Cửu Long Quái Sự Ký

Quyển 2 - Chương 14: Quỷ Hài Nhi

Tôi hết sức bàng hoàng, nhìn thật kỹ dưới chân mình toàn là những đầu lâu, xương trắng trộn lẫn nhau. Nói vậy thì cái Biển Oan Hồn này trải dài như vậy, chẳng phải là có cả ngàn cả triệu cái đầu lâu hay sao? Chúng tôi lần bước từ từ tiến về trước, lâu lâu lỡ chân dẫm nhầm lên một cái đầu lâu mục nát, chúng bể rôm rốp dưới gót chân khiến gai ốc nổi đầy. Cảnh vật vẫn vậy, con đường trên biển phủ đầy hộp sọ, đủ cỡ già trẻ lớn bé, chất chồng lên nhau mà nếu không để ý kỹ cũng khó nhìn ra chứ chẳng đùa. Sóng từ đâu ngoài khơi cứ ập đến liên hồi, mỗi lần đón một đợt sóng, những cái đầu lâu đó theo nước lăn lên, nước rút đi kéo theo chúng lăn xuống, mỗi đợt như thế lại vang lên tiếng "rạo rạo" nghe như núi rung đá lở. Nhóm chúng tôi tuy cũng có bàng hoàng ngơ ngác, nhưng đáng kể nhất phải là Thùy và Tùng. Cả đời họ chắc chỉ ngày đêm đèn sách, cùng lắm thì chui vào những hang động bình thường khác, còn những nơi chỉ riêng lục lâm mới đến như thế này quả thật vượt xa trí tưởng tượng của họ. Gã Tùng bước đi cứ liêu xiêu, ra bộ nhát chân lắm, mỗi lần dẫm bể một cái đầu lâu gã lại la "Ối!" lên một tiếng hết sức buồn cười.

.

Tôi đưa mắt nhìn ra xung quanh, chỉ tuyền một màu đen, tiền rớt cách ba mét chưa chắc đã thấy mà nhặt. Anh Hùng chắc cũng nghĩ giống tôi, anh đưa tay lên vuốt mặt, hình như sắp đưa ra quyết định liều lĩnh gì đó. Anh đặt ba lô xuống rồi móc cây đèn pin ra, anh đưa nó lên mắt rồi tắt mở mấy lần như đang kiểm tra độ sáng, xong thì anh chậc lưỡi nói: "Không đủ sáng!"

Tôi hốt hoảng nói: "Bộ anh đinh mở đèn pin trong đây hay gì á, nhưng mà thằng Sinh nói lúc ở hang Reahu..."

Anh cắt ngang: "Đúng vậy, ánh đèn sẽ thu hút sự chú ý của mấy cái vong. Nhưng mà, mày cứ nhìn con đường đi, mặt nước thì trải dài hun hút, con đường thì không thấy đích đến, lại tối như hũ nút. Giờ cầm đuốc xông vào, trượt chân té xuống dưới thì xong phim. Anh thà đánh với lũ vong ở chỗ khô, như vậy cơ hội sống sót vẫn lớn hơn rất nhiều." Đoạn, anh quay sang Thuỳ: "Em chắc có mang đèn pin công suất lớn đúng không?" Cô gật đầu rồi lôi ra hai cây, tay cầm màu đen, mặt đèn to như cái tô. Anh Hùng nhận đèn rồi móc trong ba lô của mình một cuộn vải, trên đó có vài ký hiệu ngoằn ngoèo khó đọc, anh quấn chúng quang mặt đèn của hai cây công suất lớn và bốn cây nhỏ, tôi thắc mắc đó là cái gì, anh làm xong rồi mới nói: "Đây là vải liệm thường rồi vẽ bùa lên thôi, có công dụng kìm lại ánh sáng chói chang đầy dương khí của đèn pin, làm giảm nguy cơ dẫn dụ ác vong." Xong thì cả bọn lại lên đường.

.

