Thần Nhãn (Mắt Âm Dương)

Q1 - Chương 4: Lô đồ cổ

Cả tuần bận lu bù, hắn bị ông Cậu dồn cho một đống việc chẳng còn chút thời gian rảnh rỗi. Thằng Tùng kều mấy bận tạt qua công ty hắn vào buổi trưa kéo hắn đi uống cà phê. Nó bảo lâu lâu không được uống cà phê với hắn thì thấy nhớ. Khϊếp quá, người ta mà nghe thấy không khéo lại tưởng hai thằng bọn hắn có gì mờ ám.

Chiều thứ bảy được nghỉ, anh Quyết đã hẹn với hắn đến chỗ chú Hạnh. Đứng ở đầu đường, hắn nhìn dòng người qua lại. Hắn ngửa cổ ngắm nhìn bầu trời. Trên trời từng dòng năng lượng chuyển động theo đường xoắn khắp trong không gian, lơ lửng bên cạnh từng quả bóng năng lượng đủ màu bồng bềnh trôi lơ lửng. Các dòng năng lượng bay khắp tứ phía, gặp phải người nào đang đi trên đường có màu vầng hào quang quanh thân tương tự thì lập tức bị hút vào xoáy xoáy quanh người đó như cái phễu khổng lồ rồi từ từ dung nhập vào nguồn năng lượng của họ.

Hắn còn đang mải mê ngắm nghía những màu sắc lung linh thì từ đâu một chiếc taxi đỗ xịch bên cạnh. Anh Quyết thò đầu ra gọi hắn lên xe.

Xe taxi đi từ đường Lò Đúc rẽ vào phố Cảm Hội thì đỗ lại. Hắn xuống xe, nhanh chân bước vào ngôi nhà nho nhỏ có cửa sắt sơn trắng. Vừa thò cổ vào đã thấy chú Hạnh ngồi ngay cái bàn gần lối ra vào. Chú Hạnh cười vui vẻ chỉ chỉ cái ghế ý bảo hắn ngồi xuống. Anh Quyết cùng ông chủ nhà chống nạng lọc cọc đi vào theo sau.

Chú Hạnh năm nay cũng tầm năm nhăm, năm sáu tuổi kém bố hắn hai tuổi. Dáng người phương phi, da nâu bóng, khuôn mặt toát lên vẻ ung dung tự tại. Theo như lời bố hắn kể, chú Hạnh với bố hắn là huynh đệ đồng môn học theo một thầy. Năm đó Sư ông thu nhận có hai đệ tử tục gia là bố hắn và chú Hạnh. Chú Hạnh căn cơ thấp hơn bố hắn một bậc, tu lên được đến Nhị thiền thì ham mê thần thông mà rẽ ngang, cuối cùng trở thành một thầy pháp cao tay, khiến giới thầy bà phải nể phục. Sư ông không nói gì mà chỉ thở dài than: "Âu cũng là cái duyên, cái nghiệp"

Căn nhà chú Hạnh nho nhỏ, một bàn thờ phật chiếm cả bức tường đối diện cửa ra vào. Trên ban thờ, tượng Phật Chuẩn đề mười tám cánh tay cầm binh khí làm bằng gỗ Hương theo thời gian ngả màu nâu bóng sống động đầy linh khí. Bàn thờ trang nghiêm, hương đăng trà quả đầy đủ. Mùi hương trầm thơm ngát dịu nhẹ thoang thoảng trong căn phòng.

Chú Hạnh nhìn ông chủ nhà, chỉ một cái liếc mắt mà như nhìn xuyên thấu qua người, khiến ông chủ nhà hơi co co người lại. Chú quay sang cười cười với hắn

- Sao? Hôm nay lại rảnh rỗi đến nhà chú

- Cháu đến thăm chú không được ạ. Cháu nhớ món cà tím bung của cô

- À...! Hóa ra là nhớ món cà bung...

