Tuấn sững sờ trước câu nói của con trai, bà ngoại nhìn Tuấn cũng thấy chạnh lòng, bà nói :
-- Kìa Nam......sao cháu lại nói thế...?
Bác Dung đẩy Tuấn :
-- Mày đi đi, những năm mày đi tù mẹ con nó vẫn sống được, rôi mày về mày đã làm được gì cho chúng nó chưa...? Đi khỏi nhà tao ngay.
Tuấn lẳng lặng rời đi, Tuấn cũng đã nghĩ đến việc gia đình Vân sẽ không tha thứ cho mình, nhưng khi nãy nghe Nam nói mà lòng Tuấn như quặn thắt lại. Bé Hạnh chạy ra sân thì bị Nam bế ngược vào trong.
Con xe máy đầu rồng đít phụng nổ máy bành bạch rồi phóng đi mất, lúc này bà ngoại mới nói :
-- Dung à, con nặng lời rồi....Nó đúng là không tốt với cái Vân, nhưng cũng không phải thằng bỏ đi. Chuyện đã qua rồi, giờ thằng Nam với cái Hạnh vẫn là con nó, mày chửi bới thế sao được.....Rồi còn nói nó là người giết cái Vân, trẻ con nghe không hiểu nó nghĩ sai, không hay con ạ.
Bác Dung đáp :
-- Mẹ, đúng là con có quá lời, nhưng mẹ nghĩ xem, con nói không phải vu oan cho nó. Nếu nó là là thằng yêu vợ, thương con thì nó có để cho cái Vân phải khổ vậy không..? Cái Vân vì nó mà hi sinh cả cuộc đời, vậy mà nó ghen bóng, ghen gió, nó đánh cái Vân gần chết, thằng vũ phu đó sinh ra đã mang bản tính hung hăng rồi. Mẹ cho bọn trẻ tiếp xúc với nó rồi nó đánh cả con nó đấy. Con nó, nhưng cũng là cháu của con, con của em con. Mẹ chúng nó chết rồi con không thể để bọn trẻ rơi vào tay thằng bố cục súc như nó được.
Bà ngoại khẽ lắc đầu, bà hiểu tại sao con gái mình lại căm thù Tuấn đến vậy, bản thân bà cũng thế, bởi ngay từ đầu bà đã không muốn gả Vân cho Tuấn. Nhưng nghe theo ông Quý nên bà chấp nhận. Khi Tuấn đánh Vân, bà cũng căm ghét Tuấn lắm, nhưng sống đến cái tuổi này, cũng gần đất xa trời, bà hơn các con ở chỗ hiểu đời, nhìn rộng và bao dung hơn. Từ khi Vân chết, rồi ông Quý mất, bác Dung cũng phải cáng đáng, lo lắng cho Nam và Hạnh nhiều. Họ hàng bên gia đình ông Quý cũng thương hại hai đứa trẻ còn nhỏ nên thi thoảng người cho cái này, người cho cái nọ. Nhưng dù có thế nào đi nữa, cũng không ai lo cho bọn trẻ được cả đời nếu không phải bố mẹ chúng. Dù người khác có tốt với chúng đến đâu thì cũng không bằng tình cảm, máu mủ, ruột thịt. Bà ngoại cũng chẳng sống được bao lâu nữa, bà không muốn sau khi bà mất, hai đứa cháu không còn nơi nương tựa, lúc đó chúng mới thực sự là đáng thương. Bởi vậy, dù vẫn bực tức Tuấn vì những gì Tuấn gây ra, nhưng bà vẫn chấp nhận Tuấn vì bà thương hai đứa cháu của bà.
Hai anh em Nam xuống bếp ăn cơm, trên nhà, bà ngoại ngồi nói chuyện với bác Dung, bà cũng kể hết tất cả những gì mà Tuấn kể cho bà. Cả việc Tuấn quay trở về từ Hồng Kong rồi để trả thù cho vợ mà suýt giết người phải vào tù lần 2. Những đắng cay mà Tuấn một mình gánh chịu gần 3 năm qua. Đúng Tuấn đáng trách, nhưng Tuấn cũng đáng thương nữa.