Mấy cây đèn của bốn người bọn tôi thì chỉ là loại thường, ánh sáng chiếu không xa, dễ bị nhòe, cũng may có thêm hai cây chuyên dụng của Thùy và Tùng, ánh sáng xa và rõ hơn. Không biết còn phải đi dưới lòng đất này bao lâu nên anh Hùng bảo cất kỹ hai cây "xịn", tạm thời chỉ mở hai cây nhỏ, Sinh đi đầu dẫn đoàn một cây, đến Thùy, tôi, Tú Linh, Tùng, anh Hùng chốt đoàn một cây, làm vậy để tiết kiệm pin, đề phòng bất trắc kẹt lâu hơn dự tính. Tôi quay sang hỏi Tú Linh sao cô biết Biển Oan Hồn này, cô ấy nói: "Chế thấy miếng da có ghi, ngày khai quốc, Ca Lâu Vương đời đầu đem những tù nhân chiến tranh xử tử một lượt, làm thành con đường đi ngang "long vương", đến thành chủ. Cứ tưởng nó nói quá lên, ai dè có thật. Sau đó, các tử tù trong vương quốc khi xử tử đều bị vứt ra đây." Tôi nghe mà lạnh cả người.

.

Con đường "sỏi" đầu lâu dường như dài tít tắp vậy, cái gì mà cách thành chủ mười tám cây số, tôi lội bộ vã mồ hôi ra, phần vì đi trên xương rất khó, trơn trượt dễ té, hai là địa hình cũng nhấp nhô như những đυ.n cát bình thường. Xung quanh ngoài ánh đèn là không thấy gì khác, đang lúc leo lên một con dốc nhỏ, tôi bỗng thấy phía xa xa, một thứ gì đó như đèn tín hiệu trên mấy tháp ăng ten truyền hình, cứ chớp tắt liên tục. Khi nãy mới vào tôi có nhìn nhưng tuyệt nhiên không thấy gì khác cả, giờ xuất hiện thứ này không khiến làm tôi càng thấy khó nghĩ. Tôi kêu mọi người nhìn lên, họ cũng bất ngờ hệt tôi vậy. Ánh sáng không nhỏ như đèn tín hiệu, có vẻ nó to hơn, nó có màu đỏ lập lòe rất ma mị. Tú Linh nói: "Miếng da lúc nãy có nhắc đến "con mắt quan sát cả thành", phải chăng là nó?".

Tùng quay sang vui mừng nói: "Con mắt gì, đèn tín hiệu đó, chắc ở đó có đường ra, sắp được cứu rồi!".

Sinh đâu thể để tên Tùng nói nhảm mãi được, bèn đốp lại: "Ngoài anh ra có ai mắc nạn gì mà để "cứu"? Con mẹ nhà anh, không làm gì được thì cứ im lại, thở ra câu nào là chịu không nổi câu đó!"

Tùng tuy là con thỏ đế chính hiệu, nhưng độ cãi cùn cũng không thua ai, y bèn bảo: "Các người bị khùng rồi, cái gì mà Ca Lâu Vương, cái gì mà trường sinh bất tử, hành tung mấy người vô cùng đáng ngờ, không chừng thực ra lại là đám cướp đường cướp chợ, định bán nội tạng bọn tôi chứ gì?" Anh Hùng từ phía cuối đoàn thấy có lùm xùm định đứng ra can, chưa kịp làm thì Sinh đã chộp cổ áo Tùng, giọng nói pha lẫn tiếng nghiến răng ken két: "Tao nhắc lại lần nữa, một là mày phắn khỏi cái nhóm này, tự đi về chỗ con nhện rồi nó đưa mày lên, hai là mày câm mồm, còn nói xàm thì tin tao một chưởng đưa mày về với cát bụi không?"

Thấy tình hình không ổn, Thùy và Tú Linh can ra. Tay Tùng lẽo đẽo đi về cuối đoàn, bị anh Hùng lườm thêm cái nữa, miệng hắn nghe đâu vẫn lẩm bẩm: "Ánh đèn thiệt mà..."

.

Anh Hùng nói: "Ánh đỏ như vậy, đúng là nếu phát ra từ viên ngọc rết thì một là khó tin, hai là viên này phải to dữ lắm!" Chúng tôi vừa đi về trước, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu lên nhìn ánh chớp đỏ, có nó cũng hay, giống như là tín hiệu dẫn đường, nó ở tít trên cao nên chúng tôi cứ nhắm hướng đó mà đi có lẽ sẽ thuận tiện rất nhiều. Tôi nhìn sang thấy Thùy có vẻ đang rất lo lắng, bèn bắt chuyện với cô: "Em học địa chất hả, bên đó có giải thích được làm sao có cái động khổng lồ thế này dưới hang Mo So không?"

