Minh Hôn

Chương 14: Giày thêu hoa

Tôi đưa Đàm phu nhân về nhà bằng xe của mình. Trên đường đi Đàm phu nhân luôn nhận được các cuộc gọi về công việc trông rất bận rộn có vẻ việc làm ăn của bà ấy khá thuận lợi.

Tôi cũng không hỏi gì thêm im lặng lái xe, không hiểu sao trong đầu tôi luôn suy nghĩ mãi về những câu nói của cô gái khi nãy ở trong bệnh viện. Đến khi tĩnh tâm lại thì xe cũng đã đỗ trước cửa Đàm gia.

Chúng tôi vào đến trong sân thì trong nhà quản gia vội vàng chạy ra kính cẩn cúi thấp người lên tiếng chào:"Thưa phu nhân, Thượng Quan thiếu gia" rồi quay sang nói với Đàm phu nhân:"Thưa phu nhân, thầy Tư Mã Hiên đang đợi người ở trong phòng khách".

"Thật may quá có cả thầy ở đây, chúng ta mau vào trong thôi" Đàm phu nhân mừng rỡ nói rồi nhanh chóng cất bước vào bên trong tôi cũng theo nhịp của bà tiến vào.

"Thầy Hiên à, xin lỗi thầy để thầy phải đợi lâu rồi thật thất lễ quá". Đàm phu nhân vừa đặt chân vào phòng vội nói.

Tôi khẽ cúi người chào thầy Tư Mã Hiên.

"Không có gì, nhưng Thượng Quan thiếu gia đến đây có phải là để...?" Thầy Hiên nhíu hàng lông mày rậm không giấu được sự vui mừng trên mặt hỏi.

"Đúng rồi đó thầy, mọi người mau ngồi đi" Đàm phu nhân sốt sắng.

Quản gia từ bên ngoài tiến vào, tay bưng một khay sứ trắng bên trên là một bình trà đang nghi ngút khói tỏa ra hương sen ngạt ngào. Bà cúi người kính cẩn rót cho mỗi người một chén rồi lui ra.

"Mời thầy, mời Thượng Quan thiếu gia dùng".

Thầy Hiên nhấp một ngụm trà rồi đặt xuống bàn cất tiếng:" Thượng Quan thiếu gia đã đến đây, cũng đến lúc kể cho cậu ấy nghe mọi việc rồi phu nhân, sau đó ta cùng bàn chuyện. Ngày 14/7 Âm lịch cách đây cũng chẳng còn bao xa nữa".

"Rốt cuộc mọi việc là như thế nào vậy?" Tôi đảo mắt nhìn họ hỏi.

"Chuyện xảy ra vào cuối thời Thanh, Đàm gia là một họ lớn, 15/7 Âm lịch Đàm phu nhân tức nghĩa mẫu tôi hạ sinh đại tiểu thư Đàm gia là Đàm Quỳnh Dư là chị gái của tôi nhưng là sinh non khi chị ấy chỉ mới hơn tám tháng. Hạ sinh chị ấy xong tiên nương (bà đỡ) báo rằng chị ấy vừa lọt lòng thì tim đã ngừng đập.

Nghe vậy ai nấy đều bàng hoàng đau xót, sự ra đi của đại tiểu thư là nỗi mất mát quá lớn cho Đàm gia. Họ tổ chức đám tang cho chị, màu trắng đau thương tang tóc vây kín phủ. Sau khi hoàn thành các nghi thức, ngay lúc vừa đặt linh cữu chị ấy xuống huyệt thì có tiếng trẻ sơ sinh khóc ré lên ngày một lớn.

Cha mẹ cùng người xung quanh nửa mừng nửa lo qua xem thì đúng là chị ấy đã sống lại. Thật bất ngờ khi nghĩa địa là nơi tiễn đưa những người tận số qua thế giới bên kia, ấy vậy mà cũng chính tại nơi đó họ lại đưa đại tiểu thư họ Đàm từ cõi chết trở về. Niềm vui, niềm hạnh phúc của Đàm gia nở rộ ngay tại đây nhưng ở đời mà luôn luôn có hai mặt bên trên là niềm vui khôn xiết không có từ để tả còn ở xa xa phía dưới vẫn có người xì xào bàn tán nói rằng đây là điềm báo chẳng lành vì họ không tin rằng một đứa trẻ sơ sinh lại có thể sống dậy sau bốn ngày liệm, không được ăn uống hay sưởi ấm.

Cha mẹ đưa chị về nhà chị, vẫn mạnh khỏe như bao đứa trẻ khác nhưng sau đó không lâu nhiều người ở trong làng lần lượt bị sẩy thai, hạn hán xảy ra khiến người dân trong làng đói kém nhưng kỳ lạ là chỉ ở trong làng chứ không ở nơi khác. Người trong làng bắt đầu đồn ầm lên rằng chị là điềm xui rủi.

Họ nói tháng bảy Âm lịch chính là tháng Diêm Vương mở Qủy Môn Quan cho ma quỷ tự do lên dương gian và ngày 15/7 là ngày âm khí xung thiên nó lại trúng ngày chị Quỳnh Dư được hạ sinh. Những người độc địa ấy tin rằng khi chị vừa lọt lòng thì đã chết, khi đặt quan tài chị xuống huyệt chuẩn bị chôn cất thì lúc ấy cũng chính là lúc quỷ đã đọat xác của chị và trú ngụ. Họ tin rằng tiểu thư Đàm gia đã chết còn thứ đang sống trong thân xác ấy là một quỷ dữ nên đã mang những điềm xui rủi vào làng. Từ chuyện người làng lần lượt sảy thai cho đến hạn hán họ đều đổ hết lên đứa trẻ sơ sinh tội nghiệp ấy.

