Quyển 1: Thất sơn u linh
Cuối thế kỷ XIX, miền Nam đón một lượng khá đông người Hoa từ Trung Quốc sang định cư, phần vì tình hình xã hội bất ổn bên Trung Quốc lúc đó, ngoài ra còn vì những người bà con của họ sang đất miền Tây Việt Nam thì có cuộc sống khá dễ chịu hơn nên biên thư về cố hương. Trong những người đi đợt ấy, có tổ nội của tôi. Họ đem theo phần nào đó văn hóa và cách sống quê cũ, hòa trộn nó với bản sắc địa phương, cho ra đời một nền lề lối đậm chất vùng đất mới.
Dĩ nhiên tôi cũng là hậu duệ của những người được gọi là "Minh Hương", nhưng do thời gian chảy trôi không ngừng, đến lúc này trên chứng minh nhân dân, nghiễm nhiên tôi có quốc tịch Việt Nam, dân tộc Kinh, vẫn được gọi là hậu duệ của con rồng cháu tiên. (Khoảng thời gian từ 1939-1945, có một số lượng người Hoa từ Quảng Đông chạy sang Việt Nam lánh nạn khi đế quốc Nhật Bản xâm chiếm Trung Hoa lục địa).
Còn nhớ những lần tôi nghe ông nội tôi kể về những ngày tháng mới sang, cuộc sống tuy hơi khó khăn, chủ yếu về mặt ngôn ngữ và văn hóa, nhưng cũng tạm gọi là thoải mái. Lúc ông còn nhỏ, ông cố gửi ông học nghề từ một người bà con, làm việc chạy vặt trong lò mổ heo. Tiếng kêu la thảm thiết của những con vật đáng thương đó, buồn thay lại là một trang ký ức tuổi thơ của ông.
Từ sáng sớm, khoảng hai ba giờ, người ta chọc tiết chúng để kịp thịt tươi cho phiên chợ sớm. Những lần đầu chứng kiến, ông rất sợ thậm chí là ám ảnh nặng: bởi vì chúng cũng có cảm xúc, cũng vùng vẫy y hệt con người. Có khi, ông thấy chúng còn khóc lóc như van xin nài nỉ, nhưng cây dao bầu nặng trịch trong tay người đồ tể vẫn thọc thẳng vào cổ, huyết bắn ra tung tóe.
Rồi từ từ ông tôi cũng quen.
Làm nghề đó chừng bốn năm năm, ông quyết định không làm nữa. Chuyện đó mỗi lần kể lại, ông vẫn còn sợ, một nỗi sợ mang tên nhân quả báo ứng. Chả là trong lò mổ, có một ông, gọi là Lão Sái. Lão Sái hành nghề có hơn ba mươi năm, đầu trọc lưa thưa vài sợi tóc, tai to mũi rộng, có người hay chọc ổng nhìn y như Trư Bát Giới. Lão Sái chọc tiết không dưới hai vạn con heo bằng đôi tay của mình, lão ta lành nghề, đưa dao rất điệu nghệ, xả thịt nhẹ như không, trong lò mổ ai cũng khen tay nghề cao cường.
Khi làm việc, mặt lão không hề có chút biểu cảm, trơ ra trước tiếng kêu la và máu tanh. Với lại, lão cũng rất bặm trợn và cộc tính, có lẽ là do thói quen nghề nghiệp. Đến hôm nọ, mẹ nuôi của lão mất. Lão Sái lúc nhỏ gia cảnh khó khăn, mất cha từ bé, trong xóm có một người phụ nữ tuy không giàu có gì, nhưng thương tình đồng hương, góp tiền cho nhà lão sống qua ngày, rồi nhận lão làm con nuôi. Trước ngày mất ít lâu, người này có bảo hắn thôi đừng làm nghề đồ tể nữa, nhưng lão nào có nghe. Đám tang, Lão Sái để tang vài ngày rồi cũng quay lại chọc tiết heo tiếp.
Bẵng đi vài tháng, đêm đó hắn nằm mộng, thấy mẹ nuôi hiện về bảo ngày hôm sau đừng thọc tiết con heo nào nữa, kẻo gϊếŧ ngay ân nhân. Vừa mơ tới đó thì vợ lão giục lão dậy để làm việc. Lão Sái như thường ngày, vào chuồng bắt một con heo, hôm nay có người đặt heo sữa quay, nên lựa ra một con béo tốt. Con vật xấu số kêu lên những tràng thảm thiết, nó giãy hết sức, nhưng càng giẫy thì lão Sái càng siết chặt tay, đè nó xuống.