Thùy ngơ ngác, bảo cô không chắc lắm rồi quay ra hỏi Tùng, anh ta quay trước sau nhìn Sinh và Hùng như kiểu: "Em không nói bậy đâu!", rồi mới dám mở lời.

.

Theo Tùng, địa hình như thế này vô cùng hiếm. Nếu theo địa chất miễn cưỡng mà lý giải, chỉ có thể nói là xác suất vô cùng nhỏ. Khả dĩ, có thể vào Thế Canh Tân (Còn gọi là Thế Pleistocen, khoảng từ 1.8 triệu năm đến 11.500 năm trước), vùng này vẫn còn những vụ kiến tạo nhỏ, hai mạch dung nham nằm tương đối gần nhau (gần nhau trong địa chất có khi là vài trăm kilomet là chuyện bình thường) phun trào cùng lúc, đè chồng lên lớp trầm tích có từ trước. Tưởng tượng có thể như thế này, lấy một xô cát đổ ra, sau đó đổ kim loại nung chảy lên bề mặt cát, đợi kim loại cứng lại thì moi cát ra, bên trong kim loại có một khoảng trống. Thiên nhiên ngày xưa, khả năng dòng chảy mạch nước thay đổi, vô tình xói mòn và kéo theo đất cát, phù du còn lại trong lòng hang, tạo thành một kỳ tích tuyệt diệu chưa từng thấy.

.

Nghe đến đó, bất giác tôi nhờ Sinh lia đèn lên "trần" hang - hoàn toàn không thấy được đỉnh, chỉ có bóng đen lặng lẽ nuốt trọn ánh sáng. Nghe Tùng giải thích xong, Thùy bèn chêm vào: "Anh Tùng giỏi mấy vụ này lắm đó, ngoài ra còn phân biệt cổ vật hoặc phán đoán niên đại nữa, em nghĩ anh ấy sẽ hữu ích cho nhóm mình." Chỉ thấy gã Tùng lại bẽn lẽn nhìn Hùng và Sinh cái nữa.

Tú Linh quay sang hỏi Tùng: "Đó giờ cưng có biết núi nào ở gần đây tên là Địa Nguyệt Sơn không?" Cả Tùng và Thùy đều ngơ ngác, lắc đầu không biết. Tú Linh bèn giải thích thêm về miếng da mà Từ Khoái viết về Ca Lâu Thành có hai mươi thành trong lòng núi, trải dài trên Địa Nguyệt Sơn dài trăm dặm, rộng mười dặm, cả vùng Kiên Lương Hà Tiên này đào đâu ra con núi hoành tráng thế? Ngay cả lên vùng Thất Sơn cũng không có, ngoài ra cô còn kể về tàn tích dưới biển ngoài khơi Hòn Sơn Tú Linh và bảo là nếu có chuyện tạo hang động kỳ vĩ thế này thì có khả năng thực tế về Địa Nguyệt Sơn là cái gì. Tùng nghĩ một hồi rồi mới nói, nếu vậy, xác suất cao thời kỳ đó, Địa Nguyệt Sơn là một dãy núi hình cánh cung, khởi nguồn từ Hà Tiên, vòng qua Kiên Lương, cong ra hướng biển đến tận Hòn Sơn? Nếu vậy có thể giải thích được những đồi núi thấp ở Kiên Giang ngày nay thường co cụm lại, chạy theo một hướng.

.

