Trải Nghiệm Tâm Linh

Chương 22: Tiếng chim hót trong bụi mận gai.

Tôi là người điện biên. Nơi tôi ở người ta trồng rất nhiều mận, chúng mọc thành cả một rừng, nhà tôi ở trên một con dốc thoải, phía sau có một rừng mận như thế. Tôi từng là nạn nhân của một vụ ma hút máu, hay người xuôi gọi là ma cà rồng, trên chỗ tôi không ai dám gọi nó là ma, vì sợ bị nó thù. Cũng không biết từ bao giờ mà dân bản rỉ tai nhau cái tên phi phông khi nhắc đến nó.

Ngày đó tôi mới được mười tháng tuổi, bố mẹ ban ngày phải đi làm nương nên để tôi ở nhà cho nội bế, cứ chiều chiều bà lại dong tôi ra sân ngóng bố mẹ về. Tự nhiên hôm ấy có một bà không quen không biết, cũng chẳng phải người trong bản, bà ta gùi một bó củi đi qua cửa nhà tôi, thấy hai bà cháu bế nhau ở đó thì lại bắt chuyện. Nội tôi không nhớ mặt mũi bà ta thế nào, chỉ biết là cũng già rồi, có điều nghe giọng vẫn nhanh nhẹn lắm, cứ hai ba câu bà ta lại khen tôi kháu với thích thế nọ kia.

Chuyện vãn thì trời cũng sẩm tối, bà người lạ bảo thôi đi về, lúc chuẩn bị xách gùi lên, bà ta cúi xuống nựng tôi mấy cái. Nội lúc đó vẫn đang bế tôi trên tay, trông bà người lạ kia đi ngược lên dốc mận sau nhà, tự nhiên câu chuyện vừa rồi nói với bà ta liền quên mất, giống như là bị thôi miên vậy. Đêm hôm đó tôi phát sốt, người nóng ran, khóc tới tắt cả tiếng, giã lá thuốc chườm cũng không đỡ được. Mẹ tôi cởϊ áσ ra lau người thì phát hiện có mấy lỗ chích to gấp mấy lần lỗ kim dưới cằm tôi, càng sợ hơn là khắp ngực còn hiện lên những vết đỏ như bị nhéo, mà lúc trước tắm lại không thấy.

Tới lúc đó mẹ mới hốt hoảng bọc tôi vào cái chăn, bảo bố đốt đuốc lên rồi hai người tất tả chạy xuống nhà thầy mo trong bản. May mà mẹ tôi phát hiện ra sớm, nếu để trễ một chút, chắc tôi không sống nổi. Thầy mo đón tôi đặt vào cái nôi đay, lại giở áo ra thấy vết nhéo đỏ thì bảo đúng là nó rồi, khả năng là nó vẫn còn quanh quẩn gần nhà tôi, hai cái lỗ chích này là còn nhẹ đấy, thường thì nó thôi miên người nhà xong chích hết máu là không cứu được nữa. Trong trường hợp nó không hút hết máu thì nó sẽ gieo vào người nạn nhân một loại bệnh, nhưng hồi đấy thầy mo không gọi là bệnh, mà thầy gọi là bùa ma. Mấy vết nhéo này là do nhà tôi chườm lá thuốc nên mới phát ra, nếu để phát hết thì cả người sẽ đỏ nựng, chỉ qua một đêm là chết.

Phi phông là loài ma hút máu trong truyền thuyết của người dân tộc thái chúng tôi, ban ngày nó giống như con người, cũng sinh hoạt bình thường mà không có biểu hiện gì khác lạ, chỉ từ lúc sẩm tối trở đi, phi phông mới hiện nguyên hình. Thầy mo bảo chúng không có hình hài cố định, có con là đàn bà, có con là đàn ông, có con lại giống như thú đội lốt người, trông rất đáng sợ. Chính thầy mo kể lại, lần mà mẹ ông sinh hỏng đứa em út, lúc đó ở bản rất kiêng kị chuyện sinh con chết non, vì cho rằng đứa con đó sẽ thành ma đi quấy nhiễu dân bản, nên sinh hỏng là phải đem chôn thật xa, chôn luôn cho nó không biết đường quay về.