Xọc. Máu trào ra.
Tiếng rống của nó giảm dần rồi tắt lịm. Lão Sái thấy con heo như trào nước mắt, đầy vẻ căm thù. Chiều hôm đó, trên lúc ngồi đò dọc đi ra chợ thì đò gặp tai nạn, tông phải một chiếc ghe chở lúa, Lão Sái cùng vợ bị hất văng xuống sông, một chiếc ghe đi ngang gần đó, vô tình làm sao đúng ngay chỗ vợ chồng lão vừa rơi xuống, chỉ nghe tiếng chân vịt kêu những tiếng lạnh ngắt, bọt nước từ bánh lái túa ra một màu đỏ thẫm.
Dân tình xúm lại xem thi thể hai vợ chồng lão, ai nấy đều nhăn mặt đầy sợ hãi, trước mặt họ không còn là cơ thể người nữa mà là những đống thịt bầy nhầy, nhưng phải nói đúng hơn giống như họ bị xả thịt. Một đường chém dài từ cuống họng đến tận hạ bộ, đồ lòng còn vương lại chút ít, giống như... giống như những con heo đã bị lão Sái thọc tiết, treo lên trong suốt ba mươi năm hành nghề.
Có người bảo con heo con đó là vong hồn người mẹ nuôi đầu thai. Lão đã gϊếŧ đi ân nhân của mình nên lãnh hậu quả báo ứng, sinh nghề tử nghiệp. Tuy nhiên, con heo đó kiếp trước có là ai đi nữa, đối với ông nội tôi cũng không quan trọng. Ông sợ sẽ đi theo vết xe đổ của Lão Sái, sợ có ngày không vượt qua được hai chữ quả báo như vậy. Thế rồi từ từ ông nhát tay hơn, đến khi chịu không nổi nữa thì ông nghỉ. Cố tôi cũng không trách mắng gì cả.
Nghỉ ở nhà chẳng được bao lâu, nội tôi đi theo một người bạn, lái ghe chở gạo cho các vựa. Đó là khoảng những năm năm mươi của thế kỷ trước. Nghề này thì an nhàn tâm tính hơn, nhưng khổ cực thân xác cũng không ít. Có những khi đi đến cả tháng mới về nhà là chuyện thường.
Hồi đó, dân cư còn thưa thớt, những khúc sông ở Miệt Thứ, U Minh, Vàm Nao hay thậm chí phải đến bảy tám chục phần trăm kênh rạch sông ngòi ở miền Tây này đều thưa thớt dân cư, chuyện đi cả ngày trời mới gặp một thôn xóm nhỏ không phải là lạ. Do đó, trong giới sông nước truyền miệng nhau vô vàn những huyền thoại, truyền thuyết về ma quỷ yêu tinh. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, cố tôi vẫn nhắc đi nhắc lại với nội tôi như vậy. Nhưng thanh niên trai tráng, cũng đã từng cầm dao chọc tiết heo cả mấy năm trời, cho nên ông tôi cũng có phần gan dạ hơn, nếu không muốn nói là khá ngang tàng.
Cho đến khi những câu chuyện tưởng chừng như chỉ được nghe kể, bất ngờ ập đến, ông tôi mới biết sợ ma là gì. Chuyện là có lần nọ, ghe chở gạo đi từ Tiền Giang về Năm Căn. Lúc chiều đến một ngã ba, từ ngã ba đó đến sông Năm Căn còn chừng hơn ba mươi cây. Bỗng nhiên lúc đó nổi lên trận cuồng phong, mây đen kéo mù trời, trong phút chốc ông tôi đánh lái nhầm vào hướng khác với hướng định đi. Hai người trên ghe đều không biết mình đi nhầm đường, phần vì nhánh sông nào cũng đều toàn cây cả, phần vì đường này họ ít đi, với lại, ông kể, khi đó có cảm giác như tâm trí mình bị tấm khăn trùm lên vậy.