Chú Hạnh làm ra vẻ dỗi hắn. Khi còn nhỏ hắn thường đến nhà chú Hạnh chơi, con gái chú Hạnh bằng tuổi hắn, hai đứa thường rủ nhau đi bộ ra chợ tạm Nguyễn Cao ăn ốc. Lần nào hắn đến vợ chú cũng nấu món cà bung ốc đậu cho hắn ăn. Mà công nhận cô nấu món đấy ngon thật.

Quay sang anh Quyết với ông chủ nhà, chú hỏi

- Hai người hôm nay lên đây có chuyện gì?

Cái vẻ vờ như dỗi dằn với hắn biến mất. Thay vào đó là vẻ mặt ung dung như xa như gần khó tiếp cận. Không biết tại sao khi gặp chú Hạnh ông chủ nhà cứ thấy mình rúm lại. Ông líu ríu trình bày sự việc.

Chú Hạnh yên lặng lắng nghe xong, không nhanh không chậm nói

- Nếu tôi không nhầm, ông đã mời thầy về làm lễ rồi mà không xong?

- Dạ, đúng thưa thầy. Tôi đã mời thầy về làm lễ khi chặt cây ổi đào móng nhà, nhưng mà giờ thấy vẫn không được. Thầy xem thế nào giúp gia đình tôi

- Cái chân của ông tà khí đã xâm nhập vào tận xương rồi, có phải là mãi không khỏi?

- Dạ, phải. Cái chân này của tôi bác sỹ cũng ngạc nhiên sao lâu lành thế. Ông chủ nhà giật mình

- Để tôi nói cho ông biết. Nếu không phải có lời nhờ vả của sư huynh tôi, tôi không làm việc này cho ông đâu. Cái này là nghiệp của nhà ông nên ông mới bị ma xui quỷ khiến mà mua mảnh đất này

Ông chủ nhà quýnh lên rối rít

- Xin thầy làm phước, thầy giúp cho chúng tôi. Tiền bạc tôi đã đổ hết vào mảnh đất này, con gái lớn nay bị ra như thế, còn cái thân già này của tôi thì có chết cũng cam lòng

- Thôi được rồi, ông cứ yên tâm. Tôi đã nhận lời thì sẽ giúp ông. Chỉ có điều việc này cũng không dễ

- Xin thầy giúp cho, có tốn kém bao nhiêu tiền tôi cũng cố gắng thu xếp.

- Cũng chẳng mất bao nhiêu tiền đâu. Tôi xưa nay làm những việc này không lấy công. Người cho tôi lộc ở những việc khác để nuôi vợ con. Ông chỉ cần chuẩn bị những thứ cần thiết như tôi dặn là được.

Theo như lời chú Hạnh nói. Ma thần vòng là một loại ma rất dữ do lúc lâm chung quá đau đớn và mang nhiều oán hận nên không thể siêu thoát cứ lang thang ở nhân gian làm cô hồn ngọa quỷ. Nơi nó trú ngụ không để cho ai ở yên. Không ám cho người ta điên dại, mất mạng thì cũng khiến người ta tự treo cổ mà chết theo. Người nào không biết, cắt dây thắt cổ xuống mà không làm phép đốt đi thì nó theo ám không biết đến bao giờ mới thôi.

Mặt ông chủ nhà cứ lúc trắng lúc xanh, sợ đến thừ người ra. Sau khi căn dặn những vật cần chuẩn bị xong xuôi, chú Hạnh hẹn ngày mười sáu âm lịch xuống làm lễ giúp. Ông chủ nhà mừng rỡ xin phép ra về. Ra đến cửa rồi mà chân tay vẫn còn run run.

Chiều chủ nhật, hắn và Tùng kều hẹn nhau ra quán cà phê. Khi hắn đến nơi Tùng kều đã ngồi đó tự bao giờ. Vừa thấy hắn dựng xe ở ngoài đã kêu một nâu nóng cho hắn

- Mày chọn cái quán nào gần gần, chỗ này đi xa bỏ mịa

Hắn lầu bầu ngồi xuống ghế

- Nhưng cà phê ở đây uống được, rang xay tại chỗ luôn đấy. Tại mày không chịu ngồi quán cũ nên tao mới phải tìm chỗ này

