Vợ Cả

Chương 40: Kết 3

Làng Tô Kiệm một phen náo loạn không dứt kể từ khi nhà Hội đồng Bùi bị bọn lính Tây tịch thu toàn bộ gia sản. Của cải trong nhà, đất đai ruộng vườn bị lấy mất không sót một thứ gì. Ông Hội đồng Bùi do sợ tội nên bỏ đi biệt xứ, cậu hai Cảo thì bị lôi ra pháp trường xử bắn, còn đám đầy tớ thì bị bán đi các nhà hương chức khác. Kẻ may mắn thì gặp được chủ tốt, kẻ xui xẻo thì gặp chủ ác. Đời của những người làm kẻ tôi tớ như họ, âu cũng là do tay người khác định đoạt.

Còn về những người vợ của cậu hai Cảo thì mỗi người một cảnh khác nhau. Mợ cả thì do đã bị nhà Hội đồng Bùi từ mặt nên không còn liên can đến họ nữa. Vậy nhưng khi cậu hai Cảo bị xử bắn, mợ là người duy nhất đến tiễn đưa. Vợ chồng, hết tình thì còn nghĩa. Thời khắc hơn mười khẩu súng bắn vào thân xác của cậu, rồi nhìn cậu từ từ gục xuống đất, những giọt nước mắt cứ rơi giàn giụa trên khuôn mặt của mợ cả. Cớ chi mợ lại khóc cho người đàn ông năm lần bảy lượt làm mợ đau lòng? Là vì cái nghĩa cuối cùng còn xót lại hay sao?

Mợ ba Minh Lan thì khác, ngày cậu bị xử bắn cũng là ngày mợ chuẩn bị rời nơi đây để qua phương Tây sinh sống. Nghe đâu chuyện cậu bị bắt khi dẫn Việt cộng chạy trốn cũng là do cha của mợ sắp xếp giăng bẫy. Vì muốn trả thù cho mợ, ông không tiếc dùng những môi quan hệ để liên lạc cho quan chỉ huy của Pháp để tìm cách bắt cậu đền tội. Đổi lại, những vết thương trong tim mợ lại chẳng lúc nào lành lại, lúc nào cũng nhói đau mỗi khi nhớ về. Và ngày mợ rời khỏi nơi đây, bỏ lại những nỗi đau đớn bất hạnh, thì trong bụng mợ đã hình thành một sinh linh bé nhỏ, niềm hạnh phúc và hi vọng duy nhất còn đọng lại duy nhất trong tình yêu của mợ dành cho cậu hai Cảo.

Khác với những người vợ khác, mợ tư Mấn cưới cậu là vì để báo thù cho mợ cả cũng là cho bản thân mợ. Nay thù đã trả xong, mợ cũng không còn thiết tha cái danh mợ lớn này. Nên khi cậu vừa chết đi, mợ liền trở về làm con Mấn hầu hạ mợ cả.

Ba tháng sau cái ngày cậu hai Cảo chết đi và nhà Hội đồng Bùi suy tàn, trong làng cũng đã dần im ắng lại. Nhưng trái ngược về điều đó, trong lòng người ở lại lúc nào cũng nổi lên những cơn giông bão đầy buồn bã. Đó là sự nhớ thương, sự day dứt khó cất thành lời sâu trong đáy lòng mợ cả. Mỗi đêm, khi mọi người trong nhà đã say giấc thì con Mấn lại nghe thấy tiếng thút thít phát ra từ trong buồng mợ. Đôi khi, trong cái tiếng nức nở đến xé lòng ấy lại nghe tiếng mợ thều thào gọi cậu:

"Mình... mình ơi .... sao mình bỏ em lại.... mình ác với em quá mình ơi.."

