Ngôi Làng Linh Thiêng

Chương 15: Ngọn nguồn của mọi vấn đề

Sáng sớm ngày hôm ấy anh Ngọc lên Đình thắp hương, ngôi Đình là nơi thờ một vị tể tướng thời Lý, cũng chính là thành hoàng của làng Đình Long. Sau khi khấn vái cầu xin, anh Ngọc đột nhiên cảm thấy mình tràn đầy dũng khí và sự tự tin. Anh về nhà chuẩn bị mọi thứ chu đáo để xẩm tối đi làm nhiệm vụ. Anh có căn dặn vợ rằng " Nếu tôi đi không trở về thì bà hiểu chuyện gì xảy ra với tôi rồi đấy, con cái nhờ cậy cả ở bà".

Trời mùa đông mưa phùn gió rét, mới hơn 17h chiều mà bầu trời đã tối. Một bóng người nhỏ nhắn nhanh nhẹn thoắt ẩn thoắt hiện trên cây Bàng cổ thụ rồi biến mất.

Trong phút chốc bóng người ấy xuất hiện cùng một bóng người cao lớn dưới bụi tre um tùm. Cả hai nhanh chóng biến mất mà không hề để lại một dấu vết nào.

Ở trên bờ đê, trong cái lô cốt bằng đá vô cùng kiên cố, một toán lính kẻ ngồi người nằm lố nhố xì xồ. Khói thuốc toả ra mù mịt bên trong lô cốt. Bỗng nhiên có tiếng ca-nô tuần tra chạy trên sông thì một kẻ trong số ấy lại phải đứng dậy để làm dấu hiệu liên lạc. Khi ca-nô vừa vụt qua, hắn định ngồi xuống thì mũi tên cắm trúng cổ họng khiến hắn gã gục xuống. Những tên lính bên trong chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì xuất hiện liên tiếp những cục lửa bay vào lô cốt, trong phút chốc khói mù mịt khắp bên trong. Tiếng chuông báo động khẩn cấp được vang lên liên hồi.

Lúc này hai bóng người một lớn một nhỏ nhanh chóng nhảy xuống sông lẫn vào đám lục bình đang trôi. Những tên lính da đen, da trắng cầm súng chạy ra ngoài bắn lung tung vì không rõ mục tiêu ở đâu.

Vài phút sau sự bình tĩnh trở lại, bọn lính thực dân bắt đầu chia ra đi truy lùng kẻ thù của chúng. Ca-nô nhanh chóng xuất hiện soi sáng dưới sông, trên bờ khá nhiều lính đã tập trung tìm kiếm dọc hai bên bờ sông.

---------------------------------------------------------------------

Trong lúc ấy, ở phía bên dưới đường hầm sát bờ tường Trụ Sở anh Hanh cùng mọi người nín thở nghe ngóng tình hình. Chỉ cần phía trên ông Hoà ra ám hiệu thì tất cả lập tức đào móng tường Trụ Sở.

Nhiều quan Pháp và quan lại địa phương hôm ấy đi dự đám cưới, một số tên say xỉn tại chỗ. Lúc này tại đồn Pháp điện đàm báo về có sự tấn công ở lô cốt phía bờ sông, chỉ huy lính Pháp lập tức lệnh báo động khẩn cấp, huy động toàn bộ lực lượng kể cả lính địa phương để truy lùng kẻ địch.

Ngay lúc ấy ở trong làng Đình Long xuất hiện một số bức vẽ được dán lên các bức tường. Nội dung bức tranh diễn tả sự đau đớn khổ cực của người dân khi bị quân thực dân áp bức bóc lột. Bọn lính thực dân tức tối bắt lũ quan lại địa phương cho người đi hủy toàn bộ số tranh vẽ ấy.

Vì thiếu người nên số lính canh người Việt ở Trụ Sở được điều động đi kiểm tra và hủy những bức tranh bị coi là phản động. Trước khi đi, ông Hoà để lại ám hiệu bằng âm thanh rất lớn để anh Hanh nghe thấy. Anh Hanh nghe xong nói với mọi người:

-- Nhanh chóng đào thôi anh em. Thời gian không nhiều đâu.