Ghe chạy một đoạn khá dài, khi này họ mới hay mình đi nhầm đường. Trời cũng đã tối, khúc sông này quanh co hiểm hóc dễ va phải cây hay mắc cạn nên đành dừng lại, đợi đến sáng đi sẽ tiện hơn. Đó là một đêm âm u, không trăng, chỉ có ánh sao le lói, xung quanh chốc chốc vang lên tiếng con gì đi ăn đêm cùng ếch nhái vọng lại từ những hàng dừa nước mọc đầy hai bên sông. Lúc nhìn lên bờ, thấp thoáng sau rặng dừa đó, ông tôi thấy có ánh lửa, có vẻ như hướng kia có thôn xóm. Ông tôi bảo người bạn ở lại coi ghe, để mình đến đó hỏi đường.
Trước khi lên bờ, bạn ông bảo: "Làm nghề này chớ nên coi thường quỷ thần, huống hồ gì nơi này còn là rừng, ma độc thú dữ chắc cũng không thiếu, mày lấy chân nhang để vô túi áo, có chuyện không lành thì chạy nhanh về đây la lớn, tao sẽ biết!"
Ông tôi tuy cả gan, nhưng phần nào lời người bạn kia nói cũng có lý, ông ra sau lái, khấn vái vài câu rồi lấy một ít chân nhang từ lư hương (trên các ghe loại này thường có một bàn thờ, dân đi ghe gọi là "bàn thờ Bà Cậu") nhét vào túi áo. Đoạn ông lấy theo cây rựa, giắt bên người rồi cầm đuốc phóng lên bờ. Phía sau hàng dừa nước cũng có một con đường mòn, khá dễ đi. Đúng là phía xa thấp thoáng một vài túp lều tranh, trước những căn nhà đó là một khoảng sân rộng, họ đốt một đống lửa và đang đứng xung quanh.
Càng lại gần, mùi thịt nướng càng đậm đà ngào ngạt khiến ông tôi thấy rất thèm, hình như mọi người đang lễ cúng gì đó. Thấy ông tôi tới, dân làng đồng loạt quay qua, vẻ mặt hết sức trang nghiêm. Thấy vậy ông vội xin lỗi, kể rõ sự tình rồi chỉ xin hỏi đường về Năm Căn. Lúc đó, trưởng làng hồ hởi ra tiếp. Làng này có tập tục thờ Kim Thử Quân, nghĩa là con chuột thần, hôm nay là ngày vía của nó, dân làng đang tụng kinh thì thấy ông đến, họ còn sợ là thổ phỉ (những năm 40, từ vùng Vàm Rau Răm xứ Tiền Giang trở về sông Hậu, ai còn lạ gì tướng cướp Đơn Hùng Tín).
Lâu quá mới có khách ghé làng, họ tiếp đãi hết sức nồng hậu, rượu thịt ê hề. Chừng vài tuần rượu, khi đó ông tôi cũng đã ngà say, ông tôi liền kể là đi chung với một người bạn, trưởng thôn rất nhiệt tình, kêu ông tôi mời bạn lên chơi cho vui. Ban đầu ông cũng năm lần bảy lượt từ chối, nhưng họ mời quá, thấy ai cũng vui vẻ, ông tôi mới nói là để ông tôi ra kêu người bạn ấy lên. Vị trưởng làng đạo mạo nói: "Vùng này tối tăm, nhiều rắn rết, bậu đi một mình qua không yên tâm!", nói vậy liền cử thêm hai thanh niên hộ tống ông tôi ra ghe.
Đường ra lúc này hơi khó đi, vì ông tôi đã say, vô tình thế nào lại vấp té, chân nhang trong túi đâm vào da, rồi văng cả ra ngoài. Dù gì cũng là thanh niên trai tráng, da thịt rắn chắc, nhưng không hiểu sao cú đâm của mấy cái chân nhang lại làm ông tôi đau điếng, suýt nữa đã hét thành tiếng nếu không vì ngại hai cậu thanh niên đi theo. Ông tôi lồm cồm bò dậy, bỗng nhiên ông suýt ngã thêm cú nữa, khi nhìn vào hai người bên cạnh: chẳng hề có thanh niên nào cả, trước mắt ông là hai con chuột to như con trâu, đứng bằng hai chân sau, cái đuôi gớm ghiếc đang vẫy vẫy.