Trong những buổi tối đầy não nề ấy, con Mấn chỉ biết đứng lặng thinh ngoài cửa mà nghe mợ cả trút nỗi lòng qua những giọt nước mắt. Nó biết rõ rằng tận sâu trong đáy lòng mợ vẫn còn thương cậu đến nhường nào. Nhưng hỡi ôi, người đàn ông ấy đã đày đọa tấm thân của mợ, chà đạp lên tình yêu mà mợ dành cho cậu. Những vết sẹo cậu cứa vào tim mợ sâu lắm, đau đớn mỗi khi nhớ về tháng ngày sống trong nơi địa ngục trần gian.

Và rôi trong một buổi tối, mợ cả đã bỏ lại tất cả mọi thứ mà đi theo cậu. Mợ đã dùng một đoạn khăn trắng để kết thúc một kiếp người đầy rẫy sự truân chuyên và khổ ải. Lúc con Mấn và ông bà Lý Hinh phát hiện, tiếng than khóc lại một lần nữa cất lên như xé lòng người. Má của mợ ngất lên ngất xuống trong đám tang của mợ, còn cha mợ thì chỉ biết chết lặng ngồi ở một góc. Chưa đầy nửa năm, ông đã mất đi hai người con gái. Một người ông còn chưa kịp nhìn nhận, một người là đứa con gái ông yêu thương hơn hai chục năm trời. Tất cả chúng đều còn quá trẻ, đều chỉ vừa mới đôi mươi. Ấy vậy mà bây giờ ông phải chịu cảnh kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, liệu có phải đây là quả báo cho những chuyện ông làm trong quá khứ? Nghĩ đến đó thôi là nước mắt của ông Lý Hinh lại chảy ra, ông khóc thương cho số phận của hai đứa con gái, rồi lại thương cho tấm thân già nua của mình. Ông trời cũng thật ác độc, nếu muốn báo ứng thì hãy trút lên người ông, cớ chi lại trút lên người con của ông như vậy cơ chứ.

Theo tâm nguyện cuối cùng của mợ cả trong bức thư giấu dưới gối, mợ được chôn ở phía tả ngạn sông Hổ, ở bờ hữu ngạn chính đối diện chính là mộ của cậu hai Cảo. Hai người họ, chết đi rồi mãi mãi vẫn có một khoảng cách như con sông Hổ hung bạo chắn giữa, dù yêu cách mấy vẫn vĩnh viễn không thể nào quay lại gần nhau. Tất cả đều là quá khứ đau thương khiến lòng người nhói lên mỗi khi nhắc đến.

Mình và em, cách nhau đôi bờ sông Hổ, lặng nhìn nhau nhưng chẳng thể kề cạnh nhau thêm một lần nữa.

Con Mấn sau ngày mợ mất thì cũng đi đến phía bờ sông dựng một căn chòi lá tạm bợ sống qua ngày. Cứ mỗi buổi chiều, khi ánh mặt trời bắt đầu dần tắt nơi phía xa xa của những cánh đồng thì cũng là lúc nó đi đến ngôi mộ của mợ cả để thắp nhang. Người qua kẻ lại giữa hai bờ sông, ngày nào cũng nhìn thấy một người đàn bà lẳng lặng ngồi nhìn dòng nước chảy khi trời đã dần tối đi. Họ thường nghe nói đó là người vợ thứ tư của nhà Hội đồng Bùi, cũng có người nói đó là một người tôi tớ trung thành.

Đến khi con Mấn vừa tròn ba mươi tuổi, có lẽ vì không chịu nổi sự đơn côi và ghẻ lạnh của dân làng, nên đã lâm bệnh rồi đi theo chủ của mình. Lúc nó còn sống, người trong làng vì lo sợ bị bọn lính Tây gây khó dễ, lại khinh đứa đầy tớ mang cái tiếng trèo cao nên không ai dám lại gần hay nói chuyện với nó. Chỉ có con Đậu mỗi tuần đều đem theo đồ ăn trong một tuần đến cho nó. Người chết đi thì không biết được người bị bỏ lại có bao nhiêu khổ sở. Sự đơn côi và ghẻ lạnh cứ như vậy ăn mòn lấy tâm hồn của con Mấn cho đến khi hồn lìa khỏi xác. Mộ của nó được chôn cạnh mợ cả, coi như hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của một kẻ đầy tớ trung thành.

