Tôi Và Người Ấy Của Tôi

Chương 16

Edit: Sa

[40] – Báu vật

Gia đình 187 chỉ có một người họ hàng sống ở thành phố A nhưng không qua lại thường xuyên nên trong suốt thời gian chú đến thành phố A chữa bệnh, chúng tôi luôn ở khách sạn.

Sau khi đặt vé tàu cao tốc về lại vào ngày mai, tôi và 187 thu xếp hành lý, xong xuôi, chúng tôi cùng xuống chỗ lễ tân.

Nhân viên lễ tân nhìn thấy chúng tôi, hỏi: “Xin hỏi có việc gì không?”

“Chúng tôi muốn gia hạn phòng 407 và 409.” Tôi nói.

“Dạ.” Nhân viên lễ tân đáp: “Gia hạn tới ngày nào ạ?”

Tôi ngập ngừng, quay sang hỏi 187, “Hôm qua anh nói chuyện với bác sĩ đúng không? Bác sĩ có nói bao giờ chú được xuất viện không?”

187 trả lời: “Sớm nhất cũng phải một tuần nữa, có thể lâu hơn.”

Tôi nói với nhân viên lễ tân: “Tạm thời gia hạn một tuần.”

“Vâng.” Nhân viên lễ tân gật đầu, làm việc trên máy tính.

Tôi suy nghĩ một chút rồi nói với cô ấy: “Ngày mai chúng tôi phải đi rồi, nhỡ sau này còn cần gia hạn phòng, tôi sợ mấy cụ ở nhà không biết cách. Tôi có thể add Wechat của cô không? Nếu cần gia hạn phòng, tôi chuyển tiền qua Wechat cho cô luôn được không?”

“Chuyện này…” Có lẽ vì chưa từng gặp tình huống này nên cô ấy rất bối rối, ngập ngừng hồi lâu vẫn chưa quyết định được. Sau đó có một chị khá lớn tuổi đi tới nói: “Được chứ ạ.”

Chị ấy rất nhiệt tình, nói xong thì lấy điện thoại ra ngay, quét mã hai chiều với tôi. Tôi cũng quét lại, add chị ấy.

“Cảm ơn chị nhiều.” Tôi cười nói.

Chị ấy: “Không có gì. Người nhà các em mổ ở bệnh viện XXXX rồi chuyển tới bệnh viện đối diện hả?”

“Dạ phải.”

“Biết ngay mà. Thường thì mổ ở bệnh viện đó xong là bệnh nhân sẽ được chuyển về bệnh viện này để nghỉ dưỡng, khách ở bệnh viện bọn chị hầu như toàn là người nhà bệnh nhân.” Chị ấy tỏ ra am hiểu, “Có gì em cứ chuyển tiền qua Wechat cho chị là được.”

Cảm ơn hai nhân viên lễ tân xong, tôi và 187 đi tới bệnh viện. Tới cột đèn giao thông, 187 dắt tay tôi băng qua đường, đang đi, anh chợt phì cười.

Tôi khó hiểu nhíu mày: “Gì thế?”

Đồng chí 187 nói: “Bình thường trông em ngố thế mà không ngờ lại chu đáo phết.”

“Em ngố hồi nào.” Tôi phản bác: “Đã bảo rồi, em thông minh lắm đó.”

187 quay đầu nhìn tôi, “Thế cơ à?”

Tôi kéo dài giọng: “Chứ sao. Chu đáo chỉ là một trong nhiều ưu điểm của em thôi, em còn rất am hiểu nghệ thuật cuộc sống…” Vừa nói tôi vừa khoát tay, “Haiz, thôi, vẫn còn sớm để nói với anh những điều này, chờ sau này đến lúc cần thì em từ từ dạy anh.”

187 buồn cười, véo nhẹ má tôi: “Suốt ngày nổ văng miểng. Em biết làm gì? Còn dạy anh nữa cơ, tính dạy cái gì?”

Tôi bất mãn hất tay anh ra, nghiêm túc: “Chẳng hạn như làm sao để mẹ và vợ hòa thuận.”

187: “…”

Hẳn là vị đồng chí này không ngờ tôi sẽ nói thế, ngớ cả người.

Tôi mừng khấp khởi, nói như súng liên thanh: “Anh hiểu không? Anh biết không? Anh biết mình đứng giữa thì nên làm gì không?”

187 nói nhẹ: “Mẹ anh hiền lắm, khá ít nói nhưng tính tình tốt lắm. Mẹ và em sẽ không có mâu thuẫn gì đâu.”