Tất cả đồng loạt dùng hết sức mình để đào đường hầm xuyên vào trong Trụ Sở. Với những dụng cụ thô sơ, việc xuyên thủng gạch đá gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người bị thương ở tay vì quá trình đào bới nhưng họ vẫn cố gắng chịu đau đớn để đào bới.

---------------------------------------------------------------------

Trở lại phía bờ sông, sự quần thảo của kẻ địch khiến anh Ngọc và thằng Triệu phải nín thở nặn dưới nước khá nhiều. Vào mùa đông, nước rất lạnh nên cả hai gặp vô vàn khó khăn. Thằng Triệu người gầy còm chẳng mấy chốc nó không thể cử động chân tay được nữa vì quá lạnh. Lúc này anh Ngọc phải đỡ thằng Triệu cố gắng dìu nó vào bờ.

Bên trên sông ca-nô vẫn lượn liên hồi, chúng xả súng lung tung vào những khóm lục bình đang trôi. Trên bờ đê lũ quan lại quát tháo ra lệnh bọn lính dò xét từng khóm cây bụi cỏ.

Anh Ngọc bỗng chốc cảm thấy nhói ở người và anh dần kiệt sức, anh tự nhủ " Không xong rồi". Tay anh Ngọc dần cứng lại nhưng vẫn túm lấy thằng Triệu, nước sông lạnh buốt làm anh không thể thở được, dần dần cả hai người chìm xuống đáy sông.

Trong làn nước mờ ảo, thi thoảng le lói ánh đèn từ ca-nô và trên bờ dọi xuống. Anh Ngọc lờ mờ nhìn thấy một bóng người kỳ lạ lại gần rồi sau đó cơ thể anh như có một lực lôi đi. Sau một hồi mơ màng ngụp lặn dưới dòng nước lạnh buốt cuối cùng anh Ngọc và thằng Triệu cũng chui vào được đường hầm lối đến sau vườn nhà anh. Cả hai khi ấy lịm đi không biết gì nữa.

---------------------------------------------------------------------

Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, cuối cùng đường hầm thông từ Đình vào trong Trụ Sở cũng được hoàn thành. Mọi người nhanh chóng rút lui rồi giải tán. Lúc này đám sĩ quan Pháp yêu cầu kiểm tra tất cả nhà dân quanh khu vực hai bên bờ sông. Lũ quan lại địa phương tập hợp đám lính người Việt rồi cho chúng đi kiểm tra từng nhà. Gia đình nào thiếu người mà không trình bày được lý do sẽ bị cho vào diện nghi vấn.

Nhóm người anh Hanh đã về nhà đầy đủ, nhưng còn thằng Triệu và anh Ngọc thì không rõ ra sao. Khi ấy ông Hòa được ông giao nhiệm vụ kiểm tra ngõ nhà anh Ngọc, còn ngõ đối diện của nhà thằng Triệu là một người lính khác.

Ông Hoà nhanh chóng chạy ra sau vườn, tìm cửa căn hầm bí mật chỗ bụi tre trong vườn nhà anh Ngọc rồi chui xuống. Vào trong căn hầm tối tăm ấy ông Hòa tìm thấy hai người đang nằm bất tỉnh, ông Hoà vội vàng kiểm tra hơi thở của cả hai " May quá vẫn còn thở". Ông lôi từng người một ra đến cửa hầm rồi chạy lại báo cho chị Ngọc:

-- Cô Ngọc nhanh chóng gọi thầy lang Hậu qua cứu chữa cho hai đứa, nhớ là phải bí mật. Bọn lính cứ để tôi lo.

-- Vâng, em đi ngay.

Chị vợ anh Ngọc vội vàng chạy sang nhà ông lang Hậu, hai nhà nằm chung một ngõ lên chẳng mấy chốc ông lang Hậu đã có mặt để cứu anh Ngọc và thằng Triệu.

