Lá Nằm Trong Lá

Chương 27

- Thôi, vậy là đúng rồi! – Xí Muội thở ra – Chắc chắn ông có tình ý với nhỏ Duyên rồi!

Lợi cựa quậy người, chỉ để nói “ơ,ơ”, nhưng rồi chợt nhận ra “ơ,ơ” là từ có vẻ thừa nhận hơn là phản đối, nó vét hết can đảm để ợ ra một sự chống trả yếu ớt:

- Làm gì có…

- Vậy mà có đấy! – Thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn nghiêm giọng, vừa nói vừa nhìn văn sĩ Mã Phú bằng ánh mắt như đố thằng này dám gạt nó – Chính truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua đã tố cáo mày. Bây giờ tao mới hiểu ra tại sao mày viết truyện này và tại sao mày không dám nhận mình là Mã Phú. Mày sợ nhỏ Duyên biết được tâm sự của mày, đó mới là lý do thật sự, đúng không?

Kết luận của thằng Thọ kết thúc luôn buổi cà phê. Phát đạn của thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn đã bắn ngay tim văn sĩ Mã Phú. Thằng Lợi đã rất giống kẻ sắp lăn ra xỉu và nếu như nó không lăn đùng ra giữa quán chỉ vì tiếng trống vào học đã kịp vang lên…

*

*      *

Các nàng thơ, kể cả nàng Cúc Tần đã rời khỏi ban báo chí, đều có mặt lúc văn sĩ Mã Phú bị đám thi sĩ tụi tôi hành hạ. Nhưng trừ Xí Muội là đứa trực tiếp đi gặp nhỏ Duyên ra, những nàng thơ còn lại đều không hề hé môi chọc ghẹo Lợi nửa lời.

So với con trai bọn tôi, tụi con gái có vẻ giàu lòng trắc ẩn hơn. Thỏ Con ngồi trong quán cà phê cũng không nói gì, nhưng đến lúc ra về, nó lại gần rầu rầu:

- Tội ông Lợi quá há!

- Ờ, tội ghê!

Tôi nói, bụng nhủ thầm nếu Thỏ Con biết rằng ngày Lợi về nhà làm gì chắc nó còn tội cho thằng này hơn nữa.

- Bây giờ làm sao để nhỏ Duyên biết sự thật hả? – Thỏ Con lắm mái tóc, trầm ngâm hỏi.

- Hè này thế nào nó cũng biết. – Tôi khụt khịt mũi, trả lời mà như không trả lời.

- Sao mình không nói cho nhỏ Duyên biết ngay bây giờ? Đợi đến hè lâu quá!

Tôi tất nhiên cũng muốn nhỏ Duyên biết sự thật càng sớm càng tốt. Vì thực ra tôi cũng không rõ thằng Lợi còn chịu đựng được sự thù địch của đứa con gái nó thầm yêu thương (chắc thế!) bao lâu nữa, trong khi phải è lưng trước cả núi công việc mà cha của người con gái đó trút lên cuộc đời nó.

Nhưng rồi suy đi ngẫm lại tôi biết không đứa nào, kể cả thần tượng Xí Muội của nhỏ Duyên, có thể làm được chuyện này. Chõ mũi vào chuyện gia đình của người khác là điều xưa này bị xem là tối kỵ, chuyện nhà nhỏ Duyên lại rắc rối phức tạp hơn bình thường, người ngoài đυ.ng vào có khi hỏng bét.

Cho nên hôm đó tôi chỉ ậm từ trước đề nghị của Thỏ Con, cũng may là nó chẳng phê phán gì thái độ không rõ ràng của tôi, có lẽ sau khi buột miệng nó cũng kịp nhận ra giữa ước muốn và thực hiện là một khoảng cách nhiêu khê vời vợi.

Tối đó lần đầu tiên tôi biết thế nào là trằn trọc. Như có một khối đen đen độn giữa tôi và giấc ngủ, rất nhiều lần giấc ngủ xích về phía tôi hoặc tôi xích về phía nó đều bị khối đen đó chặn lại.

Mãi một lúc thì tôi lờ mờ nhận ra khối đen đó có hình thù và đường nét, rồi một lúc lâu nữa thì hình thù và đường nét đó rõ dần thành khuôn mặt thằng Lợi.

Đích thị là thằng Lợi làm tôi khó ngủ. Có lúc tôi thử tưởng tượng tôi là nó để xem cuộc sống của một đứa mồ côi có mùi vị thế nào nhưng cố đến mấy tôi cũng không hình dung được điều gì đặc biệt, đơn giản vì tôi chưa bao giờ là thằng Lợi, cũng như chưa bao giờ cực khổ hay sống trong nghịch cảnh như nói.

Tôi lại lan man nghĩ đến câu chuyện chàng chăn ngựa của nó.

Khung cảnh trong truyện, các loại cỏ cây, cả cái giếng đá thơ mộng kia đều là những gì thân thuộc với Lợi, là những thứ nó nhìn thấy hằng ngày. Cả chàng chăn ngựa, nhà vua và nàng công chúa bé nhỏ cũng thế, đều đi ra từ đời thường của nó: thằng Lọi chăn bò biếng thành chàng chăn ngựa, ba nhỏ Duyên vào vai nhà vua, còn nhỏ Duyên hóa thân thành công chúa. Chỉ khác, nàng công chúa trong truyện là một phiên bản trái ngước với nàng công chúa ngoài đời. Nhỏ Duyên thì ghét chàng chăn bò bao nhiều thì nàng công chúa trong truyện đối xửa với chàng chăn ngựa dịu dàng, tình cảm bấy nhiêu.