“Nhưng nhỡ có thì sao? Anh có biết cách xử lý không?” Tôi hỏi, “Ví dụ như vì việc của ai đó mà cô hiểu lầm em, nếu vậy thì anh sẽ làm gì?”

187 trả lời: “Anh sẽ giải thích cho mẹ, nói lý lẽ rõ ràng để mẹ biết là mẹ hiểu lầm em. Chỉ cần em không làm sai, anh sẽ hết lòng ủng hộ em.”

“Wow, anh giỏi quá.” Tôi giơ ngón tay cái lên rồi vỗ tay đôm đốp, “Anh mà ủng hộ kiểu đó thì bảo đảm hiểu lầm sẽ chồng chất hiểu lầm.”

187: “…”

“Vậy theo em thì phải làm sao?” 187 nheo mắt, “Nào, xin chỉ giáo.”

“Ở đại đa số gia đình, mẹ và vợ đều muốn mình là người phụ nữ quan trọng nhất của người con, người chồng, vì vậy khi mẹ chồng con dâu xảy ra mâu thuẫn, bất kể ai đúng ai sai, khi đứng trước mặt mẹ mình, anh tuyệt đối không được bênh vợ, tương tự, trước mặt vợ, anh cũng không được bênh mẹ. Cuộc sống gia đình là một môn nghệ thuật, mọi việc đều có nhiều góc độ, cân bằng hai bên thì gia đình mới êm ấm.” Tôi bắt chước vẻ mặt và giọng điệu điềm đạm của anh, “Hiểu chưa? Biết mình còn có rất nhiều cái cần học chưa?”

187 thích thú, hỏi tôi: “Ai dạy em thế?”

“Cái này thì cần ai dạy.” Tôi trả lời với vẻ hiển nhiên, “Rút ra từ cuộc sống thôi chứ đâu, nhìn nhiều nghe nhiều thì biết thôi.”

187 xoa đầu tôi: “Được đấy, IQ thấp nhưng EQ tạm chấp nhận được.”

“IQ ai thấp?” Tôi phản bác, “Em nói cho anh biết nhé, anh gặp được cô gái thông minh biết điều như em là phúc phận tám kiếp của anh đó.”

187 cười, rất nể tình mà phối hợp: “Ừm, đúng là anh nhặt được báu vật thật.”

***

[41] – Xem anh

Sắp xếp cho cô chú ổn thỏa, tôi và 187 rời khỏi thành phố A.

Về nhà, cuộc sống vẫn trôi qua như cũ. Ban ngày, 187 bận rộn với việc ở đơn vị, còn tôi thì làm việc ở nhà, buổi tối hai đứa gọi điện qua video, cuối tuần thì hẹn hò.

Như đã nói, cuộc sống của 187 khá đơn điệu, trừ công việc ra, anh chỉ thích chơi game và chơi thể thao. Bóng rổ, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, anh đều biết chơi và chơi rất khá, mà trong các môn thể thao ấy, 187 thích và giổi bóng rổ nhất.

Giống như phần lớn doanh trại, đơn vị của 187 cũng có đội bóng rổ, 187 là thành viên chủ lực của đội. Cuối tuần nọ, đơn vị của anh và những đơn vị khác hẹn nhau thi đấu giao hữu.

Sau giờ trưa, tôi đi theo 187 và các đồng đội của anh tới nơi so tài. Thay quần áo chơi bóng xong, 187 đưa quần áo cho tôi cầm, sau đó ra sân cùng mọi người.

Tôi ôm quần áo của anh, thấy họ còn chưa bắt đầu chơi, bèn lấy điện thoại ra xem TikTok.

Một lát sau, 187 bỗng chạy ra. Tôi ngơ ngác ngẩng đầu lên: “Sao thế? Quên gì ạ?”

187 cúi đầu nhìn tôi: “Anh chạy ra xem em.”

Tôi:?

187 nói tiếp: “Em có xem anh chơi không?”

Tôi: “…???”

Tôi chả hiểu ra làm sao, trả lời: “Xem mà.”

Vẻ mặt của vị huynh đệ này chẳng tốt lành gì. Anh im lặng chốc lát, liếc tới cái điện thoại của tôi, khó chịu nói: “Em toàn xem điện thoại.”

Tôi: “…@#$%”

Điện thoại:??? Tui đã làm sai điều chi?

Tôi bối rối cất điện thoại vào túi xách, nói: “Em không xem điện thoại nữa. Xem anh, xem anh.”

Thấy thế, 187 mới tạm hài lòng, lấy bình nước khoáng đưa cho tôi, xoa đầu tôi rồi xoay người ra sân.

