Tư Lĩnh trong cơn tuyệt vọng, thấy có người xuất hiện liền kêu lên cầu cứu, ai ngờ người đó đáp lời, nhận ra giọng người quen, Tư Lĩnh mừng như vớ được vàng, thậm chí đúng như tình cảnh lúc này, là chết đi sống lại. Con mèo mù bốn chân bấu chặt vào Tư Lĩnh, lúc này lão mới vuốt đầu nó, nó hiểu ý, liền phóng xuống đất, trốn vào một bụi cỏ.
Tư Lĩnh mặc kệ con dã nhân và quái cá trê bị tấn công bên kia, lão bò thối lui đến phía người thanh niên, một tay chụp miệng vết thương, một tay khuỵu xuống, miệng chỉ còn chút hơi cũng dồn ra hết: "Đường huynh! Đường huynh, đệ, Tư Lĩnh đây, cứu mạng đệ!"
Người thanh niên tiến đến, bỏ đồ nghề một bên, chụp vai Tư Lĩnh, ghé sát mặt mới sửng sốt: "Là em hả, trời đất, sao lại ra thân hình như vầy?"
Người này vẻ mặt dạn dày sương gió, nhưng thần thái ngút trời, ánh mắt rực sáng, mũi cao, để râu hùm, tóc búi củ hành, mình mặc áo bà ba, khoác ngoài tấm vải chéo, đeo túi điều bên hông. Tư Lĩnh chưa kịp kể lại sự tình, con cương thi lồm cồm bò đến, đánh hơi được hai người phía bên này thì như chạy bằng cả bốn chân. Tư Lĩnh chỉ tay, hét lên: "Mộ tổ, huynh cẩn thận!"
Người thanh niên nọ thân thủ vô cùng linh hoạt, dù đang ngồi quỳ một chân kế bên Tư Lĩnh, đỡ vai lão ta, khi Tư Lĩnh hét lên thì liền xoay người, tung ra một cú Mã Đề Cước trúng thẳng mặt cương thi. Không để kẻ địch có thêm chút thời gian nào, người này chụp lấy đồ nghề đã bỏ ra, đó là một đoạn ống tre, dài chừng hai thước, tay trái chụp lấy ống, chân phải quét một cú Càn Khôn Nghịch Đảo, mũi giày có bọc một lớp thép, đập vào đầu cương thi nghe một tiếng "chát" khô khốc khiến cổ của nó gãy, gập sát vào vai. Người này dùng lực của chân, lộn một vòng, tay trái giơ lên cao, bổ thẳng xuống, nhưng không đập vào cương thi, vì đầu của ống tre là một thòng lọng dây thừng có màu đỏ. Đầu kia vừa lỏng dây, thòng lọng đầu này mở rộng ra, chụp gọn phần hông ngang cùi chỏ cương thi, thắt chặt lại, khiến nó rú lên đau đớn, cựa quậy vô ích!
Tư Lĩnh ném bọc vải đựng hai con mắt cho người thanh niên, kêu lên: "Nhị ca, Miêu Ngọc đây!"
Người thanh niên mặc dù đang siết chặt con cương thi, một tay vẫn kịp chụp lấy bọc vải, ngón tay uyển chuyển hệt như năm con rắn, tháo lớp vải ra, nắm chặt hai con mắt người bên trong, người thanh niên giật mạnh ống tre, con cương thi mất đà lao đến. Ngón trỏ và giữa kẹp một con mắt, ngón áp út và ngón út kẹp một ngón, cái xác lao đến thì người này đâm thẳng vào hai hốc mắt đen sì rỗng không của cương thi, bốn ngón tay khi hoàn thành nhiệm vụ thì rút ra vô cùng gọn gàng, hai con mắt thì đã nằm yên bên trong, ngón vừa rút ra, cả bàn liền khép lại, cứ thế mà đập vào mặt con cương thi. Người này lầm rầm đọc chú, tay còn lại thọc vào túi trước ngực, hai ngón trỏ và giữa dính một chút nước màu đỏ thẫm, đoạn anh bôi lên trán cương thi, do da nó đã hư hoại quá nhiều, nên phải bôi đến mấy lần mới không bị lở thịt, màu đỏ in lên trán như con mắt thứ ba.