Nó cười cười nói một tràng xoa dịu hắn. Cà phê được đem lên mùi thơm ngào ngạt bốc vào mũi hắn làm hắn quên cả nỗi bực mình vì phải đi xa vòng vèo. Nhấp một ngụm cà phê, lắng lại trong họng vị ngọt ngào đăng đắng. Tùng kều đợi hắn uống xong mới nói

Chưa kịp cho hắn lên tiếng. Tùng kều lôi điện thoại mở ảnh cho hắn xem. Một loạt bát đĩa ấm chén, các vật dụng bằng gốm hoa văn vô cùng tinh xảo. Tùng kều chỉ vào một cái ảnh

- Cái này là thời Lý đấy. Nhìn bên ngoài còn đẹp hơn trong ảnh nhiều. Chất men tuyệt đẹp, hoa văn vẽ tay tinh xảo thôi rồi

Trong ảnh một cái bát ăn cơm bằng gốm men ngọc. Chất men ánh lên màu xanh trong suốt. Hoa cúc vẽ bằng tay cực kỳ có hồn, từng bông hoa như đang nở rộ, đường nét vô cùng điêu luyện thanh thoát. Cái bát toát ra vẻ xinh đẹp rất thu hút

- Có đại gia muốn mua hết lô này rồi, nhưng ông già tao thích cái bát này quá nên chừa lại nó không bán

- Làm sao mà ông già mày mua được lô đồ này

- Quản lý thi công nạo vét sông Tô Lịch là người quen của anh họ tao. Trong đồ ông ấy mang đến còn có một cái Tước men màu đen cực đẹp. Ông anh họ tao lấy rồi

- Cái Tước? Là đồ dùng để uống rượu?

- Ừ, màu đen bóng đẹp cực

Hắn đột nhiên thấy gờn gợn trong lòng. Hình ảnh luồng âm khí đen tím hung mãnh yêu dị thoát ra từ đám cọc trên sông hiện rõ trong đầu. Hắn lắc lắc cái đầu xua tan cái cảm giác bất an vừa nổi lên trong lòng. Thằng Tùng vẫn đang thao thao bất tuyệt về lô đồ cổ mới mua được.

Nhà Tùng kều nhiều đời phất lên nhờ buôn bán, đến đời cụ hắn thì buôn bán đá phong thủy và đồ cổ. Đến đời bố hắn làm ăn rất phát đạt, mỗi tội ông già hắn học không cao nên vẫn luôn hy vọng anh em hắn học hành thành đạt.

Theo nguyện vọng của ông già, Tùng kều cũng chật vật mới thi đỗ được vào trường đại học Bách Khoa. Mấy năm học đại học, hết đánh nhau, bùng học, rồi đến đánh bài trong ký túc xá bị bắt tại trận. Tùng kều suýt bị đuổi học mấy lần, may mà ông già hắn ngoại giao tốt nên cuối cùng cũng lê lết tốt nghiệp được cái bằng trung bình.

Ra trường, Tùng kều cũng quyết chí làm lại cuộc đời lắm. Ấy nhưng mà đi làm đâu được nửa tháng thì sếp hắn nổi giận đuổi việc. Nguyên nhân thì cũng chẳng có gì, chỉ là hắn học chuyên ngành cơ điện mà thế quái nào điện một chiều với xoay chiều cũng chả phân biệt nổi. Mấy tủ thiết bị điện mới nhập về, hắn hăng say đấu nối, tận tụy với công việc. Mỗi tội đến lúc đóng thử điện thì cháy sạch, mất toi cả mấy chục triệu của công ty. Thế là đi đời cái ước mơ được nhìn thấy con trai thắt cà vạt làm việc tại các văn phòng lớn trong cao ốc hiện đại của ông già Tùng kều.

Đúng là trời không chiều lòng người. Tùng kều quay về phụ giúp ông già việc kinh doanh, thế mà công việc lại hợp. Tùng kều nhanh nhẹn, đầu óc linh hoạt nên ông già hắn cũng hài lòng ưng ý lắm. Mỗi tội, thỉnh thoảng ngồi nghĩ đến ước mơ công chức, ông già Tùng kều lại chép miệng tiếc rẻ.