Thực tế ở vùng Hòn Đất, cách trung tâm thành phố Rạch Giá 45km, có một cụm núi gọi là Ba Hòn, gồm: Hòn Me, Hòn Đất và Hòn Quéo, xung quanh cũng có các núi nhỏ khác, Tùng không biết chúng có nằm trong hệ thống Ca Lâu Thành hay không, nếu có thì quả thực Từ Khoái không hề nói thêm mà thậm chí còn làm giảm độ hoành tráng của dãy Địa Nguyệt Sơn. Có thể nói ngắn gọn lại thì thế này: vào thế Canh Tân, vùng ngày nay thuộc Hà Tiên, Kiên Lương trải dài ra Hòn Sơn còn là biển, kiến tạo địa chất thời kỳ trước tạo ra một dãy núi hình cánh cung theo hướng kể trên, vòng cung lõm quay về Tây Bắc. Tự nhiên thay đổi dòng chảy cuốn hết đất cát đọng trong hang ra để lộ phần hang trống, cộng với nước biển rút đi, tạo thành nơi sinh sống lý tưởng. Đến đầu thế kỷ thứ hai, nền tảng Ca Lâu Thành được thành lập trong những hang động xuyên suốt dãy Địa Nguyệt Sơn này. Cộng những ngọn núi vừa ở Kiên Giang, kể cả Ma Thiên Lãnh (Hòn Sơn), trừ đi những cụm núi con mọc ra từ nhánh chính, thì vừa tròn có hai mươi cái, vừa khít với truyền thuyết Ca Lâu Thành có hai mươi động. Về chuyện hiện giờ nó thành tàn tích, nguyên nhân do sự biến động địa chất lần cuối ở khu vực ĐBSCL, khiến dãy Địa Nguyệt Sơn xảy ra những đứt gãy, cộng với nước biển dâng, Ma Thiên Lãnh tách thành đảo, các đồi khác thì bị phù sa trầm tích bồi đắp phần chân nên giờ trông cứ thấp lè tè.

.

Bọn chúng tôi nghe cứ gật gù, cũng có thể là vậy thật, thiên nhiên đôi khi khiến chúng ta không khỏi trầm trồ. Tôi lại đưa mắt nhìn ra "biển" hay "hồ" gì đó lần nữa, rồi hỏi Tùng: "Vậy còn đống nước này?" Nước đó có mùi biển, cứ đυ.c đυ.c mờ mờ một màu đen như mực. Tùng nói phần nước thì anh bó tay, chỉ nghĩ được nó đã nằm đó từ thượng cổ đến giờ, thông qua những khe nứt ngày xưa, lúc mực nước biển cao nên nước theo đó tràn vào đây. Nếu kỳ thực không phải vậy thì anh ta cũng bó tay, chúng tôi cũng thật không hiểu nổi đống nước này từ đâu mà có, đã tồn tại bao lâu hay... nó có chứa đựng thứ gì trong nó hay không. Tất cả câu hỏi của tôi chỉ có màn đêm và tiếng rì rào đáp lại. Sực nhớ đến tiếng rì rào, là sóng, tôi bèn hỏi mọi người: "Thế quái nào mà dưới này không có gió mà có sóng được nhỉ?" Cả đám đi chậm lại, để ý từng con sóng vỗ bờ, không còn hung hãn như lúc nãy nữa mà chỉ phả nhẹ nhẹ, nhưng như vậy cũng đủ chứng minh là mặc dù không hề có gió nhưng nước vẫn tạo ra được sóng dưới này. Lại một điều nữa vượt ngoài khả năng thấu cảm của cả bọn. Ca Lâu Thành ra đi đột ngột, để lại không biết bao nhiêu câu hỏi, 1800 năm mới đón những người khách đầu tiên ghé thăm, rồi 20 năm sau đó lại thêm một nhóm người khác đến nhưng bí mật của nó mang giữ có lẽ vẫn còn nhiều vô số. Sáu người bọn tôi chân thấp chân cao tiếp tục bước đi, cảm giác con đường này trải dài tít tắp vậy. Dưới chân, tiếng "lạo xạo" vang lên theo mỗi bước chân cùng tiếng xương gãy vụn. Thùy đã dần quen, trở nên mạnh dạn hơn, Tùng thì vẫn còn rét lắm, cứ hụt chân mãi, nhưng lúc này hắn không nằng nặc đòi về như lúc nãy nữa.

.

Trước mắt chúng tôi, nhìn chung thì vẫn là con đường "sỏi" đầu lâu, tuy nhiên địa hình có chút thay đổi khi xuất hiện rất nhiều tảng đá lởm chởm nằm ngổn ngang. Giữa những tảng đá có thể nhận ra dấu vết đường đi từ xa xưa, đã bị hao mòn rong rêu hoặc mục nát. Hai bên đường, ngoài đá tảng lởm chởm ra thì còn có những gốc cây đại thụ to phải đến mấy người ôm mới xuể, đèn chiếu lên tít phía trên cũng không thấy được phần ngọn. Tuy nó đã chết cả ngàn năm nhưng thịt vẫn còn cứng chắc đến lạ thường. Lúc này địa hình có hơi cao hơn lúc nãy một chút, nhìn xuống chân thì thấy mặt biển đoạn này khá lặng, không còn sóng nữa mà chỉ là những gợn nước lăn tăn.