Người này quăng cái túi cho Tư Lĩnh, kêu: "Đắp thuốc lên vết nhang mộ tổ, nhanh! Còn lại anh xử lý cho!"
Tư Lĩnh chỉ còn biết nhăn mặt gật đầu, miệng không còn nói được gì, mặt nhăn nhó ra vẻ vô cùng đau đớn. Phía bên này, con cương thi kia đã cắn nát đầu quái cá trê còn con dã nhân đang nằm gục dưới đất, máu ra rất nhiều. Người này gỡ thòng lọng tre, phi đến xử lý con còn lại cũng vô cùng nhanh gọn, đã giật ngửa nó ra sau, Tư Lĩnh lấy Miêu Ngọc đắp vào.
Tư Lĩnh tuy bị thương thế rất nặng, đau đớn vô cùng, nhưng nhờ thuốc được bôi kịp thời, tánh mạng không còn nguy hiểm nữa, không để người sư huynh một mình chiến đấu, cũng đến tiếp ứng, tiếc là quái cá trê và con dã nhân đều đã chết.
Tư Lĩnh nói: "Đường huynh, hiện tại đệ không đủ sức để "đốt lư hương", anh giúp đệ chuyến này!"
Người kia đáp: "Đệ yên tâm, đồng môn với nhau, Quán này đâu thể thấy chết không cứu!"
Người đó chỉ nói vậy, lấy trong túi ra một cuộn vải trắng có những chữ Hán màu đỏ, ngang chừng bốn tấc, được cuộn lại như một cuốn thư cổ, anh ta quấn quanh hai cái xác cương thi, vốn lúc này vẫn còn đang rên ư ử, run rẩy như người bị sốt. Quán hỏi: "Lĩnh, em coi dùm anh, tầm canh mấy rồi?"
Tư Lĩnh lấy cái thước có cọng dây dọi, thứ này gọi là Tinh Quan Thời Toán, nghĩa là một dụng cụ đo thời gian ban đêm, bằng cách quan sát sao trời. Tư Lĩnh dóng thước về hướng Bắc, nhẩm rất nhanh, nói: "Canh hai, năm khắc! Sắp qua canh ba!"
Quán đanh mặt: "Mộ tổ Thân Tý Thìn?"
Tư Lĩnh đáp: "Mộ tổ Thìn, "lấy nhang" tứ xung về Dần, "cắm nhang" tất phải tam hạp về Tý! Đệ tính toán tưởng đã chu toàn, ai dè gặp phải mộ tổ, phen này chết thật quá nhị ca!"
Quán quấn vải nhanh hơn, vừa dứt xong vòng cuối cùng của cả hai xác, phủi tay, nói: "Chuyện này phải xem Hành Gia Lão Tổ Tông có thương tình hai anh em mình không mà thôi!"
Tư Lĩnh bê một xác, Quán bê một xác đến bên huyệt khi nãy, Quán nói: "Em cứ ở đây, "cắm nhang" để anh làm dùm cho!"
Tư Lĩnh cảm thấy xấu hổ, nhưng tình cảnh này chẳng thể làm gì khác, đành gật đầu. Quán chui tọt vào thông đạo dưới huyệt, Tư Lĩnh đưa xác xuống, đầu bên kia Quán kéo xác ra.