Thầy mo là cả trong nhà, bấy giờ có theo ông nội đem xác đứa bé đi lên đồi mận chôn, sau khi đã lấp đất kín kẽ, hai người liền nhanh chóng trở về. Đồi mận khi đó tối om, chỉ có bó đuốc trên tay ông nội là ánh sáng duy nhất, thầy mo đi sau thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng rít rất lạ từ xung quanh. Qua một gốc mận, tiếng rít nghe gần hơn, cảm tưởng là ngay trên đỉnh đầu mình, thầy mo mới nhìn lên tán cây. Có một khuôn mặt ló ra trắng bóc, răng nanh đỏ lòm, đầu lòa xòa đầy tóc đang nhìn theo.

Phi phông là loài sợ ánh sáng nên khi thấy bó đuốc trên tay ông nội, chúng liền trốn đi, tiếng rít mà thầy mo nghe thấy chính là do chúng phát ra, điều này chứng tỏ trên đồi mận khi đó có rất nhiều phi phông trú ngụ. Chúng bị thu hút bởi mùi máu tanh, nên cứ chỗ nào phát ra mùi nồng nhất thì nơi đó sẽ tập trung nhiều phi phông. Thầy mo giải thích nguyên nhân đồi mận có nhiều ma hút máu như vậy, là vì hồi đó dân bản toàn tự sinh con, tỷ lệ chết non rất cao, có nhà đẻ bốn lần mà chỉ nuôi được một đứa, mà cứ sinh hỏng là lại đem lên đồi mận này chôn, cũng dễ hiểu vì sao ở đây nhiều phi phông như vậy. Lại nói sau khi xác đứa trẻ được chôn xuống, qua một đêm huyệt sẽ bị đào tung lên, cái xác cũng không thấy đâu nữa, dân bản ngầm hiểu với nhau là phi phông đã ăn chúng. Trong cái suy nghĩ thiển cận lúc đó, thì điều này lại là một điềm lành, vì họ nghĩ rằng nó làm như vậy tức là đã ăn con ma và dân bản sẽ được yên ổn.

Thầy mo giải thích trong lúc đang chữa bệnh cho tôi. Ông xoa một thứ nước vắt từ lá cây rừng trộn với rượu lên bụng và ngực tôi, còn ở hai cái lỗ chích thì cạo đồng bạc dọc từ đó xuống cổ, mẹ bảo tôi đang khóc gắt mà cạo một hồi thì ngừng hẳn. Không những thế, thầy mo còn đọc một bài chú, tay ông vỗ lên hai má và trán tôi, lạ ở chỗ mặt tôi đang tím ngắt thì dần chuyển hồng hào trở lại. Cách làm này giống như cạo gió vậy, đại loại là tác động đến các huyệt trên cơ thể để giải tỏa độc tố, còn tác dụng tâm linh thì tôi không chắc, vì sau hôm đó tôi vẫn sốt cao mấy ngày liền, tới mức phải đi bệnh viện tỉnh mới khỏi.

Quay lại với chuyện con phi phông, tôi thắc mắc là tại sao ngày xưa dân bản coi con ma hút máu đó là điềm lành, mà giờ đây người ta lại sợ và tìm mọi cách diệt trừ nó? Thầy mo nói rằng, do người dân mông muội đã được khai sáng, một thời gian sau các bệnh viên, trạm xá được xây dựng, họ không phải đẻ trong nguy hiểm nữa, nhà nước còn miễn phí nằm viện cho các bà đẻ khi tự giác đến đẻ ở cơ sở công, thay vì cố thủ ở nhà như trước. Thành thử hiện tượng chết non của trẻ sơ sinh giảm hẳn, chính vì thế mà phi phông không có được thức ăn, chúng trở lên đói khát và liều lĩnh, từ đó dẫn đến kết quả tất yếu là chúng đã xuống các bản làng để tìm mồi.

Cái gì cũng có nguyên nhân cả, dù là truyền thuyết thì cũng có những cái hợp lý và bất hợp lý riêng, thầy mo giải thích có kèm theo dẫn chứng như sau: người đầu tiên bắt gặp phi phông kiếm ăn ở ngoài vùng rừng núi, là ở sau một trạm xá, đúng hơn đó là một bãi tập kết rác thải y tế. Hồi ấy cứ 8h tối là có một người chuyên thu gom rác tới đó làm vệ sinh, đúng lúc vừa xách chổi đến sân, người đó thấy một bóng đen lù lù đang bới rác. Nhìn cái bóng thì có vẻ giống người lắm, nhưng đầu lại dài và to hơn rất nhiều, người đó tay cầm đuốc vừa dí tới vừa quát thật to để xem là cái gì. Khi còn cách mấy bước chân, tự nhiên cái bóng kia giật mình, nó quay ngoắt ra nhìn người quét rác. Đồng thời người quét rác cũng rú lên một tiếng hãi hùng, thứ mà người đó thấy là một cái đầu ngựa.