.

Cái gì cũng thế, thay đổi đột ngột quá thường là dự báo của những chuyện không ổn. Thùy là người đầu tiên nhắc đến chuyện này, cô trong lúc trò chuyện với Tú Linh thì chợt nói: "Nãy giờ sóng bớt đánh lại, không còn nồng mùi nước biển nữa, dễ chịu hơn quá chị." Hai người họ nhìn ra biển đen ngòm. Tú Linh bảo Sinh dừng lại, cô nói tất cả im lặng nghe thử xem. Lúc này ngoại tiếng "rạo rạo" do cả ngàn cả triệu cái đầu lâu lăn theo nước biển đã bị chúng tôi bỏ lại phía sau khá xa, ở đoạn này sóng không có, nên tạp âm cũng không, lắng tai tập trung nghe thì có thể cảm nhận khoảng cách khá xa ở hướng đối diện chỗ chúng tôi đang đứng có vẻ cũng có cái "bờ" nào đó, và hiện giờ bên kia đang nghe tiếng sóng vỗ, mà theo tôi cảm nhận, nếu tôi đang đứng bên đấy thì sóng còn dữ dội hơn lúc nãy dập vào bờ bên này nữa. Tú Linh quay sang nói với anh Hùng: "Sóng đổi hướng? Không có gió mà có sóng to, giờ thì sóng đổi qua đánh vào bờ bên kia?" Trong nhất thời anh Hùng cũng chưa có giải đáp nên cũng im lặng tập trung lắng nghe.

.

Vừa mới nãy, sóng còn đánh loạn xạ vào bờ bên này, thế mà chưa hút xong điếu thuốc đã quay ngoắt một trăm tám mươi độ, biển trở nên im lặng lạ thường không khỏi làm đám chúng tôi lo lắng. Bỗng Thùy hơi run run nói nhỏ với Tú Linh: "Hình như có con gì mà lớn lớn đập nước cũng làm nước rung động tạo ra sóng phải không chị?" Tôi tự nghĩ trong đầu, linh cảm bờ bên kia cách ít gì cũng cả cây số, con gì mà đập nước khoảng cách đó tạo ra sóng ầm ầm như lúc nãy được, kể cả cá voi xanh? Cả đám còn hoang mang, Tú Linh sực nhớ lại gì đó, kêu lên: "Chạy! Chạy về hướng ánh sáng đỏ mau! Chết hết bây giờ!"

Giọng hết sức khẩn cấp của cô khiến cả đám bất giác chạy theo. Đá lởm chởm nằm ngổn ngang, đường mòn thì nhỏ nên dù cố chạy cũng kẹt lại, khó mà di chuyển nhanh được. Bỗng tôi nghe rõ ràng một tiếng "vυ't" của vật gì đó rất to bay lên khỏi mặt nước, tiếng rào rào của nước chảy xuống, linh cảm tôi với tay ra nắm lấy Tùng kéo mạnh về trước. Gã vừa ngã ra thì từ trên khoảng không đen ngòm phía trên, một đống thịt nhớp nháp trắng bệch, mọc đầy vảy to nhỏ không đều nhau đập mạnh xuống đến nát cả đá. Nó vừa đập xuống thì từ từ trôi nhẹ ra biển. Tôi nhìn thấy những cái giác bám to như cái mâm con trên đó thì tá hỏa kêu lên: "Bạch Tuộc gì to vậy trời!"

Anh Hùng hét lên bảo tôi chạy nhanh, Tú Linh cũng đồng thanh hô theo: "Chạy nhanh đi, Bạch Tuột Hổ, để nó đập một phát thì má nhìn không ra đâu!" Khỏi cần cô ta nói, nhìn cục đá lúc nãy tôi cũng hiểu rồi, có lẽ gã Tùng hiểu nhiều hơn tôi thì phải, chỉ thấy gã ù té chạy lên một mạch.

.