Về phần ông Hoà, ông ra ngoài báo ngõ nhà anh Ngọc đầy đủ không thiếu một ai. Nhưng ở phía ngõ đối diện, bọn lính không thấy thằng Triệu đâu, và nó bị cho vào diện nghi vấn, nếu gặp sẽ bắt ngay lập tức.

Sau một hồi sưởi ấm và châm cứu thì thằng Triệu tỉnh lại. Còn anh Ngọc bị trúng đạn thương khá nặng, trong lúc anh mê man bất tỉnh thốt ra những lời nói rất lạ như là ở một thế giới khác.

Thằng Triệu khỏe lại thì mọi người lập tức báo tin bảo nó trốn đi một thời gian. Nó tạm biệt mọi người rồi bỏ trốn đi nơi khác để tránh sự truy lùng của quân thù.

____________________________________________ #Ngôi_Làng_Linh_Thiêng

 Facebook tác giả:

https://www.facebook.com/vanba.nguyen.5074

____________________________________________

Vài ngày sau mọi việc trở lại ổn định, bọn lính Pháp cho rằng một mình thằng Triệu là kẻ gây ra vụ việc, chúng dán hình vẽ thằng Triệu truy nã khắp nơi. Còn anh Ngọc cũng dần dần hồi tỉnh, mặc dù sức khỏe anh vẫn còn yếu, nhưng đã qua cơn nguy kịch. Anh thều thào kể với vợ:

-- Trong lúc nguy kịch tưởng chừng như sắp chết tôi gặp một sự việc rất lạ.

Chị Ngọc tò mò:

-- Chuyện gì lạ vậy ông?

Bà bình tĩnh nghe tôi nói đây:

-- Lúc đó đột nhiên xuất hiện một người mặc quan bào, cưỡi hà mã đến gần lôi tôi và thằng Triệu vào bờ. Ông ta nói rằng dương khí của tôi đã hết, đúng ra là tôi phải chết ngày hôm đó, nhưng vì tôi có lòng thành cầu xin thần thánh, lại quên thân mình để cứu người khác(thằng Triệu) vì thế cho tôi được sống tiếp. Nhưng ba đời nhà mình phải trả ơn cho thánh thần, tức là đến hết đời cháu nội của mình...

Chị Ngọc nghe chuyện cảm thấy ngạc nhiên vô cùng, chẳng lẽ chồng chị còn sống là do thánh thần giúp đỡ. Nhưng cái nợ phải trả e rằng cũng không nhỏ. Chị thở dài nói:

-- Cảm ơn thần thánh đã cứu giúp ông, nhưng không biết nhà mình sau này phải trả ơn ấy ra sao. Tôi lo lắm ông ạ.

Anh Ngọc cũng không biết phải làm sao:

-- Tôi cũng không biết nữa, tới đâu tính đến đó vậy. Thực sự cuộc sống của mình hiện tại khác gì địa ngục đâu bà. Hi vọng đời con cháu sẽ tốt hơn.

-- Thôi ông nghỉ ngơi đi, tôi phải đi trông mẻ rượu.

---------------------------------------------------------------------

Những ngày sau đó một số đường hầm khác cũng được đào, làng Đình Long chi chít những địa đạo, biến Đình Long thành một căn cứ địa thu nhỏ.

Một thời gian sau mọi người tổ chức một cuộc tấn công quy mô lớn vào đồn Pháp ở phía bên kia sông, nhờ có những thông tin nghe được từ đường hầm trong Trụ Sở và ông Hòa làm nội gián mà cuộc tấn công rất thành công, tiêu diệt khá nhiều quân địch. Lũ tay sai cùng bọn cường hào ác bá ở địa phương bị người dân bắt nhốt lại và tịch thu tàn sản.

Sau đó quân Pháp mở một chiến dịch càn quét quy mô lớn vào khu vực làng Đình Long, chúng dùng những vũ khí hạng nặng để tấn công vào làng. Người dân làng Đình Long lập những phòng tuyến chống lại quân địch nhưng số lượng quân địch quá lớn, lại được trang bị vũ khí hiện đại hơn rất nhiều khiến Ông Tám, ông Hoà rồi anh Ngọc và nhiều người khác... lần lượt bỏ mạng dưới súng đạn quân thù. Bọn lính vào làng càn quét gϊếŧ hại cả người già trẻ nhỏ những ai không kịp chạy trốn đều bị sát hại.