Nơi Quán chui vào là một hầm đất, bên trong có hai cái Liên Hoa Quan, là loại mà hai đầu của quan tài cong ra, vạt tròn, tựa như hoa sen đang nở, loại này dân bản địa ít dùng, chỉ có những bậc phú hào dư dả mới thuê thợ ở Định Tường làm. Chân quan tài là bốn con hươu, tượng trưng cho tài lộc kiếp sau, con cháu hưng thịnh, âm đức dày dặn. Quán vừa nhìn sơ qua đã biết Tư Lĩnh bốc bát hương ngay phần mộ nhà quyền quý, của cải tùy táng sớm đã vét đi hết, nay đến lúc "cắm nhang" lại gặp ngay khẩu quyết cấm kỵ: "Độc địa, kỵ thì, bạo phong xuy; minh thiên, vân hậu, lôi quang dã." Nghĩa là sợ những lúc gặp phải đất xấu, thế đất hung hiểm, lúc "cắm nhang" gặp gió thổi mạnh bất thường hoặc khi trời đêm mà trăng sáng vằng vặc nhưng xung quanh trăng lại có một đám mây dày, lúc này mà sấm chớp lên thì chắc chắn gặp cương thi.
Quán nhẩm một chút, kể từ khi Tư Lĩnh bảo canh hai năm khắc, chỉ còn chừng một nén nhang nữa sẽ hết giờ làm thủ tục "cắm nhang", Quán sợ khi ấy cương thi bộc phát ma tính, e rằng chỉ có thiên binh thiên tướng mới cản nổi, một mình Quán thì lo không đủ sức. Quán không chần chừ thêm, đặt hai cái xác đã quấn vải vào quan trở lại.
Nhìn vào cũng đủ để biết hai cái xác trương phình hư hoại ấy là một nam một nữ, hầm mộ lại có hai quan tài đặt kế bên nhau, Quán biết rằng đây là vợ chồng, liền xem bên trong áo quan, áo quan có gối ngọc là của nữ, quan tài có gối cửu châu là của nam. Gối ngọc thực ra là may bằng vải kim tuyến màu xám ánh bạc có họa tiết con Ương, nghĩa là con vịt mái, tương tự vậy, gối cửu châu là gối may bằng chỉ kim tuyến đỏ ánh vàng, có thêu họa tiết con Uyên, nghĩa là vịt đực, ám chỉ đến tình cảm vợ chồng son sắt thủy chung.
Đặt đúng xác nam và nữ vào đúng quan tài, Quán lấy ra một nắm nhang, đầu quan tài cắm ba cây, chân quan tài cắm năm cây, đập nắp quan, sau đó đóng đinh ở góc Tây của quan tài. Đóng được một cây, lúc này Quán nhẩm chỉ còn một xíu nữa sẽ qua canh ba, phạm vào giờ cấm, không thể "cắm nhang" được, mà hai cái xác bắt đầu rung lắc mạnh, vải quấn dần rách ra, chỉ e không cầm cự được đến lúc đóng đinh xong!
Cây thứ hai vừa được tra lên quan tài, Tư Lĩnh hét vọng xuống: "Nhị ca, sao rồi! Canh ba tới rồi đó!"
Quán nghe thấy quan tài chưa đóng này có dấu hiệu "mộ tổ" quậy phá, nó rung lên bần bật, Quán phải nhảy lên trên, đè xuống, gom hết sức, đóng một búa, đinh lút trong thớ gỗ, đến nứt toác ra mấy đường! Vừa đập búa xong, Quán lo sợ "cắm nhang" trễ giờ, liền nhảy lui về sau, cúi thấp người vừa quan sát vừa đưa tay lên thủ thế.
Hai quan tài rung lên lần cuối rồi im lặng, bốc lên một làn khói xanh nhẹ. Tư Lĩnh lại hét: "Nhị ca! Nhị ca! Huynh sao rồi? Cắm nhang xong chưa?"
Quán lúc này mới thở phào nhẹ nhõm, đáp: "Đã cắm xong! Vừa đúng canh ba, tính ra Hành Gia Lão Tổ Tông vẫn còn độ anh em mình!"