Trên mặt biển đen kịt lúc này, trong ánh sáng mờ ảo, tôi thấy có khoảng hơn một chục quả cầu rất to màu trắng vằn đen trông như lông hổ đang nổi lập lờ, từ đó liên tục vung ra những cái xúc tu khổng lồ đập vô hồi kỳ trận vào nơi chúng tôi chạy qua. Cũng may chúng không tấn công từ nãy, lúc còn đoạn đường trống không có đá tảng, chứ nếu không có trời mà cứu nổi. Ở đây tuy khó đi hơn nhưng ít ra còn có thứ để ẩn nấp, thấy ổn thì lại di chuyển. Chợt phía sau tôi lại vang lên những tiếng "lạo xạo", "rôm rốp" ghê tai, quay ra thì hồn phách lên mây khi ở sau lưng, cách cũng khá xa, có vài con Bạch Tuộc Hổ leo hẳn lên đường đi, chúng đứng bằng bốn xúc tu, vươn thẳng lên cao cũng phải hơn mười lăm hai chục mét, nhìn hết sức kinh dị. Chúng dùng bốn xúc tu trước lôi thân người, bốn cái làm trụ, lần mò rượt theo đám chúng tôi. Tôi hét lên thông báo tình hình. Tú Linh lấy trong túi ra vài cây kim, phóng xé gió trong bóng đêm. Bình thường chỉ vài cây đã thấy tác dụng, lần này cảm giác như Tú Linh dùng gấp hai ba lần mới xi nhê, chúng di chuyển chậm lại, Tú Linh đã câu giờ thành công, tôi thấy mừng thầm, chạy thụt mạng về trước. Tôi vừa chạy vừa quay sang hỏi anh Hùng: "Anh với Sinh không có cách nào sao?".

Anh nói: "Anh nói mày rồi mà, tụi anh đi đập miễu trên rừng trên núi, chứ có phải Thông Hải làm ngoài biển đâu mà trị được mấy con này!"

Sinh cũng quay lại, đế thêm vào: "Con mẹ nó, gặp cả đàn Bạch Tuộc Hổ kiểu này, cao nhân thông hải chắc cũng phải chạy thôi."

.

Đến một đoạn, đường mòn rộng ra chút, hai bên xuất hiện nhiều gốc cây thấp, có vẻ đã sắp đến đất liền. Bọn Bạch Tuộc Hổ sau lưng vẫn cứ dí đến, phát ra những tiếng kêu ré ré điếc cả tai. Thử nghĩ xem 1800 năm không có ai vào được động này, hai mươi năm mà có hai đợt khách vào thôi thì có đói đến mờ mắt đi, không thể bỏ lỡ cơ hội này nên luôn bò sát sạt sau lưng. Bỗng Sinh la lên: "Nhanh lên đi, sắp thoát rồi!" Chúng tôi bất giác nghe thế thì tự thân cố mà chạy nhanh hơn nữa, Thùy chạy thế nào vấp té làm tôi phải vòng lại kéo cô ấy dậy, vừa ngẩng đầu lên thì đã thấy lù lù một tảng thịt trắng bệch khổng lồ đang rơi xuống trước mặt. Định bụng chết đến nơi rồi thì anh Hùng lao đến, một búa một dao chém cái xúc tu ấy gần lìa, chỉ nghe tiếng con bạch tuộc rú lên kinh khủng, anh hét lên: "Đợi chết hay gì không chạy đi."

.

Thì ra lúc nãy Sinh thấy một cấu trúc tựa như tường thành thấp mà chúng tôi đã leo lên trước khi bước vào Biển Oan Hồn. Theo chân nó bọn tôi rút lên trên, ở đó cũng có một kẽ hở đủ hai người chui lọt. Bọn Bạch Tuộc bò đến gần cổng thành này bỗng kêu ré ré, tỏ vẻ chần chừ không dám tiến vào tựa hồ như đang sợ một thứ gì đó bên trong, tất cả chúng rút về biển cũng đột ngột như lúc chúng xuất hiện. Để cho chắc, chúng tôi tiếp tục chạy thêm một đoạn nữa, cho đến khi không còn cảm nhận được tiếng lạo xạo xương vỡ mới dám dừng lại thở. Từ khi chui ra khỏi khe hẹp, chúng tôi tiến vào một tàn tích có nhiều dấu vết nhà cửa cùng những gốc cây đại thụ khổng lồ nằm ngổn ngang. Không ai nói ai, cả bọn lựa một chỗ đất bằng, ngồi nằm la liệt. Có thể nói là lượn qua lượn lại Quỷ Môn Quan mấy vòng cũng không quá. Tôi tuy còn rất mệt, cũng ráng quay sang hỏi Tú Linh: "Chế đẹp lúc nãy sao biết về mấy con bạch tuộc quái vật đó mà kêu chạy vậy?" Ánh mắt mọi người đổ dồn về cô như đợi xem câu trả lời.