Cũng may lúc đó chúng đang quay sang nhau cười, và còn ghê hơn khi bọn yêu tinh này còn nói được tiếng người. Con bên trái ông bảo: "Lão thúc, chưa gì đã say, sao cùng chúng tôi uống đến sáng đây?"
Con còn lại cũng cất lên tràng cười chít chít như chuột kêu, nói: "Hay là lão thúc mượn cớ để lên ghe ngủ khì một giấc vậy?"
Nếu không có những ngày tháng làm đồ tể, có lẽ ông tôi đã run bắn người mà bại lộ rồi, nhưng cũng may, khi đó ông hết sức bình tĩnh, xác định mình đã lọt vô ổ yêu tinh, phen này muốn thoát chỉ có cách lừa bọn chúng để khỏi phải bị ăn thịt. Ông tôi cười khà, cố nén sợ, tỏ ra bình tĩnh và bảo: "Chư huynh chớ có đùa, mỗ tôi còn uống sung lắm, nhưng để mỗ tôi đi tiểu tiện cái đã, không thôi chưa ra đến nơi thì mỗ tôi chắc chết vì mót tiểu chứ chưa cần say!"
Hai con chuột tinh không mảy may nghi ngờ, để ông tôi vô bụi rậm "hành sự". Thấy thời cơ đến, ông vòng qua bụi rậm, chạy hết sức về bến ghe đậu, vừa thấy hàng dừa nước, ông tôi la lên thất thanh, không phải vì để làm ám hiệu với người bạn trên ghe, mà vì hai con chuột tinh lù lù đu trên đọt cây dừa nước, phóng xuống chắn ngang đường.
Ông tôi nhảy thót về sau, né được một cú tát của con chuột. Đôi mắt nó long lên sòng sọc, đỏ như máu, lưỡi thè ra hết sức hôi thối. Hai con dồn ông tôi vào một góc hết sức nhanh lẹ, một trong số chúng lao tới định cắn vào đầu ông tôi.
Phập.
m thanh gãy gọn vang lên, một cây rựa phang thẳng vào đầu con chuột tinh, não nó phọt cả ra ngoài, tròng mắt như muốn trào ra ngoài. Thì ra là người bạn của ông tôi. Anh ta lấy đà sau cú chém, nhào đến bên cạnh ông tôi quát: "Còn không mau rút rựa ra!" Ông tôi khi đó mới định thần, hai người lập tức phản công. Con chuột tinh còn lại kêu lên những tràng chít chít, tựa hồ như kêu gọi đồng bọn, rồi định bỏ chạy, ông tôi phóng cây rựa phạt mất nửa đầu của nó. Hai người chạy trối chết phóng lên ghe.
Ông tôi chống sào đẩy ghe ra xa, bạn ông thì hì hục nổ máy. Chỉ nghe thấy trên bờ, muôn vàn những tiếng chuột kêu điếc cả tai. Chúng vồ đến như cơn lũ, gãy hết cả đám dừa nước, định bụng phóng lên ghe bắt trọn hai người. Nhưng may sao, máy ghe nổ kịp lúc. Ông tôi lúc này kéo hết tốc lực, mặc dù chiếc ghe chạy không nhanh như ngựa phi, ít ra phần nào cũng cắt đuôi được lũ chuột. Ghe chạy băng băng giữa con sông rộng mênh mang giữa đêm, bên bờ vẫn vọng lại tiếng chuột chạy như vũ bão, thậm chí có con còn phóng sông bơi theo. Khỏi phải kể cũng biết ông tôi và người bạn kia nào dám ngả lưng, một mạch chạy thẳng, tới đâu thì tới.
May sao, khi trời vừa hửng sáng, họ cảm giác được rằng mình đã chạy chừng năm mươi cây thì đã nghe những tiếng rao của chợ nổi. Tuy nhiên, lòng dạ nào mà dám dừng lại, hai người vẫn cứ phăng phăng chạy tới, không hề giảm chút tốc lực, họ bóp kèn inh ỏi cả một khúc sông để xuồng nhỏ tránh sang một bên. Đối với hai người, đám đông đang họp chợ kia có chắc là người hay không, hay thực ra là bọn chuột tinh giả dạng, chờ họ chạy chậm một chút là lao lên xé nát thân thể.