Nói xong, Quán thu dọn đồ nghề, lụi cụi chui ra khỏi huyệt giả, rồi cùng Tư Lĩnh hỏa táng xác con dã nhân và quái cá trê. Con mèo mù lúc này lững thững đi đến bên cạnh Tư Lĩnh rồi leo lại trên vai, cúi đầu như chưa có gì xảy ra. Quán nhìn con mèo, rồi thở dài, nói với Tư Lĩnh: "Sao em vẫn còn giữ nó làm gì?"
Tư Lĩnh nhìn đống lửa, bùi ngùi nói: "Không bỏ nó được nhị ca à, mà không chắc là nó gây tai kiếp cho đệ, hay là đệ gây tai kiếp cho những người xung quanh, mãi mới thu phục được hai người đệ tử, nay lại để chúng chết oan uổng! Làm sao đệ sống mà thiếu tụi nó được đây, giờ nhớ lại những lúc chửi mắng bọn nó, thấy thương quá, chúng nó cái gì cũng nghe đệ hết, con mèo này cũng vậy..."
Quán định hỏi thêm, nhưng thấy Tư Lĩnh sụt sùi khóc thì thấy không nên hỏi nữa, cũng thở dài nhìn vào ngọn lửa.
Hai người đốt một nhúm lửa nhỏ, nướng con chồn vừa bắt được, cứ thế ngồi ngay bãi tha ma mà nhậu. Quán nói: "Thịt chồn bãi tha ma, nhiều người bảo rằng đồ dơ bẩn không thể ăn được, anh lại rất thích cái món này, thơm ngon hơn chồn thường rất nhiều!"
Tư Lĩnh nãy giờ uống rượu, mặt vẫn u sầu, Quán đưa cho một cái đùi thơm phức, nói: "Ăn đi em, không ăn làm sao có sức đi Hành Hương. Với lại uống ít thôi, coi chừng "phỏng nhang mộ tổ" lại tái phát mà chết bây giờ!"
"Nhị ca cho em uống một chút nữa đi!"
"Cũng được, nhưng em kể anh nghe, từ lúc xuống núi đến giờ, đã bốn năm, lần trước có nghe tin đệ bốc bát nhang ở Vĩnh Long, anh đến tìm thì không thấy, nay vô tình đi ngang Bạc Liêu này lại gặp!"
Quán trút hơi thở nặng trịch, kể lại chuyện y đi Hành Hương mấy năm qua.
Trước tiên, hãy nói về Hành Gia. Có câu "Bắc tống xác, Nam hành hương", Bắc và Nam ở đây ám chỉ Trung Quốc và lục tỉnh Nam Kỳ. Câu này chỉ mới có từ nửa cuối thế kỷ XIX, đến nay đã hơn năm mươi năm. Hành hương ở đây, chữ Hành nghĩa là viên ngọc trên dây đeo của bậc quyền quý, Hương nghĩa cổ là thứ đồ quý giá, ám chỉ công việc là "thăm mộ", nhưng không chỉ lấy đồ quý tùy táng, mà còn mượn cả xác người. Hành Hương cũng đúng với hình thức của họ, đi đâu thì ra dấu với nhau bằng bát hương mà họ cầm, trên đấy đều có in nổi "Hành Hương Lão Tổ Tông".
Vậy sao có câu "Bắc tống xác - Nam hành hương" ấy? Thuật tống xác nổi tiếng vùng Tương Tây của Hồ Nam, phát triển rất mạnh vào thời Thanh bên Tàu. Thầy tống xác là những đạo sĩ, chuyên thu thập những người chết nơi đất khách quê người, cho xác họ cứng lại, gọi là "hóa bích", sau đó dùng bùa phép, khiển những cái cương thi ấy vượt núi trèo non, về quê nhà để an táng. Vùng Tương Tây của Hồ Nam, hay cả Hồ Nam, đều được bao bọc bởi núi non trùng điệp, ba phía đều là vách đá cao sừng sững, địa hình khó khăn, áng ngữ trên trục giao thương chính, nên nhiều người, không kể thương gia hay thi nhân mặc khách, quá trình di chuyển qua đây chết rất nhiều, vì thế nên nghề tống xác mới phát triển và hoàn thiện dần, nói ra vô cùng dài và rối rắm, nếu có dịp sẽ bàn đến sau.