Tú Linh thở vài hơi rồi nói: "Có nhớ lần chế kể sư phụ chế theo Lý Tổ sư đi đập miễu tận Hải vực Trường Sa không? Lần đó về, sư phụ chế có nói về những con vật không đội trời chung với thông hải, Hổ Chương Ngư hay còn gọi là Bạch Tuộc Hổ, con bình thường to cỡ cái xuồng ba lá, con to thì cỡ ghe chở lúa, vằn vện như hổ, răng nhọn, mắt đỏ... Mấy con hồi nãy mình gặp đích thị là quái vật rồi chứ không còn là Bạch Tuộc Hổ nữa. Loài này bơi rất nhanh lẹ, thậm chí còn leo lên bờ đi được, chúng ngậm nước phun ra có thể đâm thủng thuyền gỗ như chơi. Thông hải mò ngọc, bỏ mạng vì nó không ít." Cô ngưng lại thở rồi nói tiếp: "Lúc nãy Thùy nó nói rằng đôi khi cá lớn đập nước cũng ra sóng nhỏ, chế sực nhớ lại chuyện Bạch Tuộc Hổ, lắng nghe kỹ trong tiếng sóng thì đúng là có tiếng phun nước rất mạnh, hẳn là con này rất to, nên bảo mọi người chạy. Ai dè không những nó to mà còn đông thấy mẹ..."

.

Tôi thở hắt ra, thấy chúng tôi vẫn còn may mắn lắm, hy vọng chuyến này đi thuận lợi. Anh Hùng và Sinh cầm đèn pin đi khảo sát xung quanh, có vẻ nơi đây là ngoại ô, nhà cửa còn khá thưa thớt. Nhà ở đây xây bằng đá tảng kết hợp với bùn đất, trải qua gần 2000 năm mà chỉ thấy hư hại nhẹ chứ chưa sụp đổ hoàn toàn. Khắp nơi dưới đất mọc lên những thứ như nấm, màu trắng đυ.c. Ngoại ô này tính ra chắc cũng rộng đến vài cây số chu vi, đèn rọi bốn phía mà không thấy điểm dừng. Không khí bên này có mùi ẩm mốc, không hôi, hơi lạnh từ các ngôi nhà phả ra rất quỷ dị. Bỗng Thùy kêu: "Mấy anh chị qua coi cái này nè."

Nền đất bùn hơi ẩm ướt xuất hiện vết hằn như lúc trước, là vết kéo lê! Tôi suy nghĩ: "Thế nào mà đi nãy giờ không thấy vết kéo này mà đến đây lại xuất hiện?" Tựa hồ như có con gì đó kéo họ bay lên, đến đây thì hạ xuống nghỉ mệt rồi bay tiếp cho nên vết kéo lê cũng chỉ được một đoạn ngắn rồi mất dấu. Thùy lại nức nở thêm lần nữa, Tùng thì vẫn kinh hãi, nhưng ít ra y cũng cứng rắn hơn một chút, không đến nỗi tím tái mặt mày như trước. Có vẻ như anh Hùng, Sinh và Tú Linh cùng có suy nghĩ giống tôi, chỉ thấy họ lia đèn lên không tìm kiếm rất kỹ. Trần hang không thấy điểm trên cùng, tuy nhiên có vẻ nó rất cao, phần thấp lại không có tán cây nào, lý thuyết con gì đó bay được quắp xác hai người họ đi cũng khá có lý, dơi khổng lồ chẳng hạn, nhưng ở địa điểm này, có vẻ chưa phải là nơi con quái thú đó dừng chân. Anh Hùng bảo mọi người kiểm tra lại đồ đạc, xem có ai bị thương không rồi tiếp tục lên đường.

.