Tôi không rõ khi ngồi viết những trang văn đẹp đẽ đó thằng Lợi nghĩ gì và tâm trạng của nó như thế nào. Tôi hiểu nó viết câu chuyện chàng chăn ngựa để gửi gắm niềm yêu mến của nó với đứa con gái vẫn xem nó như kẻ thù, nhưng có lẽ sâu xa hơn, nó muốn ký thác vào thiên truyện của mình những ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp mà có lẽ một đứa trẻ lạc loài vẫn luôn nghĩ tới và thường xuyên bắt gặp trong những giấc mơ.

Khi sắp xếp những ý nghĩ tươi sáng đó rồi rón rén bày ra trên giấy, có thể Lợi đang mỉm cười cho tương lai, cũng có thể nó đang nhỏ nước mắt tong tong xuống hiện tại. Nhưng tôi tin, dù nụ cười hay nước mắt thấm vào những trang văn thì câu chuyện tuyệt vời về chàng chăn ngựa có lẽ đã góp phần ru nó qua những cơn ác mộng của cuộc đời. Giống như người bị sóng nước nhấn chìm đang cố quờ tay vào cọc nhọn, một đứa bị số phận nhấn chìm như thằng Lợi có vẻ cũng đang cố níu lấy một giấc mơ để vượt qua giông bão của đời mình.

Tôi không biết tôi sẽ còn thao thức đến bao lâu trong tối hôm đó để nghĩ mãi về thằng Lợi nếu giấc ngủ không thình lình tóm lấy tôi ngay vào lúc tôi bắt đầu cảm thấy không muốn ngủ chút nào vì càng nghĩ về thằng Lợi tôi càng nhận ra được bao nhiêu điều hay ho mà trước đây tôi không bao giờ nghĩ tới.

*

*      *

Trong khi đám thi sĩ bọn tôi và các nàng thơ vẫn không nguôi ám ảnh về câu chuyện của văn sĩ Mã Phú và tiếp tục nghĩ trong vô vọng cách thức làm sao để nhỏ Duyên sớm biết được sự thật về nhân thế thằng này thì cả bọ tạm thời phải ngưng mọi nghĩ ngợi để tập trung đóng đặc san thành tập và sau đó hí hoáy l*иg vào từng cái bìa một rồi lấy keo dán lại Những lần trước, ban báo chí nhà trường dưới sự lãnh đạo của thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn chỉ dám in ba trăm tập (dĩ nhiên bán không hết, phút chót toàn đem biếu), năm nay cậy danh tiếng của Mã Phú với “tuyệt phẩm Chàng chăn ngựa của nhà vua” (chữ dùng của Lãnh Nguyệt Hàn), Thọ đề nghị tăng số lượng lên gấp đôi bằng cách khí khái thể với thầy hiệu trưởng là nếu nó không hoàn đủ vốn lại cho nhà trường nó sẽ lập tức bỏ trường ra đi.

Thầy hiệu trưởng biết thừa tay trưởng ban báo chí chỉ giỏi khua tay môi múa mép vì dù lãi hay lỗ trong vụ đặc san này thằng Thọ cũng phải khăn gói khỏi trường để vào thành phố học tiếp nhưng vì thầy vốn yêu văn chương, lại cũng biết thiên truyện của Mã Phú đang được ái mộ nên thầy gật đầu dễ dãi, chỉ thòng một câu dọa đùa: “Nếu em không hoàn vốn lại cho nhà trường thì em khỏi cần đi đâu làm chi, cứ ở lại đây học tiếp một năm nữa là thầy vui rồi!”.

Thằng Thọ thuật lại như vậy, rồi cười hề hề giục bọn tôi làm việc.

Tôi không biết sáu trăm tập đặc san có tiêu thụ được hết không và nếu bán hết tụi tôi sẽ vui cỡ nào nhưng lúc này ngồi è cổ đóng và vô bìa từng tập một quả là một cực hình khi tất cả đều hoàn toàn làm bằng thủ công.

Tám đứa trong bán báo chi, kể cả cựu thành viên Cúc Tần, xúm xít quanh các chồng giấy in ronéo chất đống trong hội trường. Bốn đứa loay hoay xếp giấy kiêm bưng bê, bốn đứa còn lại bặm môi, thậm chí đè cả người lên cái bấm giấy để đóng ruột đặc san, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.

Tính luôn chuyện trét keo và dán bìa, bọn tôi mất đến hai ngày trời mới làm xong.

Trong thời gian này, thành viên thứ chín của ban báo chi là văn sĩ Mã Phú biến mất tăm (như trước nay nó vẫn thế), nhưng từ khi hiểu được hoàn cảnh của nó, thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn không còn nhăn nhó hay tìm cách bêu xấu nó bằng cách phao tin lung tung về giới tính của nó nữa. Trước đây đã một lần thằng Thọ cải chính về chuyện này bằng một câu nói chẳng lô – gíc tí ti ông cụ nào “Một viên ngọc quý thì không bao giờ pê – đê” nhưng tính Thọ tôi biết: khi nổi khùng, nó sẵn sàng nó ngược lại những gì nó từng nói bằng một vẻ trấn áo mạnh mẽ đến mức không đứa nào buồn quan tâm đến chuyện cãi lại nó.