Ghe cứ thế mà chạy, đến khi trời sáng hẳn, chừng mười giờ trưa, họ đến sông Năm Căn. Con sông rộng phải đến vài trăm mét, nước sông cuồn cuộn vả vào thân ghe làm hai người chao đảo. Lúc này, họ mới dám hạ tốc độ. Ông tôi vả vào mặt người bạn mấy cái để coi có phải mơ hay không, đến khi má cả hai sưng vù thì mới thôi.
Thì ra, lúc đêm qua khi ông tôi vừa lên bờ được một đoạn, người bạn kia nhìn theo thấy hướng ông tôi chỉ lúc nãy không hề có ánh lửa thường, mà là những đốm lửa ma leo lét màu xanh lơ. Biết có chuyện chẳng lành nhưng lại không thể kêu lên để ông tôi quay lại, sợ bứt dây động rừng, phần vì ông tôi đã đi được một đoạn xa, vị này nhanh chóng xuống máy, đổ đầy dầu rồi chống sẵn sào, buộc dây hờ vì nước không mạnh lắm, tiện tay xách cây rựa phóng lên bờ rượt theo ông tôi.
Đến đoạn trước cổng làng, vị này núp vào một gốc cây, nhìn vào trong thấy ông tôi đang ngồi uống với cả một bầy chuột. Con nào con nấy to như con trâu, nhưng cử chỉ lại y hệt con người. Nghĩ tình hình không ổn, vị này lui ra xa ẩn nấp, nếu tình hình xấu đi đành liều gây sự chú ý rồi cùng liều vào cứu ông. Ông tôi lợm giọng đi, khi nghe người bạn kia quả quyết rằng anh ta thấy trên đống lửa là đôi chân người đang nướng dở bên cạnh một cái xác trẻ em bị xiên cọc đem quay.
Hai người đậu ghe vào gần một làng chài ven sông Năm Căn. Ông tôi lại lên bờ tìm chỗ mua dầu và lương thực. Chợ cũng gần đấy, vừa định bụng sẽ vào chợ, bỗng từ đâu có một ông trạc tuổi ngũ tuần, mặc áo bà ba vải điều trắng, tóc búi củ hành, râu dài, sấn bước tới. Ông tôi còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì bị vị cao niên kia đấm một cú thôi sơn vào bụng, mất cả thở, trong khi đó ông ấy dùng tay kia đặt lên đầu ông tôi, lầm bầm niệm chú. Chỉ sau vài giây, ông tôi nôn ra một đống bầy nhầy màu đen bốc mùi hết sức hôi thối, trong đó vẫn còn một con mắt, nom như là mắt người chưa phân hủy. Thấy cảnh đó, ông tôi nôn thêm hai ba lần, đến ra cả mật xanh mà còn chưa hết sợ.
Vị kia nói: "Từ lúc nãy, ghe bậu đậu ngoài sông, qua thấy có nhiều chướng khí còn vướng, chẳng hay có phải đêm qua, bậu bị yêu tinh quấy phá?" Ông tôi hết sức kinh ngạc, bèn đem chuyện đêm qua kể lại không sót một lời nào. Người kia nghe xong, đưa cho ông tôi một nắm lá khô, bảo về nấu nước uống cho nhả hết chướng khí ra, dặn ông tôi hãy ở lại Năm Căn một đêm, sáng mai hẵng đi. Ông tôi ngờ ngợ nhưng thấy vị kia rất chân tình, cũng nghe theo.
Ngày hôm đó bình thường, ông tôi uống xong ngụm nước lá, ngủ một mạch đến sáng hôm sau, mồ hôi màu đen túa ra ướt đẫm cả chiếu, phải đem vứt đi. Thức dậy vô cùng khỏe khoắn, ông xuống bến tắm. Đang tắm thì ông thấy từ xa, vị trung niên hôm qua đang bước đến khoan thai, trên tay cầm một xấp màu nâu, như da con gì vậy. Ông tôi vội lau mình rồi mặc áo vào.
Vị kia cười nói: "Chẳng giấu gì cậu, qua có học chút ít đạo pháp hàng ma, vốn chẳng nhiều nhặn gì, định tiêu diệt con Kim Thử Quân này đã lâu, nhưng nó trốn kỹ quá, đến nay nhờ cậu chỉ chỗ, qua mới diệt được. Hôm trước thôi sơn vào bụng cậu thật là đường đột quá, mong cậu bỏ qua."