Năm qua tháng lại, con Đậu và thằng Tĩu thành vợ thành chồng. Chính nhờ con Đậu mà thằng Tĩu mới được cứu sống từ căn chòi mà thằng Củi giam giữ. Do lâu ngày mới được ra ngoài, lúc đầu nó như một thằng điên cứ lẩm bẩm những điều kì lạ. Nhờ con Đậu và ông bà Bảy kiên nhẫn chữa trị nên nó dần ổn định hơn, cũng từ đó mà nó đem lòng yêu người con gái ấy. Cứ như vậy, mọi chuyện dần trở nên bình thường trở lại, tựa như mọi chuyện xảy ra vừa rồi đã tan thành mây khói.

Ba năm sau.

Trên dọc bờ sông có một đôi vợ chồng trẻ đang chăm chú thắp nhang cho những ngôi mộ. Đã rất lâu rồi, chẳng ai còn nhớ đến những người đã nằm xuống dưới nền đất lạnh lẽo. Nơi đây cỏ mọc um tùm, tiêu điều chẳng ai ghé đến. Ngay cả những ngôi mộ cũng phủ đầy cát bụi, có một góc còn bị chó đào bới lên. Hai vợ chồng ấy sau khi dọn dẹp và thắp nhang xong thì đứng lặng trước chúng. Đưa tay vuốt ve cái bụng đã nhô lên của mình, con Đậu nhẹ nhàng nói:

"Mợ cả, mợ tư...mới đó đã hơn ba năm rồi..."

Đã hơn ba năm rồi, từ cái ngày mà Bùi gia sụp đổ hoàn toàn. Chớp mắt một cái, mọi thứ đã thay đổi đến không ngờ được. Nhưng ký ức về những ngày còn sống làm đầy tớ dưới nhà họ, con Đậu vẫn không thể nào xóa nhòa. Mợ cả, mợ hai, mợ ba và cả mợ tư, những người đàn bà ấy sống trong nhung lụa nhưng lại mang bao nhiêu là khổ sở. Tất cà vì một người đàn ông mà hủy hoại cả một đời người. Tranh giành, đấu đá để được cái gì? Cuối cùng chỉ còn lại một nấm mộ lạnh lẽo không còn một ai nhớ đến.

Bầu trời bắt đầu ngả xuống màu ráng chiều đầy buồn bã, những cơn gió cũng réo lên những tiếng thê lương khó dứt. Con Đậu ngả đầu vào vai thằng Tĩu, những giọt nước mắt cứ thế chảy dài nơi gò má. Đột nhiên nó muốn khóc, khóc thương cho thân phận những người đàn bà đang sống nơi đây, trong cái làng Tô Kiệm, trong cái xã hội lề lối cổ hủ này. Rồi nó nhìn xuống bụng, sự xót thương lại trở thành nỗi lo sợ. Ngộ nhỡ rằng đứa con trong bụng nó là một đứa con gái, thì cả đời của đứa nhỏ này cũng phải chịu những thứ mà những người đàn bà phải chịu hay sao? Nghĩ đến đó thôi, nỗi đau xót và lo lắng trong lòng con Đậu ngày một lớn.

"Về thôi mình ơi, trời sắp tối rồi."

Thằng Tĩu vươn tay lau đi những giọt nước mắt trên gò má con Đậu, như muốn an ủi nỗi lo sợ trong lòng nó. Hai người dìu nhau đứng dậy, men dọc theo đường bờ sông đi về phía làng. Hướng họ đi, phía xa xăm có mặt trời đang dần tắt đi....

HẾT