Rồi thì tin đồn cũng đến tai sắc làng (trửơng làng). Ông ta nổi tiếng là độc ác đã đặt ra những quy đinh hết sức tùy tiện, khắc nghiệt. Ông ta cùng các già làng đến Đàm gia nói cha mẹ phải mang chị ấy thiêu sống thì mới có thể giải trừ tai hạn bị quỷ ám này, mang lại bình yên đến cho làng. Cha mẹ đều bỏ ngoài tai những chuyện ấy khăng khăng một mực giữ chị Quỳnh Dư lại. Theo lẽ của lệ làng nếu ai có ý định bao che cho người mang tội hoặc chống đối thì cũng đều chịu chung số phận. Nhưng do Đàm gia là họ lớn có quyền có thế và được cả vua Thanh ưu ái nên họ cũng không dám làm khó dễ gì Đàm gia chúng tôi cả. Sau này những lời đồn đại cũng dần không còn.

Dù vậy nhưng cha mẹ đã nuôi nấng chị ấy ở trong phủ, hoàn toàn bị cách li với dân làng vì không muốn chị ấy nghe được những lời đàm tiếu độc mồm độc miệng ngoài kia.

Tiểu thư của Đàm gia từ nhỏ đã được dạy nề nếp một cách thuần thục, luôn giữ trọn khuôn phép công - dung - ngôn - hạnh. Lớn lên trong gia cảnh khá giả, không thiếu một thứ gì. Được bảo bọc trong sự cưng chiều yêu thương hết mực, bản thân lại rất thích thêu thùa may vá nên từ nhỏ tài nghệ của chị cũng đã vang xa, kỹ năng thêu thùa chưa bao giờ phải thua kém ai. Chị ấy rất thích đọc sách, về cầm - kỳ - thi - họa đều thâm sâu hiếm có ai sánh bằng. Nhờ kiến thức uyên bác lại sở hữu xuất thân danh giá Đàm thị từ sớm đã nổi danh là bậc tài nữ. Càng lớn chị ấy càng xinh đẹp chẳng cần son phấn điểm sắc thì chị cũng ăn đứt các mỹ nữ. Vẻ đẹp toàn diện kiều diễm mộc mạc đằm thắm không thể hòa lẫn. Mắt phượng mày ngài, miệng cười như hoa, giọng nói như ngọc.

Năm chị vừa đủ tuổi 18 trăng tròn, cũng là khởi đầu của đại nạn "hồng nhan bạc phận". Năm ấy công chúa Liên Hoa vì bệnh nặng mà qua đời, không muốn cho con gái phải chịu cảnh côi cút cô đơn lạnh lẽo nơi suối vàng nên vua Thanh và hoàng hậu đã lệnh tổ chức Minh Hôn cho công chúa. Biết đến tài năng thêu thùa may vá của Đàm tiểu thư, vua Thanh đã ban thánh chỉ lệnh trong ba ngày phải hoàn thành mười đôi giày đỏ thêu hoa bỉ ngạn để làm lễ vật trong hỷ sự của công chúa. Vì thời gian quá gấp gáp nhưng vì thánh chỉ đã ban không thể cãi nên chị phải thức trắng ba đêm để hoàn thành lễ vật.

Ngay hôm sau chị đã phải khăn gói lên đường từ sớm để mang giày tiến cung cho kịp giờ lành trong hỷ sự của công chúa Liên Hoa. Sau khi dâng giày lên cho vua và hoàng hậu , tất cả mọi người từ vua Thanh đến hoàng hậu cùng quan thần mắt đều không rời khỏi đôi giày luôn miệng tấm tắc khen ngợi tài hoa của chị. Nhưng không may, quận chúa La Nhi khi ấy mới chỉ có năm tuổi, để ý thấy giày mà tiểu thư Đàm Quỳnh Dư thêu rất đẹp vì ướm thử không vừa nên đã lén lấy một chiếc về giấu làm của riêng.

Đến lúc cử hành nghi thức Âm hôn thì mọi người phát hiện mười đôi giày thiếu mất một chiếc, hoàng hậu do quá tức giận không điều tra mà đã vội kết luận rằng do chị Quỳnh Dư bất cẩn nên đã làm thiếu mất một chiếc. Vì vậy mà công chúa Liên Hoa đã không thể hoàn thành nghi thức Minh hôn, bởi vì khi người chết chân đeo giày thêu hoa bỉ ngạn đỏ thì sẽ được cưới xin một cách thuận lợi và được chỉ đường dẫn lối đến suối vàng sống cuộc sống ở dưới âm ty một cách an yên, hạnh phúc. Nhưng bây giờ giày bị thiếu mất một chiếc, không thể hoàn thành âm hôn có nghĩa là điềm báo chẳng lành đồng nghĩa với việc công chúa sẽ phải cô đơn lạnh lẽo nơi suối vàng.

Vua Thanh rất giận dữ quy cho chị tội khi quân lệnh mang chị nhốt vào ngục tối, chờ ngày hành hình..