Nói rồi, ông ta tặng ông nội tôi chiếc nanh của con Chuột Tinh. Nó nhọn hoắt, dài chừng hai tấc, trông như một cây đinh. Mãi sau này tôi vẫn thấy ông đeo nó trước ngực, ông bảo nó làm ông nhìn thấy được ma quỷ, ngay cả trong bóng đêm.
Rồi người đó mời ông nội tôi cùng người bạn trên ghe về nhà chơi. Ở đây, sau một hồi trà nước, mới phát hiện vị trung niên kia và ông cố tôi là bạn tâm giao, lâu nay mất liên lạc. Vị đó họ Lý, ngày mới sang Việt Nam gặp ông cố nội tôi, hai người trải qua hoạn nạn trở thành bạn thân. Nhưng do thời cuộc, hai người mất tin nhau cũng gần hai mươi năm. Ngày đó nội tôi hãy còn bé tí.
Sau đó, hai bên gia đình kết thông gia, Lý sư phụ còn dạy ông nội tôi nghề mộc (hồi ấy còn bắt rể ba năm). Hết hạn ở rể, ông bà nội tôi về vùng Rạch Giá, Kiên Giang dựng nhà định cư. Gia tài được chiếc ghe và một xưởng gỗ nhỏ. Sau này, ông tôi không cho ba tôi đi ghe nữa, chỉ làm mộc thôi. Mùi gỗ mới và sơn dầu in đậm trong ký ức của tôi, dĩ nhiên là cùng với những câu chuyện truyền kỳ của nội tôi nữa.
Ông mất lúc tôi còn học tiểu học nên tiếc là tôi chưa học hỏi được bao nhiêu phần thâm sâu của con người ông. Tuy nhiên, khi đã già, ông vẫn rất minh mẫn, những chuyện ông từng kinh qua đều được khắc ghi trong trí nhớ. Ba tôi nói, lúc ba tôi còn nhỏ cho tới khi lớn lên, ông rất ít khi kể lại những chuyện phiêu lưu truyền kỳ kia cho ai khác nghe. Có vẻ như chúng để lại nỗi ám ảnh rất lớn trong lòng ông.
Chỉ đến khi tôi được sinh ra, ông khi đó đã già, cảm giác gần đất xa trời cho nên ông không muốn giấu cũng như không cần thiết phải giấu những thứ đó nữa. Với lại, khi ông mới về Rạch Giá làm mộc, ba tôi vẫn hay bị đám nhỏ cùng tuổi trong xóm chọc là con của thầy bùa Lỗ Ban. Ba tôi chẳng hiểu bùa Lỗ Ban là gì cả, tụi nhỏ thì ngày càng xa lánh, hỏi ông thì ông cũng chỉ cười cho qua. Đúng là chỉ còn câu chuyện về Lỗ Ban, là ông tôi không kể, nhưng tôi cảm giác có thể ông biết dùng nó thật.
Hồi đó, tôi nhớ tôi đọc được một câu, bèn hỏi ông rằng: "Nhân tại nhân gian, quỷ tại quỷ môn là sao vậy ông?"
"Nó nghĩa là vạn vật trên đời đều tuân theo quy luật của vũ trụ, cả về số mệnh lẫn sự sắp đặt, mọi cái đều ứng với tôn ti trật tự như vậy đó con."
Tôi vẫn nhớ như in câu nói của mình lúc nghe xong câu trả lời đó của ông: "Vậy nếu quy luật đó bị con phá vỡ thì sao hả ông?"
Ông khẽ gật gù rồi hạ thấp giọng, hù tôi: "Khi đó thì quỷ lúc nào cũng ngồi trên vai của con đó!"
Hồi ấy tôi sợ chết khϊếp, con nít ai chẳng sợ ma quỷ, cũng như con người lúc nào chẳng sợ những thứ họ không biết, không thấy hoặc không giải thích được. Lúc đó còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, chưa kinh qua những ranh giới âm dương, đơn thuần tôi nghĩ hoặc là ông ngoại hù tôi, hai là ông đang cố ẩn dụ về sự quy tắc trong một gia đình truyền thống như nhà tôi, một kiểu ẩn dụ đậm chất người Hoa cao tuổi chăng? Có trời mà biết.