Đường đi lúc này bằng phẳng, được lát đá xanh, dễ đi lại không còn trơn trượt. Càng đi tới, nhà cửa càng xuất hiện nhiều hơn, cái nào cũng như cái nào, mái bằng, tường đất và đá, vài chỗ sụp đổ, thậm chí một số cái nhà vẫn còn những tấm vải treo phía trước, hễ đυ.ng nhẹ vào là tan rã thành cát bụi. Thêm một điểm chung là vào trong này, đa phần đều thấy ở chỗ giữa nhà có một thứ nhìn tựa như quan tài, nhỏ, có lẽ là quan tài con nít. Sinh mạnh bạo bước vào trong nhà xem qua một cái, nó nói: "Gỗ Ưu Đàm Thủy Nha, bên trong chỉ thấy đất bám, sót lại chút xương, có vẻ đúng là xương con nít, qua hơn ngàn năm thì tan rã ra."

Nghe đến đây tôi chợt rùng mình, quay sang hỏi Thùy: "Em đoán ngày xưa dân số Ca Lâu Thành vào khoảng bao nhiêu người?"

Thùy nghĩ ngợi một hồi, căn cứ vào nhà cửa, tàn tích, cô nói: "Em đoán chắc cũng phải gần một trăm ngàn người."

Cảm giác một trăm ngàn người chết cùng lúc, nằm im 1800 năm rồi bị người khác kinh động, không biết âm khí phải đến cỡ nào? Hay là quá dày đặc đến độ làm chúng tôi mất cảm giác? Giữa tàn tích này, từng có cả trăm ngàn người sống, thế mà giờ mẩu xương vụn kiếm còn khó. Không thể nào trong điều kiện hang này mà ngần ấy năm không còn sót lại xương gì khác, ngoài cái đống xương ngoài Biển Oan Hồn. Hay có con gì đó ăn sạch sẽ cả rồi? Càng nghĩ càng thấy khó hiểu, bí mật của Ca Lâu Thành làm cho tôi có cảm giác chỉ muốn xông thẳng đến thành chủ để moi hết ra vậy.

.

Bỗng phía sau có âm thanh gì đó như có ai chạy trên nền đất. Dĩ nhiên nếu là bình thường thì chúng tôi không tài nào nghe được, nhưng ở trong hang đang hết sức im lặng, ngay cả thở chúng tôi cũng không dám thở mạnh, cho nên những âm thanh dù rất nhỏ cũng được khuếch đại, chưa kể do vang vọng lại nữa. Tôi quay nhanh ra sau, anh Hùng lia đèn pin một vòng, không có bóng dáng ai cả. Vô lý, tất cả chúng tôi đều nghe rõ mồn một. Lúc này xung quanh vang lên nhiều tiếng chạy nữa, vẫn rất nhỏ, trong các căn nhà còn nghe lên tiếng vật gì đó rớt xuống. Thùy nép sát vào Tú Linh, run lên, nhưng vẫn chưa bằng Tùng khi chân cậu ta như dính vào nhau. Bỗng anh Hùng lia đèn xuống lớp nấm mọc dưới đất, tôi thấy một dấu bàn chân đạp lên đó rất rõ ràng. Vết chân chạy theo mép nhà dẫn vào trong, tối om chẳng thấy được gì tiếp nữa.

.

Đang còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, đột nhiên vai tôi nhói lên nhẹ, lúc này nhìn vào các căn nhà xung quanh tôi thấp thoáng thấy những bóng trắng, tựa như con nít, cởi trần, đang đứng sâu trong nhà nhìn chằm chằm vào chúng tôi. Có vẻ anh Hùng biết được tôi thấy gì đó liền kéo tôi đến, hỏi tôi: "Có chuyện gì vậy mày?"

Tôi xoa vai vài cái, bảo: "Em cảm thấy có mấy đứa con nít dòm mình từ trong nhà."

Anh Hùng tỏ vẻ ngạc nhiên: "Sao mày thấy được?", cái này thì tôi chịu, bảo là có thể do linh cảm. Anh Hùng thở dài, nói: "Không lẽ Thiên Hồ đu trên vai mày từ lúc ngoài cửa hang đến giờ?"

.

Anh Hùng vừa dứt lời, các căn nhà xung quanh chúng tôi ầm ầm vang lên tiếng vật gì đó rớt bể, kèm theo đó là tiếng cười ré kinh khủng, như của cả ngàn đứa con nít cùng cất giọng, nghe lạnh đến ghê người!