“…”

***

[42] – Trọng sắc khinh bạn

Một cuối tuần vào tháng năm, mặt trời lơ lửng trên cao, hoa hé nụ cười, tôi vui vẻ chạy đến doanh trại thăm 187.

Như thường lệ, 187 ra cổng đón tôi. Vừa vào ký túc xá, tôi liền đặt túi xách xuống, hai mắt phát sáng nói với anh: “Anh anh, anh đăng nhập vào tài khoản giúp em với, em đi rửa mặt cái đã, họ hối em quá trời.”

187: “…”

187 đứng thẳng nhìn tôi, mặt không cảm xúc: “Em tới đây để làm gì?”

Tôi:?

Tôi chả hiểu mô tê ra làm sao: “Tới chơi với anh chứ làm gì.”

187 vẫn không cảm xúc, lắc đầu: “Em tới chơi với anh bao giờ, em tới hòng mượn máy tính của anh để chơi game với bạn em thì có.”

“…” Éc.

Tôi bối rối, nghĩ bụng mới tới nơi chưa kịp nói gì mà đã chiếm lấy máy tính của người ta thì đúng là quá đáng, hơn nữa theo như tôi nhận thấy, từ thái độ cho đến hành động của vị đại ca này cứ như tôi nợ tiền anh vậy, đủ để nó rõ anh vô cùng khó chịu.

“Có đâu nào.” Tôi giải thích, “Chỉ trùng hợp hẹn đúng hôm nay thôi mà, chơi có mấy ván hà.”

“Ừm. Vậy em chơi đi.” 187 cực kỳ điềm tĩnh nói, sau đó ngồi vào ghế, gác hai chân lên, xem điện thoại.

Tôi biết mình sai, im lặng chốc lát, sau đó rón rén tới chỗ anh, đứng lại. Anh phớt lờ tôi, tôi bèn kéo vai áo của anh, “Ê.”

Vị huynh đài này vẫn bất động như núi tựa như không nghe thấy gì, vẫn tiếp tục xem điện thoại.

Tôi thò đầu nhìn, điện thoại của anh đang phát trực tiếp trận đấu bóng rổ. Tôi hắng giọng, cười làm lành, nói: “Đang xem bóng ạ?”

Đồng chí 187 lạnh lùng “Ừm”, vẫn không ngẩng đầu.

Tôi: “Anh ủng hộ đội nào? Đội đang dẫn trước hay bị dẫn?”

187 lạnh lùng đáo: “Không ủng hộ đội nào cả, xem đại thôi.”

Tôi: “…”

Tôi phì cười, chọt tay vào lưng anh: “Anh sao thế? Giận à?”

Có lẽ bị tiếng cười của tôi kích động, 187 ngước mắt. Vị đồng chí này nhìn tôi đăm đăm hồi lâu, bỗng thình lình nói: “Chúng ta đi chơi cùng bạn của em, em chỉ quan tâm tới họ, hứng khởi nói chuyện với họ. Một mình em đi chơi với bạn của em, em sẽ không liên lạc với anh cả ngày trời. Ở chỗ anh có game em thích, em chơi cùng bạn của em. Anh ghen, anh giận.”

Nghe anh nói xong, tôi thoắt cái sửng sốt, ngớ cả người.

Có lẽ vì chịu ảnh hưởng từ gia đình, tôi tương đối hoạt bát vui vẻ, từ nhỏ đã trượng nghĩa với bạn bè, nhờ vậy mà có khá nhiều bạn. Cấp hai, cấp ba, đại học, hầu như mỗi giai đoạn đều có những người bạn thân thiết, không phải thân ai nấy lo mà thực sự thân thiết.

Sau khi yêu 187, thỉnh thoảng tôi sẽ đưa anh đi gặp bạn bè. Bạn bè của tôi cũng có tính cách khá giống tôi, tuy 187 không hòa nhập vào được nhưng anh ứng xử khéo léo nên cuộc hẹn nào cũng rất vui vẻ. Bạn bè của tôi đánh giá khá cao về anh.

Do đó, tôi hoàn toàn không ngờ tôi và anh lại nảy sinh mâu thuẫn ở vấn đề này. Hơn nữa, dựa theo tình hình, có vẻ như đồng chí 187 nhẫn nhịn đã lâu.

Tôi suy tư chốc lát, ngồi xuống cạnh anh, bình tĩnh hỏi: “Anh thấy em coi trọng bạn bè hơn anh?”

187 không vòng vo, đáp: “Đúng vậy.”

“Sao thế được, anh bị ảo giác đó.” Tôi cười, “Đối với em, anh và bạn bè đều rất quan trọng.”

