Trải Nghiệm Tâm Linh

Chương 11: Ở tranh đất người chết (3)

3. Đất mặt đường, lấn ao, lấp mộ.

Chuyện này phải kể từ lúc ông bà tớ mua được căn nhà cấp 4 ở mặt đường 5 bây giờ. Hồi ấy gom được đủ tiền mua đất mặt phố là quá xa xỉ rồi, ông bà không có khái niệm về phong thủy hay địa lý. Tức là thấy lô đất đoạn này rẻ nên đồng ý mua, do cả hai ông bà đều đi thoát ly, mãi mới xin chuyển được từ Ân Thi lên gần thủ đô. Hai ông bà tính là sau này con cái trưởng thành rồi mở cửa hàng buôn bán ngoài này mới có cơ khấm khá.

Lại nói sau khi dọn về đây ở, trong nhà đã có sẵn một cái giường, ai từng ở thời bao cấp mới biết, cái giường nó giá trị đến mức nào. Chẳng thế mà nhiều nơi còn không có gỗ đóng giường, người ta phải lấy cả những ván quan ngoài bãi tha ma đem về đóng.

Sát vách nhà bà tớ là túp lều của cụ Nữ, bà kể là cụ không có con cái, sống rất kham khổ. Cụ Nữ hơn tuổi cụ thân sinh ra bà, nên cụ hay gọi bà là con, nghe đâu cụ đã ở đất này từ hồi nhà nước chưa mở đường quốc lộ, so ra thì cụ là người hiểu nó hơn ai hết. Những chuyện lễ bái, thờ phụng mà bà tớ vẫn làm ngày nay đều là do cụ truyền lại.

Kể tiếp về cái chuyện nhà bà tớ, dạo đó ông tớ đi Thác Bà phụ thi công đập thủy điện, bà với bố tớ và cô thứ ở lại đây. Trong nhà lúc nào cũng có người mà cứ lạnh ngắt như nhà hoang, ban đêm bà ngủ còn hay bị giật mình, kiểu như đang nằm thì tay liền có người kéo đi, rồi bất thình lình người đó thả tay bà ra. Nhiều đêm như vậy, bà vẫn chỉ nghĩ là do lạ giường nên khó ngủ thôi.

Cho tới một đêm, bà bị giật mình rồi tỉnh dậy, bố tớ và cô thứ vẫn đang ngủ, bà xoay người hướng mặt ra cửa, mắt mở he hé, bỗng từ đâu bà thấy một bóng đen ngồi lù lù dưới cuối giường. Cả đời bà cũng không quên được cảm giác lạnh sống lưng ấy, đang nằm mà bà giật bắn người dậy, bóng đen trông thế mà bất động, bà tả nó giống một người ngồi bó gối, cằm tựa lên hai chân, mặt đối diện với bà.

Vì nhà không có đàn ông nên bà luôn thủ sẵn con dao thái chuối dưới chiếu, vừa rút con dao lên, bà phay luôn mấy nhát xuống cuối giường. Hồi đó người ta không sợ ma như bây giờ, bà cầm dao vừa chém vừa khấn thổ công, đến khi dao cắm phập một cái rút không ra được mới ngừng tay.

Bố tớ và cô thứ thấy động liền choàng dậy, vừa la vừa khóc, bà một tay bế cô thứ, một tay dắt bố tớ xuống giường, xong lao ra cửa mở khóa, lúc ấy bà tưởng chạy không kịp thì bị "nó" nhập vào người, rồi thành điên dở. May sao ba mẹ con bà thoát được, nghĩ đêm hôm không biết đi đâu, bà liền bống bế bố tớ và cô thứ qua dậu mồng tơi, sang nhà cụ Nữ, vừa gọi cửa vừa xin cụ cho vào.

Cụ Nữ nghe bà tớ kể lại cảnh tượng vừa rồi, mặt liền biến sắc, bảo bà dẫn cụ sang xem thế nào. Đêm hôm đó, cụ Nữ đi quanh nhà nhìn một vòng, xong gọi bà tớ vào, đầu tiên cụ chỉ cái bàn thờ nhà bà. Trên kia không treo tranh ảnh gì, thờ thế khác nào thờ ma. Dù là bàn thờ tuềnh toàng, nhưng đã có bát hương thì ít nhất cũng phải có thêm ảnh tự hoặc câu đối, mỗi bát hương không thì ai cũng có thể ngồi lên đấy được.