Khi ấy anh Hanh là người được giao nhiệm vụ dẫn người dân làng đi chạy trốn vì anh là người thông thạo mọi đường hầm trong làng. Anh Hanh rất muốn ở lại chiến đấu cùng mọi người nhưng khi ấy ông Tám nói:

-- Chú phải đi, trọng trách của chú rất lớn, sự an toàn của dân làng phụ thuộc vào chú. Sau này hãy đào tạo bọn trẻ theo nghề chú để quay về xây dựng lại quê hương.

Anh Ngọc nói thêm vào:

-- Lũ trẻ nhờ cậy ở em, đi đi em.

Anh Hanh buộc phải dẫn mọi người chạy trốn để tránh sự càn quét của quân địch.

Quân Pháp tràn vào làng, chúng phá hủy toàn bộ khuôn viên Đình làng Đình Long. Cây cối bị chặt hạ hoặc đốt cháy, những đường hầm bị đánh sập. Một số người bị bắt thì bị mang treo lên cầu Bàng ở Quán rồi xử bắn. Chỉ có những gia đình theo thực dân Pháp mới được sống an toàn. Những gia đình có người theo cách mạng nếu không kịp bỏ trốn sẽ bị gϊếŧ không thương tiếc...

---------------------------------------------------------------------

...

Một thời gian sau cách mạng tháng Tám nổ ra, tình hình dần dần ổn định những người dân làng Đình Long hồi trước phải bỏ xứ đi thì giờ họ dắt díu nhau quay lại quê hương. Gia đình ông Hanh khi ấy chào đón thêm vài thành viên mới. Con bé Cả đã lớn, nó giúp được rất nhiều việc trong nhà.

Về phía gia đình ông Ngọc, bà Ngọc ở vậy nuôi hai đứa con trai. Cậu con trai đầu lớn lên nhập ngũ để "Đòi nợ nước, trả thù nhà". Cậu con trai thứ rất khéo tay thì theo chú Hanh đi làm thợ xây.

Bà Ngọc quan sát cậu con thứ, cậu tên là Phúc, bà hiểu chính Phúc là người có nghiệp âm, sau này có lẽ phải đi trả ơn nhà thánh. Được ông Hanh đào tạo thằng Phúc con bà Ngọc là một thợ xây xuất sắc, thằng Phúc đắp vẽ còn đẹp hơn ông Hanh. Nó có một sở thích kỳ lạ là rất thích đi xây dựng các công trình tâm linh như Đình, Chùa , Đền, Miếu... Rồi miệt mài đắp vẽ những chi tiết cầu kỳ từ tượng Phật, đến rồng phượng...

Con bé Cả lớn lên, nó lại thích thằng Phúc, vì thằng Phúc không chỉ đắp vẽ giỏi, thằng Phúc còn biết đàn hát rất hay, chữ viết cũng rất đẹp. Chỉ có một điều là thằng Phúc dáng người thư sinh mảng khảnh, chứ không được cao to khỏe mạnh như bố nó là ông Ngọc. Bà Ngọc từng đi xem và biết thằng Phúc mang căn ông Hoàng Mười, người ta cũng nói số phận nó phải làm tôi tớ nhà thánh, đường dương sẽ không thọ. Bà có nói chuyện này với vợ chồng ông bà Hanh, nhưng bị ông bà Hanh gạt đi vì họ không tin vào những điều vô căn cứ. Thằng Phúc cũng rất quý con bé Cả, tuy con bé không xinh đẹp gì nhưng lại cực kỳ chăm chỉ và sắc sảo.

Ông Hanh rất quý mến thằng Phúc, coi nó như con ruột của mình. Con gái lớn của ông đến tuổi lấy vợ gả chồng thì ông liền hỏi ý bà Ngọc và thằng Phúc. Sau khi cả hai đồng ý một đám cưới giản dị diễn ra trong sự vui mừng của tất cả mọi người...