Bà ngoại nói :
-- Cái số nó đã vậy rồi, mẹ cũng còn giận nó lắm. Nhưng mẹ nghĩ cho các cháu, nó cũng là thằng biết nghĩ, nhưng tội một nỗi, tính nóng, làm xong mới nghĩ. Mà để cho bố con nó gặp nhau cũng là ý của cái Vân. Mày cũng biết, sau khi ly dị, con Vân cũng không chịu đi thêm bước nữa. Có người chịu nó, cũng hiền lành mà nó bảo con ở vậy nuôi con, không muốn lấy chồng. Nay mẹ mới biết, không phải nó không muốn lấy, mà là nó đợi thằng Tuấn. Nó với bố mày lúc còn sống thương thằng Tuấn lắm, phải có lý do thì hai bố con nó mới vậy. Trước đây cả mày cũng chẳng quý thằng Tuấn lắm còn gì. Bản chất nó tốt, nhưng số nó khổ thì biết làm sao. u cũng là duyên nợ kiếp trước chúng nó nợ nhau, kiếp này phải trả. Ai muốn khổ đâu con, mẹ cũng sắp đi theo bố mày rồi. Mẹ mà chết đi, thằng Nam cái Hạnh biết tính làm sao. Bố nó đã đến đây quỳ gối xin lỗi, mình mà còn ngăn cấm, há hẹp hòi. Mà mẹ thấy lần này nó thay đổi nhiều lắm, nó có công việc, chẳng biết kiếm được bao nhiêu mà từ lúc về tới nay nó đứa mẹ 2 lần tiền để lo cho bọn trẻ. Đừng ép người ta quá con ạ, bố mẹ đẻ nó đã vậy, giờ đến con cái nó mình còn không cho gặp, vậy thì gia đình mình cũng thành thất đức. Chuyện thằng Tuấn với bọn trẻ, thôi cứ để bố con nó dần dần giải quyết. Mày đừng cay nghiệt quá, thương các cháu là tốt nhưng bọn trẻ vẫn là con thằng Tuấn.
Bác Dung nghe xong thì thấy mình đã sai thật, có nhiều chuyện mà bác không biết quá. Nhất là chuyện Vân bị tai nạn, nhưng kẻ gây tai nạn thì lại thoát tội. Khi nãy còn chửi Tuấn, nghe mẹ kể chuyện xong, bác Dung chửi thề :
-- Tổ cụ nó, sao cái thằng khốn gây tai nạn không bị đâm chết đi nhỉ...? Mà mẹ bảo thằng Tuấn bây giờ có công việc, nó làm gì vậy mẹ..?
Bà ngoại trả lời :
-- Nó đang chạy xe ôm ở quận D, khu du lịch ấy. Cũng mới chạy đâu được vài ngày thôi. Nó mới đưa cho mẹ 5 triệu đây này. Nhìn quần áo nó mặc chắc cũng tiết kiệm, không dám mua đồ mới. Khổ lắm con ạ.
Bác Dung hậm hực, nhưng bác nói :
-- Vầng, nếu thế thì con cũng còn thông cảm cho nó, ít ra nó vẫn là thằng có tình nghĩa, nào ai biết nó vì muốn trả thù cho cái Vân mà đi tù đâu. Thôi, con về đây, hết gạo mẹ nhớ bảo con, thằng Nam đang tuổi lớn, để nó đói con cũng sót cả ruột.
Cuộc trò chuyện giữa bác Dung và bà ngoại, Nam đứng nép sau cánh cửa nghe thấy hết. Nó lẳng lặng đi xuống bếp xem em ăn cơm xong chưa rồi dọn bát chén đi rửa, con bé Hạnh ăn dính cả cơm vào mép, nhìn thấy anh nó hỏi ngô nghê :
-- Anh Nam khóc nhè...
