên đến trạm xá, Nhài được đưa vào phòng sinh. Đến lúc đó, cô mới hiểu được thế nào là đau đẻ. Cơn đau dữ dội từng đợt khiến Nhài nằm không nổi, ngồi cũng không xong. Cô nắm chặt hai thành giường và lắng nghe chị y tá hướng dẫn:

- Em rặn đi. Cố gắng hít sâu rồi rặn.

Nhài mím môi mím lợi rặn. Chị y tá đứng bên cạnh vẫn kiên nhẫn động viên:

- Chưa được. Em rặn yếu quá. Mạnh lên một chút nữa nào.

Nhài lại hít sâu và ra sức rặn. Cô cảm thấy cơ thể mình bắt đầu xuống sức, mồ hôi nhễ nhại, Nhài thấy khó thở...Nhài cố lấy sức. Chị y tá hơi cau mày, tiếng nói vẫn văng vẳng bên tai Nhài:

- Vẫn chưa được. Em rặn lần nữa , nếu không được phải kẹp đầu bé ra...

Rồi chị vội nói với y tá khác:

- Gọi bác sĩ, bệnh nhân có dấu hiệu tụt huyết áp...