Trên tay nó cầm một bọc đen đã bị xé rách, bông và gạc dính máu lòng thòng rơi ra, trông mà người quét rác hết cả hồn vía, sau đó lập tức cuống cuồng bỏ chạy, sợ tới không dám quay đầu lại nữa. Câu chuyện lan ra cả vùng, bấy giờ không ai là không biết đến con thú đội lốt người ấy, nó là một loại của phi phông, nhưng chuyên hút máu gia súc gia cầm, hình dạng nửa giống người nửa giống thú vật, so với phi phông thông thường thì còn ghê hơn rất nhiều. Từ ngày đó phi phông bắt đầu hoành hành phức tạp hơn, chúng không yên phận trốn trong rừng nữa, cái đói khiến chúng bỏ những đồi mận um tùm để trà trộn vào dân bản, truyền thuyết ngày nay phần lớn đều chỉ nhắc đến giai đoạn này, chuyện của tôi là một ví dụ.

Nhiều người sẽ hồ nghi về sự thật trong chuyện này, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng, phi phông hay ma hút máu nó cũng giống như những truyền thuyết ma quỷ dưới xuôi, không phải cứ đẻ ra đã là phi phông, nó là một dạng ma rừng nhập vào người, có thể hút máu hoặc ăn thịt sống để tồn tại. Đó là lý do tại sao mà ban ngày nó vẫn sinh hoạt bình thường, thậm chí có nơi còn cho rằng phi phông lấy vợ lấy chồng rồi sinh con nữa, vì vốn dĩ đó vẫn là người, chỉ có ban đêm là khoảng thời gian kiếm ăn của nó nên nó mới lộ nguyên hình. Cũng không phải là không có cách để trị phi phông, nếu như một người bị phát hiện là phi phông nhập vào, thầy mo sẽ dùng roi mây để quất tới khi con ma rừng sợ mà thoát ra mới thôi.

Nhưng rất hiếm khi bắt được phi phông, chúng sống trà trộn trong cộng đồng dân bản lâu dài nên khả năng che giấu thân phận cũng ngày càng tinh vi hơn. Thầy mo đã chỉ cho mẹ tôi các cách để đề phòng phi phông như: chuẩn bị các loại lá có gai để treo xung quanh nhà, làm ta leo buộc ngoài cửa hoặc cầu thang, lấy đòn gánh, lưới bắt cá đặt cạnh giường. Với những thứ đó, phi phông vẫn có thể trà trộn cùng khách khứa vào nhà chơi hoặc hỏi thăm tình hình bệnh tật của tôi, nhưng nó sẽ không dám đến một mình để làm hại tôi nữa.

Không biết là nhờ những thứ trang bị đó hay là vì gia đình trông chừng cẩn thận mà về sau tôi không còn gặp chuyện gì như thế nữa. Cũng không phải tự nhiên mà tôi được kể cho nghe câu chuyện này, chả là cách đây một tuần tôi và đứa em họ có đi bắn chim với nhau, mùa này chim rất sẵn nên đi săn mải miết cả chiều cũng không chán, tới lúc nhập nhoạng rồi hai anh em mới xách súng và l*иg chim về. Chúng tôi có đi tắt qua đồi mận một đoạn, tới quãng cây cối um tùm thì tôi có nghe thấy tiếng rít khẽ trên tán cây. Đoán là có con chịm đậu trên đấy nên tôi soi đèn pin lên, đột nhiên tán cây rung lắc dữ dội, lá cây reo rào rào, không phải là chim, chắc là con gì to lắm, em họ tôi mới lên nòng súng bắn ra hai phát. Rồi dưới đất có tiếng bịch bịch như vật trên cây vừa rơi xuống, tôi lia đèn pin theo thì lại không thấy đâu nữa, tưởng là con mèo rừng nên hai đứa tôi còn tiếc mất mấy hôm.

Hôm nay nghe kể thì mới biết, cái đồi mận đó thực ra chẳng còn con chim nào cả, nếu có thì đều bị phi phông ăn hết rồi. À, nói mới nhớ, không hiểu sao tôi cứ thấy ngờ ngợ, tại sau hôm anh em tôi đi săn chim một ngày, chủ cửa hàng đối diện nhà tôi cũng đột nhiên nhập viện, nghe nói là đêm hôm trước bị ai đó ném cho mù một bên mắt, thật chẳng biết thế nào nữa.