Tiếp theo cụ chỉ cái giường trong nhà bà, cụ hỏi có phải là do bà sắm không. Bà đáp là không, giường này có sẵn từ trước rồi. Cụ gật đầu, bảo là do bà không biết, loại giường này người ta đóng từ quan tài cải táng vứt ngoài bãi tha ma. Lật dát giường lên xem mặt trong của thành giường, thấy ngay một chữ "Đại" khắc vào một đầu, cái đó là để đánh dấu chiều nằm cho người chết. Bốn thành giường đều có khắc chữ "Đại", vậy cái giường này không khác gì chiếc quan tài cỡ lớn.

Nghe cụ nói mà bà tớ sợ run, còn cái bóng đen ngồi cuối giường lúc trước, cụ bảo là do ván này chôn rồi, thành nhà cho ma rồi mới lấy ra để đóng giường. Từ đây bà tớ biết được cái khu đất mặt đường này trước đây là một nghĩa địa, nơi tập trung chôn cất cho khoảng 5 làng xung quanh đó.

Không biết hình thành như thế nào mà mộ lại quây quanh một cái ao tù, người làng từ lâu đã muốn lấp cái ao đó đi, vì mưa xuống là nước trong ao dềnh lên, ngập hết các mộ xung quanh. Đất ở đây ngay cả cỏ còn khó mọc, cứ qua mỗi mùa mưa là lại có nhà kêu sụt mộ xuống lòng ao, nhưng do người ta xây mộ sát nhau quá thành ra không còn chỗ để vào san cát lấp nó đi.

Cụ Nữ là người làng chính gốc, không chồng con, không họ hàng gì nên cụ xin làm quản trang cho làng, chuyển lều ra sát nghĩa địa sống. Cụ kể có những đêm mưa to, cứ rào rào khắp bốn phía, cảm tưởng như có ai ném đất lên đầu mình vậy. Thường thì cụ sẽ không ngủ được mà nằm nghe ngóng tình hình, thốt nhiên cụ nghe được một tiếng "ọc" rất lớn.

Đoán là có sự bất thường, sau một tiếng "ọc" đó là rất nhiều những tiếng ì oạp, nó từ trong ao vọng lại, mưa to thế mà nó còn át được cả tiếng mưa. Cụ biết ngay là cái ao vừa nuốt tọng một ngôi mộ, nó kéo đất đá cùng quan tài xuống dưới nước mà ăn, cứ òng ọc òng ọc hết cả.

Cái ao đó đã nuốt trên dưới chục ngôi mộ, nước trong ao đen đặc như nhựa đường. Cho tới khi nhà nước đem xe cẩu và máy xúc đến, kêu gọi người dân rời mộ để lấp đất làm đường, tình trạng đó mới thật sự chấm dứt. Lại nói lần lấp mộ năm đó, có nhiều mộ vô danh, không người tới nhận, bên dưới còn không có áo quan, chỉ thấy độc một bộ xương trơ ra.

Nhà nước xử lý bằng cách đem xương đó tập kết lại, đào một hố chôn tập thể và bỏ xuống. Nhưng vùng này là nghĩa địa lâu năm, xương cốt nhiều không đếm xuể, nhà nước làm ăn qua loa, còn bao nhiêu mộ chưa cho đào lên, có khi thấy còn vùi luôn xuống, tới cùng thì xương cốt vẫn nằm rải rác khắp mặt đường năm bây giờ.

Bên dưới nhà cấp 4 của bà tớ, cách đây 15 năm khi đào móng xây nhà mới, công nhân phát hiện 3 xương sọ cùng rất nhiều xương ống chân, ống tay các loại. Chuyện mà cụ Nữ kể khi ấy, chắc muốn ám chỉ là dưới nền nhà này còn xót xương, giường quan được đặt ở đây để người âm ngủ, không cho họ quấy phá. Bà tớ nằm lên đó khác nào chiếm chỗ của họ, chả trách họ oán cho.