Nam không nói gì, nó đưa tay nhặt hạt cơm trên miệng em rồi bê mâm bát ra ngoài, cũng như bác Dung, lúc này sau khi nghe hết chuyện bà ngoại kể, nó thấy xấu hổ với bố của nó. Khi biết bố nó vì trả thù cho mẹ nó mà đi tù, nó lại có phần cảm phục bố nó hơn. Nhưng khi nãy nó lỡ cất lời không hay với bố nó rồi, bé Hạnh cũng ngoan, nhìn anh rửa bát, con bé đi lại rồi vục tay vào chậu bát, múc nước bên thùng tráng qua tráng lại, Nam khẽ hỏi em :
-- Hạnh này, em có quý bố không..?
Con bé cười tít mắt :
-- Dạ có, bố bế em lên cao vui lắm anh ạ....Bố còn cho em bánh kẹo nữa.....Không biết khi nào bố lại về thăm anh em mình nhỉ...?
Nam nhìn em mà khóe mắt cay cay, so với bạn bè, Nam già dặn trước tuổi, không phải nó muốn vậy mà nó bắt buộc phải vậy. Nó biết nó còn em nhỏ, bà ngoại đã già, nó phải cố gắng lớn thật nhanh để chăm lo, bảo vệ cho hai người. Vừa rửa bát Nam khẽ trả lời em :
-- Lần sau bố đến anh em mình cùng chào bố nhé.
Bé Hạnh cười tít cả mắt :
-- Vâng ạ.
Bà ngoại đứng phía cửa nách nãy giờ nhìn hai đứa cháu, bà cũng nghe thấy những gì hai anh em Nam vừa nói, bà khẽ nở một nụ cười hiền hậu. Nam có thể ương bướng, lạnh lùng với tất cả mọi người, nhưng bà ngoại biết Nam không phải đứa trẻ xấu, Nam biết suy nghĩ và rất yêu thương em mình. Mẹ mất sớm, bố thì bao năm qua coi như không có, Nam nhận thức được rằng, mình là người phải bao bọc lấy đứa em gái nhỏ thay mẹ. Bà ngoại nhẹ nhàng đi vào trong, nước mắt bà khẽ lăn xuống hai gò má gầy ruộc nhiều những nếp nhăn.
[.........]
Đã 5 ngày trôi qua, chưa thấy Minh gọi điện, Tuấn điện cho Minh cũng không được. Hôm nay quá sốt ruột, phần vì không thể ở mãi trong nhà trọ, phần không biết Minh đã lo liệu được hay chưa. Ngồi một chỗ thắc mắc càng thêm bực dọc, Tuấn lên xe phóng đến cửa tiệm sửa xe máy của Minh. Đến nơi, tiệm đóng cửa, Tuấn xuống xe lấy tay đập vào cửa xếp xem biết đâu Minh ở bên trong nghỉ, nhưng không có ai trả lời.
Bất chợt Tuấn nhìn thấy dưới mép cửa xếp, ngay trên nền gạch vỉa hè, có vế gì đó loang lổ. Cúi hẳn xuống nhìn thì Tuấn nhận ra, đó chính là máu. Lấy điện thoại, Tuấn gọi cho Minh một lần nữa nhưng số máy của Minh vẫn thuê bao. Nhìn trên biển hiệu, ngoài số di động, may sao Minh còn đề thêm cả số điện thoại bàn.
Bấm theo số được in trên biển hiệu, sau hai hồi chuông, bên kia có một giọng nữ trả lời :
-- Alo, ai đấy ạ...?
Tuấn hỏi :
-- Xin lỗi, đây có phải số của Minh, sửa xe máy không ạ..?
Người phụ nữ đầu dây bên kia đáp :
-- Đúng rồi ạ, nhưng anh là ai..?
Tuấn đáp :
-- Tôi là bạn của Minh, tôi đến quán nhưng không thấy mở. Minh có nhà không chị..?
Người phụ nữa kia trả lời :
-- Nếu anh đến sửa xe thì chồng tôi không đi làm được đâu.....Anh ấy đang nằm trong viện....Tôi xin lỗi...
Tuấn giật mình khi nghe tin Minh đang nằm viện, chẳng lẽ vết máu loang lổ dưới nền vỉa hè này là của Minh. Sau khi hỏi han được bệnh viện Minh đang nằm, Tuấn tắt máy, nắm chặt hai bàn tay lại, Tuấn nghiến răng :
-- Lũ khốn kiếp.....