187 cũng đã bình tĩnh trở lại, anh im lặng hồi lâu, thở dài, nói: “Anh có ít bạn nên hiện giờ chưa hiểu ý của em.”

Tôi cười: “Anh phải biết rằng ở thời điểm trước khi gặp anh, suốt hơn hai mươi năm, bạn bè là những người đã ở bên em trong những lúc khó khăn. Khi anh chưa xuất hiện, em buồn, họ ở bên em, em đau, cũng là họ ở bên em. Bạn bè chân chính tựa như người thân không có máu mủ ruột rà, bọn em đã cùng khóc cùng cười, cùng trải qua rất nhiều chuyện. Anh không hiểu tình cảm của bọn em là vì đó là phần cuộc đời của em mà anh vắng mặt.”

Nghe tôi nói xong, 187 ngẩn người, không nói gì. Sau một hồi im lặng, 187 nắm chặt tay tôi, anh cúi đầu, nói nhỏ: “Anh xin lỗi, tại anh không tìm thấy em sớm hơn.”

Không biết vì sao khi nghe những lời đó, tôi lại đỏ mắt. Tôi nhanh chóng che giấu cảm xúc của mình, nói bằng giọng bông đùa: “Không sao không sao, bây giờ cũng chưa muộn mà. Chuyện duyên phận đâu ai nói trước được.”

187 cười. Anh véo mạnh má tôi, nói, “Được rồi, chơi game đi.”

Tâm trạng của tôi khi ấy rất phức tạp, vừa bùi ngùi vừa thấy may mắn, đồng thời cũng có cả chua xót. Tôi nhìn anh, lắc đầu.

187: “Không chơi?”

“Ừm.” Tôi rầm rì: “Không muốn chơi nữa.”

187 buồn cười: “Sao bảo hẹn bạn rồi mà?”

Tôi nghiêm trang nói: “Em chợt phát hiện em rất rất thích anh.”

187: “…”

Có lẽ bị bất ngờ trước lời tỏ tình của tôi, 187 ngớ người.

Tôi dang rộng tay ôm chặt anh, 187 ngạc nhiên ôm lại tôi, xoa đầu tôi, dịu dàng nói: “Sao thế? Tự dưng sến rện thế?”

Tôi rầm rì: “Lý trí thường xuyên nhắc nhở em phải đối xử bình đẳng giữa bạn bè và anh, không thể vì anh mà bơ họ được. Nhưng phải làm sao đây, trong lòng em rất muốn trọng sắc khinh bạn.”

***

[43] – Giáo viên chủ nhiệm

Tôi có một nhóm chat độc giả, không nhiều người lắm, toàn là những cô bé thích tiểu thuyết của tôi, rảnh rỗi họ sẽ chat chit tâm sự, chia sẻ những quyển tiểu thuyết đang đọc hoặc những bộ phim đang xem, không khí rất vui vẻ, như bạn bè của nhau.

Tôi cũng thường xuyên tán dóc với mọi người những khi rỗi rảnh.

Một ngày nọ, lúc ăn cơm với 187, tôi mở nhóm chat, phát hiện một chủ đề thú vị liền nhập hội với mọi người.

Đang lạch cạch gõ chữ, giọng 187 thình lình vang lên. Anh nói: “Ăn cơm.”

Tôi: “…”

Tôi biết mình không thể cãi lại, bèn đặt điện thoại xuống, ngoan ngoãn ăn cơm.

Một lát sau, điện thoại của anh chợt reo chuông. 187 nhìn người gọi đến, nói với tôi: “Ăn đàng hoàng vào, không được chơi điện thoại.”

Tôi nghiêm trang gật đầu: “Dạ.”

Sau đó, anh đi ra khỏi lầu ký túc xá để nghe điện thoại.

Tôi nhân cơ hội cầm điện thoại lên, tiếp tục tán dóc. Gõ chữ liên hồi, nói chuyện liên tục, hoàn toàn không dừng lại được.

Đúng lúc này, tôi bỗng nhận thấy có gì đó là lạ, bèn ngước đầu nhìn ra ngoài cửa sổ. Vừa ngẩng đầu, 187 đã đứng bên cửa sổ tự bao giờ, anh đang ung dung nhìn tôi, hệt như giáo viên chủ nhiệm đứng ở cửa sau hồi tôi còn đi học.

Bốn mắt nhìn nhau, không khí ngưng đọng.

Tôi ngớ người: “…???”

Ngay sau đó, 187 hất cằm: “Còn chưa bỏ điện thoại xuống ăn cơm?”

“Dạ.”