Một nhóm người này trốn tránh truy sát triều đình, theo dân Triều Châu Quảng Đông di cư đến Việt Nam cũng nhiều. Ở vùng đất mới là lục tỉnh, nghề tống xác coi như bỏ, nhưng vốn kiến thức xưa không lẽ vứt, lại chẳng có kế sinh nhai, họ đành phát triển ra nghề "giỡn mặt" với âm phần khác, gọi cao sang là Hành Gia, gọi tục tĩu thì là phường trộm mộ, nhưng trộm mộ với kỹ thuật vô cùng tinh vi, khôn khéo.
Hành Gia có câu thơ: "Tại nhân hữu kim tiền, y nhân bất tri phiên, quan nhân kim ngọc khẩu, cổ nhân tác trọng thiền", dịch thơ thì vô cùng hoa mĩ, nào là "Y Nhân", rồi "Quan Nhân", "Cổ Nhân", kỳ thực đều là tiếng lóng cả. Y Nhân là người vừa mới chết, "bất tri phiên" nghĩa là đừng nên động tới, mộ mới chôn, động vào dễ bị dòm ngó. "Quan Nhân" là người chết đã lâu, "kim ngọc khẩu" là mộ càng xưa, mộ phần vẫn còn kiên cố, tức là bên dưới có đồ tốt; "Cổ Nhân" là mộ cổ, hầu như đều là mộ của vương công quý tộc, dân thường làm gì còn nấm mộ sau bao phen loạn lạc cho được, vậy nên mới nói "tác trọng thiền", chữ "thiền" này là chữ cổ, nghĩa chỉ việc "quét" lúc tế lễ, ngày xưa thiên tử đi tuần thú, phong núi Thái Sơn mà tế trời, quét núi nhỏ mà tế núi sông gọi là "phong thiền", mộ cổ của quý tộc thì nên vét sạch, lấy sạch, nhưng phải thanh cao như thiên tử đi tế núi sông!
Vậy Hành Gia trộm mộ, cách thức ra sao? Thì như Tư Lĩnh đã làm, ấy là đào một cái huyệt giả, cách mộ mình muốn trộm không quá hai mươi thước, tốt nhất nên nằm về hướng đông của phần mộ muốn cướp. Làm lễ táng thì cho người giả vờ nằm trong quan tài, loại của Hành Gia dùng thì có tên riêng là "nhà đạp", ám chỉ loại nhà tranh của người nam bộ xưa, dựng tạm bợ, mỗi lần dọn nhà đi xứ khác ở, chỉ cần đạp vào cột, là nhà tự sập. "Nhà đạp" của Hành Gia cũng vậy, một bên vách, thường là vách phải, rất dễ bung, người nằm bên trong đạp vách, sau đó bắt đầu khoét đường đến mộ muốn cướp, khi ấy thần không biết, quỷ không hay!
Nhưng mục hay nhất và cũng là "thất đức" nhất của Hành Gia là "bốc bát hương", nghĩa là lấy xác người ra, làm trò tống tiền, mỹ miều thì gọi là "sàng tro". Khi tống tiền xong, trả lại, gọi là "cắm nhang". Bốc bát hương phải ngay giờ nghịch tuổi của người chết, khi cắm nhang lại thì lựa giờ hạp tuổi, vậy là xong, còn tránh những thứ cấm kỵ thì đã có nói ở trên, cũng để tránh gặp cương thi, tiếng lóng là "mồ tổ" mà thôi. Tại sao cương thi lại được gọi là mồ tổ? Nghe đâu dân Hành Gia đời đầu mỗi lần gặp cương thi đều chửi: "Mồ tổ cha nó, chạy!" Thế là có cái tên mộ tổ.