Một điều nữa là nhà này đã lâu không ai dùng đến, giường vô chủ dễ sinh lạnh lẽo, để âm khí ấy ngấm vào người, qua một thời gian sẽ thành bệnh. Cụ thể là sau khi sinh bốn người con, bà tớ triệu chứng của bệnh thấp khớp, lúc đó bà mới 32 tuổi, có chạy chữa thuốc đông thuốc tây, nhưng bệnh chỉ đỡ chứ không khỏi. Nguyên nhân thì bà khẳng định là do ảnh hưởng từ ngày đó, cứ hễ thay đổi thời tiết là bà lại đau khắp người, xương cốt cứng ngắc không thể di chuyển được.

Tớ lại kể tiếp về chuyện cái giường quan, đến khi trời sáng rõ, cụ Nữ bảo bà tớ ra ngoài gọi người đến giúp tháo giường, đem hết ván này ra đốt, giữ trong nhà thêm ngày nào thì hại ngày đấy. Lúc mọi người vừa đến, lại thấy cụ Nữ đang cúi người nhìn vào gầm giường, miệng quá mất tiếng giống như đuổi chuột. Bà tớ lấy làm lạ hỏi, cụ không đáp, chỉ bảo mọi người thử nhấc giường lên xem được không.

Mấy người loay hoay hồi lâu mà không tháo được, cụ Nữ bấy giờ lại chỉ vào chân giường, trừng mắt quát: "Này!". Ai nghe thấy đều giật mình, cụ bảo chúng nó giữ chỗ không cho đem đi đấy, phải lấy cái gì có tiếng đanh hơn mới đuổi chúng nó đi được.

Trong nhà vừa hay có chồng bát sành mẻ miệng, bà tớ lấy đem đưa cụ, ngay lập tức cụ đập liền ba bát xuống chân giường, tiếng bát vỡ đinh tai. Cùng lúc lại giục mọi người mau nhấc ván gỗ ra, lần này ván không chắc như trước, gồng tay một cái liền tháo rời làm bốn mảnh. Người ta đem ván ra ngoài, cụ bảo không nhất thiết phải đốt luôn, có thể xẻ làm củi nhóm bếp cũng được, tách ra rồi thì cũng chỉ là khúc gỗ, bản thân không có gì nguy hiểm.

Kể ra thì hồi đó âm rất thịnh, nhà cửa lại không lấy gì trấn yểm, hàng xóm ngày trước của bà còn có những nhà ban ngày cũng thấy ba bốn hình người lố nhố đi lại. Cả khu phố đều là xây trên nền đất nghĩa địa, cái ao thì bị lấp đề làm đường quốc lộ, nếu so với đất nghĩa địa thì đất lấp ao vẫn độc hơn nhiều lần.

Cái ao đó giống như vật sống, trước thì ăn người chết, sau thì ăn người sống, đoạn đường qua nhà bà tớ đã chứng kiến biết bao vụ tai nạn, từ lúc đường được mở cho đến nay, người chết vô số kể. Cụ Nữ nói với bà là cái ao đó tích tụ âm nhiều âm khí, san cát làm đường chỉ là bề mặt thôi, cái chính là nó đã ngấm vào long mạch, nói dễ hiểu thì nó giống cái hố đen chôn dưới lòng đất. Ngày càng mở rộng, rồi sẽ có lúc nó ăn vào mạch sống dân sinh quanh đấy.

Nhưng không phải mình chịu để nó uy hϊếp như vậy, cụ Nữ chỉ bà tớ một cách. Trồng lấy cây gì lâu năm ngay trước bậc tam cấp, dễ cây đó sẽ từ từ hút lấy âm khí rồi phân tán ra, vừa không để cho cái ao kia mở rộng, vừa có thể chặn được ma tà từ bên ngoài xâm nhập. Tớ không hiểu cách đó có hiệu quả thật không, nhưng cây bàng bị xúc đi đã được bà tớ trồng hơn 20 năm, cùng với những cây phượng, cây xoan ở những nhà xung quanh, mặt tiền cả khu phố gần như toàn những cây cổ thụ.

Chuyện của ngày xưa phần lớn là ma mị, vì người ngày đó mê tín hơn bây giờ. Nói gì thì nói, thực tế sau khi dàn phòng thủ của khu phố bị bật gốc, nhà dân sống quanh đó liên tiếp gặp phải những chuyện cực khủng khϊếp, hàng xóm sát vách tớ chính là điển hình đầu tiên.