---------------------------------------------------------------------

Ông Phúc và bà Cả lấy nhau hồi bà cả mới 17 tuổi, sau đó bà sinh đứa con gái đầu lòng. Nuôi nó đến năm ba tuổi thì nó mất, bà sinh tiếp những đứa con khác nhưng không hiểu sao không đứa nào sống quá ba tuổi. Khi ấy bà mới nghĩ đến những lời mẹ chồng nói với bà trước khi mất:

" Nhà mình là con cái nhà thánh, nhiều đời phải đi hầu hạ các quan trên vì thế chồng con sẽ không thọ, các con của con muốn sống trên trần gian phải đi cầu xin thần thánh trời Phật..."

Bà Cả khi ấy khăn gói đi lễ bái khắp nơi, cuối cùng bà sinh hạ được một thằng con trai, tên nó là Nguyên. Vừa sinh xong thằng Nguyên đã ốm bệnh triền miên, thuốc đông thuốc tây đều chữa không khỏi. Bà Cả phải đi tế lễ khắp nơi mong con mình có thể sống được. Ông Phúc khi ấy đi xây dựng những công trình tâm linh đều làm không công để lấy công đức cho con trai mình.

Đến năm thằng Nguyên ba tuổi thì ông Phúc qua đời vì bạo bệnh. Một mình bà Cả chạy ngược chạy xuôi lễ bái khắp nơi để cứu lấy thằng Nguyên. Cuối cùng cũng tạm gọi là tai qua nạn khỏi.

Thằng Nguyên có khuôn mặt giống hệt ông nội nó, mỗi lần ông Hanh nhìn thấy cháu ngoại đều nhớ về người đồng đội năm xưa. Ông quý thằng Nguyên nhất trong tất cả các con cháu. Ông thường dẫn thằng Nguyên lên đình rồi chỉ chỗ cửa hầm cho nó và kể chuyện thời chiến tranh. Ngôi Đình khi ấy chỉ còn lại gian nhà hậu được người dân làng Đình Long xây dựng lại từ những bức tường đổ nát. Còn những gian chính điện đã không còn mảnh vụn nào nữa thì không thể phục hồi vì kinh phí quá lớn. Bên ngoài sân Đình còn duy nhất một cây đề bị cháy mất nửa thân, vậy mà nó vẫn sống sót mãi đến tận sau này.

...

___________________________________________

...

Trở lại hiện tại, thằng Nguyên sau khi ở Đình về nó lập tức bị ốm. Đến nửa đêm thì Thằng Nguyên gặp một giấc mộng thật sự khiến nó kinh hãi.

Nó mơ thấy mình đang ngồi chơi trong khuôn viên Đình làng thì có tiếng người gọi:

-- Nguyên ơi, ra đây với ông!

Thằng Nguyên quay người nhìn về phía phát ra tiếng nói, nó thấy một người đàn ông mặc quần áo kiểu ngày xưa, người ấy có nét gì đó rất giống nó, nó hỏi:

-- Ông là ai, sao lại biết tên cháu?

-- Ông là ông nội của cháu.

-- Ông nội ạ, vậy ông đưa cháu đi đâu?

-- Ông đưa cháu đi hầu các quan lớn, có cả bố cháu ở đó nữa.

Người đàn ông ấy nắm tay thằng Nguyên lôi nó đi, nó cố gắng giằng tay ra nói:

-- Cháu còn phải về nhà giúp mẹ làm việc, không đi với ông được đâu.

-- Sao cháu dám cãi lời ông, đi với ông ngay.

-- Không... không...cháu không muốn đi.

-- Đây là lệnh của quan, sao cháu dám trái lời, ông phải dậy bảo cháu mới được.

Người đàn ông ấy nói dứt câu thì lấy gậy vụt lên người thằng Nguyên, thằng Nguyên cúi gập người chịu đựng trong đau đớn...

Còn tiếp...