Tư Lĩnh khi đến nơi đây, thấy có mộ bề thế, nóm chỉ là y nhân, nhưng nảy sinh lòng tham, cướp mộ, sẵn tiện còn bốc cả bát hương đi, đến làng khác, dùng xác giả làm ma da, dọa dân làng tống tiền.
Chuyện ấy thực hư ra sao? Tư Lĩnh thu phục hai người đệ tử, không phải là yêu quái hay dã nhân gì cả, mà chỉ là người thường có những biến đổi quái dị, quái cá trê có thể lặn lâu, dã nhân có sức khỏe. Tư Lĩnh khi bốc bát hương thì khoét mắt người chết, nếu gặp xác chết quá lâu, mắt phân hủy thì thay bằng một cặp mắt mèo được chuẩn bị sẵn. Đặt mắt mèo vào cái xác, niệm chú, cho mắt mèo và nhục thể đồng nhất lại, sau đó móc mắt mèo ra, bỏ vào túi vải, từ đó có thể làm cho xác chậm phân hủy hơn trong thời gian đem đi tống tiền, chưa kể nếu tu luyện đủ lâu thì còn khiển được thi!
Tư Lĩnh sàng tro trong làng, đến khi cắm nhang gặp phải hung hiểm, xác hóa cương thi, nếu không nhờ Quán xuất hiện kịp thời thì đã mất mạng. Tư Lĩnh uống thêm hớp rượu, hỏi: "Nhị ca, gần đây huynh có bốc bát không?"
Quán cười, đáp: "Anh không bốc bát, anh chỉ đi tìm Thi Nhân!"
Thi Nhân trong câu của Quán nghĩa là sao? Khác với Cổ Nhân, Thi Nhân không phải ám chỉ mộ, mà ám chỉ người. Thi Nhân là người dùng xác người chết luyện ma thuật, hoặc như vốn dĩ là yêu ma, hồ ly tái thế, có hình dáng như người, đạo hạnh vô cùng cao thâm, nhưng không thể nào là người hoàn toàn, vẫn bị những thứ thuần dương khắc chế.
Tư Lĩnh trố mắt: "Thi Nhân Hành Gia? Thứ ấy sư phụ cũng bị nó hại chết mà, Thi Nhân rất khó xuất hiện, diệt được Thi Nhân có thể lấy đó làm phương thuốc chữa bệnh, huynh có manh mối hay sao?"
Quán đáp: "Anh cắm hương ngàn nắm đất, chưa gặp được Thi Nhân, nhưng cũng may gặp được thứ này!"
Quán hào hứng vén cổ áo, đó là một sợi dây chuyền có đầu lâu một con mèo nhỏ, kỳ lạ là mắt mèo vẫn còn dính trong hộp sọ chứ không bị hư hại gì cả.
Tư Lĩnh trầm trồ: "Thi Nhân Hành Gia, cắm hương ngàn nắm đất, Hành Gia tìm miêu thủ, miêu thủ tầm Thi Nhân, Thi Nhân hóa quan, kim tiền muôn vạn!"
Quán cười lớn: "Đường Hồng Quán anh đây, dù cắm hương ngàn nắm đất rồi, dù có cả miêu thủ ở đây rồi, nhưng Thi Nhân có biết được ở đâu đâu, vậy nên mới nói, chớ tin lời người xưa hư cấu ra quá!"
Cả hai cùng cười, bỗng nhiên gió lại rít lên, mây kéo đến bất chợt, vây quanh mặt trăng, một đường chớp rạch trời rọi sáng bãi tha ma, cả hai nhìn nhau biết rằng lại có biến, phen này là mồ tổ nào nữa đây? Chưa biết là mồ tổ hay là cô hồn dã quỷ, nhưng Tư Lĩnh thấy vết thương đau nhói. Quán nhìn phía cuối bãi tha ma, cách họ chừng năm sáu chục thước, có một đoàn đưa tang, lúc ấy là canh ba năm khắc!